478 lượt xem

Vũ Văn Lý

VŨ VĂN LÝ


Vũ Văn Lý ông nghè yêu nước, đã để lại trong lòng nhân dân vùng Lý Nhân tỉnh Hà Nam nhiều dấu ấn khó quên. Ông là thầy dạy của nhiều danh nhân như Nguyễn Khuyến, Vũ Hữu Lợi…


 


(Hình minh họa). Nguồn: Sưu tập
 

13 năm không làm quan để làm thầy giáo

Ông họ Vũ, húy là Lý hiệu Vĩnh Xuyên, tự Trung Thuận, vốn xuất thân là nhà Nho ở xã Vĩnh Trụ, huyện Nam Sang tỉnh Hà Nội (nay thuộc Lý Nhân, Hà Nam). Cụ thân sinh ra ông là người nổi tiếng văn tài ở trấn Sơn Nam hạ, được triều đình phong tặng Phụng thành đại phu làm đến chức Hàn lâm viện thị giảng, mẹ họ Trần được tặng Tòng ngũ phẩm nghi nhân (bia khắc năm Tự Đức thứ 30 (1878) tại nhà thờ họ Vũ thị trấn Vĩnh Trụ).

Ông Vũ Văn Lý sinh năm Kỷ Tỵ (1809), đậu cử nhân năm Canh Tý (1840). Năm 32 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu niên hiệu Thiệu Trị 1 (1841) được triều đình bổ nhiệm làm liên tu Quốc sử quán, làm việc tại triều được 10 năm, đến năm Tự Đức thứ 5 (1881) vì lý do sức khỏe Vũ Văn Lý lui về quê nhà dưỡng hưu.

Tại quê nhà xã Vĩnh Trụ, ông nghè Vũ Văn Lý mở trường dạy học, được 13 năm đến năm Tự Đức thứ 18 (1864), ông lại nhận chỉ trở lại triều đình phục chức Tu soạn Quốc sử quán và Quốc tử giám tế tửu.

Năm Tự Đức thứ 23, Vũ Văn Lý được phong Hàn lâm viện thị giảng. Ngày 3 tháng 5 năm Tự Đức thứ 30 (1878), ông qua đời hưởng thọ 71 tuổi.

Cả hai lần làm quan lần đầu từ năm 1841 đến năm 1851 và lần thứ hai từ năm 1864 đến năm 1878 tổng cộng là 17 năm. Thời gian gián cách từ khi làm quan lần đầu đến lần 2 là 13 năm.

Chính trong thời gian gián cách 13 năm đó mà Vũ Văn Lý đã trở thành một nhà giáo lớn, đã để lại trong lòng nhân dân vùng Lý Nhân tỉnh Hà Nam nhiều dấu ấn khó quên. Đến nay, nhân dân vùng này vẫn kể cho nhau nghe những giai thoại nói về tình cảm của ông đối với học trò, nhất là việc ông đã nuôi dưỡng và sớm phát hiện ra tài năng của Nguyễn Thắng (sau là nhà thơ Nguyễn Khuyến).

Thầy dạy của các danh nhân

Trong gia phả họ Nguyễn làng An Đỗ, nhà thơ Nguyễn Khuyến có đoạn tự bạch như sau:

 “Tôi theo học quan tri phủ Hoài Đức là Trần Tiên sinh (húy Vỹ, người xã Vụ Bản). Chỗ nông thì lội, chỗ sâu đi thuyền, nương nhau mà sống. Mẹ tôi thì sớm chiều tựa cửa ngóng trông để giúp con nên người. Khuyến tôi thì một ngày học, mười ngày nghỉ. Năm tôi 18 tuổi đi thi, trượt ngay kỳ đệ nhất, năm Ất Mão (1855) rồi Mậu Ngọ (1858), thi hai khóa chỉ trúng nhị trường. Đến khoa Tân dậu (1861) lại bị loại ngay từ kỳ đệ nhất.

Thế là bốn khoa thi không đỗ, mẹ tôi tuổi ngày càng cao, nhà lại thêm nghèo. Vì thế tôi đành thu xếp ngồi dạy học ở nhà Đoàn Bích (là học trò của cha tôi ở xã Liễu Đôi, huyện Thanh Liêm). Nhưng mà sau đó may mắn gặp quan Tế tửu Vũ tiên sinh là học trò của ông bác tôi, khen tôi gắng công đèn sách và hứa cấp cho tôi giấy bút, lương ăn hàng tháng.

Khuyến tôi xin với mẹ rằng thầy giáo chỉ đủ lương một mình con ăn học còn ở nhà thiếu thốn thì sao? Nên con muốn tìm chỗ ngồi dạy học kiếm lương để sớm chiều mẹ đỡ phải lo, có được không. Mẹ tôi tỏ vẻ không vui trả lời tôi “Nhà con nối đời nho học, nếu con chịu khó theo đòi học hành, thì mẹ dù đói rét cũng cam tâm. Nếu chỉ vì cái lợi nhỏ trước mắt mà bỏ sự nghiệp học hành thì sau này còn mặt mũi nào nhìn cha ông nơi chín suối.

 Vâng lời mẹ, tôi bèn đến học quan Tế tửu họ Vũ (húy Lý ở xã Vĩnh Trụ huyện Nam Sang)”.

Căn cứ lời tự bạch trên, khi viết Địa chí huyện Bình Lục, phần nói về xã An Đỗ, tác giả Ngô Vi Liễn có câu “Lúc thiếu thời vị Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến được ông tiến sĩ Vũ Văn Lý người xã Vĩnh Trụ, phủ Lý Nhân, huyện Nam Sang nhận làm con nuôi và dạy cho học tại tư dinh của ông”.

Vũ Văn Lý ông nghè yêu nước còn là thầy dạy của một số danh nhân khác như Tiến sĩ Vũ Hữu Lợi, đã từng tham gia và hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy (1883-1884) do Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo, hoặc ông nghè Chấn Sơn ở Kim Bảng.

Số đông học trò của Vũ Văn Lý sau này đều trở thành các sĩ phu yêu nước hăng hái trong phong trào văn thân chống Pháp những năm cuối thế kỷ 19 đến thế kỷ 20 ở vùng Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình.

Tiến sĩ Vũ Văn Lý về nghỉ hưu tại quê nhà xã Vĩnh Trụ ở tuổi 65, khi sức khỏe đã giảm sút nhiều “bệnh tật khắp người” như lời ông tự bạch trong thơ, nhưng ông vẫn đem hết sức lực cuối đời để làm việc cho quê hương.
 


Tiến sĩ Vũ Văn Lý dành hết sức lực để làm việc cho quê hương (ảnh minh họa). Nguồn: Sưu tập
 

Xây dựng bia để răn dân

Vũ Văn Lý đã bỏ công sức, trí tuệ và tiền của bao nhiêu năm tích góp được, cùng phần đóng góp của dân làng, để xây dựng đình làng và khu văn chỉ, giờ đây đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Ông đã cho khắc lên bảng gỗ thờ thần trong hậu cung hàng chữ “Phi nhân thực thân duy đức thị y thần, thông minh chính trực nhi nhất giả dã”- có nghĩa là: “Nếu chẳng phải là người thực có lòng làm điều nhân đức, thì đâu gặp được sự tốt lành, bởi vì thần vốn là bậc sáng suốt, ngay thẳng trước sau như một”.

Hoặc như khi soạn văn bia ghi về việc làm đình làng, ông cũng đưa ra ý tưởng trong sáng liêm khiết của mình và tấm bia đá răn bảo mọi người:  “Luật lệ của làng ta là phải tiết kiệm, không được dùng của công vào việc ăn chơi xa xỉ, phải cấm mọi điều gian dối, ngăn chặn tham nhũng, cấm kỵ việc cạnh tranh kiện cáo.

Vẫn biết rằng như lửa khói mỗi ngày bốc lên càng cao, cạnh tranh lợi nhuận là không hề giảm bớt. Việc làng xóm tuy nhiều nhưng chẳng ngại phiền, chi phí dù lớn cũng chẳng ngại tốn kém, trước tiên phải thành hiệu quả trong dân, rồi đến việc phải hết sức thành tâm với thần linh. Có vậy mọi việc mới lên thành quả. Đó là điều cần nói ra rộng”.

 Thầy nào trò nấy

Danh thần thi tập là bút tích duy nhất và cũng là tiếng lòng tha thiết nhất của ông trước cuộc đời. Hầu hết các bài thơ trong Danh thần thi tập phản ánh tâm trạng, cuộc sống của ông ở hai giai đoạn làm quan triều đình. Những băn khoăn trăn trở trước thời thế. Từ biệt triều đình lần thứ nhất, ông viết bài “Tập thiện đường bái biệt”:

Cửu niên giảng tịch hộ Xuân Ôn,
Ngọc trát tân thừa thị các môn
Tình đáo biệt thời ưng hữu đễ
Tâm tương chiêu xứ cánh hà ngôn
Đông tây duy mệnh khâm thần tiết
Văn võ phi tài thiển Quốc ân
Bình tố giảng minh văn vũ ngữ
Tiên ưu hậu lạc niệm thường tồn.

Đại ý: chín năm làm chủ giảng ở Xuân Ôn, thảo giấy tờ việc quan cho các cửa; chút tình quyến luyến với các em ở quê nhà chẳng biết ngỏ cùng ai. Mọi việc làm chỉ cố khâm mệnh theo lễ tiết vua tôi; tài văn võ không có nghĩa mà thẹn với công ơn đất nước, tuy vậy vẫn phải giảng sách, bình văn bằng lời chân chính là thường tâm niệm giữ cho trọn lẽ hậu lạc tiên ưu.

Đến lần từ biệt thứ hai với triều đình, ông viết:

Quân thần phân nghị nhật nhĩ trường
Lão bệnh nan thân xứng sở vong
Phong quốc nhất tâm thường tỉnh nguyệt
Ưu dân lưỡng phát dĩ thành sương.

Đại ý: tình vua tôi trải đã bao ngày, già yếu bệnh tật chẳng xứng với lòng mong ước của vua, duy chỉ tấm lòng phụng sự đất nước luôn sáng như trăng rằm, bởi ưu lo dân mà tóc ngả màu sương.

Hai bài thơ ông viết ở hai lần tạm biệt triều chính để về quê sinh sống cách nhau 20 năm nhưng đều toát lên lòng yêu nước thương dân. Nhất là ở một triều đình ông đang phụng sự đã biểu lộ sự yếu hèn, bất lực trước sự xâm lược của thực dân Pháp.

Ở thời điểm Vũ Văn Lý đang làm quan tại triều là lúc vận mệnh đất nước đang đứng trước một nguy cơ lớn. Đó là sự xâm lấn ngày càng trắng trợn của thực dân Pháp, mà sự đối phó của triều đình thì vô cùng bạc nhược. Sự bế tắc này luôn giày vò ông, nhất là khi thấy mình không làm được gì để báo đền đất nước.

Để an ủi mình, Vũ Văn Lý chỉ biết thốt lên: “Tài tình bán vị côn thi lụy; thân địa thường ưu báo quốc khinh” (một chút tài thì quá nửa vì thơ, thân này dù đã nằm trong đất vẫn không dám xem nhẹ, lòng lo báo quốc).

Với những suy tư sâu sắc như vậy, Vũ Văn Lý đã truyền dạy cho các thế hệ học trò của mình về nỗi trăn trở trước cuộc sống đau khổ của hàng triệu sinh linh nước Việt, về lòng yêu quê hương đất nước, về phẩm hạnh làm quan làm người để rồi sau này học trò Nguyễn Khuyến cũng như ông nghè Vũ Hữu Lợi trở thành những người yêu nước lớn.

Thật là thầy nào trò nấy, một thế hệ trí thức đáng kính của đất Hà Nam. Tiến sĩ Vũ Văn Lý xứng danh là một nhà giáo một nhà văn hóa đáng được tôn trọng.

Nguồn: Khoahocdoisong.vn