250 lượt xem

Đường phố Hà Nội (Phố cổ Hà Nội ) - Kì 5

PHỐ HÀNG MÀNH
 
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Hang-Manh-300x185.jpg
 

Phố Hàng Mành dài 150m, nay thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 250m về hướng tây. Phía bắc giáp phố Hàng Nón, phía nam giáp ngã tư phố Hàng Bông – Lý Quốc Sư, đoạn giữa đi qua đầu phố Yên Thái.

Phố Hàng Mành ra đời vào khoảng giữa thế kỷ 19, do một số người dân làng Giới Tế, thuộc huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, di cư đến lập nghiệp. Làng này vốn có nghề làm mành mành, do vậy mà hình thành tên con phố.

Mành mành có nhiều loại khác nhau tùy theo kích cỡ và khoảng cách giữa các nan. Vật liệu chủ yếu là các cây tre, nứa dài thẳng được lựa chọn cẩn thận trước khi xử lý sơ bộ rồi chẻ thành những chiếc nan và đem phơi nắng. Dây đay, dây gai và lạt giang được dùng để buộc. Người thợ đan lát khéo tay thường tạo thêm các hoa văn mỹ thuật. Đan xong có thể đem mành mành đi xông khói hoặc sơn màu để chống mối mọt và làm tăng độ bền đẹp.

Thời Lê – Nguyễn nơi đây là đất của thôn Yên Thái và thôn Kim Bát thượng, thuộc tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ. Sau thôn Kim Bát hợp với thôn Cổ Vũ thành thôn Kim Cổ, tổng Tiền Túc cũng đổi tên là Thuận Mỹ. Di tích còn lại là ngôi chùa Kim Cổ, hiện nay mở cửa ra bên dãy nhà số lẻ ở cuối phố Đường Thành.

Đoạn cuối phố Hàng Mành giao cắt phố Hàng Bông và nối với đầu phố Lý Quốc Sư, đoạn giữa giáp đầu phố Yên Thái. Di tích còn lại là ngôi đình thôn Yên Thái, hiện nay nằm cuối con ngõ Tạm Thương. Giống như ở chùa Kim Cổ, trong ngôi đình này cũng có điện thờ Nguyên phi Ỷ Lan.

Tên phố Hàng Mành dưới thời Pháp thuộc là Rue des Stores. Đến đầu thế kỷ 20, ngoài những hộ chuyên sản xuất và buôn bán mành mành, trong phố còn mở thêm các hàng quà bánh, buôn bán vặt vãnh. Nhưng nơi đây cũng từng mang tiếng bởi mấy nhà chứa có nộp thuế môn bài, cùng cánh với xóm mại dâm trong ngõ Yên Thái.

Những năm sau 1920, nhiều người giàu đã đến khu vực này tậu đất, phá nhà cũ nát, xây lầu gác hoặc dãy nhà nhiều gian để cho thuê. Hai dãy nhà trên phố Hàng Mành áp lưng vào tường của nhiều ngôi nhà thuộc phố Hàng Nón, Hàng Hòm và Hàng Bông. Thí dụ nhà in Lê Văn Phúc ở số 16 Hàng Bông có cổng sau ở phố Hàng Mành; số 27 Hàng Mành là cổng sau của nhà số 36 Hàng Hòm, v.v..

Đến cuối thế kỷ 20, trên phố chỉ còn một số ít hộ sản xuất các kiểu mành mành mỹ thuật dùng để trải bàn, làm bình phong, vẽ tranh, làm rèm che, làm đèn lồng, v.v.. Các mẫu mã sản phẩm bây giờ đã đa dạng và phong phú hơn xưa kia, sử dụng nhiều chủng loại nguyên liệu như tre, trúc, gỗ, vỏ cây, cây cỏ có thân cứng, lá cây, v.v… Ngoài việc chuyển sang kinh doanh những mặt hàng mới, phố Hàng Mành giờ đây cũng mở nhà hàng, khách sạn và dịch vụ du lịch theo trào lưu chung của khu phố cổ.

Ngôi nhà cổ chật hẹp ở số 1 Hàng Mành (nay là một quán bún chả nổi tiếng nhìn sang phố Hàng Nón) từng là cơ sở bí mật của chiến sĩ cách mạng Hoàng Văn Thụ vào khoảng cuối năm 1938. Lúc đó ở đây có hiệu cắt tóc do ông Nguyễn Bá Song mở ra làm nơi liên lạc. Ông Thụ có bí danh là Tôn, đóng vai người kéo quạt thuê cho ông Song.

PHỐ HÀNG NGANG
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Hang-Ngang-300x183.jpg
 

Phố Hàng Ngang dài 152m, nay thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; cách Hồ Gươm chừng 300m về hướng bắc. Đầu phố giáp ngã tư Hàng Buồm – Lãn Ông và nối với phố Hàng Đường; phía nam giáp ngã tư Hàng Bạc – Hàng Bồ và nối với phố Hàng Đào.

Từ thời Lê, tên phố là Việt Đông do có nhiều Hoa kiều gốc Mân Việt, Quảng Đông đến lập hội làm ăn. Khi quân Thanh chiếm Trung Hoa vào thế kỷ 17 thì người Minh Hương chạy loạn sang đây đã đem việc cúng lễ của Tàu pha vào phong tục của người Việt, thí dụ như dựng đền Tam Thánh, thờ cả Quan Công cùng với Trần Hưng Đạo trong đó.

Thời Hậu Lê và thời Nguyễn, triều đình Việt Nam định ra luật cư trú cho người ngoại quốc rất nghiêm. Theo lệ cũ, người Hoa được tổ chức thành “bang”, tập trung vào mấy nơi ở Hà Nội là Việt Đông (Hàng Ngang) và Hà Khẩu (Hàng Buồm), hết thời hạn phải về Trung Quốc, nếu tình nguyện ở lại phải thay đổi y phục, phong tục theo người Việt Nam.

Người Trung Quốc sang ta định cư trước kia thường cùng quê với nhau thì tụ hội gần nhau. Ngay cạnh phố Hàng Ngang, về phía đông ở phố Hàng Buồm có Hội quán Quảng Đông, về phía tây có Hội quán Phúc Kiến ở phố Lãn Ông.

Có thuyết cho rằng “Thế kỷ 18 đoạn đầu phố giáp phố Hàng Đào gọi là phố Hàng Lam, bán đồ tơ lụa màu xanh lam”, nhưng “đoạn đầu” đi từ đâu đến đâu thì không sách nào nói rõ. Thời Nguyễn, sách “Đại Nam nhất thống chí” vẫn ghi tên “phố Việt Đông”.

Trong sách “Người và cảnh Hà Nội” tác giả Hoàng Đạo Thúy viết: “…những người khách trú gốc Quảng Đông đến rất đông ở phố này, bán tạp hóa, chè và thuốc. Họ làm giàu to nên trước đây hai đầu phố làm cổng ngăn rất chắc. Sau nhà có tường cao như thành, chỉ có một số cửa sau kín đáo để thì thọt với Tây, với quan…”.

Thời Pháp thuộc, phố mang tên “Rue des Cantonnais” (phố của người Quảng Đông). Nhưng không chỉ người Hoa mà cả người Việt, người Ấn Độ (thương nhân từ TP Bombay sang VN bán vải) cũng có cửa hàng tại đây.

Đầu thế kỷ 20, có thêm đường tàu điện giữa phố nên hai làn đường còn lại bị thu hẹp, nhưng vỉa hè vẫn khá đủ cho người đi bộ. Người ta kể là trong một lần tiếp đại sứ Việt Nam tại Đan Mạch thì hoàng thân Hăng-ri Đờ Mông-pơ-za, phu quân của Nữ hoàng Đan Mạch, người đã sống suốt thời thơ ấu ở Hà Nội và nói tiếng Việt rất sõi, có hỏi ông đại sứ rằng “Thế bây giờ phố Hàng Ngang có còn tàu điện chạy leng keng nữa không ?”

Nhà cửa những năm 1930 – 1940 thường là kiểu hình ống, trung bình mặt tiền rộng 4-6m, nhưng cũng có nhà hẹp chỉ hơn 2m như nhà số 9, hay 21 (hiệu Tam Hoà). Một số căn nhà ống rất sâu, thông sang tận phố Hàng Buồm, hay Hàng Cân. Hầu hết là nhà 1 tầng hay 2 tầng sàn gỗ lợp ngói, có bao lơn nhỏ và mái che trước cửa bằng tôn hay gỗ mỏng. Nhà bê-tông đúc rất hiếm. Dân trong phố lúc đó khổ sở nhất về hai khoản nhà vệ sinh và hệ thống thoát nước.

Theo Doãn Kế Thiện trong sách “Hà Nội cũ” do NXB Đời Mới in năm 1943 thì trước đó ở cuối phố Hàng Ngang, cạnh cổng phường có một cái điếm canh gác ban đêm bỗng trở thành trạm thông tin vỉa hè. Hễ trong phường phố xảy ra chuyện trái đạo đức thì có ai đó bí mật đem dán ngay ở đây một bài vè tường thuật châm biếm, thường được nhanh chóng lan truyền và các ông bà hát xẩm đem trình diễn luôn ở nơi chợ búa, bến tàu, bến xe. Vì vậy dân đương thời gọi là “điếm vè Hàng Ngang” và nhiều tay nhà giầu cùng quan lại rất sợ cái điếm này.

Phố Hàng Ngang có nhà số 48 được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng là Di tích Lịch sử văn hoá theo Quyết định số 54/VH/QĐ ngày 29-4-1979. Ngôi nhà đặc biệt này còn có lối ra vào nữa ở số 35 phố Hàng Cân và trước kia thuộc gia đình ông Trịnh Văn Bô, một vị tư sản giàu lòng yêu nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cư ngụ trên căn gác nhỏ tại đây vào mùa thu năm 1945 và viết bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Những cửa hàng thời trang, mỹ phẩm xuất hiện chủ yếu từ thời kỳ Pháp tạm chiếm Hà Nội. Mãi đến tận thời bao cấp trên phố vẫn còn có một vài cửa hiệu vẽ truyền thần.

Trong chiến tranh chống Mỹ, mấy nhà cuối dãy lẻ bị phá để xây hầm tránh bom, nên số 59 trở thành lớn nhất; sau ngày hoà bình hầm trú ẩn được dỡ đi, thay vào đó người ta xây một Quỹ Tiết kiệm. Dãy chẵn cũng chỉ có khoảng 30 số nhà, cửa hiệu Bảo Thành ở cuối cùng.

Phố tuy ngắn và lòng đường lại chỉ rộng khoảng 6-8m nhưng Hàng Ngang là một trong những con phố cũ sầm uất nhất thủ đô. Cùng tuyến với Hàng Đào, Hàng Đường, ngày nay đây vẫn là dãy phố chuyên doanh đặc trưng của nội thành Hà Nội, bán từ quần bò cho đến complet, veston, blouse, y phục các loại đủ mùa. Đây cũng thuộc tuyến phố “chợ đêm Đồng Xuân” nơi giao thông cơ giới chỉ có một chiều và lòng đường được dành cho người đi bộ vào buổi tối các ngày Thứ sáu, Thứ bảy, Chủ nhật.

PHỐ HÀNG NÓN
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Hang-Non-300x225.jpg
 

Phố Hàng Nón theo chiều đông-tây đi từ chỗ ngã ba Hàng Quạt – Hàng Hòm qua các ngã phố Hàng Mành, Hàng Thiếc, Hàng Điếu rồi kết thúc ở phố Đường Thành. Hiện nay phố trải dài 216m từ phường Hàng Gai sang phường Cửa Đông, thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 400m về hướng tây-bắc.

Ngày xưa, phố Hàng Nón cũ chỉ gồm một đoạn ngắn của Hàng Nón bây giờ, nằm ở khoảng giữa 2 phố Hàng Điếu và Hàng Thiếc. Đoạn phía tây giáp phố Đường Thành chỉ mới được xây từ năm 1920; đoạn đầu từ ngã ba Hàng Hòm đến ngã ba Hàng Thiếc thì trước kia gọi là phố Mã Vĩ, giáp phố Hàng Đàn (tức Hàng Quạt bây giờ).

Đoạn phố cũ mang tên Hàng Nón vì thời xưa ở đấy vốn có nhiều cửa hàng bán các loại nón khác nhau, kể cả nón “tu lờ” dành cho sư sãi nhà chùa. Người Pháp sang, đặt tên phố “Rue des Chapeaux”, dịch nghĩa đen là “Phố Hàng Mũ” (họ không có từ “nón”).

Nón lá đã được chạm khắc trên trống đồng Ngọc Lũ và trên thạp đồng Đào Thịnh từ 2500-3000 năm về trước. Cho mãi đến đầu thế kỷ 20, người Việt Nam, kể cả người Hà Nội, đàn ông cũng như đàn bà đều dùng nón đội đầu. Đàn ông có nón dứa, nón lông có chóp bằng bạc hoặc đồng. Đàn bà có nhiều loại nón hơn, sang thì dùng nón thúng quai thao, người lao động thì đội nón ba tầm hoặc nón chảo làm bằng lá gồi mềm.

Nón quai thao là một loại nón của phụ nữ ở Bắc Bộ Việt Nam ngày trước. Nón làm bằng lá cọ hoặc lá gồi, có hình dạng giống như tai nấm, có quai thao, đỉnh bằng, đường kính 70-80 cm, vành rộng 10-12cm. Quai thao làm bằng 1-8 dây thao đen kết bằng tơ, chỉ, ngoài bọc tơ dệt liền..

Từ cuối thập niên 1910, trừ những người Hà Nội có tuổi, đàn ông không ai đội nón nữa, họ đội khăn bịt, che ô; đàn bà sang trọng dùng dù vải. Ngoài đường chỉ thấy những người lao động nặng nhọc lam lũ còn đội nón lá. Cửa hàng bán nón ở trong phố thưa dần, về sau sót lại vài ba nhà giữ nghề cũ, nón chỉ còn thấy bán ở trong các chợ.

Những chủ hiệu nón ở phố Hàng Nón dần dần chuyển sang bán cả mặt hàng khác. Có mấy cửa hàng hồi đó kinh doanh các loại guốc sơn dùng cho phụ nữ như Mỹ Sinh và Mỹ Thịnh; chủ hiệu là người làng Hà Vỹ, một làng có nghề sơn ta cổ truyền. Họ từ phố Hàng Hòm dọn đến đây, mua guốc gỗ đẽo sẵn rồi sơn mầu để bán.

Đã tưởng bị thất truyền thì đến cuối thế kỷ 20 nghề nón lại phục hồi, chủ yếu bán cho du khách trong các khách sạn. Trên phố Hàng Nón và nhiều phố khác gần đây cũng thấy xuất hiện tấm biển hiệu to tướng màu hồng đề chữ “Nón Sơn” nhưng bên trong lại bày toàn mũ mãng; như vậy có lẽ chủ nhân là người miền Nam.

PHỐ HÀNG PHÈN
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Hang-Phen-300x200.jpg

Phố Hàng Phèn ngắn chỉ độ trăm mét, nay thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 500m về hướng tây-bắc. Phía đông giáp phố Thuốc Bắc, đoạn giữa cắt ngang qua phố Bát Sứ, phía tây giáp với các phố Cửa Đông, Nhà Hỏa và Hàng Gà.

Trước kia, phố Hàng Phèn chuyên bán các loại phèn, do đó mà có tên. Vào thời cuối Lê đầu Nguyễn, chỗ này có một cái chợ, gọi là chợ Đông Thành (Đông Thành Thị), thuộc tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương, ngôi chợ to nhất của đô thị.

Thực dân Pháp chiếm Hà Nội, bỏ chợ Đông Thành, lập chợ mới Đồng Xuân. Phố Hàng Phèn được gắn biển đề Rue du Vieux Marché (Phố Chợ Cũ). Còn dân ta tới đầu thế kỷ 20 vẫn gọi đó là phố Chợ Lớn – Hàng Phèn. Từ năm 1945 phố lại mang tên chính thức là Hàng Phèn.

Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, ở phố Hàng Phèn đã có các hiệu bán hóa phẩm thông thường, gồm các loại phèn đen, phèn xanh, phèn chua. Bán chạy nhất là loại phèn chua dùng để lọc nước sông, nước hồ. Thời kỳ đó nhiều phố Hà Nội chưa có hệ thống dẫn nước máy nên dân phố phải tự gánh hoặc thuê người gánh nước sông hồ về đổ vào bể nước ở nhà (chỉ một số ít nhà có giếng trong sân), rồi nước đó lại phải đánh phèn cho lắng đất cặn trước khi sử dụng để nấu nướng hoặc tắm rửa. Phèn cục to, mua về phải đập nhỏ ra mới dùng được.

Phèn chỉ bán một phần cho người Hà Nội, phần chủ yếu bán cho người các tỉnh. Ngoài phèn ra, phố này còn có bán các loại hàng tạp hoá, giấy bút như bên phố Hàng Bút cũ ở liền đó.

Trước năm 1930, phố Hàng Phèn hầu hết là nhà một tầng cũ kỹ. Nhiều cây si, cây bàng, cây đa trổ rễ ở hai bên đường làm tôn thêm vẻ đẹp cổ kính của con phố. Sau đó những ngôi nhà này được xây lại theo kiểu mới bằng vật liệu sắt thép xi măng, nhưng với kỹ thuật ngày ấy thì diện tích sử dụng cũng không thể mở rộng được nhiều lắm.

Nhìn chung ngày nay hai bên hè phố hẹp toàn là nhà nhỏ cao hai, ba tầng, nhà nọ xây liền tường nhà kia, không có đất công cộng. Đứng từ ngoài nhìn không còn thấy vết tích những ngôi nhà cổ như trong phố khác. Ngoài những mặt hàng cũ, hiện nhiều gia đình ở phố Hàng Phèn còn kinh doanh các dịch vụ khác như ăn uống, y tế, quần áo thời trang… trong những cửa hiệu hiện đại.

Ở số nhà 29B Hàng Phèn có cửa hàng Sửa chữa đồng hồ của ông Đào Văn Dư. Ông là thợ đồng hồ duy nhất của Việt Nam có 7 bằng chứng nhận tay nghề của các hãng đồng hồ nổi tiếng thế giới như Rado, Omega, Longines… Ông cũng là một trong những người tham gia lắp đặt chiếc đồng hồ treo trên nóc tòa nhà Bưu điện Hà Nội từ 1978 và vẫn hoạt động cho đến nay.

PHỐ HÀNG QUẠT
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Hang-Quat-300x225.jpg

Phố Hàng Quạt dài chừng 200m, nay thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 200m về hướng tây-bắc. Đầu phía đông giáp phố Lương Văn Can, cuối phố giáp ngã ba Hàng Nón – Hàng Hòm, ở giữa giáp phố Tố Tịch, cả ba ngả này đều thông ra phố Hàng Gai.

Phố Hàng Quạt nguyên thuộc đất thôn Tố Tịch và thôn Thuận Mỹ. Thời Pháp thuộc gọi là Rue des Eventails (dịch đúng nghĩa đen), từ năm 1945 chính quyền TP Hà Nội đã chính thức hóa tên phố Hàng Quạt. Thực ra đó là ba con phố cũ rất nhỏ gộp lại: nửa phía đông là phố Hàng Quạt (cũ) và Hàng Đàn, nửa phía tây là phố Mã Vĩ.

Đoạn đầu phố xưa cũng gọi là Hàng Quạt, có những cửa hàng bán quạt của gia đình tự sản xuất và của cả những nơi khác chở đến nữa. Nghề làm quạt do một số người dân gốc làng Đào Xá, tên nôm là Đầu Quạt (tỉnh Hưng Yên) đem tới. Họ cư trú ở đây, làm quạt, lập đình thờ vị tổ nghề họ Đào.

Tuy nhiên quạt được bày bán còn có nhiều loại khác như: quạt Lủ (làng Kim Lũ), quạt Hới (làng Hải Yến, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên), quạt Vạc (làng Canh Hoạch, huyện Thanh Oai), quạt Vẽ (làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm)…

Đoạn giữa phố Hàng Quạt vốn có tên Hàng Đàn vì xưa kia nhiều nhà làm và bán các loại đàn nguyệt, đàn tranh, đàn bầu, nhị, hồ… Hồi đó gần như không có cửa hàng lớn, mà chỉ có những gia đình thợ thủ công sống về nghề mộc.

Sau khi chiếm Hà Nội, thực dân Pháp đặt tên phố là “rue des Eventails”, dịch đúng nghĩa tiếng Việt. Từ đầu thế kỷ 20 chủ yếu các hộ dân ở đây làm và bán những đồ gỗ chạm như long đình, kiệu bát cống, song loan… Rồi họ kinh doanh cả đồ gỗ thông thường như bàn, ghế, tủ, chạn… nhưng phổ biến nhất vẫn là đồ thờ cúng, tế tự.

Đoạn cuối phố Hàng Quạt ngày nay, từ đền Dâu đến ngã ba Hàng Hòm – Hàng Nón, trước gọi là phố Mã Vĩ (tức “đuôi ngựa”). Phố này chuyên làm và bán các loại áo mũ triều phục, trang phục tuồng, chèo, lễ hội, cờ, phướn, trướng, lọng và một số đạo cụ sân khấu làm bằng lông đuôi ngựa … Từ cuối thế kỷ 20 chỉ một vài trong số những nghề trên là còn có khách hàng; nhiều hộ dân đã chuyển sang kinh doanh đồ thờ cúng và vật liệu trang trí như các loại sơn, giấy dán tường v.v..

Nhìn chung ngày nay ở phố Hàng Quạt không còn bán quạt và đàn nữa. Người dân các nơi chủ yếu đến đây để mua các mặt hàng khác như bàn thờ lớn nhỏ, tranh thêu, chữ, câu đối, cờ, trướng dùng vào việc hiếu, hỷ, chúc thọ, khen thưởng.

Trên phố, bên cạnh trường giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố tồn tại đã lâu đời thì còn có trường THCS Nguyễn Du và trường Nguyễn Bá Ngọc là những cơ sở giáo dục khá lớn được xây dựng khang trang.

PHỐ HÀNG RƯƠI
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Hang-Ruoi-300x200.jpg

Phố Hàng Rươi dài 110m, nay thuộc địa phận phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 800m về hướng tây-bắc. Phố đi từ ngã ba Hàng Lược qua đầu phố Hàng Chai đến ngã tư Hàng Mã rồi nối phố Hàng Đồng.

Phố Hàng Rươi có từ đầu thế kỷ 19, nằm trên địa phận của hai làng Vĩnh Trù và Yên Phú, tổng Hậu Túc (sau đổi là tổng Đồng Xuân), huyện Thọ Xương, thuộc trấn thành Hà Nội cũ. Ngôi chùa trước kia là đình làng Vĩnh Trù hiện nay vẫn còn di tích ở số nhà 59 phố Hàng Lược, tam quan chùa đối diện điểm dừng xe bus tuyến 31 gần đầu phố Hàng Rươi.

Phố được hình thành trên bờ tây của dòng Tô Lịch từ trước khi khúc sông này bị lấp vào cuối thế kỷ 19. Nơi đây từng có một bến thuyền; hàng năm vào tháng 9 – 10 âm lịch nhiều người dân các vùng Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định đến họp chợ bán rươi, do đó mà thành tên. Thời Pháp thuộc gọi là Rue des Vers Blancs. Năm 1945, thị trưởng Hà Nội Trần Văn Lai chính thức đặt lại tên phố Hàng Rươi.

Phố Hàng Rươi ngày nay năng động, phát triển đa dạng, trở thành một trong những phố cổ của Hà Nội nổi tiếng với lĩnh vực kinh doanh hoa giả. Hồng, Quất, Lay ơn, Cúc, Tre, Bằng lăng… được làm bằng chất liệu lụa, nilông với giá rẻ, lại đẹp, bền. Có tới 2/3 các nhà ở phố Hàng Rươi bày bán các loại hoa giả với kiểu dáng, màu sắc bắt mắt. Có những loài hoa giả giống hoa thật đến mức phải sờ vào mới phân biệt được. Nhiều cửa hàng còn mở các lớp dạy cắm hoa nghệ thuật.

Không khí Tết Nguyên đán hàng năm bao giờ cũng đến rất sớm với phố cổ Hàng Rươi. Ngay từ đầu tháng 12 âm lịch, các cửa hàng trên phố Hàng Rươi đã rực rỡ màu đỏ và vàng ánh kim từ những dây treo đồng tiền vàng, câu đối, dây bông, đèn lồng và các loại hoa cảnh… để đón chào năm mới. Những người đi chơi sắm Tết sau khi vào chợ hoa Hàng Lược cũng thường rẽ sang đây.

Phố Hàng Rươi từ lâu không còn chợ bán rươi nữa. Nhưng hằng năm, cứ vào mùa rươi, các đường phố Hà Nội lại rộn ràng tiếng rao: “Ai mua rươi ra m….u….a” với âm điệu và tiết tấu đặc biệt mà chỉ những người bán rươi mới có. Tiếng rao ấy gợi nhớ đến một thức quà quý hiếm trong năm – chả rươi. Mùa rươi ngắn ngủi, chỉ tầm 15 ngày, trong năm có hai vụ: vụ chiêm bắt đầu từ tháng 5, còn vụ chính là vào cuối tháng 9 âm lịch. Có câu “Tháng chín đôi mươi, tháng mười mồng năm” là vì thế.

Món rươi

Con gì bé tỉ bé ti
Người đi dưới đất, bóng đi trên trời

Con rươi còn gọi là “rồng đất”, tên khoa học Eunice viridis, thuộc họ Nereidae, nhóm “giun nhiều tơ”, sống ở các vùng nước lợ ven bờ biển Bắc bộ. Rươi được coi là một loại thực phẩm bổ dưỡng vì có nhiều chất đạm (tuy nhiên những người mắc bệnh hen hoặc dị ứng hải sản thì không nên ăn rươi). Người ta vớt chúng vào mùa sinh sản rồi cho vào nước lạnh để rươi sống vài ngày trước khi được tiêu thụ ở trong nước hoặc Trung Quốc.

Để làm món chả rươi ngon cần chọn những con thân mập ánh hồng, màu xanh thẫm, nâu đỏ hoặc ngả vàng. Rửa sơ bằng nước lã, làm rụng lông bằng nước nóng già, rồi đánh nhuyễn. Trộn với thịt nạc xay, trứng, vỏ quýt cay, thì là, ớt bằm nhỏ hay hạt tiêu. Chả rán trong chảo mỡ nóng già để nhỏ lửa, chưa ăn đã nức mùi đầy quyến rũ. Lớp vỏ ngoài màu vàng cánh gián, cắn một miếng là chạm tới lớp thịt rươi mềm mềm. Vị đậm đà, vừa bùi vừa ngọt đậm lại thơm hương gia vị…

Phố Hàng Rươi nhộn nhịp, thu hút đông thực khách thưởng thức các món rươi. Có gần chục món ăn từ rươi như chả rươi, rươi hấp, rươi xào, rươi nấu, nem rươi, rươi kho, rươi rang… Riêng mắm rươi đóng chai thì để dành được lâu hơn. Cũng dùng với bún, rau sống, thịt lợn luộc, chuối xanh, gừng tươi, hành củ, lạc rang, ớt tươi, rượu tăm… tưởng chẳng khác gì mắm tép, nhưng món mắm rươi mang lại một cảm giác duy nhất trong lưỡi.

PHỐ HÀNG THAN
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Hang-Than-300x199.jpg

Phố Hàng Than dài 408m, nay thuộc phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội; cách Hồ Gươm chừng 1,1km về hướng bắc. Theo hướng bắc-nam, đoạn đầu đi từ dốc Yên Phụ đến ngã tư Nguyễn Khắc Nhu – Phạm Hồng Thái, đoạn giữa qua ngã năm Hòe Nhai – Nguyễn Trường Tộ đến ngã ba Nguyễn Trung Trực, đoạn cuối giáp tháp nước Hàng Đậu.

Hàng Than là một phố cổ của Hà Nội đã tồn tại từ thời chưa có bãi bồi Phúc Xá, khi đó sông Hồng chảy sát chân con đê Yên Phụ, nơi hàng đoàn thuyền buồm nâu đỗ san sát, phu khuân vác còng lưng đổ lên bờ những sọt than hoa đen. Than đốt ở trên rừng miền ngược, nhiều vết cưa ngang cây còn rõ nét các vân gỗ và kẽ nứt như hình mạng nhện.

Đầu phố Hàng Than vốn thuộc đất phường Giang Tân (tức “Bến sông”), lại từng có các tên Hà Tân (Bến sông lớn) và Thạch Khối (Khối đá) bởi vì thời ấy dân nơi này có nghề nung đá làm vôi xây nhà và vôi để ǎn trầu. Trong sách “Dư địa chí”, phần nói về đất Thượng Kinh tức Hà Nội, Nguyễn Trãi có chép “Phường Hà Tân nung vôi”. Đoạn giữa phố thuộc địa phận thôn Hoè Nhai. Thôn này cùng với thôn Thạch Khối đều thuộc tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận. Tới giữa thế kỷ 19, thôn Hoè Nhai đổi tên thành Giai Cảnh.

Phố Hàng Than nay có nhiều hộ kinh doanh dịch vụ ăn hỏi, đặc biệt nổi tiếng nhờ bánh cốm, thứ đặc sản khó mà vắng mặt trong lễ cầu hôn. Các thương hiệu Nguyên Ninh, An Ninh, Việt Ninh, Nguyên Bảo, Nguyên Linh, Bảo Minh, Nguyễn Minh… từ đây toả đi bốn phương trên những chiếc hộp vuông xinh xinh in hình chiếc bánh cốm cổ truyền bọc lá chuối tươi được buộc bằng lạt nhuộm hồng. Mở hộp ra thì thấy hiện lên sau làn giấy gói trong suốt một sắc cốm xanh màu lúa nếp non. Nhân bánh bằng hạt sen vàng nhạt và đậu xanh, điểm vài sợi cơm dừa trắng. Tất cả đều như muốn mang hương đồng gió nội mùa thu của những làng Vòng, làng Lủ xưa kia về với thực khách thời đại công nghiệp hoá.

Đoạn giữa phố Hàng Than vốn là đất thôn Yên Thuận, thuộc về tổng Yên Thành, cùng huyện Vĩnh Thuận. Hiện trên phố Hàng Than vẫn còn hai di tích của thôn này: đền Yên Thuận Thượng ở số nhà 25 và đền Yên Thuận Hạ ở số nhà 39. Xa hơn thì có đền Yên Thành thờ Vua Bà Lý Chiêu Hoàng ở góc phố Phan Huy Ích giáp phố Quán Thánh.

Đền Giai Cảnh nay ở số 1 phố Hàng Than, thờ Uy Linh Lang đại vương, bên trong có cả bia hậu thần và bia tiên hiền. Gần đó ở số 64 phố Yên Phụ vẫn còn đình Thạch Khối Thượng và ở số 12 phố Hàng Than có đình Thạch Khối Hạ. Cả ba ngôi đình, đền này cùng thờ thần Uy Linh Lang, một nhân vật truyền thuyết có công chống giặc Nguyên. Nơi thờ chính cũng không xa: đó là đình An Thọ, toạ lạc ở phố Phó Đức Chính về mé phía tây.

Cuối phố Hàng Than, giữa chỗ bùng binh ngã sáu Hàng Đậu – Hàng Giấy – Hàng Cót – Quán Thánh – Phan Đình Phùng có một tháp nước to hình trụ do người Pháp xây dựng bằng đá vào cuối thế kỷ 19, dân quen gọi là tháp Hàng Đậu. Nghe nói, trước kia ở dưới tháp nước từng là nơi chứa thuốc súng.

Di tích nổi tiếng nhất là chùa Hòe Nhai, tên chữ Hồng Phúc Tự, một trong các tổ đình của thiền phái Tào Động. Cổng chính ở số 19 Hàng Than. Cổng sau chùa nhìn sang một con phố nhỏ mang tên Hồng Phúc. Trong chùa còn tấm bia dựng nǎm 1703 do tiến sĩ Hà Tông Mục soạn, ghi rõ chùa thuộc phường Hòe Nhai ở Đông Bộ Đầu. Nhờ đó mới có cơ sở để khẳng định khu đầu phố Hàng Than chỗ dốc đê Yên Phụ là một địa danh lịch sử: bến Đông Bộ Đầu, nơi quân quan nhà Trần đã tống cổ giặc Nguyên xâm lược ra khỏi kinh thành Thǎng Long ngày 29-1-1258.

Đoạn giữa phố còn có ngôi đền Tứ Vị ở số nhà 39, là nơi thờ vọng Tứ vị Hồng nương, tương truyền sau khi trẫm mình ngoài biển thường hiển linh cứu giúp dân chài. Ngôi đền chính tọa lạc tại cửa Càn Hải, xã Phương Cần, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An (tức đền Cờn), theo Đại Việt sử ký toàn thư thì đã có từ thời Trần Anh Tông.

Ngày nay, bên cạnh những lầu cao hiện đạị phố Hàng Than chỉ còn lác đác vài cǎn nhà ta cửa sổ bé tí, mái ngói rêu phong. Chen lẫn vào đó cũng sót lại một vài ngôi nhà Tây hai tầng kiểu đầu thế kỷ 20, tường vôi vàng, nền nhà thường cao hơn mặt đường đến mấy bậc cửa, xây gạch vồ, cửa cuốn trang nghiêm trầm mặc. Nhà số 40 gắn với cuộc đời hai thi sĩ trẻ Xuân Diệu và Huy Cận. Họ đã sống với nhau trên gác tại đây trong hơn một năm từ mùa thu 1939, trước khi Xuân Diệu đi Mỹ Tho làm tham tá (thư ký) Sở thương chánh. Ngoài ra còn có gallery Art Việt Nam ở nhà số 30 được xem là một trong các địa chỉ mỹ thuật mới nổi.

PHỐ HÀNG THIẾC
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Hang-Thiec-300x169.jpg
 
Phố Hàng Thiếc dài 136m, nay thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm hơn 300m về hướng tây-bắc. Đầu phố giáp ngã tư Hàng Bồ – Bát Đàn và nối tiếp phố Thuốc Bắc; phía nam giáp với phố Hàng Nón.

Phố Hàng Thiếc nằm trên nền đất vốn thuộc thôn Yên Nội, tổng Tiền Túc (sau đổi thành tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương cũ. Di tích làng Yên Nội nay lại ở phố bên cạnh và cũng hầu như không còn gì (đình Yên Nội: số 42 phố Hàng Nón).

Ông Đạt ở số nhà 69 cho biết: cụ tổ đời thứ 3 của họ Trần nhà ông quê ở Đan Hội – Hà Đông chính là người khai sinh ra nghề thiếc ở phố này. Dân đến đây lập nghiệp chủ yếu là từ các làng Đan Hội, Thường Tín, Phú Thứ, Khương Thượng, Canh, Diễn… Họ cùng làm các đồ gia dụng bằng thiếc như lư hương, khay đựng trà, ấm pha trà…

Vào những năm giữa thế kỷ 20, nghề làm hàng bằng thiếc đổi sang làm hàng bằng tôn kẽm tức tôn trắng (dân ta quen gọi là “sắt tây”), cho nên người Pháp đặt tên phố này là “Rue des Ferblantiers” (phố Thợ Tôn). Đây là một trong những phố phường hiếm hoi đến nay vẫn còn giữ được nghề cũ của mình.

Nghề làm hàng sắt tây có từ trước chiến tranh thế giới thứ 2, khi dân ta bắt đầu quen với việc dùng đèn dầu hoả. Những thùng đựng dầu là nguyên liệu cho thợ thủ công phố này. Có những chiếc thùng cứ để nguyên, chỉ đốt ở trong cho hết mùi dầu hoả, rồi đóng đai bán cho người ta dùng để gánh nước.

Sau khi vật liệu sắt tây đã được sử dụng phổ biến thì phố này chuyên sản xuất đủ loại mặt hàng gia dụng từ tôn, nhôm, inox như khuôn làm kem, bánh, bình tưới, hòm xiểng, tủ nhỏ… đến đồ chơi cho trẻ em rồi cả các con thuyền nhỏ cho dân vùng đất bãi sông Hồng.

Nghề làm gương kính cũng chiếm vị trí quan trọng ở đây. Khi nhu cầu về cửa kính và tủ bày hàng dùng vật liệu nhẹ làm khung tăng lên thì phố này bận rộn suốt ngày đêm bởi các công trình lớn nhỏ. Ở số nhà 2 phố Hàng Bông vẫn còn đền thờ ông tổ nghề tráng gương, mặt hàng quen thuộc của phố Hàng Thiếc trước đây.

PHỐ HÀNG THÙNG
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Hang-Thung-300x200.jpg

Phố Hàng Thùng dài gần 220m, đi từ đường Trần Quang Khải cắt ngang hai phố Hàng Tre, Nguyễn Hữu Huân rồi kết thúc ở ngã tư Hàng Bè–Hàng Dầu và nối với phố Cầu Gỗ. Phố hiện nay thuộc hai phường Lý Thái Tổ và Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Xưa kia nơi đây nguyên là đất các thôn Sơ Trang và Đông Yên, thuộc tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương, phía đông kinh thành Thăng Long cũ. Đúng như tên gọi, phố Hàng Thùng vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 từng là một nơi sản xuất và bày bán các thứ thùng bằng tre nứa, gỗ được gắn bằng sơn ta, dùng để gánh nước hoặc đựng nước mắm.

Thời ấy, ở đoạn phía đông phố có nhiều cửa hàng bán gỗ và đồ gia dụng bằng gỗ. Ngoài gỗ phiến, gỗ tấm, họ còn làm cả đồ gỗ thành phẩm như giường, tủ, bàn, ghế, chạn bát… Nghề này phát triển khá mạnh, nên nhiều gia đình ở phố Hàng Thùng đã giàu lên nhanh chóng. Những ngôi nhà thấp, cũ đã được cải tạo, xây mới cao rộng và đẹp hơn.

Thời Pháp thuộc, Hàng Thùng gồm hai phố. Đoạn từ phố Trần Nhật Duật đến phố Nguyễn Hữu Huân có tên là Rue Fou Tchéou (phố Phúc Châu), sau đổi là Rue Rondony. Đoạn thứ hai từ phố Nguyễn Hữu Huân đến Hàng Bè gọi là phố Hàng Thùng (Rue des Seaux).

Từ năm 1945, phố Rondony được gọi là phố Bình Chuẩn. Năm 1947, chính quyền thành phố nhập hai phố Bình Chuẩn và Hàng Thùng thành một phố, có tên chung là Hàng Thùng và tên đó giữ nguyên cho đến nay.

Theo thời gian, số gia đình làm và bán thùng tre ít dần, đến nay không còn ai theo nghề này nữa. Các hộ năng động chuyển sang kinh doanh nhiều mặt hàng khác như: ăn uống, tạp hóa, thời trang… Nổi tiếng nhất là cửa hàng nem tai ở số 37 Hàng Thùng của bà Hồng. Trải qua nhiều đời, nem ở đây vẫn giữ được hương vị thơm ngon quyến rũ rất riêng.

Tại số nhà 22 gần ngã tư Hàng Thùng – Nguyễn Hữu Huân có ngôi đền Thọ Nam nằm lọt thỏm giữa các cao ốc và cửa hiệu sang trọng. Đền rộng 3 gian, xây theo hình chuôi vồ, diện tích khá khiêm tốn.

Ngoài ra, trên phố còn có vài ngôi nhà cổ đáng chú ý. Năm 2008, tác phẩm điêu khắc “Ngôi nhà cổ số 13 phố Hàng Thùng” của nghệ sĩ Vương Văn Thạo đã lọt vào top 10 tác phẩm của châu Á – Thái Bình Dương tham gia cuộc thi “APB Foundation Signature Art Prize.”

PHỐ HÀNG TRE
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Hang-Tre-300x200.jpg

Phố Hàng Tre dài hơn 300m, nay thuộc phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố đi từ ngã tư Hàng Mắm – Hàng Muối về phía đông-nam khu phố cổ, qua đầu ngõ Bạch Thái Bưởi rồi cắt ngang phố Hàng Thùng đến ngã tư Lò Sũ – Hàng Vôi.

Phố Hàng Tre xưa thuộc đất thôn Trừng Thanh, tổng Tả Túc, huyện Thọ Xương cũ. Đến cuối thế kỷ 19 đoạn đầu phố từng có tên là Hàng Cau vì tập trung dân buôn bán cau tươi và cau khô chở bằng thuyền từ các tỉnh về. Sang thời Pháp thuộc, việc xây dựng những công trình công cộng lớn bên phố Bờ Sông (tức “Quai Clémenceau”, nay là phố Trần Quang Khải) làm cho những người buôn bán cau phải chuyển hoạt động về phố Hàng Bè gần đấy.

Phố Hàng Tre nằm trên dải đất cát bồi ven sông Hồng khi chưa có con đê bao ngoài. Nhà cửa xưa kia thưa thớt, chủ yếu mặt phố được dùng tạm để làm bãi chứa gỗ, tre và xây xưởng cưa xẻ, dựng chuồng nhốt bò, ngựa kéo xe chở vật liệu xây dựng. Người Pháp sang đây thấy thế nên cũng gọi là “Rue des Bambous”, dịch đúng nghĩa đen tiếng Việt.

Sau khi chiếm xong Hà Nội, ngay từ năm 1884 chính quyền thực dân Pháp đã thành lập Toà án Thượng thẩm cho toàn bộ khu vực Bắc kỳ và Trung kỳ. Triều đình Huế chỉ được xử các vụ án giữa người Việt, còn các vấn đề có liên quan đến người Pháp phải đem ra Hà Nội xử tại Toà Thượng thẩm. Toà Thượng thẩm thời ban đầu đặt tại phố Hàng Tre, dân ta quen gọi là Toà án Hàng Tre.

Năm 1896 sau khi một toà án mới được xây dựng ở phố Carreau (nay là phố Lý Thường Kiệt) thì Toà án Hàng Tre trở thành trụ sở của Nha Công Chính Đông Dương. Đến đầu thế kỷ 20, Hà Nội được mở rộng và xây dựng thêm thì tre gỗ không còn bán ở phố Hàng Tre nữa. Hàng Tre hồi đó có ít cửa hàng buôn bán, nhà cửa chủ yếu để cư ngụ nên thường xây thành nhiều gian cho thuê.

Phố Hàng Tre có hai đoạn. Đoạn trên kéo từ ngã tư Hàng Mắm đến ngã tư Hàng Thùng, cả hai bên mặt phố đều có nhà dân. Đoạn dưới kéo từ ngã tư Hàng Thùng đến ngã tư Lò Sũ, bên số chẵn có nhà dân, còn bên số lẻ là bức tường dài của khu vực công sở, toà nhà chính cao to quay mặt ra phố Bờ Sông.

Vốn Hàng Tre là một phố nhỏ, vắng người đi lại nên năm 1954 xưởng cơ khí Đồng Tháp đã rào mặt đường lại làm chỗ sản xuất; phố bị nghẽn cho mãi đến năm 1981 mới được khai thông cùng với Hàng Vôi và Hàng Muối thành đường một chiều, song song với phố Nguyễn Hữu Huân. Những năm 1970 – 1980, phố Hàng Tre chỉ phát triển nghề hàn vá yếm xe vỡ và nắn khung, tân trang lại những chỗ tróc, sứt, rỉ, rỗ của ô tô, xe máy.

Ngày nay trên đoạn đầu phố Hàng Tre có nhiều cửa hàng nâng cấp nội thất ô-tô, rửa xe, thay dầu, bảo dưỡng, dán ni lông ô-tô, xe máy. Phố được mở mang, mạnh nhất là các cửa hàng ăn uống: bia hơi, chả cá, bánh đa, lạc, bún, rượu, cà phê, lẩu, phở… bình dân, ngon, rẻ.

Xung quanh ngã tư phố Hàng Tre – Lò Sũ – Hàng Vôi hiện vẫn còn gần như nguyên vẹn những công trình kiến trúc hoành tráng kiểu thuộc địa Pháp được xây từ hơn một trăm năm trước. Tòa nhà dài của Toà án Hàng Tre cũ (sau lại được Nha Công Chính Đông Dương sử dụng, với cửa chính ở số 2 phố Lò Sũ) nay trở thành trụ sở của hai cơ quan: Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam và Ban Quản lý trung ương các dự án thuỷ lợi. Toà nhà hiện tại được cơi thêm một tầng, nối với khối nhà 3 tầng quay ra góc phố Lò Sũ – Trần Quang Khải, đối diện với trụ sở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ở số 1 phố Lò Sũ (lưng quay ra Hàng Vôi, cửa chính thì ở 164 Trần Quang Khải).

CÒN TIẾP =>>