227 lượt xem

Đường phố Hà Nội (Phố cổ Hà Nội ) - Kì 2

PHỐ ĐINH TIÊN HOÀNG
 
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/pho-Dinhtienhoang-300x225.jpg
 
Phố Đinh Tiên Hoàng dài 900m, nay nằm trên địa giới 3 phường: Hàng Bạc, Lý Thái Tổ và Tràng Tiền, thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Từ nơi giáp phố Lê Thái Tổ (quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục), phố đi dọc bờ bắc của Hồ Gươm rồi rẽ theo bờ đông, lần lượt ngang qua 7 phố: Hồ Hoàn Kiếm, Lò Sũ, Hàng Dầu, Trần Nguyên Hãn, Lê Lai, Lê Thạch, Đinh Lễ; kết thúc ở ngã tư Tràng Tiền – Hàng Khay và nối với Hàng Bài.

Phố Đinh Tiên Hoàng mang danh Đinh Tiên Hoàng (924–979), vị hoàng đế đầu tiên của quốc gia Đại Việt độc lập, tự chủ, thống nhất. Trước ngài, ngoài Lý Nam Đế (503–548), nước ta còn có Khúc Thừa Dụ (trị vì: 905–907) tự xưng làm Tiết độ sứ, rồi tới Ngô Quyền (898–944) tự xưng vương. Ngài lên ngôi năm Mậu Thìn 968, đóng đô ở thung lũng Hoa Lư giữa quê hương Ninh Bình. Từ năm Canh Ngọ 970, ngài bắt đầu đặt niên hiệu Thái Bình và cho đúc tiền đồng Thái Bình Hưng Bảo, đồng tiền cổ nhất của nền tài chính nước ta.

Cuối thế kỷ 19, đoạn đường từ đền Bà Kiệu tới phố Lê Thái Tổ từng được gọi là phố Hàng Chè, đoạn còn lại từ đền Bà Kiệu tới phố Tràng Tiền có tên “Rue du Petit-Lac” (phố Hồ Gươm). Về sau thực dân Pháp lại phá sân trước ngôi đền này, nối liền hai đoạn phố với nhau và sáp nhập thành đại lộ Francis Garnier. Từ ngày Giải phóng Thủ đô (1954) phố mang tên Đinh Tiên Hoàng để ghi nhớ công lao vị vua có công dẹp 12 sứ quân và thống nhất đất nước.

Đền Bà Kiệu ở địa phận làng Tả Vọng xưa. Đền dựng từ đời Lê Thần Tông, là nơi thờ Liễu Hạnh, trong đền có quả chuông đúc từ đời Cảnh Thịnh thứ năm (1798). Khi làm đường phố, người Pháp đã cắt ngang sân đền nên cổng tam quan lại nằm về phía bên hồ, gần cầu Thê Húc. Còn chùa Báo Ân thì bị họ phá, chỉ còn di tích tháp Hòa Phong ven Hồ Gươm, đối diện tòa nhà Bưu điện quốc tế bây giờ.

Trên dãy phố dài bên số lẻ, người Pháp đã cho xây dựng một loạt công trình lớn như Toà Thị chính TP Hà Nội, vườn hoa Paul Bert (nay là quảng trường với tượng đài Lý Thái Tổ), Bưu điện Trung tâm và Nhà máy điện Hà Nội.

Từ năm 1954 đến nay, phố vẫn được giữ gần như nguyên vẹn với vỉa hè rộng rãi, mặc dù nhiều trụ sở đã bị thay đổi hoặc xây lại. Đặc biệt, phía ven Hồ Gươm được sửa sang sạch đẹp với những chậu hoa, trảng cỏ, ghế đá, núi non bộ… và những lối đi nhỏ dành riêng cho khách bộ hành.

Đinh Tiên Hoàng là một trong những đại lộ sạch đẹp và hiện đại nhất giữa trung tâm Hà Nội. Với các di tích lịch sử thiêng liêng, nơi đây có vai trò thật đặc biệt trong các hoạt động chính trị, thể thao và văn hoá của dân tộc diễn ra thường xuyên ngay trên tuyến đường hoặc ở vườn hoa Lý Thái Tổ, khu tượng đài Cảm tử quân và quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.

PHỐ ĐỒNG XUÂN
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/dongxuan-300x200.jpg

Chợ Đồng Xuân có cửa chính mở ra phố Đồng Xuân, nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; cách Hồ Gươm chừng 800m về hướng bắc. Liền với ngôi chợ nội thành lớn nhất này là chợ Bắc Qua ở phía phố Nguyễn Thiện Thuật.

Chợ Đồng Xuân – Bắc Qua ngày nay với diện tích hơn 14.000 m2 và trên 2000 hộ kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau, là trung tâm bán buôn hàng hoá lớn nhất khu vực phía Bắc. Đây cũng là một điểm du lịch kỳ thú với kiến trúc mái vòm đặc trưng, nhìn rất đẹp từ phía mặt phố Đồng Xuân (phố này xưa kia còn có tên là Hàng Gạo).

Khu phía đông-bắc là chợ Bắc Qua, khu phía tây-nam là chợ Đồng Xuân. Thực ra toàn bộ khu chợ chỉ là một siêu thị lớn, nhưng do phía đông-bắc chợ là nơi buôn bán chủ yếu những mặt hàng thực phẩm, rau quả nông sản của vùng bắc Sông Hồng mang qua, vì thế có tên là chợ Bắc Qua.

Quãng cuối phố Đồng Xuân từng nổi tiếng vì có chợ Cầu Đông và cây cầu đá cùng tên. Cầu này bắc qua khúc sông Tô Lịch ở phía đông của Long thành xưa, dấu tích nay chỉ còn ở tên ngôi chùa và tên phố Cầu Đông.

Chợ Cầu Đông ban đầu chỉ là các nhà tạm để che mưa nắng. Giữa năm 1889 thực dân Pháp cho san lấp các hồ ao và khúc sông Tô Lịch từ cửa sông Nhị Hà trở vào đến chân tường thành Hà Nội, tạo nên một bãi đất rộng hàng chục hecta. Quanh đất này có sẵn các phố cũ đông đúc dân cư với chùa Hòe Nhai, quán Huyền Thiên ở phía bắc và chùa Cầu Đông, đền Bạch Mã ở phía nam.

Bãi đất nói trên lại ở gần bến sông Hồng nên trở thành địa điểm lý tưởng cho việc xây dựng một khu đô thị kiểu mới với chợ búa tập trung. Chợ Đồng Xuân được xây ở ngay phía đông-nam ngôi đình làng Đồng Xuân. Một công ty của Pháp  – nhà thầu Poinsard Veyret –  cung cấp phần khung thép và mái, còn một nhà thầu khác đảm nhận thi công. Chợ lúc đầu được thiết kế đơn giản với các bộ khung bằng sắt, lợp tôn mái chảy, diện tích khoảng 6500 m2. Toàn bộ chợ gồm 5 dãy nhà và được phân theo các vòm cuốn ở mặt tiền, bên trong phân cách bởi đường đi giữa các vòm (mỗi vòm dài 52m, khung thép cao 19m, rộng 25m).

Do hội tụ được đủ các yếu tố thuận lợi về giao thông và dân cư, Đồng Xuân sớm xứng danh là nơi “trên bến dưới thuyền”. Đặc biệt từ khi người Pháp xây dựng xong cầu Long Biên thì chợ Đồng Xuân trở thành tụ điểm buôn bán sầm uất không chỉ nổi tiếng nhất Hà Nội mà nổi tiếng cả Bắc kỳ, nó nhanh chóng thu hút được sự chú ý của giới thương nhân nước ngoài, nhất là từ Pháp, Tây Ban Nha, Ấn Độ… thường xuyên qua lại buôn bán. Cùng với việc duy trì các phố buôn bán và sản xuất hàng thủ công truyền thống như Hàng Chiếu, Hàng Giấy, Hàng Đậu… Đồng Xuân cũng là nơi đặt văn phòng thương mại của nhiều công ty. Do giàu nguồn hàng, cho nên Đồng Xuân không những là đầu mối phân phối, buôn bán hàng hoá mà còn là trung tâm chỉ đạo các hoạt động kinh tế của thành phố Hà Nội và chi phối cả Bắc kỳ.

Trước kia hai chợ cũ vẫn thường họp ở cạnh đền Bạch Mã và bến Cầu Đông, sau được dời về khu đất trước cửa Chùa quán Huyền Thiên (chợ Huyền Thiên), tại đây cũng có sẵn một chợ nhỏ, sau khi chợ chính xây dựng xong thì tất cả chuyển về đấy, tức khu vực chợ Đồng Xuân hiện nay. Hoạt động buôn bán khá phong phú về các mặt hàng. Dường như mỗi phố đều bày bán những sản phẩm riêng từ nông phẩm cho đến đổ thủ công mỹ nghệ. Chợ họp trong tất cả các phố buôn bán: phố Hàng Đồng, phố Hàng Chiếu, phố Bát Sứ, phố Thuốc Bắc, chiếm một khoảng dài đến 2km. Phố Hàng Giấy là nơi tiêu thụ sản phẩm giấy của các phường thủ công ven đô như Bưởi, Trích Sài… sản phẩm nông nghiệp như gạo, ngô, khoai, sắn… của nông dân ngoại thành được tập trung mua bán chủ yếu ở phố Hàng Khoai, Hàng Đậu.

Sau khi chợ Đồng Xuân được xây dựng thì hầu hết hàng hoá được đem vào bán trong chợ. Tuy vậy các phố xung quanh vẫn diễn ra các hoạt động buôn bán của các cửa hiệu gia đình. Do điều kiện giao thông thủy, bộ đều thuận lợi nên các nhà buôn ở Thanh-Nghệ kéo ra, thuyền bè trên miền ngược theo Sông Hồng xuôi xuống và dân các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ đổ về mang theo đủ loại hàng hoá làm cho không khí buôn bán ở Đồng Xuân ngày càng thêm tấp nập.

Năm 1946, cảnh chợ búa phồn vinh đã tạm bị đứt quãng bởi tiếng súng xâm lược trở lại của thực dân Pháp. Tiểu đoàn 101 Đồng Xuân bao gồm những người “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” đã chiến đấu dũng mãnh trong lòng Hà Nội suốt “60 ngày đêm khói lửa”. Trận đánh ngày 14-2-1947 là bản anh hùng ca đầu tiên đã ghi vào lịch sử Hà Nội một dấu son mới và về sau được dựng tượng đài kỷ niệm tại chỗ trên phố Đồng Xuân.

PHỐ ĐƯỜNG THÀNH
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/duongthanh.jpg
 
Phố Đường Thành dài 468m, từ chỗ ngã tư Cửa Đông – Phùng Hưng đi xuống lần lượt cắt các phố Nhà Hỏa, Bát Đàn, Hàng Nón, Nguyễn Văn Tố, Hàng Điếu, Hàng Da và kết thúc tại ngã tư Hàng Bông – Phủ Doãn. Phố nay thuộc phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 500m về hướng tây-bắc.

Phố Đường Thành chạy qua địa phận thôn Hữu Đông Môn (nghĩa là “Xóm bên phải Cửa Đông”) và thôn Kim Cổ, thuộc tổng Tiền Túc (Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương, Thăng Long. Đến thời Nguyễn, phố là con đường chạy dọc hào nước dẫn tới cửa Nhân Môn của dương mã thành (tức công sự bảo vệ phía trước Chính Đông Môn của trấn thành Hà Nội), vì vậy mà có tên phố Cửa Thành.

Cuối thế kỷ 19, quân Pháp cho phá gần hết thành Hà Nội cũ để lấy vật liệu xây dựng, họ lấp con hào và mở mang phố Cửa Thành, đặt tên là Rue de la Citadelle (Phố Thành). Từ sau cuộc đảo chính của Nhật ngày 9-3-1945, phố mới chính thức mang tên Đường Thành.

Đoạn giữa phố Đường Thành, đối diện ngã ba Hàng Nón là một villa cũ ở số nhà 14 của tuần phủ Hoàng Thụy Chi, do KTS Hoàng Như Tiếp thuộc lứa KTS đầu tiên của Việt Nam thiết kế. Villa này thể hiện rõ lối sống của chủ nhân vốn sính các tiện nghi kiểu Tây với thẩm mỹ trộn gu Tây-Tàu.

Hiện nay, gần chỗ đó có nhiều quán ăn ngon, đáng chú ý là quán chả cá Thăng Long ở số nhà 21 và 31. Quãng dưới nữa thì phố Đường Thành cắt ngã tư Nguyễn Văn Tố – Hàng Điếu rồi chạy qua khu chợ Hàng Da nổi tiếng một thời, sau xây lại thành một trung tâm thương mại nhưng kinh doanh không được như ý.

Đối diện chợ Hàng Da là rạp Hồng Hà ở số 51 phố Đường Thành. Thời Pháp thuộc, rạp mang tên Olympia, một trong những rạp chiếu bóng được xây dựng đầu tiên ở Hà Nội, ngày nay, rạp trở thành Nhà hát Tuồng Việt Nam.

PHỐ GIA NGƯ
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/giangu-300x200.jpg
 
Phố Gia Ngư dài 270m, nay thuộc phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 140m về hướng bắc. Phố đi từ phố Hàng Bè tới Hàng Đào, đoạn giữa cắt ngang ngã tư phố Chợ Cầu Gỗ và ngã tư phố Đinh Liệt.

Phố nằm trên đất của hai làng Gia Ngư và Trung Yên (hiện vẫn còn con ngõ Trung Yên nằm song song phía bắc phố Gia Ngư), thuộc tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương cũ. Xưa kia phía bắc hồ Gươm là hồ Thái Cực, có một làng cá nằm ở dải đất giữa hai hồ này với nhiều cư dân xung quanh sống bằng nghề chài lưới và do đó . Theo các sách địa chí, nơi đây vào đời Gia Long (1801 – 1819) vẫn gọi là Làng Cá, đến đời Minh Mạng (1820 – 1840) nhà vua bắt Hán hoá tên nôm, thành ra có thôn Gia Ngư.

Phố Gia Ngư được hình thành từ hai đoạn đường làng vào cuối thế kỷ 19, khi hồ Thái Cực bị lấp để mở rộng khu vực thương mại. Thời Pháp thuộc, đoạn phía đông giáp phố Hàng Bè mang tên “Rue Tirant”, dân ta gọi là ngõ Gia Ngư; đoạn phía tây tên là “Rue Nguyen Du” (“Phố Nguyễn Du”). Về sau hai con phố ngắn này được nhập lại làm một. Từ năm 1945, phố chính thức mang tên Gia Ngư.

Gia Ngư là con phố khá đẹp, mang nhiều đặc trưng của Hà Nội cũ với những ngôi nhà cổ và nhà tầng khang trang. Tại số nhà 50 hiện nay vẫn còn một ngôi đình nhưng không phải của thôn Gia Ngư mà của phường Đại Lợi, thờ các thần Bạch Mã, Linh Lang và Cao Sơn.

Phố Gia Ngư hiện nay có hơn 700 hộ dân, sinh sống chủ yếu bằng kinh doanh ăn uống ở nửa phía đông và buôn bán quần áo thời trang mọi lứa tuổi ở nửa phía tây.

Chợ Hàng Bè

Giống như chợ Bắc Qua, chợ Hàng Bè thuộc kiểu chợ chiếm cả lòng đường và đã gắn bó với dân cư khu phố cũ hàng thế kỷ nay. Khi được hỏi về nguồn gốc chợ Hàng Bè, nhiều người già quanh đây nhớ là từ thời Pháp thuộc, chợ chỉ có lều lán sáng dựng lên, tối cuốn lại chứ không được xây dựng kiên cố như các ngôi chợ chính thống của Hà Nội.
Chợ Hàng Bè thực ra có từ trước khi Pháp sang đây, lúc đầu ở gần bến thuyền bè và nằm ven con đê cũ (nay là phố Nguyễn Hữu Huân). Tên phố Hàng Bè cũng là một kỷ niệm về thời xưa ấy, khi sông Hồng còn chưa đổi dòng về phía đông. Hàng trăm năm sau, vào cuối thời chiến tranh rất khan hiếm thực phẩm, cái chợ cũ dần lớn lên và cuối cùng đã chiếm trọn lòng đường cả phố Chợ Cầu Gỗ lẫn phố Gia Ngư.

Tên chợ Hàng Bè vẫn được gọi theo thói quen, các tên khác như chợ Gia Ngư và chợ Cầu Gỗ thì ít ai dùng. Chợ cũng giữ nếp dựng lều bán hàng dưới lòng đường như ngày trước, chẳng xây dựng nhà cửa cố định. Chợ ở giữa thủ đô, nhưng trông những món hàng và những ông già, bà lão, cô gái bán hàng ăn vận giản dị, người ta có cảm giác như lạc vào một phiên chợ quê mùa đậm chất đồng bằng Bắc Bộ.

Bước sang thế kỷ 21, Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội có quyết định giải toả chợ Hàng Bè để có thể cải tạo phố Gia Ngư thành tuyến phố đi bộ và bán hàng, chủ yếu phục vụ khách du lịch. Chợ họp buổi cuối cùng vào ngày 31/7/2010.

Chợ cũ không còn, nhưng đây đó trên hai vỉa hè nhiều người dân từng dựng lán dưới lòng đường nay vẫn theo nghề cũ. Họ bày rau dưa, thịt cá ra trước nhà để bán và tạo ra một không gian nửa tỉnh nửa quê rất độc đáo và hấp dẫn đối với du khách.

PHỐ HÀ TRUNG
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/ha-trung_8857-300x200.jpg
 
Phố Hà Trung dài 206m, đi từ ngã ba Hàng Da – Ngõ Trạm đến ngã tư Phùng Hưng – Trần Phú, nay thuộc phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 600m về hướng tây.

Đầu thế kỷ 19, từ năm Minh Mạng 21 (1832), ở góc phía nam cửa Đông thành Hà Nội (chỗ cuối phố Hà Trung bây giờ) có một trạm dịch (chuyển phát công văn giấy tờ) của vua quan nhà Nguyễn. Ngày ấy, trạm dịch được đặt tên bằng cách lấy một chữ trong tên tỉnh ghép với một chữ trong tên thôn. Do Thăng Long đã bị đổi là tỉnh Hà Nội cho nên trạm ở thôn Yên Trung được gọi là trạm Hà Trung, từ đó mà có tên phố.

Xưa kia đây nguyên là đất thôn Yên Trung, thuộc tổng Tiền Nghiêm cũ (sau đổi thành tổng Vĩnh Xương), huyện Thọ Xương. Trong tờ bẩm lên huyện Thọ Xương ngày 6 tháng 7 năm Thành Thái 3 (1891) có ghi rõ tên nơi gửi là phố Yên Trung Thượng.

Phần lớn phố Hà Trung thuộc đất thôn Yên Nội, nay hãy còn ngôi đình ở số nhà 33 gọi là Yên Nội Cổ Vũ để phân biệt với đình Yên Nội Đông Thành. Thực ra khu vực đó vốn chỉ là một xóm nhỏ của Yên Nội phía Hàng Da tách ra làm thôn riêng vì một số người trong phố xích mích với đàn anh bên Yên Nội phía Hàng Nón.

Khoảng từ năm 1910, dân Hà Nội thường gọi phố Hà Trung là Ngõ Trạm Hà Trung hoặc Ngõ Trạm Cũ để phân biệt với phố Ngõ Trạm Mới lúc đó vừa được chính quyền Pháp mở mang thành Rue Bourret, giáp phố Hà Trung ở chỗ chợ Hàng Da. Phố Ngõ Trạm Hà Trung vốn kéo dài đến tận chỗ đối diện rạp tuồng Hồng Hà bây giờ. Các nhà quy hoạch Pháp đã cắt đi đoạn đầu phố nhằm mang lại không gian thoáng đãng cho mặt phía nam của ngôi chợ lớn này.

Dân phố không có mấy gia đình người bản địa, những người lập nghiệp sớm nhất ở đây có mấy gia đình gố người Tây Tựu, rồi làng Ninh Hiệp, làng Kiêu Kỵ chuyên làm đồ da. Khởi đầu là từ ông Thạch Văn Ngũ, quê làng Nành (Phù Ninh, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội) đi lính và học được nghề đóng giày tây, khâu yên cương ngựa, túi đựng đạn… trong quân đội Pháp. Khi giải ngũ, ông mở cửa hiệu sản xuất các mặt hàng đồ da ở phố Hà Trung, truyền nghề cho con cháu và người cùng làng.

Dân làng Nành dời quê đến sinh cơ lập nghiệp ở đây ngày một đông và làm nên một dãy phố gồm phần lớn các cửa hàng đồ da kiểu mới như va li, cặp sách, giày tây. Khoảng đầu thế kỷ 20, một số chủ cửa hàng đồ da góp công của và quyên thêm tiền mua đất làm đình riêng, vẫn gọi là đình Yên Nội nhưng lại thờ Từ Đạo Hạnh chứ không cùng thờ vị tướng của vua Hùng với bên Yên Nội phố Hàng Nón. Đình có gác, trên gác là chỗ thờ tự và họp việc làng, dưới nhà cho thuê lấy hoa lợi cúng tế. Gác thờ đóng cửa quanh năm trừ những ngày có lễ.

Từ cuối thế kỷ 20, phố Hà Trung trở thành nơi chuyên sản xuất các loại hàng giả da như cặp sách, va li, túi xách, giày da đủ các kích cỡ và màu sắc, chủng loại. Cũng do nhu cầu mới của thị trường nên người dân phố này đã mở thêm nghề sản xuất vỏ bọc yên xe máy, đệm bạt ô-tô và sửa chữa quần bò, áo da. Rồi giữa phố Hà Trung mọc ra vài cửa hiệu chuyên kinh doanh vàng bạc và đổi ngoại tệ, về sau trở nên rất nổi tiếng, khiến cho hoạt động giao thông và thương mại tại đây càng trở nên tấp nập hơn.

PHỐ HÀNG BẠC
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/pho-hang-bac-300x180.jpg
 
Phố Hàng Bạc dài 330m, thuộc phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 250m về hướng bắc. Phía đông nối tiếp phố Hàng Mắm và giáp phố Hàng Bè, ngõ Phất Lộc. Phía tây nối tiếp phố Hàng Bồ và giáp các phố Hàng Ngang, Hàng Đào. Đoạn giữa đi qua ngã ba Mã Mây và ngã tư Tạ Hiện – Đinh Liệt.

Phố Hàng Bạc được hình thành từ đầu thời Lê sơ, tức vào khoảng thế kỷ 15. Đến thời Nguyễn, nơi đây đã tập trung những thầy thợ kim hoàn tạo ra nhiều món đồ trang sức nổi tiếng. Ngày nay Hàng Bạc là một con phố sinh động và đặc trưng của Hà Nội, thu hút rất nhiều người buôn bán và du lịch.

Đoạn đầu phố kéo từ ngã ba Hàng Mắm – Hàng Bè đến ngã tư Tạ Hiện – Đinh Liệt (chỗ rạp Chuông Vàng), xưa kia đa số là nhà cổ, nếu có gác thì cũng chỉ làm theo kiểu “chồng diêm”, tức là nhà thấp, gác xép, cửa sổ nhỏ trông xuống đường, thường được vẽ trong các tranh của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái. Ngày nay nhà cổ chỉ còn lác đác xen lẫn những nhà được cải tạo lại hoặc xây mới, cao ráo, nhiều tầng.

Trước đây, phố Hàng Bạc có ba nghề khác nhau: đúc bạc nén, kim hoàn và đổi tiền. Thợ xuất thân từ ba làng nghề làm đồ vàng bạc nổi tiếng ở miền Bắc Việt Nam: làng Châu Khê (xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương), làng Ðồng Xâm (tỉnh Thái Bình) và làng Định Công (Hà Nội).

Căn cứ theo nội dung ghi tạc trên tấm bia đặt tại đình Dũng Hãn thì phố Hàng Bạc được thành lập vào thời Hậu Lê hoặc sớm hơn một chút. Thời kỳ này, đất Hàng Bạc thuộc về phường Đông Các, huyện Thọ Xương. Tương truyền, quan thượng thư bộ lại Lưu Xuân Tín, vốn người làng Châu Khê, được vua Lê Thánh Tông (giữa thế kỷ 15) giao cho việc lập xưởng đúc tiền tại Thăng Long. Bởi lúc bấy giờ bạc nén được dùng làm đơn vị tiền tệ trao đổi, ông đã đưa dân làng mình tới kinh thành lập phường thợ đúc bạc.

Dần dần, bên cạnh nghề này, thợ Châu Khê còn kiêm cả nghề kim hoàn (làm đồ trang sức bằng vàng bạc). Cứ đến ngày 19 tháng Giêng âm lịch hàng năm, nhiều gia đình lại trở về quê để cùng dự hội làng, làm lễ dâng hương báo công với Đức Thành Hoàng và giỗ Tổ nghề.

Tại phố Hàng Bạc vẫn còn những di tích về phường nghề của người Châu Khê. Tràng đúc tên là Trương Đình (dân quen gọi đình Trên), nay ở số nhà 58 Hàng Bạc. Nơi tiếp các quan đến giao bạc đúc và nhận bạc nén tên là Kim Ngân Đình (dân quen gọi đình Dưới), nay ở số nhà 42, mới được thành phố cấp cho 37 tỷ đồng để giải toả và trùng tu.

Người làng Châu Khê ra Thăng Long khá đông, họ cần có nơi sinh hoạt chung, nên đã mua đất thờ vọng thành hoàng làng, đất ấy ở thôn Hài Tượng. Trong ngõ Hài Tượng hiện còn một ngôi đền mang chữ “Châu Khê vọng từ”, còn gọi là Nội Miếu. Người Châu Khê giữ tập quán tổ chức phe giáp phỏng theo phe giáp làng gốc (tên các giáp là: Nhất – Nhị – Đông – Tây – Xuyên – Trung), hàng năm mở hội hè đình đám.

Ðến đầu thế kỷ 19, đất Hàng Bạc thuộc thôn Dũng Thọ, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội. Từ triều Gia Long, trong phố có một vị Ty quan quản lý công việc ngành bạc, thu bạc vụn từ các tỉnh rồi giao cho các tràng đúc. Khi đúc thành bạc nén xong lại trao trả cho tỉnh và chuyển lên kinh đô, nhập vào công khố.

Về sau, xưởng đúc bạc nén phải chuyển vào kinh đô nhà Nguyễn ở Huế. Phần lớn thợ Châu Khê vẫn ở lại Long thành và họ lập một phường thợ kim hoàn tại phố Hàng Bạc. Lúc đó còn có cả thợ vàng bạc từ các làng Ðịnh Công và Ðồng Xâm tới phố lập nghiệp. Người ta sản xuất, buôn bán, kể cả đổi bạc nén lấy bạc vụn. Vì vậy, vào thời Pháp thuộc, phố này có tên tiếng Pháp là Rue des Changeurs (phố những người đổi tiền).

Đoạn phố phía tây, từ ngã tư Tạ Hiện – Đinh Liệt đến ngã tư Hàng Đào – Hàng Ngang, vốn là nơi tập trung của người làng Định Công di cư ra Thăng Long. Họ nhận đặt làm những đồ nữ trang như khuyên vàng, xà tích bạc, vòng xuyến, hoa, hột bằng vàng, hoặc khánh, vòng bạc cho trẻ con. Những hộ giàu hơn vừa làm hàng, vừa buôn bán các đồ vàng bạc; những hộ không có vốn thì nhận làm thuê lấy tiền công.

Nói chung ở bất kỳ đồ vàng bạc chạm khắc hoặc đồ nữ trang nào, người ta đều dễ dàng nhận thấy hai đặc điểm nổi bật: hình dáng nghệ thuật sinh động và kỹ thuật tạo hoa văn tinh xảo. Trên các đồ vàng bạc thường chạm trổ hình ảnh con người, hoặc các loại cây tượng trưng cho những phẩm chất cao quý của con người như lan, cúc, trúc, mai, v.v…

Từ ngày đổi mới cuối thế kỷ 20, các nghề thủ công truyền thống trong đó có nghề kim hoàn đã hồi phục. Phố Hàng Bạc lại sầm uất với nhiều cửa hàng kinh doanh, sản xuất đồ trang sức với kỹ thuật cao. Nghề buôn bán trao đổi vàng bạc không chỉ tập trung ở phố Hàng Bạc. Ở nhiều phố khác cũng đã rải rác có cửa hiệu kim hoàn. Phố Hàng Bạc dù nay chỉ còn lại rất ít thợ so với thủa xưa nhưng vẫn là nơi giữ truyền thống chế tác vàng bạc tinh xảo của Thăng Long.

PHỐ HÀNG BÈ
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/hangbe-300x211.jpg
 
Phố Hàng Bè đi theo trục bắc-nam từ ngã ba Hàng Mắm – Hàng Bạc qua ngã ba Hàng Bè – Gia Ngư đến ngã tư Cầu Gỗ – Hàng Thùng và nối tiếp phố Hàng Dầu. Phố dài 172m, nay thuộc phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 90m về hướng đông-bắc.

Đây nguyên là đất thôn Nam Hoa, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương. Đến giữa thế kỷ 19, thôn này bị vua đổi tên thành thôn Nam Phố vì kỵ húy, tổng Hữu Túc cũng đổi thành tổng Đông Thọ. Hiện nay tại số nhà 29 phố Hàng Bè vẫn còn di tích ngôi đình Ngũ Hầu, thờ Cao Tứ, một anh hùng truyền thuyết từ thời Thục Phán An Dương Vương.

Trước kia đầu phố ở gần cửa ô Mỹ Lộc, giáp bờ sông Hồng. Theo các nhà nghiên cứu địa lý thì đất Hàng Bè vốn là một khúc của con đê cũ. Khi dòng chảy còn ở sát chân đê thì các bè gỗ, nứa, tre, song, mây, lá gồi từ miền ngược xuôi về thường áp vào đây để đem lên chợ tiêu thụ, thành ra khúc đê này có tên Hàng Bè, chợ trên đê là chợ Hàng Bè. Khi cát bồi đưa lòng sông ra xa, bè mảng không áp sát vào chân đê được nữa thì phố này trở thành nơi buôn bán cau, nên còn có tên phố Hàng Cau. Người dân đã đắp một con đê mới cách xa đê cũ và gọi là Bè Thượng.

Khi người Pháp mới đến Hà Nội, họ đã vẽ bản đồ và ghi chú đoạn đê mới là “Rue de Digue” (phố trên đê), tức đường Nguyễn Hữu Huân ngày nay, còn phố Hàng Cau mang tên “Rue des Radeaux”. Hồi ấy nó là một phố nhỏ chuyên bán guốc dép. Giữa phố có một cái chợ gọi là chợ Hàng Bè.

Vào những năm 1920 – 1930, đa số nhà dân ở Hàng Bè đều là cửa hàng bán cau tươi, cau khô, trong đó nổi tiếng có các hiệu Phúc Lợi (số 18), Thịnh Phát (số 4). Ngoài ra, đoạn gần ngã tư Cầu Gỗ có một dãy nhà chuyên bán sơn và một vài nhà chuyên bán đồ khô. Năm 1940, trên phố xuất hiện hiệu bánh gai Đan Quế (số 24).

Từ khi Hàng Bè mất vị thế bến sông thì không còn nhiều các hiệu buôn bán vào loại lớn nữa mà chủ yếu dân cư là người đi làm công chức, ban ngày nhà thường đóng cửa, phố không tấp nập như xưa. Tuy nhiên, nơi đây đã ghi dấu nhiều tên tuổi phú gia và trí thức hồi đầu thế kỷ 20. Chẳng hạn như thầu khoán Trương Vọng Trọng ở số 42, ngôi nhà này gồm nhiều lớp, bên trong có nhà thờ họ (nay là trường PTCS Bắc Sơn) được xây vào năm 1925 – 1926. Nhà số 18 của ông Cả Tung từng là một di tích với kiến trúc cổ, diện tích rộng, lòng sâu. Căn nhà số 10 được xây dựng vào năm 1938 của bác sĩ Nguyễn Hữu Thuyết (1912 – 1995), một bác sĩ yêu nước, thương dân thuộc lớp đầu tiên của trường Y Đông Dương và tham gia kháng Pháp từ những ngày cuối năm 1946. Số 15 Hàng Bè từng là tư gia của Nhất Linh, một cây bút đại thụ của văn học Việt Nam đầu thế kỉ 20, thành viên chủ chốt của Tự lực văn đoàn.

Ngày nay, phố Hàng Bè chỉ mang chút ít dáng dấp xưa và càng ngày càng có thêm những nét hiện đại. Cuộc sống trên phố không còn như trước. Phần nhiều các nhà hàng cau tươi, cau khô đã chuyển thành những cửa hiệu nhỏ bán quần áo, giày dép, thực phẩm… hoặc thành khách sạn, quán ăn. Hàng Bè cũng như những phố xung quanh đang đổi thay và mất dần các di tích của mình.

Chợ Hàng Bè

Một trong những thứ đã trở thành quá khứ là chợ Hàng Bè. Đó vốn là ngôi chợ kiểu lều bạt căng tạm ngay trên lòng phố lẫn vỉa hè, bày bán đủ thứ mặt hàng thiết yếu với giá bình dân. Diện tích chợ đã mở rộng dần từ vị trí giữa phố Hàng Bè lan tới ngã tư Gia Ngư – chợ Cầu Gỗ và rồi kéo dài đến tận chỗ thông sang phố Hàng Đào. Cái tên chợ Hàng Bè đã trở nên thân quen với mấy thế hệ dân cư khu phố cổ và được nhớ mãi như một địa danh từng tồn tại suốt cả thế kỷ 20 cho đến khi UBNDTP cho chuyển đi nơi khác. Tuy nhiên hình như kỷ niệm này khó phai và mặt khác văn hóa mặt đường chưa thay đổi, cho nên mấy năm nay các vỉa hè nơi đây lại bày hàng gần như cũ, chỉ có lòng đường chưa bị tái chiếm.

PHỐ HÀNG BỒ
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/hgbo_8988b-300x200.jpg

Phố Hàng Bồ dài 270m, nay thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 350m về hướng bắc. Phía đông nối phố Hàng Bạc tại ngã tư Hàng Ngang – Hàng Đào, phía tây nối phố Bát Đàn tại ngã tư Thuốc Bắc – Hàng Thiếc, đoạn giữa cắt ngang ngã tư Hàng Cân – Lương Văn Can.

Phố Hàng Bồ hình thành từ rất xưa, nối khu vực Đông Thành với con đê cũ chỗ đầu phố Hàng Đào. Phố này có đoạn phía đông ở trên đất thôn Xuân Yên, còn đoạn phía tây nơi giáp với các phố Hàng Điếu, Thuốc Bắc là đất thôn Nhân Nội, vốn thuộc tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương cũ.

Cuối thế kỷ 19, phố Hàng Bồ có tên là Hàng Dép và ở đây quả thật từng tập trung các cửa hàng bán guốc dép. Vài thập niên trôi đi, nhiều hộ dân bắt đầu làm nghề đan bồ nứa, đến dịp Tết thì chất đầy hè phố, kẻ mua người bán tấp nập, vì dân các tỉnh về Hà Nội cất hàng cần có bồ để đóng chứa. Mặt hàng này về sau cũng phải lùi dần vào các chợ, những cửa hiệu lớn chuyển sang hoạt động kinh doanh khác.

Đầu thế kỷ 20, ngoài nhà in Kim Đức Giang, phố Hàng Bồ còn có nhà xuất bản Lê Cường và xưởng in Hồng Khê cùng ở số 75. Xưởng này ban đầu chuyên in toa thuốc, bao bì, sách giới thiệu hàng của nhà thuốc Hồng Khê, sau xuất bản cả các sách văn học, tiểu thuyết, nghiên cứu. Ngày 13.10.1945, báo Lao Động ra công khai và đóng trụ sở ở số 51.

Đoạn phía tây phố Hàng Bồ gồm nhiều cửa hiệu lớn. Khi người Pháp mới đánh chiếm Hà Nội, phố Hàng Bồ vốn cư ngụ đông gia đình người Việt Nam từ lâu đời và phần lớn trở nên giàu có. Sau này những người Việt Nam ở nơi khác và cả Hoa kiều gốc Triều Châu tỉnh Phúc Kiến cũng đến đây mua nhà, mở cửa hiệu và buôn bán các mặt hàng khác nhau.

Thời trước năm 1945, cứ khoảng gần Tết Nguyên đán thì trên vỉa hè phố Hàng Bồ lại có nhiều ông đồ bày mực tàu, giấy đỏ để viết chữ, bán cho dân treo mừng xuân mới. Họ trải chiếu ngồi dưới mái hiên của mấy cửa hàng lớn chuyên bán buôn (nên ít khách ra vào), treo lên tường câu đối viết sẵn, những đôi liễn hoa tiên, dưới chiếu bày chậu mực, ống bút và cả tập giấy màu.

Hàng Bồ còn là phố tranh Tết. Những người làng Đông Hồ, Hàng Trống đem các loại tranh dân gian bằng giấy dó đến treo trên tường và bày dưới hè, lấp lánh màu phẩm điều, phẩm lục, phẩm vàng nghệ. Đủ các tranh gà, lợn, đám cưới chuột. Có những bức tranh khắc gỗ to, vẽ nhiều sự tích: ông Thiên Lôi, bà La Sát, hứng dừa, đánh ghen, đánh vật, v.v..

Có một sự kiện đáng nhớ: hồi cuối năm Bính Hợi, sau 19 ngày đêm chống Pháp, các lực lượng quân sự của Hà Nội như Vệ quốc đoàn, Tự vệ thành, Công an xung phong… đã được thống nhất thành Trung đoàn Liên khu 1. Lễ ra mắt Trung đoàn diễn ra ở ngôi nhà số 51 phố Hàng Bồ vào sáng 6-1-1947. Bảy ngày sau, Trung đoàn được Hội nghị Quân sự toàn quốc tặng danh hiệu Trung đoàn Thủ Đô.

Phố Hàng Bồ sau thời đổi mới đã thay đổi mạnh mẽ với những toà nhà cao tầng mới xây và các hộ dân cũng kinh doanh nhiều mặt hàng khác trước. Nhưng những cửa hàng nho nhỏ vẫn còn rải rác đây đó, thu hút rất đông người mua và du khách đến tham quan.

PHỐ HÀNG BÔNG
 
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/Nha-pho-Hang-Bong-1-300x225.jpg

Phố Hàng Bông dài 932m, nay thuộc phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 300m về hướng tây. Phố giáp với 14 phố (Hàng Gai, Hàng Hòm, Hàng Trống, Hàng Mành, Lý Quốc Sư, Đường Thành, Phủ Doãn, Hàng Da, Quán Sứ, Phùng Hưng, Thợ Nhuộm, Cửa Nam, Điện Biên Phủ, Nguyễn Thái Học) và 3 ngõ lớn (Tạm Thương, Hội Vũ, Cấm Chỉ).

Phố Hàng Bông có từ rất lâu đời, địa giới hành chính thời Lê – Nguyễn nằm trong huyện Thọ Xương. Năm 1914 người Pháp chia TP Hà Nội thành 8 khu và đặt phố này vào khu Hai (Deuxième quartier). Ngày nay khoảng hơn một nửa phố thuộc về phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm. Phố rất dài và gồm nhiều đoạn trước kia từng có các tên gọi riêng.

Đoạn đầu ngắn, đi từ phố Hàng Gai đến Hàng Mành qua đất thôn Cổ Vũ (vào giữa thế kỷ 19 hợp nhất với thôn Kim Bát Thượng thành thôn Kim Cổ); xưa kia gọi là phố Hàng Hài hay Hàng Bông Hài bởi vì từng có nhiều cửa hiệu bán giày hài, nón, đồ thờ bằng giấy. Nhà 12 – 14 từng là trường Hàng Hài chuyên dạy Hán học, do cử nhân Ngô Văn Dạng người thôn Kim Cổ phụ trách. Năm 1873, ông đã tổ chức một đội quân chống Pháp xâm lược. Đoạn phố này còn gọi là Hàng Gương bởi lẽ có đền Phúc Hậu thờ ông Tổ nghề tráng gương. Đền ở nhà số 2 phố Hàng Bông bây giờ, bài vị ghi tên Tổ nghề là Trần Nhuận Đình, đã từng đi sứ phương Bắc vào thời nhà Trần.

Đoạn thứ 2 khá dài, từ phố Hàng Mành đến Hàng Da đều ở trên đất thôn cũ Kim Bát Hạ; xưa gọi là phố Hàng Bông Đệm bởi vì từng có nhiều nhà làm nghề bật bông hoặc buôn bán mền bông, chăn đệm. Cả hai thôn Kim Bát Thượng và Kim Bát Hạ đều thuộc tổng Tiền Túc, tới giữa thế kỷ 19 đổi thành tổng Thuận Mỹ. Đoạn này đi qua đầu ngõ Tạm Thương, con ngõ dẫn đến đình Yên Thái thờ Nguyên phi Ỷ Lan (1044 – 1117). Nhà 68 là đình Lương Ngọc, do dân làng Lương Ngọc, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương di cư về đây lập để thờ vọng thành hoàng. Bên số lẻ có nhà 61 nơi thi sĩ Xuân Diệu và Huy Cận từng sống trên gác và làm thơ trong giai đoạn 1942 – 1946.

Đoạn thứ 3 cũng dài, đi từ ngã tư Hàng Da – Quán Sứ đến ngõ Hội Vũ qua đất của ba thôn Đông Mỹ, Thương Môn, Đông Hạ; xưa gọi là phố Hàng Bông Cây Đa Cửa Quyền bởi vì từng có cây đa to trước cửa ngôi miếu thờ Cô Quyền. Đình Kim Hội (Quy Long) nằm ở góc phố Quán Sứ, do các nhà buôn bông dựng lên trong ngõ 95 để thờ Trần Hưng Đạo, còn đình Đông Mỹ thì ở nhà 127, do lái buôn thôn Đông Mỹ lập ra. Bên số chẵn có đền Thiên Tiên (nhà 120), trong thờ Lý Thường Kiệt, ngoài thờ Chư Vị, liền với lầu Vọng Tiên tức Vọng Tiên Lâu (nhà 120b) gợi nhớ sự tích vua Lê Thánh Tông gặp tiên ở gần Cửa Nam hoàng thành Thăng Long. Lầu bị chuyển đến đây vào cuối thế kỷ 19 khi quân Pháp cho me Tư Hồng thầu việc dỡ bỏ thành Hà Nội.

Đoạn thứ 4 ngắn, đi từ ngõ Hội Vũ đến phố Phùng Hưng qua đất thôn cũ Yên Trung Hạ (thuộc tổng Tiền Nghiêm, sau đổi thành tổng Vĩnh Xương); xưa gọi là phố Hàng Bông Lờ, bởi vì từng bán các loại đó, đơm, lờ để bắt cá. Xưa hơn nữa thì nơi đây chuyên nhuộm vải xanh nên còn có tên là phố Hàng Lam.

Đoạn cuối cùng dài từ phố Phùng Hưng qua phố Cửa Nam, ở trên đất thôn cũ Đông Mỹ; xưa gọi là phố Hàng Bông Thợ Nhuộm hay Hàng Bông Nhuộm, bởi vì dân sở tại người gốc làng Huê Cầu và Liêu Xá (thuộc huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) vốn có nghề nhuộm thâm các loại vải lụa. Gần Cửa Nam tức cửa Đại Hưng, từng có Quảng Văn Đình, nơi thời Lê thường công bố danh sách các tiến sĩ tân khoa. Lại treo trống lớn để cho ai oan ức hoặc muốn khẩn cầu vua cứ đến đánh một hồi sẽ có vị chức sắc ra nhận đơn cứu xét. Đình còn là nơi mà mồng một đầu tháng có quan Câu Kê đến giảng giải những điều vua khuyên răn để cho dân chúng nghe và làm theo.

PHỐ HÀNG BUỒM
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/pho-hang-buom-1-300x200.jpg

Phố Hàng Buồm dài khoảng 300m, nay thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 400m về hướng bắc. Phía đông nối tiếp phố Mã Mây tại ngã tư Đào Duy Từ, rồi đi qua đầu phố Tạ Hiện, cắt ngang phố Hàng Giầy và kết thúc ở ngã tư Hàng Ngang – Hàng Đường.

Phố Hàng Buồm vốn ở trên đất phường Hà Khẩu (còn gọi là Giang Khẩu), thuộc tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương cũ, nơi cửa sông Tô Lịch đổ vào sông Hồng. Về sau cửa sông bị lấp nhưng phố thì vẫn còn.

Nhiều hộ dân xưa kia sống ở phố Hàng Buồm chuyên bán các loại buồm. Cánh buồm được may bằng vải hay đan bằng cói dùng cho thuyền bè. Sản phẩm của phố hồi đó là các loại bị, túi, vỉ buồm, chiếu buồm… đan bằng mây, cói. Nguyên liệu được chở bằng thuyền vào tận sát phố, và cũng những con thuyền ấy chở sản phẩm đi các nơi khác. Sau khi người Hoa thao túng thị trường thì những mặt hàng đó dần dần biến mất và họ đã mở nhiều hiệu ăn ở phố này.

Phố Hàng Buồm ban đầu chưa phải là nơi tập trung người Hoa, họ ở phố Việt Đông (tức Hàng Ngang) rồi lan dần sang mấy phố xung quanh đó như Hàng Bồ, Phúc Kiến (Lãn Ông bây giờ). Đến thế kỷ 19, người Hoa mới mở rộng đến tận Hàng Buồm và cuối cùng hầu như chiếm hết cả phố.

Thời Pháp thuộc, phố Hàng Buồm mang tên “Rue des Voiles”, dịch đúng nghĩa đen. Trước kia trên phố còn có một cái chợ ở cạnh đền Bạch Mã, sau chợ này cùng với chợ Cầu Đông bị người Pháp dồn về lập thành ngôi chợ mới Đồng Xuân. Từ năm 1945 cho đến nay, phố lại chính thức được gọi theo tên cũ.

Hàng Buồm là con phố giữ được dáng vẻ thương mại kiểu truyền thống lâu bền dù trải qua nhiều biến động lịch sử. Khi quân Pháp lần đầu tiến đánh thành Hà Nội (1872), họ mô tả rằng thời đó Hoa Kiều đã xây dựng cổng ở đầu phố và cho người canh gác ban đêm. Lúc đầu, thực dân Pháp chưa xây dựng được công trình nào nên đã sử dụng Hội quán Quảng Đông làm chỗ hội họp, tiếp tân. Nhân dịp này, các thương nhân Hoa Kiều làm giàu nhanh chóng và kéo về đây ngày càng đông, người Việt dần dần phải dọn đi sang các phố khác.

Mùa đông năm Bính Tuất (1946 – 1947), trong suốt 60 ngày đêm mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, phố Hàng Buồm được cả hai bên giao chiến chừa ra làm một khu “phi quân sự”. Ủy ban Kháng chiến Liên khu I cho phép các cửa hàng buôn bán của Hoa Kiều được tự do mở cửa nên phố này hồi ấy là nơi duy nhất ở Hà Nội có các hoạt động dịch vụ nhộn nhịp. Một trong hai trạm quân y của Liên khu I từng được đặt ở nhà số 26 Hàng Buồm, ngay cạnh đền Quan Đế.

Ngày nay cộng đồng người Hoa ở khu Hàng Buồm không còn đông nữa nhưng nếp kinh doanh cũ vẫn được giữ lại với những cửa hàng và quán ăn kiểu hình ống, giống nhiều ngôi nhà cổ ở các phố liền kề như Hàng Ngang, Hàng Đường, Hàng Giày, Tạ Hiện, Đào Duy Từ v.v.. Trên phố có nhiều cửa hàng bán bánh kẹo, hạt dưa hạt bí và cả các món ăn sẵn nổi tiếng như thịt quay, bún, nộm…. Những dịp Tết và Trung thu, nơi đây rất tấp nập khách mua sắm và du lịch.

Hàng Buồm cũng ít thay đổi qua thời gian, cho dù đã có nhiều ngôi nhà được xây lại, trên phố vẫn còn vài di tích đáng tham quan như:

Ngôi đền Bạch Mã nổi tiếng nằm ở số nhà 76. Đền thờ thần Long Đỗ, trấn phương Đông của kinh thành Thăng Long xưa. Đền Bạch Mã có kiến trúc khá lớn theo chiều sâu, được xây dựng theo hướng từ phố Hàng Buồm cho đến phố Nguyễn Siêu, nay cửa vào ở sát hè phố Hàng Buồm.

Đền Quan Đế ở nhà số 28, bên trong thờ Quan Công. Gần đây sau khi giải quyết việc mấy hộ dân lấn chiếm đền, chính quyền thành phố cho cải tạo lại thành Trung tâm Thông tin Phố cổ Hà Nội, một nơi thường có biểu diễn ca trù và triển lãm văn hoá.

Đình Tử Dương nằm ở nhà số 8, dân gian vẫn gọi là đình Hàng Thịt vì do phường Hàng Thịt gốc ở làng Kim Ngưu, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên ra Thăng Long hành nghề lập nên.

Hội quán Quảng Đông từng đóng tại căn nhà số 22, nay là Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ, trên tường gắn bảng đá khắc ghi sự kiện nhà cách mạng Trung Hoa Tôn Trung Sơn đã ghé qua đây năm 1904. Kiến trúc của quán gần như còn nguyên vẹn với lớp mái ngói tráng men xanh và những tượng gốm nhỏ xíu trên nóc nhà.

CÒN TIẾP =>>