313 lượt xem

Trần Nguyên Đán - Kỳ 8

TRẦN NGUYÊN ĐÁN VÀ TAM GIÁO

Trần Nguyên Đán là nhà nho chính thống. Hoạt động cùng tâm cảm của vị quan nho học thể hiện trong hầu hết các tác phẩm còn truyền. Chính ông cũng khẳng định lựa chọn của mình khi tự ý rời bỏ chức vụ ở đài Ngự sử : “Nho phong bất chấn hồi vô lực” (儒風不振回無力), Ông sẽ gửi mình chốn sông hồ nếu phong hóa đạo Nho không được chấn hưng. Nói cách khác, Ông chỉ thích làm quan trong môi trường nho thuật được tôn trọng.

Về Phật giáo, chúng ta có thể phân tích cảm xúc tế vi của Nguyên Đán qua hai bài thơ đề vịnh chùa và tháp dưới đây :

題普賴山大明寺
用少保張公韻
塵起絲紛歲月流,
飽帆風送倘來遊。
鍾撞鯨吼千山動,
塔湧鰲簪巨浪浮。
關明塞煙悲客思,
朝雲暮雨羨僧幽。
平淮勳業鐫崖石,
俯鑑清漪未白頭。
Đề Phả Lại sơn Đại Minh tự
dụng Thiếu bảo Trương công vận
Trần khởi ti phân tuế nguyệt lưu,
Bão phàm phong tống thảng lai du.
Chung tràng kình hống thiên sơn động,
Tháp dũng ngao trâm cự lãng phù.
Quan nguyệt tái yên bi khách tứ,
Triêu vân mộ vũ tiện tăng u.
Bình Hoài huân nghiệp tuyên nhai thạch,
Phủ giám thanh y vị bạch đầu.

Dùng vần của ông Thiếu bảo họ Trương

Đề chùa Đại Minh, núi Phả Lại

(Cuộc đời) bụi bặm rối rắm, năm tháng trôi qua,
Buồm căng, gió đưa tiễn cuộc đi chơi ngoài mong đợi.
Chuông ngân như cá kình rống lay động nghìn ngọn núi,
(Núi có) tháp vươn cao trông tựa con ngao cài trâm bơi trên sóng to.
Trăng cửa ải, khói biên cương xui lòng khách u buồn,
Mây buổi sớm, mưa ban chiều, khiến cảnh thiền yên tịnh càng đáng mộ.
Công lao bình định Hoài tây đã được khắc vào vách núi,
Cúi soi làn sóng trong veo, thấy đầu chưa bạc !

Núi Phả Lại nay thuộc thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, thực tế chỉ là ngọn đồi thấp, cao khoảng hơn 30m. Chùa xưa trên núi mang tên Chúc Thánh, có thể chính là Đại Minh tự. Hiện tại, địa điểm cũ đã trở thành khu dân cư, dấu vết kiến trúc cổ hầu như mai một.

Thời Trần có vị nho tướng Trương Hán Siêu (? – 1354), khi qua đời được truy phong Thái Bảo, đến năm 1363 lại truy thăng Thái Phó (Toàn Thư II, 144, 152). Ở đây, Nguyên Đán lại nhắc đến Thiếu Bảo Trương công. Thái Bảo Trương Hán Siêu và Thiếu Bảo Trương công là hai người khác nhau hay chỉ là một ? Chúng ta có thể đi đến kết luận tương đối vững chắc khi xét tác phẩm “Dục Thúy sơn” của Nguyễn Trãi, cháu ngoại Nguyên Đán. Bốn câu cuối bài thơ luật ngũ ngôn đó như sau

塔影簪青玉,
波光鏡翠鬟。
有懷張少保,
碑刻蘚花斑。
Tháp ảnh trâm thanh ngọc,
Ba quang kính thúy hoàn.
Hữu hoài Trương Thiếu Bảo,
Bi khắc tiển hoa ban.

Bóng tháp như chiếc trâm bằng ngọc xanh,
(Cắm trên) búi tóc biếc (là) hình ảnh quả núi soi xuống dòng sông.
Chợt nhớ Thiếu bảo họ Trương,
Bia khắc đã loang lổ hoa rêu.
 

Trương Hán Siêu về nghỉ hưu tại núi Dục Thúy, sau khi qua đời, dân địa phương lập đền thờ Ông tại cùng địa điểm. Qua thơ đề cảnh, Ức Trai gọi cụ Trương là Thiếu Bảo. Như vậy quan Thiếu Bảo họ Trương chính là cụ Hán Siêu vậy. Dù Toàn Thư không ghi chép thời điểm cụ được ban chức này, song có thể hiểu rằng đây là chức vụ đảm nhiệm khi còn sống.

Chùa Phả Lại nổi tiếng từ thời Lý. Lê Tắc trong An Nam Chí lược ghi nhận hai vị sư Không Lộ và Giác Hải đã sang Tống xin đồng về đúc hai quả chuông, một lớn một nhỏ, để ở chùa Phả Lại. Không lâu sau, quả chuông lớn bị lăn xuống sông, còn quả chuông nhỏ vẫn tồn tại đến thời Lê Tắc viết sách (khoảng thập niên 1330). Qua thơ Nguyên Đán, ta biết được dù là chiếc chuông nhỏ hơn, tiếng vang của nó vẫn đủ sức lay động nghìn ngọn núi.

Trước Nguyên Đán, nhà thơ Nguyễn Sưởng (? – ?), hội viên thi xã Bích Động sáng lập bởi Trần Quang Triều (1286 – 1325), từng đề thơ ở chùa. Mãi đến thời Lê, Thánh tông (1442 – 1497) và Thái Thuận (1441 – ?) còn có thơ nhắc đến tiếng chuông vang rất xa của Phả Lại. Trương Hán Siêu (? – 1354) hẳn cũng lưu thơ tại danh thắng này, bài thơ mà Nguyên Đán đã mượn vần. Rất tiếc, sưu tập thơ văn cụ Trương còn đến nay, không giữ được bài luật nào theo bộ vận lưu-du-phù-u-đầu. Tuy nhiên, chúng ta vẫn mơ hồ thấy cách dụng vận đó trong Bạch Đằng giang phú của Thăng Phủ.

Nãi cử tiếp hề trung lưu,
Túng Tử Trường chi viễn du.
Thiệp Đại Than khẩu, tố Đông Triều đầu
Để Bạch Đằng giang, thị phiếm thị phù
Đại Thần là bến thuyền ngay chân núi Phả Lại.
 

Trăng nhợt nhạt, biển trời mây khói. Quang cảnh kỳ vĩ và thanh âm hùng tráng khiến Nguyên Đán sinh lòng ngưỡng mộ không gian tịch mịch của nhà chùa. Giữa cảnh tiên, Nguyên Đán nhớ đến huân nghiệp của Trương Hán Siêu, một nhà nho tiền bối. Cần để ý, nhà thơ không bày tỏ cảm xúc nào liên quan đến Phật. Tiếng chuông đủ lực lung lay nghìn núi, nhưng không đủ đánh thức tuệ giác cụ Trần.
Xa hơn sự thiếu quan tâm đạo Phật diễn đạt bên trên, “Bảo Nghiêm tháp” phô bày tình cảm tiêu cực của cụ Trần đối với tôn giáo truyền thống :

寶嚴塔
九層倚漢築堅牢,
萬古靈蹤佛骨韜。
晚日光臨奎畫動,
夜風吹起鐸聲高。
三摩地上簪蒼玉,
那舍城中湧白毫。
一笑無懮粧七寶,
龍蛇追琢役民勞。
Bảo Nghiêm tháp
Cửu tằng ỷ hán trúc kiên lao,
Vạn cổ linh tung Phật cốt thao.
Hiểu nhật quang lâm khuê hoạch (a) động,
Dạ phong xúy khởi đạc thanh cao.
Tam ma địa thượng trâm thương ngọc,
Na xá thành trung dũng bạch hào.
Nhất tiếu vô ưu trang thất bảo,
Long xà đôi trác dịch dân lao.

(a) Khuê hoạch 奎畫 : những nét vạch giữa các vì sao thuộc chòm sao Khuê, tượng trưng cho văn tự. Có vẻ quá cầu kỳ, nghi là do đọc-nghe-chép nhầm. Thiển ý, “khuê hoạt 圭活”, diễn tả các vật trang trí bằng ngọc khuê thì thỏa đáng hơn.

Tháp Bảo Nghiêm

Chín tầng cao vút trời, cấu trúc kiên cố,
(Là) nơi cất giữ xương Phật, di vật thần diệu muôn đời.
Nắng sáng soi xuống, nét sao khuê như lay động,
Gió đêm nổi lên, tiếng chuông lắc vang cao.
(Trông tháp như) chiếc trâm ngọc xanh cài trên cõi thanh u,
Như ngọn bút trắng vút cao trong thành Na xá.
Buồn cười việc đem thất bảo điểm trang chùa tháp,
Chạm trổ, dũa mài hình rồng rắn khiến dân lao nhọc.

Tương truyền, sư Huyền Quang (1254 – 1334) xây tháp Bảo Nghiêm 9 tầng trang trí hình hoa sen tại địa điểm nay là chùa Bút Tháp, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Tháp hiện không còn.

Cảm hứng hình thành hai câu 3 và 4 vốn xuất phát từ đoạn văn rất đẹp trong “Lạc Dương già lam ký” (洛陽伽藍記) của Dương Huyễn Chi 楊衒之 (thế kỷ V). Họ Dương thuật chuyện Bồ Đề Đạt Ma, người Ba Tư, đã vượt sa mạc đến Trung nguyên và nhìn thấy cảnh tháp gỗ chùa Vĩnh Ninh ở Lạc Dương như sau :

Đi từ biên viễn hoang vu đến rong chơi trung thổ. Bắt gặp mâm vàng rực rỡ dưới mặt trời, ánh sáng chiếu lòa mây. Chuông lắc quý giá lộng gió, tiếng ngân vọng tận cuối trời.

Nguyên văn : 起自荒裔來遊中土見金盤炫日光照雲表寶鐸含風響出天外. (16)

Khởi tự hoang duệ lai du trung thổ kiến kim bàn huyễn nhật quang chiếu vân biểu bảo đạc hàm phong hưởng xuất thiên ngoại.

“Bàn” hay “lộ bàn” chỉ những mâm hay đĩa tròn hợp thành nhiều nấc trên đỉnh tháp. Mâm-đĩa tháp Vĩnh Ninh được mạ vàng nên gọi là “Kim bàn”.

Tháp Sanchi ở Ấn độ với 3 lớp lộ bàn trên đỉnh.

Đối tượng của ánh ban mai phải là vật phản chiếu lấp lánh, không thể là vì tinh tú khó nhìn thấy khi mặt trời đã rạng. “Nét sao khuê” có lẽ diễn tả các bảng chữ mạ vàng trên tháp.

Đối tượng của gió đêm phải là vật dễ lay động, phát ra âm thanh. Ở đây, tương tự “bảo đạc” lộng gió trên tháp Vĩnh Ninh, những chuông lắc đón gió kêu vang. Nếu hiểu “đạc” là cái mõ, về nghĩa không sai, nhưng về ý thì nhầm lớn.

“Tam ma địa”, phiên âm từ Sanskrit “Samadhi” chỉ tâm cảnh đại định của người tu hành. Ở đây, từ này miêu tả không gian thanh tịnh của nhà chùa. Nơi mọi người đều xuống tóc, nhìn ngọn tháp như chiếc trâm thì cụ Trần thật vô tình.

“Na Xá thành”, ngờ là phiên âm thời Trần của từ Pali “Rajagaha” mà nay thường được dịch thành “Vương Xá” hoặc phiên thành “La Duyệt”. Rajagaha là kinh đô nước Magadha, trị vì bởi vua Bimbisara. Đức Phật từng lui tới Vương Xá nhiều lần để hành đạo dưới sự đỡ đầu của nhà vua. Đợt kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ nhất diễn ra tại đây. Hiện nay, dấu vết cố đô chỉ còn một thị trấn nhỏ nằm cách thủ phủ Patna (tỉnh Bihar, Ấn Độ) khoảng 70km. Cũng có thể hiểu Na Xá là tên của vị A La Hán Yasas (còn gọi là Da Xá), một trong những trưởng lão chủ trì kết tập kinh điển lần thứ hai. Như vậy, tác giả dùng “Na xá thành” để chỉ khu vực tập trung hoạt động của tăng sĩ và tín đồ.

Cụ bày tỏ sự không hài lòng với việc dùng thất bảo, tức vàng bạc và các loại đá quý, tô điểm cho kiến trúc Phật giáo. Nó mâu thuẫn với đức khiêm cung của đấng Thế tôn.

Tương tự bài thơ đề chùa Phả Lại, cụ Trần không trầm ngâm trong giáo lý Bụt tinh diệu. Cụ nghĩ ngợi đến cái giá dân chúng phải trả cho sự xa xỉ quá độ của tăng giới thời mạt pháp. Cụ đứng trên quan niệm xử kỷ của môn đồ Lão Trang để “cười” khía cạnh phù phiếm trong hoạt động thờ cúng Phật đương thời, những hoạt động ngày càng xa rời ý đạo nguyên thủy.

Cuối đời, Nguyên Đán tìm hứng thơ chủ yếu từ quyển sách cơ bản của Lão giáo : Đạo Đức kinh. Để dễ tiếp cận dòng suy nghĩ của Cụ, phần dịch dưới đây sẽ kèm nguyên văn những đoạn, chương kinh Đạo Đức có liên quan.

Đặt Lão giáo đạm bạc tương phản với không gian đầy thất bảo của Phật giáo đương thời, Nguyên Đán có bài “Ngẫu đề” rất hấp dẫn giải bày chủ trương “thánh nhân bất tích” (聖人不積), thánh nhân không tích trữ cho riêng mình (Chương 81) của Lão Đam. Đối tượng của “bất tích” không chỉ vàng ngọc mà gồm cả tạp niệm.

偶題
中心認得本來空,
便佇虛空在箇中。
天下有為皆正理,
人間無處不春風。
清茶好酒供佳客,
瘦竹疏梅伴老翁。
覽鏡自慚惟一事,
力扶衰病作三公。
Ngẫu đề
Trung tâm nhận đắc bản lai không,
Tiện trữ hư không tại cá trung.
Thiên hạ hữu vi giai chính lý,
Nhân gian vô xứ bất xuân phong,
Thanh trà hảo tửu cung giai khách,
Sấu trúc sơ mai bạn lão ông.
Lãm kính tự tàm duy nhất sự,
Lực phù suy bệnh tác Tam công.

Ngẫu đề

Nhận biết tâm vốn là không,
Bèn tích lũy hư không trong đó.
Nếu mọi hành vi sửa trị thiên hạ đều theo lẽ chính,
Thì cõi nhân gian chẳng nơi nào không có gió xuân.
Chiêu đãi khách quý có trà trong rượu tốt,
Làm bạn với ông già chỉ trúc gầy mai thưa.
Soi gương, thấy còn một việc đáng thẹn với mình,
(Đó là) cố nương theo suy bệnh để giữ chức Tam công.

Nguyên Đán chơi chữ rằng ông có tích trữ, nhưng tích trữ cái hư không trong tâm. Hư tâm chính là đích đến của Đạo gia, là điều kiện cốt yếu để người tu luyện có thể trực giác được Đạo.

Theo Đạo thì mỗi ngày mỗi bớt. Bớt lại bớt, cho đến mức vô vi. (Chương 48)

為道日損。損之又損,至於無為

Vi Đạo nhật tổn. Tổn chi hựu tổn, chí ư vô vi.

Áp dụng vào lĩnh vực chính trị, với hư tâm, bậc vương giả sẽ trị dân không thiên lệch, không bóc lột, không thủ đoạn trí trá và ham thích chiến tranh. Ngài chỉ làm mẫu mực đạo đức để dân chúng noi theo chứ không ràng buộc họ bằng lập pháp. Theo Lão Tử, sự hà khắc, câu thúc chỉ khiến dân chúng trở nên xảo quyệt, xã hội thêm rối loạn và khó quản trị.

Cụ Trần muốn áp dụng thuyết “Hữu vi” mà cốt lõi là phương pháp “Dĩ chính trị quốc” (以正治國), Lấy ngay thẳng để cai trị (Chương 57). Ông tin rằng với cách đó, mùa xuân sẽ đến với mọi người. Chữ chính ở đây có nghĩa ngay thẳng chất phác, được đặt tương phản với chính là luật lệ, quy tắc.

Một lần nữa, cụ Trần chơi chữ vì Lão Tử khẳng định rằng “Thiên hạ thần khí, bất khả vi dã” (天下神器,不可為也), Thiên hạ là đồ vật thần diệu, không thể hữu vi (17). Cụ tỏ ra thấm nhuần tinh thần phát ngôn của tổ sư : “Chính ngôn nhược phản” (正言若 ),Lời ngay thẳng nghe như ngược đời (Chương 78).

Dĩ nhiên, Nghệ tông lơ là với tâm tư Nguyên Đán vì cách trị nước đó không giải quyết được mối đe dọa từ Chiêm Thành, cũng không khiến thiên tai thuyên giảm. Có lẽ vì vậy cụ Trần nẩy ý định rút lui từ rất sớm sau khi thành công trong việc lật đổ Nhật Lễ và đảm nhận chức Tư đồ. Khu vực động Thanh Hư, nơi quy ẩn tương lai, được xây dựng khi Duệ tông còn tại vị, tức trước năm 1377. Cụ thường lui tới Thanh Hư trong những năm cuối cuộc đời làm quan. Tên địa điểm ẩn cư cho thấy cụ Trần có ý di dưỡng tinh thần theo phương pháp Hoàng Lão. Một trong số các tác phẩm viết trong thời kỳ này được xem xét dưới đây

山中遣興
十年政省負秋燈,
松下行吟倚瘦藤。
隨馬望塵無俗客,
叩門問字有詩僧。
退閒綠野知何及,
散給青苗謝不能。
坐待功成名遂後,
一丘老骨已崚嶒。
Sơn trung khiển hứng
Thập niên chính tỉnh phụ thu đăng,
Tùng hạ hành ngâm ỷ sấu đằng.
Tuỳ mã vọng trần vô tục khách,
Khấu môn vấn tự hữu thi tăng.
Thoái nhàn Lục Dã tri hà cập,
Tán cấp Thanh miêu tạ bất năng.
Tọa đãi công thành danh toại hậu,
Nhất khâu lão cốt dĩ lăng tằng.

Nguồn: nghiencuulichsu.com

Còn nữa.