267 lượt xem

Đào Sư Tích - Kì 2: hành trình gian nan đi sứ Trung Quốc

Việc đi sứ của Đào Sư Tích không thấy ghi trong lịch sử. Nhiều tài liệu của những tác gia nghiên cứu về Đào Sư Tích đều thừa nhận chuyến đi sứ gian nan của ông nhưng không nói thời gian nào.


Đền thờ Trạng nguyên Đào Sư Tích. Nguồn: sưu tầm

Đọc sách cho vua Minh

Khi Hồ Quý Ly về Cổ Lễ triệu Đào Sư Tích vào triều thì ông đã ở Tam Đảo. Tưởng ông bỏ trốn, Hồ Quý Ly “ra lệnh” nếu Đào Sư Tích không hồi triều đi sứ sẽ bị chu di tam tộc.

Đề phòng họ Đào bị tàn sát, Đào Sư Tích cho con cháu đổi ra họ Phạm rồi hồi triều nhận trách nhiệm đi sứ. Sau này con cháu ông có người lại đổi thành họ Dương, do đó từ đường họ Đào ở Cổ Lễ hiện nay có bức đại tự ghi là Đào – Phạm – Dương.

Bằng tài năng hơn người, ông đã thuyết phục vua Minh giảm nhẹ yêu sách, đặc biệt bãi bỏ việc đòi cống nạp tăng nhân, kéo dài thời gian hoà hoãn cho Đại Việt.

Tương truyền, nhà Minh cho người vơ vét sách thuốc bằng chữ Nôm của nước ta, đem về xếp cao đến nóc nhà, nhưng không có ai đọc thạo.

Nhân Đào Sư Tích sang sứ, vua Minh nhờ ông đọc và tóm tắt để Lý Sỹ Tài ghi lại bằng chữ Hán thành bộ Y tông tất đọc, ông chỉ đọc trong ít ngày là hết kho sách. Vua Minh kinh ngạc và khâm phục, đã tặng ông bốn chữ: Lưỡng quốc Trạng nguyên. Hiện bốn chữ này còn được khắc trong lăng Trạng nguyên Đào Sư Tích ở Cổ Lễ.

Đối đáp thông minh

Việc đi sứ của Đào Sư Tích không thấy ghi trong lịch sử. Nhiều tài liệu của những tác gia nghiên cứu về Đào Sư Tích đều thừa nhận việc đi sứ của ông nhưng không nói rõ thời gian nào.

Lý lịch di tích lịch sử văn hoá nhà thờ Trạng nguyên Đào Sư Tích của Bảo tàng Nam Hà chép rằng: theo truyền thuyết và tư liệu lịch sử thì khi ông mất tại đất Trung Quốc có 23 người, ngựa của nhà Minh hộ tống thi hài về an táng tại xứ Hạ Đồng (Cổ Lễ) theo di chúc của ông…

Nếu đúng như vậy thì Đào Sư Tích đi sứ vào năm 1395 – 1396 và mất trong khi đi sứ? Có ý kiến khác cho biết ông mất tại quê.

Tuy nhiên, về cái chết của Đào Sư Tích, trong dân gian còn lưu truyền giai thoại: thời hạn đi sứ của Đào Sư Tích sắp hết, vua Minh hỏi rằng: Nếu Bắc (chỉ Trung Quốc) đánh Nam (chỉ Đại Việt) thì ai thắng? Đào Sư Tích trả lời bằng hai câu thơ: Bắc thắng, Nam thua, thua thua thắng – Nam thua, Bắc thắng, thắng thắng thua.

Nghe câu trả lời, các quan võ nhà Minh cười khoái trá. Nhưng vua Minh lại không cười vì hiểu ý câu trả lời của Đào Sư Tích. Có 5 chữ thắng, 5 chữ thua, nghĩa là đánh Đại Việt chưa chắc đã thắng, chi bằng hoà là hơn. Câu trả lời không làm phật lòng vua Minh mà lại  kéo dài thời gian hoà hoãn cho Đại Việt.

Vua Minh lại hỏi: Nhà Trần suy vong, Hồ Quý Ly chuyên quyền, lòng dân ly tán, tại sao ta không thắng? Đào Sư Tích trả lời cũng bằng hai câu thơ: Trần thực, Hồ hư, hư hư thực – Cổ lai chinh chiến thực thực hư hư  (Nhà Trần là thực, Hồ chỉ là hư, hư là hư thực – Xưa nay chinh chiến thực thực hư hư).

Vua Minh biết không thể khuất phục được bèn nghĩ cách giết đi, liền sai một quan đại thần tiễn Đào Sư Tích về nơi nghỉ và đưa cho vị này 4 phong thư, dặn mở theo thứ tự…

Mở phong thư thứ nhất có dòng chữ: Thượng văn vấn, hạ tri vương. Vị đại thần nhà Minh không hiểu ra làm sao. Đào Sư Tích liền bảo: Vua Minh quá khen, cho ta là bậc thánh hiền, ta đâu dám nhận lời khen đó.

Và ông giải thích cho vị đại thần nhà Minh rõ. Vua Minh có ý bảo ta là thánh nhân đó mà. Phong thư thứ hai có câu trả lời cho phong thư thứ nhất.

Câu trả lời của Đào Sư Tích hoàn toàn đúng với đáp án trong phong thư thứ hai. Phong thư thứ ba là sắc phong Đào Sư Tích làm Lưỡng quốc Trạng nguyên. Phong thư thứ tư có hai dòng chữ: Hậu hoạ nhất dược nhị đao. Vị đại thần hiểu rằng vua Minh lệnh cho ông phải giết Đào Sư Tích nên ông rất hoang mang, buồn bã.

(còn nữa)