241 lượt xem

Bình Nam Đại tướng quân Phạm Ngô Cầu – Kỳ 2: Mắc kế phản gián của Tây Sơn

Tự trói mình đầu hàng

Đại quân Nguyễn Huệ kéo đến, Phạm Ngô Cầu bàn nên hàng, còn Hoàng Đình Thể muốn đánh. Vì Quận Thể quyết chiến, Quận Tạo để Quận Thể mang quân nghênh chiến, còn mình giữ thành.

Giao tranh mấy ngày chưa phân thắng bại. Đêm 20 tháng 5 âm lịch, tức 15/6/1786, nước dâng ngập chân thành Phú Xuân. Nguyễn Huệ nhân nước dâng hạ lệnh tiến công. Thủy quân Tây Sơn tiến đến nã pháo vào thành.

Hỏa lực quân Trịnh mất tác dụng. Hoàng Đình Thể không thể dùng pháo chống lại quân Tây Sơn được nữa, phải cùng các con và thuộc tướng Vũ Tá Kiên mở cửa thành ra nghênh địch.

Đánh nhau được một canh giờ, thuốc súng và đạn đều hết, Hoàng Đình Thể bèn sai người vào thành xin tiếp viện, nhưng Phạm Ngô Cầu đóng cửa thành không cứu viện.

Trong lúc Quận Thể đang chiến đấu thì trên mặt thành, Quận Tạo đã kéo cờ trắng xin hàng. Mấy cha con Hoàng Đình Thể cùng Vũ Tá Kiên lần lượt tử trận… Nguyễn Huệ thúc quân ồ ạt tiến lên chiếm thành.

Phạm Ngô Cầu vì mắc kế phản gián của Tây Sơn, bị chiếm mất thành và phải tự trói mình đầu hàng. Các tướng Tây Sơn giải ông về Quy Nhơn rồi xử tử.

Ra hàng, vẫn bị tội chém

Về sự kiện này, Việt Nam sử lược viết: một hôm Phạm Ngô Cầu thấy một người khách buôn nói thuật số đến bảo Ngô Cầu rằng, “hậu vận tướng công phúc lộc nhiều lắm, nhưng năm nay có hạn nhỏ có lẽ phải ốm đau, nên lập đàn làm chay mới được yên lành”.

Phạm Ngô Cầu nghe lời ấy lập đàn cầu khấn 7 ngày đêm liền, bắt quân sĩ phải phục dịch không được nghỉ ngơi chút nào. Chợt nghe quân Tây Sơn đã lấy được đồn Hải Vân, tướng giữ đồn là Hoàng Nghĩa Hồ đã tử trận, lại thấy bảo rằng, thủy quân của Tây Sơn đã vào cửa bể, thủy bộ hai mặt đều kéo đến  đánh, Ngô Cầu hốt hoảng, từ đàn chạy về dinh gọi binh tướng chống giữ, nhưng quân lính đều mỏi mệt cả, không ai có lòng muốn đánh.

Khi quân Tây Sơn kéo đến đánh Thành, Phạm Ngô Cầu kéo cờ trắng mở cửa thành ra hàng. Quân họ Trịnh giữ ở các đồn đều tan vỡ bỏ chạy. Trong mấy ngày mà đất Thuận Hóa ra đến Linh Giang đều thuộc về Tây Sơn cả. Bấy giờ là năm 1786 đời Cảnh Hưng năm thứ 47. Lấy được Thuận Hóa rồi, sai người giải Phạm Ngô Cầu về Quy Nhơn định tội chém.

Một tư liệu khác viết: khi quân Tây Sơn kéo đến sát thành Phú Xuân. Đạo thủy quân của Vũ Văn Nhậm chỉ huy tới cửa biển thì gặp một tàu của thương nhân Bồ Đào Nha, thường tới làm ăn tại Phú Xuân nên họ ủng hộ Phạm Ngô Cầu chống Tây Sơn. Quân Tây Sơn bao vây đốt tàu và theo sông Hương áp sát thành, bộ binh Tây Sơn cũng tiến đến vây thành.

Trong thành, Phạm Ngô Cầu bàn nên hàng, còn Hoàng Đình Thể muốn đánh. Vì Quận Thể quyết chiến, Quận Tạo để Quận Thể mang quân nghênh chiến, còn mình giữ thành.

Hoàng Đình Thể mang quân lên mặt thành chống cự, tập trung pháo bắn xuống dữ dội. Bộ binh Tây Sơn phải giãn vòng vây lùi ra xa. Nguyễn Huệ điều quân bộ lên thuyền thủy binh ở bờ sông Hương, dùng đại bác bắn lên thành chống lại pháo quân Trịnh, nhưng từ mặt nước lên mặt thành quá cao (hơn 2 trượng) nên đại bác Tây Sơn bắn không tới.

Một chiến thuyền Tây Sơn bị bắn chìm. Nguyễn Huệ buộc phải hạ lệnh cho quân Tây Sơn ngưng chiến. Lúc đó là tháng 5 đang mùa nước lũ. Thông thường ban ngày mực nước sông Hương thấp, tới đêm nước dâng cao. Biết quy luật nước lên xuống, Nguyễn Huệ bèn đổi chiến thuật không đánh ban ngày mà đánh ban đêm.

(còn nữa)

 Nguyễn Trung Thành