218 lượt xem

Đinh Công Tráng

Đinh Công Tráng (1842 – 1887) - Lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Ba Đình trong phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX
Ông sinh năm Nhâm Dần (1842), tại làng Tràng Xá, nay là xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Ông là một cựu chánh tổng tại làng Tràng Xá. Khi quân pháp tiến hành công cuộc xâm chiếm Bắc Kỳ lần thứ 2 (năm 1882), Đinh Công Tráng đã tham gia chiến đấu trong đội quân của Hoàng Tá Viêm và phối hợp với Lưu Vĩnh Phúc đánh Pháp, ông đã đánh bại Rivière (chỉ huy của Pháp) tại trận Cầu Giấy ngày 19-5-1883.

Tháng 7 năm 1885, sau khi kinh thành Huế thất thủ, tướng Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi lên chiến khu Tân Sở (Quảng Trị) ban dụ Cần Vương kêu gọi toàn dân kháng chiến. Hưởng ứng phong trào, tháng 2 năm 1886, Đinh Công Tráng cùng với Trần Xuân Soạn và một số văn thân, thổ hào yêu nước như: Phạm Bành, Nguyễn Khế, Hà Văn Mao (người dân tộc Mường), Cầm Bá Thước (người dân tộc Thái), Hoàng Bật Đạt, Lê Toại lập chiến khu kháng chiến, căn cứ thuộc ba làng là: làng Mậu Thịnh, làng Thượng Thọ và Mỹ Khê (vì mỗi làng có một ngôi đình, từ đình làng này có thể nhìn thấy đình của hai làng kia nên gọi là căn cứ Ba Đình. Nay thuộc xã Ba Đình, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) làm căn cứ kháng chiến lâu dài.


Nơi đây trước kia là căn cứ tiền tiêu Ba Đình. Nguồn: sưu tầm.

Vào mùa mưa, căn cứ này trông như một hòn đảo nổi giữa cánh đồng nước mênh mông, tách biệt với các làng khác. Bao bọc xung quanh căn cứ Ba Đình là lũy tre dày đặc và một hệ thống hào rộng, nên không thể phát hiện được những hoạt động của nghĩa quân bên trong căn cứ, rồi đến một lớp đất cao 3m, chân rộng từ 8m đến 10m, mặt thành có thể đi lại được. Từ đây nghĩa quân có thể tỏa đi các nơi, kiểm soát được các tuyến giao thông quan trọng trong vùng, tổ chức phục kích các đoàn xe vận tải của đối phương đi lại trên con đường Bắc-Nam…chính ví vậy quân Pháp quyết tâm đánh dẹp.


Sơ đồ công sự phòng thủ của căn cứ Ba Đình. Nguồn: sưu tầm.

Cuối năm 1886, quân Pháp tập trung lực lượng khá mạnh với 500 quân, có đại bác yểm hộ tấn công vào căn cứ Ba Đình nhưng bị thất bại.

Tháng 1 năm 1887, Pháp cử Đại tá Bờ-rit-xô (Brissaud) sang Việt Nam trực tiếp đảm nhiệm việc đánh phá căn cứ Ba Đình. Ngày 6 tháng 1 năm 1887, Bờ-rit-xô huy động 2500 quân lính chia làm ba mũi cùng với sự yểm trợ của pháo binh đánh vào căn cứ. Đinh Công Tráng cùng với nghĩa quân chiến đấu rất quyết liệt, quân Pháp bị chặn lại trước hàng rào tre xung quanh căn cứ. Lúc này chính phủ Pháp yêu cầu phải sớm đánh căn cứ Ba Đình vì vậy Bờ-rít-xô quyết định công phá căn cứ nhằm cắt đứt nguồn tiếp tế của nghĩa quân. Quân pháp lấy dầu phun lửa đốt cháy lũy tre, cùng lúc tập trung đại bác bắn dồn dập vào căn cứ. Trước sức mạnh áp đảo của quân Pháp nghĩa quân bị hao tổn và cô lập. Đinh Công Tráng cùng các thủ lĩnh khác đã tổ chức cho nghĩa quân phá vòng vây của địch rồi rút lui về căn cứ Mã Cao vào đêm 20 tháng 1 năm 1887.



Các nghĩa quân của cuộc khởi nghĩa Ba Đình bị Pháp bắt. Nguồn: sưu tầm.

Ít lâu Đinh Công Tráng cùng nghĩa quân rút lui lên miền tây Thanh Hóa sát nhập vào đội nghĩa quân của Cầm Bá Thước. Sau đó Đinh Công Tráng vào Nghệ Tĩnh định liên hệ với nghĩa quân Phan Đình Phùng để tiếp tục xây dựng lại phong trào kháng chiến, nhưng ông vừa đến một cơ sở ở làng Tang Yên, huyện Đô Lương thì bị địch vây bắt, ông hi sinh vào ngày 6 tháng 10 năm 1887.


Căn cứ Ba Đình đã được xếp hạng di tích Lịch sử. Nguồn: sưu tầm.

Tướng Pháp có tên là Mason nhận định về Đinh Công Tráng: “Ông là người có trật tự, trọng kỷ luật, cương trực hay nghiêm trị những thủ hạ quấy nhiễu dân, có chí nhẫn nại, biết mình, biết người không bao giờ hành binh cẩu thả, giỏi lập trận thế” (theo sách Từ điển nhân vật lịch sử).

Lê Thị Huệ (tổng hợp)
Nguồn:
Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Nxb Văn hóa.
Đại cương lịch sử Việt Nam. Nxb Giáo dục
Việt Nam các nhân vật Lịch sử - Văn hóa. Nxb Thông tin.
Lược sử Việt Nam. Nxb Văn hóa Thông tin.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia