538 lượt xem

Hồ Huân Nghiệp

Hồ Huân Nghiệp, nhà yêu nước hiếu đễ với cha mẹ, tận trung với non sông

Trước khi đối mặt với lưỡi đao nơi pháp trường, với tâm thế xem cái chết nhẹ tựa hồng mao, ông ung dung làm bài thơ cuối cùng, cũng là những tâm sự của bản thân, niềm trăn trở gửi gắm lại cho những người ở lại, sự đúc kết lý tưởng sống của ông, được hậu thế gọi là bài Lâm hình thời tác:
 
Kiến nghĩa ninh cam bất dũng vi,
Toàn bằng trung hiếu tác nam nhi.
 Thử thân sinh tử hà tu luận,
Duy luyến cao đường bạch phát thùy.

Dịch nghĩa:
 
Thấy nghĩa lòng đâu dám hững hờ,
Làm trai ngay thảo quyết tôn thờ.
Thân này sống chết không màng nhắc,
Thương bấy mẹ già tóc bạc phơ.

Tứ thơ ấy, không chỉ là khí phách của tác giả, mà còn phần nào, thể hiện tinh thần vị nghĩa, sự hào sảng đậm chất Nam Bộ. Tác giả của bài thơ trên, là Hồ Huân Nghiệp (1829 - 1864). Ông là chí sĩ, đồng thời là một nhà thơ yêu nước Nam Bộ nửa sau thế kỷ XIX khi giang sơn bị họa Tây xâm. Hồ Huân Nghiệp có tên chữ là Thiệu Tiên, vốn người làng An Định, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định, nay thuộc về địa phận Thành phố Hồ Chí Minh. Gia thế của họ Hồ, xem trong Hồ Huân Nghiệp truyện (Truyện Hồ Huân Nghiệp), Nguyễn Thông cho biết ông nội của ông tên là Thuận, làm quan đến chức Ký lục . Cha của ông tên Hồ Lợi. Xét ra, gia thế nhà ông tổ tiên đã có gốc nền ăn lộc nước rồi vậy.

Lại nói về Hồ Huân Nghiệp, dung mạo của họ Hồ vẫn theo Nguyễn Thông cho hay là rất khác người với mũi gọn, tay dài như tay vượn, tính tình lại thâm trầm nghiêm nghị, có khí tiết khác người thường. Ở con người ông, điểm nổi bật được biết đến, ấy là tài học được xếp vào hàng cự phách trong vùng nhờ tư chất và sự dạy dỗ theo nếp gia phong của gia đình. Sĩ phu đất Nam Kỳ thuở đó hầu hết đều biết tiếng và quý trọng Hồ Huân Nghiệp. Không chỉ nổi danh về đường học vấn, mà ở nơi ông, đức hiếu đễ với đấng sinh thành, cảm động đến cả kẻ xấu.

Chuyện là khi cha ông là ông Hồ Lợi mất, Hồ Huân Nghiệp hết sức đau xót nhớ thương, bèn dựng một ngôi lều tranh ngay bên cạnh mộ cha để tiện ngày đêm hương khói, lại lấy đó làm nơi dạy học trò theo nghiệp bút nghiên. Bấy giờ, bọn đạo chích thấy ông làm lều ngay chỗ chúng hay qua lại để đi “đục tường khoét vách” nên lấy làm khó chịu, hùa nhau đốt cháy căn lều của ông. Không lấy làm buồn, Hồ Huân Nghiệp lại cùng học trò dựng ngôi lều mới ngay trên nền cũ, tiếp tục việc hương khói cho mộ phần của cha và dạy học trò. Bọn trộm thấy ông làm thế cũng bởi tấm lòng hiếu thảo, sự chân thành, nên không tìm cách phá nữa, mà chọn ngả khác để đi5. Việc dựng lều hương khói cho mộ cha của Hồ Huân Nghiệp, làm ta liên tưởng đến nơi đất Trung nguyên trước Công nghiệp, Tử Cống từng làm vậy để nhang khói cho đức Khổng Tử. Tình mẫu tử, tình thầy trò dẫu khác nhau, nhưng cái đức hiếu thì chỉ có một vậy.

Riêng về phần mẹ già. Vì thương mẹ tuổi cao sức yếu, tóc bạc da mồi thiếu người chăm sóc đỡ đần, nên dù sức học vượt trội, văn hay chữ tốt, lại đang ở tuổi 30 “tam thập nhi lập”, nhưng Hồ Huân Nghiệp quyết bỏ mộng ghi danh bảng vàng, nguyện ở nhà chăm sóc mẹ già. Bạn thân nhiều người khuyến khích ông ứng thí, ông đều khảng khái từ chối mà rằng: “Đời đang buổi loạn lạc, khoa giáp làm chi? Tôi nay đã chán ý công danh, mong được phụng dưỡng mẹ già cho trọn đạo là thỏa nguyện”. Buổi ấy, tiếng súng đại bác của thực dân Pháp đã vang rền nơi Gia Định quê ông. Sau này, khi tham gia đội quân chống Tây xâm, nghĩ mình muốn trọn vẹn với non sông, thì lại không có ai đỡ đần phụng dưỡng mẹ già, ông ben đưa mẹ về Chợ Đệm, lấy vợ để mẹ có người phụng dưỡng thay mình để rảnh tay thực hành nghĩa vụ với nước .

Dù không theo con đường công danh, cử nghiệp để lập thân phò vua giúp nước, nhưng khi người Pháp phạm đến Lục tỉnh Nam kỳ năm Kỷ Mùi (1859), gây nên cảnh:

Ngậm ngùi thay ba bốn làng Gò Vấp, cây cỏ khô, thân thế đều khô;
Bát ngát nhỉ mười tám thôn Vườn Trầu, hoa trái rụng, người đời cũng rụng;
 Mấy dặm Gò Đen, Rạch Kiến, ngọn lửa thiêu sự nghiệp tan tành;
Đòi nơi Rạch Lá, Gò Công, trận gió quét cửa nhà trống lỗng.

Lại xây tội ác với dân ta: “Ở đâu mà chẳng thấy: phá chùa chiền, đào mồ mả, làm những việc bất nhơn? Ở đâu mà chẳng hay: đốt nhà cửa, hãm vợ con, làm những điều vô đạo?”. Như đa phần nhân sĩ có lòng vì nước, Hồ Huân Nghiệp lại trở thành một sĩ phu yêu nước tiêu biểu của đất Nam Kỳ bấy giờ, khi ông góp công lớn trong cuộc nổi dậy của nhân dân Nam Kỳ chống Phú Lang Sa (Pháp).

Dù đang chăm sóc mẹ già, nhưng ông không bàng quang trước thời cuộc. Theo Nguyễn Thông (1827 - 1884), một chí sĩ yêu nước cùng thời và rất kính trọng ông cho hay, lúc Trương Định dựng cờ nghĩa, đem quân đóng ở Tân Hòa (Gò Công), đại bản doanh của “Đám lá tối trời”, Hồ Huân Nghiệp từng hội kiến với anh hùng họ Trương và các nhân sĩ trong vùng. Lại cũng từng phát biểu ý kiến của bản thân về cuộc kháng chiến với em của Nguyễn Thông là Nguyễn Hài khi hội đàm với nhau rằng: “Kẻ làm việc nghĩa, không kể thành bại”.

Thấy vận nước đang cơn bĩ cực, nhưng do còn nặng lòng bởi chữ hiếu, nên khi nhận được thư Trương Định cử ông giữ chức Tri phủ Tân Bình, một bên tình nhà, một bên nợ nước, Hồ Huân Nghiệp từ chối không nhận vì nghĩ chưa thể trọn vẹn nếu một gánh hai vai. Không để mất một tài năng có khả năng cố kết lòng người, các nghĩa sĩ huyện Bình Dương, Tân Long như cụ Tú Phạm Như Châu, cụ Cử Lê Xuân Khánh là bạn thân cùng động viên ông tạm nhận để việc dân, việc binh có người đứng chủ. Lại có thư gửi cho ông, trong đó có đoạn: “Trong khi quốc gia lâm nạn, trượng phu ắt phải vì nước quên nhà. Vậy ông là người xứng đáng làm tiêu biểu cho cả binh dân, lẽ nào vì chữ hiếu mà bỏ trách nhiệm non sông?”. Thêm vào đó là sự động viên hết mực của chí sĩ Nguyễn Thông qua bài Ký Hồ cư sĩ Huân Nghiệp (Gửi cư sĩ Hồ Huân Nghiệp) với những lời động viên thống thiết, đầy khích lệ:

Nội dung bài thơ như sau:

 
 Vinh đồ xa mã khứ xâm xâm,
 Thuỳ tín Tường Đông tị thế tâm.
 Huỳnh quyển thủ trung thu thọ lão,
Bạch vân song bạn dã hoa thâm.
Mạn truyền sa mạo du liên mạc,
Tằng kiến hồ tôn bạn trúc lâm.
 Kim nhựt tuất trần biến đan khiếu,
Tri quân hà xứ tán y khâm”

 Dịch nghĩa:
 
Rộn rã đường danh vết ngựa xe,
 Tường Đông giấu tiếng khách ai dè!
 Quyển vàng nắm chặt không lay cội,
Mây trắng kề song thiết với huê.
Rừng trúc rượu bầu quen mắt thấy,
 Rèm sen khăn áo biếng tai nghe.
Trời Nam bụi giặc nay mù mịt,
 Anh giãi từ đâu nỗi khuất che.

 

Cảm cái tình, nặng chữ trung, Hồ Huân Nghiệp tạm gác việc nhà, nhậm chức tham gia kháng chiến, làm Tri phủ Tân Bình của đội quân kháng chiến. Trong tờ bẩm của Ty chức Phạm Tiến về “Tình hình ứng nghĩa của 3 tỉnh Nam Kỳ, Tự Đức năm 16 tháng 9 ngày 28” trên cơ sở lời khai của những người liên quan, vẫn còn lưu đoạn viết: “Chúng tôi cùng với Trương Định bàn định với nhau, trao cho viên Cử nhân Bùi Tấn và Cù Khắc Kiệm chuyên coi công việc của huyện Tân Thịnh”… “Thân sĩ Hồ Huân Nghiệp, Tú tài Mai Phương Mỹ, và Nguyễn Duy Thận chuyên biện việc huyện Tân Bình”.

Thuở đó, ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ bị giặc uy hiếp mạnh, rồi chiếm trọn qua khoản 3 của Hòa ước Nhâm Tuất (1862). Nghĩa quân hoạt động khó khăn, đa phần những quan lại đều phải bí mật hoạt động trong lòng dân, không có dinh thự riêng. Làm Tri phủ Tân Bình, dù công việc gặp muôn vàn khó khăn, nhưng Hồ Huân Nghiệp vẫn ra sức vận động binh lính, lương thực để tiếp tế cho chủ tướng Trương Định. Không chỉ lo nghĩa vụ hậu cần, làm chức năng “dạ dày” cho nghĩa quân, sẵn tài năng thi văn, ông làm thơ khích lệ tinh thần chống Pháp trong giới sĩ phu đồng hương, tha thiết tỏ lòng với họ theo về chiến tuyến nhân dân mà kháng Pháp, như trong bài Lời cáo thị với sĩ phu Nam Kỳ:

Hễ làm người chớ ở hai lòng,
Thà vì nước phải theo một phía.
Trước làm nghĩa, sau cũng làm nghĩa, trước sau cho trọn nghĩa vua tôi;
 Sống có danh, thác cũng có danh, sống thác để thơm danh nhà nước .

Đồng thời, ông cùng nhiều chí sĩ yêu nước buổi ấy, dùng văn thơ đấu tranh chống lại luận điệu phản quốc của những tên Việt gian can tâm bán nước, làm tay sai tư tưởng cho giặc, tiêu biểu như Tôn Thọ Tường. Vốn trước đó, Tôn Thọ Tường (1825 - 1877) bán danh cầu vinh, theo chân Pháp làm Tri phủ Tân Bình mà làm tay sai đàn áp nhân dân ta từ tháng 7 năm Nhâm Tuất (1862), lại lấy tiếng cũng là kẻ xuất thân chữ nghĩa, nên thay mặt Đô đốc Bonard đi Gò Công “điều đình” với Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định, lại “tiến cử” các sĩ phu vùng Gia Định trong đó có thân sĩ Hồ Huân Nghiệp, Tú tài Mai Phương Mỹ, Cử nhân Huỳnh Văn Đạt, Bùi Văn Lý… ra làm việc cho người Pháp để thu phục nhân tâm trong vùng. Nhưng ý định đó bị thất bại hoàn toàn trước tinh thần vì nước quên thân của các chí sĩ yêu nước đất Gia Định, mà trước hết là Hồ Huân Nghiệp.

Dạo “Phủ ba Tường” (tức Tôn Thọ Tường) làm mười bài thơ Tự thuật tuyên truyền cho tư tưởng đầu hàng, nể phục sức mạnh quân sự của Pháp, cũng như muốn giãi bày lòng mình và kêu gọi sự thức thời từ các sĩ phu bấy giờ nên nương theo thời thế , ngay lập tức, các thân sĩ yêu nước đất Nam Kỳ như Phan Văn Trị, Lê Quang Chiểu, Bùi Hữu Nghĩa… lập tức mở một cuộc “bút chiến” họa lại mười bài thơ của họ Tôn, bẻ lại luận điệu bán nước của y. Người được xem là “bút chiến” sớm nhất trên văn đàn ở Sài Gòn - Gia Định lúc ấy với Tôn chính là Hồ Huân Nghiệp, một cuộc “bút chiến” giữa Tri phủ Tân Bình trong chính quyền kháng chiến của Trương Định với Tri phủ Tân Bình trong chính quyền xâm lược của thực dân Pháp, “với việc đánh giá Tường chỉ là hạng “cáo mượn oai hùm”, “bèo theo nước nổi” đồng thời kết luận rằng với từng ấy lời lẽ và lập luận, Tường cũng chẳng tỏ ra có kiến thức gì cao xa hay chí nguyện gì viễn đại mà thật ra chỉ theo Tây vì tối tăm ngu xuẩn và nhất là vì tiền bạc, công danh”. Những vần thơ của ông vừa bay bổng, vừa đanh thép giáng mạnh vào tư tưởng bán nước của Tri phủ họ Tôn khi chê Tôn Thọ Tường là “Rông đám bèo trôi nương mặt nước, Oai nhờ hùm dữ dỏng đuôi chồn”… “Tin cậy cơ mưu mờ khóe mắt, Nhàm lờn tiền của tối con ngươi”. Cuộc “bút chiến” của ông cùng các thân sĩ đất Nam Kỳ buổi ấy làm cho nhiều kẻ lung lay tư tưởng, muốn đầu hàng Tây cũng phải lấy làm run sợ như rùa rụt cổ.

Được giao làm nhiệm vụ cung cấp binh lương cho khởi nghĩa Trương Định, ông ra công gắng sức mà hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí khi căn cứ Tân Hòa bị thất thủ đầu năm Quý Hợi (1863), ông vẫn không thối chí, nản lòng, càng lưu động lo việc quân cơ dù quân Pháp đã chiếm đóng ở nhiều nơi. Gần một năm sau trận thua ở Tân Hòa, đêm 12 tháng 3 năm Giáp Tý (1864) (tức ngày 17 tháng 4 dương lịch), nhiệm sở của ông bị quân Pháp bao vây, Hồ Huân Nghiệp sa vào tay giặc, chúng đem ông về giam giữ tại phủ Tân Bình. Nhưng nhà tù thực dân cũng không làm thay đổi được khí phách, lòng trung trinh của người anh hùng đất Gia Định dù chúng đem muôn phương, nghìn kế hòng lung lạc ông để có được những thông tin bí mật về cuộc khởi nghĩa cũng như vị chủ tướng Trương Định: “Tên quan Tây hỏi Huân Nghiệp nơi Định trú và tên những người cầm đầu nghĩa binh, ông không đáp. Lại hỏi “Hòa ước đã định, sao còn sinh sự làm hại dân?” Huân Nghiệp khảng khái tranh cãi, tên quan Tây giận nhưng không thể cãi lại được. Thế rồi chúng đem đồ hành hình ra. Lúc ấy có tên đạo trưởng người Tây dương biết chữ Hán, thấy Hồ Huân Nghiệp là người nho học, muốn làm cho ông được tha, bèn đưa giá chữ thập ra bảo ông lạy. Huân Nghiệp không chịu khuất, lấy giá chữ thập vứt xuống đất”. Giờ tuyệt mệnh của người anh hùng họ Hồ cũng theo đó mà điểm. Kẻ thù biết không mua chuộc được ông, nên cho thi hành án tử.

Nghe tin ông bị xử tử, bà Huỳnh Thị, vợ của Trương Nghĩa Minh người Minh hương, là một người bạn thân đã mất trước đó của Hồ Huân Nghiệp, tìm cách đem vàng ra hối lộ cho quan Tây xin chuộc mạng cho ông, nhưng việc không thành. Dẫu vậy, càng thấy ông có uy tín rất mực với bạn đồng liêu. Cũng lúc sinh thời, bạn bè của ông toàn người giỏi giang, như Tú tài Phạm Như Châu, hoặc Cử nhân Lê Xuân Khánh. Thậm chí, Xuân Khánh dù bạn với ông, nhưng sau theo học ông, tôn ông làm thầy.

Sống vì nước, vì nhà, xứng đáng là một trang anh hùng. Trước khi về nơi cửu tuyền, thân sĩ họ Hồ càng tỏ rõ sự khảng khái can trường, xem cái chết cho dân, cho nước nhẹ nhàng như nghĩa vụ của trang nam tử.

Cũng là người đương thời với ông, nhưng trước tấm gương hi sinh cao cả của Hồ Huân Nghiệp, Nguyễn Thông đã nhận định về con người ông là: “Hồ Huân Nghiệp ở nhà thờ mẹ, gặp thời loạn lạc không thể không đạt được chí muốn của mình. Nhưng bài thơ ông làm khi ông lâm chung, lời nói mạnh mẽ. Thật đúng là bậc trượng phu tiết nghĩa”. Còn với hậu thế, tấm gương sáng của ông về sau mãi được kính phục, tôn thờ như lời ca ngợi của GS. Trần Văn Giàu: “Lớn thay tư tưởng “thấy việc nghĩa tất phải làm, không kể thành bại”, nhất là khi việc nghĩa đó lại là việc cứu nước. Cũng lớn thay thái độ đặt chữ “trung với nước” lên trên chữ “hiếu với mẹ”, trung với nước tức là hiếu với mẹ rồi vậy. Càng lớn thay tinh thần bình thản trước cái chết vì đại nghĩa, một thái độ thấm nhuần triết lý sống Việt Nam” . Dẫu nghiệp lớn cứu nước chưa thành, nhưng sự hiếu đễ với đấng sinh thành, sự tận trung báo quốc nơi nhà yêu nước họ Hồ, chính là thể hiện cao cả cho chữ trung, chữ hiếu đấy vậy.

Nguồn: sugia.vn