Nguyễn Trường Tộ bản tính là người đặc biệt thông minh, học một biết mười, “bác văn cường ký”, được ca ngợi là “Trạng Tộ”. Ông lại có may mắn được tiếp nhận cả hai nguồn văn hóa Đông và Tây, cổ và kim. Thuở thiếu thời, Nguyễn Trường Tộ thụ giáo các thầy trong vùng (huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) và có được một vốn Hán học chắc chắn. Do những mối quan hệ tốt đẹp tình cờ, ông được giám mục Gauthier dạy cho tiếng Pháp và các môn khoa học phổ thông cơ bản. Với Nguyễn Trường Tộ cũng như với trí thức Việt Nam thời đó là chìa khóa quan trọng và cần thiết. Trên cái nền tảng ban đầu ấy, Năm 20 tuổi, ông may mắn được sang Pháp, Italya, Hồng Kông học hỏi và tiếp xúc với những nền văn minh lớn, ông có điều kiện mở rộng kiến thức và văn hóa. Ông không chỉ sưu tầm, học hỏi qua sách vở mà còn quan tâm tìm hiểu tình hình chính trị xã hội phương Tây, đồng thời rất năng nổ xông xáo tham quan nhiều cơ sở công kỹ nghệ, gặp gỡ nhiều trí thức, kỹ thuật gia, học giả châu Âu. Vì thế ngay khi bước vào tuổi 30, ông đã có một vốn kiến thức rộng và sâu cả về phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật. Trong ông đã hình thành những tư tưởng cách tân muốn được đem giúp nước, giúp đồng bào.
Ông sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước đã bị thực dân Pháp xâm chiếm, nhân dân rơi vào cảnh lầm than, một ách hai tròng. Trên đường ra nước ngoài, ông cũng được thấy cái họa xâm lăng của quân Anh, quân Pháp, Đức lan tràn các châu lục. Đó là lúc quân Anh xâm chiếm Ấn Độ, Miến Điện, Triều Tiên. Ông đã nghĩ “những nơi này như cái phố nhỏ cho bọn chúng điểm tâm buổi sáng”. Nghĩ lại tình cảnh nước nhà, ông thấy thế giặc đang mạnh, thế nước thì yếu, triều đình lúng túng, tốt nhất là nên tìm kế sách hòa hoãn để tìm thời cơ. Tháng 5 năm 1863 ông đã soạn xong ba văn bản để gửi lên Triều đình Huế: bản thứ nhất là Tế cấp luận, bản thứ hai là Giáo môn luận, bản thứ ba là Thiên hạ phân hợp đại thế luận. Trong ba bản đó, bản Tế cấp luận là văn bản quan trọng nhất. Nội dung của bản này đề cập đến việc canh tân và phát triển đất nước. Với Tế cấp luận ông đã khẳng định: "Tế cấp luận thâu tóm trí khôn của thiên hạ 500 năm nay... bài Tế cấp luận của tôi nếu đem ra thực hành hàng trăm năm cũng chưa hết: ” Việc khẩn cấp nhất của đất nước là giữ cho được những gì chưa mất. Muốn vậy phải mau mau canh tân đất nước. Như vậy, việc giữ nước không khó mà thu hồi những gì đã mất không chóng thì chầy cũng có thể hy vọng được.” Mục đích canh tân là để nước mạnh, để giữ nước. Đó là tư tưởng nhất quán của Nguyễn Trường Tộ. Trong 14 tập tờ trình, ông đề cập tới nhiều lĩnh vực canh tân. Khai mở tình hình đại cuộc thế giới trước họa xâm lăng để vua và quần thần cùng suy ngẫm, tìm kế sách khôn khéo, lâu dài khôi phục chủ quyền những vùng đất bị mất, chính sách thuế má, khai thác tài nguyên, chính sách khai hoang, tinh binh tinh cán và hiện đại vũ khí trong quốc phòng, chính sách đổi mới giáo dục, gửi học sinh du học tại các quốc gia có nền kỹ nghệ tiên tiến, mở cửa, bắt tay với nhiều quốc gia để học hỏi và mưu đồ chống thực dân xâm lược.
Với tiềm lực chất xám rất quí như thế, nếu ông được tin dùng, được tạo điều kiện để hoạt động, tình thế có thể sẽ rất khác. Bi kịch của Nguyễn Trường Tộ, ngẫm ra là một nghịch lý khó tin nhưng có thật. Đó là yêu nước nhưng không được giúp nước vượt qua đại họa ngoại xâm; thực sự có tài năng xuất chúng nhưng vấp phải vật cản quá lớn – sự trì trệ bảo thủ, dị ứng với chủ trương duy tân, tự cường của triều đình Tự Đức và sự nghi ngờ dai dẳng của họ với những người tin theo Kitô giáo. Bi kịch lớn lao ấy bình thường ra có thể nhấn sâu những con người nặng lòng với đất nước vào tình trạng trầm cảm, u uất, bế tắc. Nhưng với Nguyễn Trường Tộ thì không. Ông đã bộc lộ một phẩm chất đáng tôn trọng: luôn kiên trì nhẫn nại – nhẫn nại đến mức phi thường theo đuổi những mục tiêu mà ông cho là đúng. Vì vậy, sau ba bản điều trần trên, liên tục trong vòng 10 năm (1861 – 1871), Nguyễn Trường Tộ gửi đến vua Tự Đức và triều đình Huế rất nhiều bản điều trần (58 bản). Nội dung các bản điều trần đề cập đủ mọi lĩnh vực. Tập trung vào các mặt chủ yếu của công cuộc trị vì, cai quản và phát triển đất nước:
Về chính trị: Ông trình bày những chiến lược cơ bản, về những thế lớn phân và hợp trong thiên hạ ("Thiên hạ phân hợp đại thế luận", 1863) và đề xuất "Kế ly gián giữa Anh và Pháp" (1866). Không hề ảo tưởng về dã tâm của thực dân Pháp, nhưng ông rất sáng suốt chủ trương tạm hòa hoãn với Pháp, gợi ý với nhà vua về lợi ích lớn của việc "Mở rộng quan hệ với Pháp và các nước khác" (1871)...
Về nội chính:Ông đề nghị triều đình tinh giản bộ máy chính quyền để đỡ hao tốn công quỹ, xác định rõ chức năng công việc của từng loại quan lại để khỏi phải có rất nhiều người ăn lương mà không biết làm gì. Mặt khác, nên có chính sách đối với những nho sinh để họ không thể dựa vào chút chữ nghĩa, trốn tránh nghĩa vụ đối với nước nhà. Ngoài ra, muốn cho đội ngũ viên chức giữ được thanh liêm thì phải tạo điều kiện cho họ làm giàu chính đáng...
Về tài chính:Ông đề nghị sắp đặt lại hệ thống thuế khóa cho thật công bằng hợp lý. Muốn thế phải đo đạc lại ruộng đất, kê khai nhân khẩu, tăng thuế người giàu và hàng xa xỉ ngoại nhập, đánh thuế thật nặng vào những tệ nạn như cờ bạc, rượu chè,...Ngoài ra, còn phải khuyến khích nhà giàu bỏ tiền ra cho vay, và vay tiền của nước ngoài...
Về kinh tế:Ông đề nghị chấn hưng "nông, công, thương nghiệp" để làm cho dân giàu nước thịnh, bằng những hành động cụ thể như: tổ chức khai hoang, bảo vệ rừng, thành lập các đoàn tàu đem hàng nông sản đi bán, cử người thăm dò tài nguyên, khai thác mỏ, thành lập các cơ sở sản xuất công nghệ và đào tạo thợ kỹ thuật…Và để nền kinh tế cả nước có thể giao thông dễ dàng, thì phải chú ý đến việc làm mới và tu bổ đường bộ và đường thủy....
Về học thuật: Ông đề nghị cải cách "việc học, việc thi" để chọn được nhân tài hữu ích. Không nên tiếp tục lối học "máy móc, tín điều" kiểu Trung Hoa. Đáng chú ý là việc ông đề nghị đem các môn khoa học vào trong chương trình học, nhất quyết phải dùng quốc văn (chữ Nôm) để dạy học và soạn sách, kể cả trong các giấy tờ hành chính...
Về ngoại giao:Ông chủ trương quan hệ mềm mỏng với Pháp, và không chỉ có Pháp mà còn phải đặt ngoại giao với nhiều nước khác như Anh, Tây Ban Nha... Phải biết lợi dụng mâu thuẫn giữa các nước này để có lợi cho mình. Phải đào tạo được các thông dịch viên giỏi công việc và tiếng nước ngoài...
Về quân sự: Ông đề nghị triều đình chủ hòa nhưng không phải là chủ hàng; triều đình phải cải tu võ bị nhằm tăng chất lượng của quân đội, như tổ chức lại đội ngũ, cho quân lính được học tập các binh pháp mới, mua sắm tàu thuyền và vũ khí, xây dựng phòng tuyến cả ở thành thị lẫn nông thôn, đề phòng quân Pháp xâm lược lan ra cả nước...Bên cạnh đó, ông còn đề nghị cải cách về các mặt khác như văn hóa, lấy chữ quốc âm thay chữ Hán; về bảo tồn di tích lịch sử, về chế độ thi cử và lập trại tế bần cứu giúp những người ngheo khổ già yếu không nơi nương tựa v.v...Tuy nhiên, phần lớn những đề nghị của ông đã không được triều đình nhà Nguyễn nghe theo do tầm nhìn hạn chế của họ và cũng là hạn chế của thời đại.
Mặc dù không được Triều đình trọng dụng, nhưng lòng ông vẫn luôn hướng về, vẫn mong được phò vua, cứu dân. Tấm lòng ấy thể hiện rất rõ qua những bài thơ mà ông để lại: "Mặt trời cho dẫu không soi đến/Hướng dương xin vẫn nếp hoa quỳ" và ở hai câu thơ khác: "Ngụy Tào sống gửi Từ Nguyên Trực/Tần Lã không thờ Lỗ Trọng Tiên". Thật tiếc, đất nước khi đó đang ở trong tình thế nước sôi, lửa bỏng: bên ngoài giặc đánh Đà Nẵng, chiếm Gia Định, chiếm ba tỉnh miền Đông rồi ba tỉnh miền Tây, nội tình thì loạn lạc (loạn Đoàn Trưng khiến Tự Đức suýt mất ngôi); nên những tư tưởng canh tân yêu nước của ông đã không được chú ý.
Nguyễn Trường Tộ cả một đời vì đất nước, vì nhân dân nhưng khao khát của ông không hề được toại nguyện. Ông ra đi ở độ tuổi đang chín, trong ông vẫn tràn đầy nhiệt huyết (ông mất ở tuổi 43, trên quê hương mình tại Giáo xứ Xã Đoài). Thiết nghĩ: nếu Nguyễn Trường Tộ chưa vội ra đi, nếu những bản điều trần đó được thực thi, thì lịch sử Việt Nam có lẽ sẽ có những bước ngoặt lớn: không lâm vào cảnh mất nước và đời sống nhân dân thời bấy giờ phải khốn khổ, tình hình phát triển đất nước không bị tụt hậu như đã có trong lịch sử.
Vì vậy khi đọc câu thơ đầy nuối tiếc của ông nghe sao mà xót xa ai oán cho một con người, một nhân cách, một hiền tài như ông trót sinh ra ở một thời đại loạn lạc, vua không còn sáng, thời không còn thịnh, nên đã không được tin dùng:
"Một lỡ bước đi, muôn thuở hận
Ngoảnh đầu nhìn lại đã trăm năm".
Hơn 140 năm đã qua đi, đọc lại thơ của Nguyễn Trường Tộ, ta hiểu và trân trọng nhân cách cao đẹp của ông. Nghiền ngẫm 58 bản Điều trần, ta không khỏi ngạc nhiên trước sự kiên trì và về trí tuệ phi thường của ông. Những di cảo ấy giúp ta hiểu sâu sắc hơn nhân cách và tài năng của Nguyễn Trường Tộ. Mặt khác, những tài sản tinh thần ấy của ông đến ngày nay nghiên cứu tìm hiểu kỹ, vẫn có ích cho xã hội hôm nay.
Minh Vượng (tổng hợp)
Nguồn:
- Nguyễn Trường Tộ với triều đình Tự Đức- Nguyễn Đình Đầu- NXB Trẻ.
- Hồn sử Việt- NXB Lao động.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.