163 lượt xem

Đường phố Hà Nội (Phố cổ Hà Nội ) - Kì 4

PHỐ HÀNG GAI
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Hang-Gai-300x210.jpg
 
Phố Hàng Gai dài 250m, đầu phố cách hồ Hoàn Kiếm chỉ vài chục bước. Phía đông giáp ngã tư Hàng Đào – Lê Thái Tổ và nối với phố Cầu Gỗ ở quảng trường Đông kinh Nghĩa thục. Phía tây giáp ngã tư Hàng Hòm – Hàng Trống và nối với phố Hàng Bông. Còn đoạn giữa đi ngang qua phố Lương Văn Can và cắt đuôi phố Tố Tịch.

Phố Hàng Gai từ đầu thế kỷ 21 đã trở thành một trong những trung tâm thương mại sầm uất bậc nhất thủ đô. Du khách có dịp đến thăm Hà Nội cũng thường ghé chơi nơi chốn được coi là “phố tơ lụa” mới nổi lên thay chân Hàng Đào bên cạnh. Phố Hàng Gai hiện nay có tới hơn trăm cửa hàng, trong đó gần hết đều kinh doanh tơ lụa hoặc hàng hóa và dịch vụ gắn với tơ lụa.

Du khách đến đây dễ dàng ghi nhớ một không gian phảng phất nét phố Hà Nội thanh lịch với những nếp nhà nhỏ nhắn chứa đựng bao tinh hoa truyền thống đã được bài trí nhiều nội thất hiện đại. Đi dọc phố Hàng Gai ta sẽ bắt gặp biển hiệu của các gia đình kinh doanh tơ lụa lâu đời. Hiệu Tân Mỹ người gốc Hà Đông, đã có ba thế hệ nối tiếp nhau làm nghề thêu ren. Hai hiệu Cự Long, Cự Thành xuất xứ từ làng Cự Đà với nghề dệt kim. Hiệu Phúc Thịnh vẫn còn hai chữ P và T lồng vào nhau, hiệu Đức Lợi nay thêm chữ “Queen Silk”, v.v..

Từ thời Lê, phố Hàng Gai là một khúc giữa của con đường quan đi từ bến sông Nhị Hà đến Cửa Nam của Hoàng thành. Phố nằm trên đất thôn Cổ Vũ, huyện Thọ Xương cũ. Những di tích thời ấy sau mất dần hoặc bị lấn chiếm, nay chỉ còn lại ngôi đình Cổ Vũ nhỏ hẹp ở 85 Hàng Gai với cây đa cổ thụ trước cửa, che mát cả lòng đường. Bên trong đình có thờ thần Bạch Mã và Linh Lang là hai vị thành hoàng của nhiều làng cổ ở Thăng Long.

Theo nhà văn Hữu Ngọc (1918), người sinh ra và lớn lên ở đây, thì cạnh ngã phố Hàng Gai – Tố Tịch có đình Đông Hà thờ một thành hoàng không rõ lai lịch. Trước đình là một gốc bàng cổ thụ. Khi mở rộng phố thì đình bị phá và cây bàng về sau cũng không còn nữa; bài vị thành hoàng được đưa lên gác một hàng nước.

Trong phố trước kia toàn những ngôi nhà cổ xây một tầng, nếu có gác thì cũng là gác xép kiểu “chồng diêm”, không có cửa sổ hoặc chỉ trổ một cửa sổ nhỏ trông xuống đường. Mặt ngoài nhà đóng cửa lùa, che mành mành, nhô ra thụt vào vỉa hè. Nhà thường hẹp bề mặt nhưng ăn sâu vào trong, chia thành nhiều lớp, cách nhau bằng những khoảng sân vuông. Lớp trong đôi khi có nhà gác, vườn hoa cây cảnh, cổng sau thông ra ngõ hoặc phố khác. Chẳng hạn nhà số 7 thông với đường xuống bờ hồ Hoàn Kiếm, cổng sau nhà số 63 ở ngõ Hàng Hành, nhà số 80-82 có lối ra ngõ Hàng Chỉ.

Thời xưa, đoạn từ phố Hàng Đào đến Tố Tịch gọi là phố Hàng Tiện vì người làng Nhị Khê (Thường Tín, Hà Đông) đã mang nghề tiện gỗ ra đây lập nghiệp. Những chiếc máy tiện lúc đó hoạt động bằng sức đạp của đôi chân, mãi sau này mới có sức điện thay thế. Sản phẩm làm ra là những chiếc mâm gỗ, ống hương, bàn tròn, đài rượu, song cửa v.v.. Đoạn còn lại từ phố Tố Tịch đến Đường Thành lại chuyên bán dây đai, dây thừng bằng gai nên có tên là phố Hàng Gai. Đây cũng là nơi bán các đồ chơi của con trẻ làm bằng giấy, đặc biệt nhộn nhịp vào dịp Tết Trung thu.

Từ cuối thế kỷ 19 trở đi, cánh thợ tiện gỗ và làm thừng gai ở phố này đã dần dà phải nhường chỗ cho những nhà giầu dám bỏ vốn vào nghề in sách và nghề buôn tơ lụa. Dân làng Liễu Tràng tỉnh Hải Dương mang nghề khắc chữ mộc bản đến phố Hàng Gai cùng nhau lập những xưởng in. Các nhà xuất bản như Tự văn đường tàng bản và Quán văn đường tàng bản đã ra đời ở đây…

Sau khi quân Pháp đánh Hà Thành lần thứ hai vào năm 1882, nhiều hộ dân ở các phố quanh Hồ Gươm đóng cửa di tản về quê. Chính quyền thực dân đặt trụ sở hành chính tạm thời ở đình chùa và các nhà vắng chủ. Ngôi nhà số 80-82 phố Hàng Gai bị lấy làm tòa Công sứ của Bonnal. Các nhân viên Pháp và người Nam Kỳ theo ra ở quanh đó. Nha kinh lược sứ của Thượng thư Nguyễn Trọng Hợp thì đóng ở số nhà 79 cho đến khi bị giải thể vào năm 1897.

Bước sang thế kỷ 20, các nhà in Đông Kinh ở số 82 và Ngô Tử Hạ ở số 101 đã trang bị công nghệ mới, in sách quốc ngữ bằng chữ đúc, vừa nhanh vừa rẻ hơn cách in cũ bằng ván gỗ khắc. Phố Hàng Gai trở thành cái nôi của nhiều tờ báo như: Hữu Thanh, Khai Hoá, Khoa Học, Đông Pháp… Dọc phố còn có thêm một làn đường xe điện với các tuyến Bờ Hồ – Cầu Giấy và Bờ Hồ – Hà Đông.

Những năm 1930 trở đi, Hàng Gai trở thành một phố của các cửa hàng bán bài ngà kim khánh cho “ các quan” được phẩm hàm của triều đình, bán tẩu, hộp thuốc lá đồi mồi và đồ bạc chạm cho người sang trọng, bán mũ, khăn xếp.

Trải qua cuộc Cách mạng 1945 và Kháng chiến chống Pháp 1947-1954, phố vẫn làm ăn phát đạt vì không bị tàn phá gì đáng kể. Từ khoảng năm 1960, người phố Hàng Gai đa số đi làm ở công sở, các chủ cửa hàng thì vào công ty hợp doanh, kiểu buôn bán tư thương bị coi thường. Cho đến cuối thập kỷ 1980 hầu như mọi nhu yếu phẩm của dân sở tại là do 4 cửa hàng quốc doanh nằm trên phố Hàng Gai cung cấp. Thời kỳ bao cấp cũng có một vài hợp tác xã và cửa hàng tư nhân ở đây được nhiều người Hà Nội nhớ đến như: Núi Điện, hiệu ảnh Tam Anh, HTX khắc dấu Tinh Hoa, quán cà phê Giảng.

Sang thế kỷ 21 các hộ ở đây không chỉ kinh doanh những đồ tơ lụa may sẵn mà đã có những mặt hàng mang nét riêng cho mình. Cự Thành chuyên về vải, Hoa Silk chuyên về khăn lụa, Kelly Silk chuyên may đo nóng, Khai Silk luôn hấp dẫn bởi những thiết kế Âu hóa trên nền chất liệu Á Đông… và De Maison với biểu tượng thuyền buồm luôn dành tặng cho thượng khách những phụ kiện trang phục hay quà lưu niệm gây ấn tượng bất ngờ.

Phố Hàng Gai còn là nơi sinh ra và lớn lên của nhiếp ảnh gia Võ An Ninh (1907 – 2009) trước khi ông mua được một mảnh đất và xây căn nhà 2 tầng ở số 36 phố Tuệ Tĩnh. Ông chơi ảnh nghệ thuật từ rất sớm với một máy Zeiss Ikon đời 1928. Năm 1938, bức ảnh “Đẩy thuyền ra khơi” của ông đã đoạt giải ngoại hạng trong một triển lãm ảnh tại Paris. Sau 1975 ông vào TP HCM sống và làm việc cho đến khi mất. Võ An Ninh đã có một số ấn phẩm và hàng vạn bức ảnh đẹp để lại cho đời sau, trong đó những tác phẩm đầy giá trị lịch sử đã mang lại cho ông Giải thưởng Hồ Chí Minh 1996.

PHỐ HÀNG GIẤY
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Hang-Giay-1-300x185.jpg
 

Phố Hàng Giấy dài 208m, nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; cách Hồ Gươm chừng 1km về hướng bắc. Phía bắc giáp phố Hàng Đậu và nối với Hàng Than. Phía nam giáp phố Hàng Khoai và nối với phố Đồng Xuân. Đoạn giữa cắt ngang phố Gầm Cầu.

Phố Hàng Giấy nguyên là một đường đê từ góc đông bắc thành cũ đi xuống, bên phía đông con đường đó là đất của thôn Huyền Thiên, bên phía tây là đất thôn Tân Khai. Phố có tên Hàng Giấy vì từ xưa nơi đây từng bày bán các loại giấy do thợ ở làng Bưởi, làng Cót ven sông Tô Lịch làm ra như giấy lệnh, giấy sắc, giấy bản, giấy moi, giấy bổi, giấy quyến, giấy tàu bạch…

Thời nhà Lê, đoạn đầu phố thuộc phường Hòe Nhai, đoạn cuối phố thuộc phường Đồng Xuân, tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương. Thời nhà Nguyễn, đoạn đầu phố Hàng Giấy thông sang phố Hàng Cót nằm trên bờ sông Tô Lịch và thuộc làng Đồng Thuận. Đoạn giữa phố và cuối phố vẫn thuộc phường Đồng Xuân.

Cho đến đầu thế kỷ 20, ở phố này từng có nhiều phòng hát ca trù với những ả đào nổi tiếng “là cô đầu Hàng Giấy”. Ca dao thời đó có câu:

Trải qua Hàng Giấy dần dần
Cung đàn nhịp phách nên xuân bốn mùa.

Trước năm 1915, phố chưa có vỉa hè, mặt đường trải gạch vụn, không có cây cối, nhà xây chưa theo vạch thẳng hàng. Hồi đó nơi đây vẫn là một con đường giáp ngoại ô, còn nhiều nhà lá chen lẫn với nhà tường gạch lợp tôn, chưa có nhiều mái ngói. Nhà gác càng ít, nếu có thì cũng xây theo kiểu cũ, lối chồng diêm.

Đầu phố, hồi chiến tranh 1914 – 1918 có một bốt cảnh sát chỗ gần tháp nước, dân ta quen gọi là Sở Cẩm Hàng Đậu, tuy nó ở phố Hàng Giấy. Cuối phố, tại số nhà 83 xưa kia tọa lạc đình Đồng Xuân thờ thần Bạch Mã. Bưu ảnh in năm 1925 còn cho thấy rõ ngôi đình này, nay thì đình đã bị lấn chiếm hoàn toàn và biến thành các cửa hiệu. Giữa phố có ngôi nhà số 42 là nơi sinh trưởng của Nguyễn Văn Vĩnh (1880 – 1936), người đi tiên phong trong việc viết và in báo bằng chữ quốc ngữ.

Sau 1925, phố Hàng Giấy dần dần được xây dựng đẹp hơn, với nhiều ngôi nhà kiểu Tây diện tích rộng, gác cao, do có một số nhà buôn giàu mớí phất. Các nhà hát ả đào dạt ra phía Khâm Thiên, Ngã Tư Sở. Bút sắt và giấy “Tây” cũng dồn các loại giấy ta về miền chợ quê. Năm 1938 khách sạn Hoa Nam (sau trở thành rạp chiếu bóng Bắc Đô) được xây dựng cạnh Cầu Sắt.

Người Pháp gọi phố Hàng Giấy là Rue du Papier (dịch đúng nghĩa đen), từ năm 1945 chính quyền thành phố đặt lại tên như cũ. Đường xe điện Bờ Hồ – Yên Phụ trước kia chạy qua đây, mãi tới cuối thế kỷ 20 mới bị dẹp bỏ.

Khi chiến sự Hà Nội bùng nổ vào cuối năm 1946 đầu năm 1947, phố Hàng Giấy ở vào vị trí địa đầu Liên khu I. Những ngôi nhà có gác cao đều được chiến sĩ ta dùng làm nơi quan sát và mai phục bên trong bắn tỉa về phía Cầu Sắt nơi có lính Pháp đóng giữ. Địch đã nã pháo và ném bom vào phố này làm đổ nát nhiều nhà cửa.

Đến thời kỳ tạm chiếm (1948 – 1954), những khu vực bị tàn phá mới được xây lại. Mặt trước các ngôi nhà thường đắp nổi tên các cửa hiệu buôn nổi tiếng thời đó. Dần dần, phố Hàng Giấy trở thành một phố kinh doanh các hàng tạp hóa. Duy chỉ có hiệu Ích Ký ở ngôi nhà số 58 vẫn giữ được nghề, đó là vừa bán giấy, bán sách tây, vừa mở nhà in sách, nhà xuất bản. Hiệu Ích Ký đã góp phần phổ biến trong dân gian lúc bấy giờ các truyện cổ như Phạm Công, Phan Trần, Nữ tú tài, v.v..

Ngày nay phố Hàng Giấy tập trung nhiều trụ sở ngân hàng và nhà may thời trang. Dân phố không chỉ bán giấy mà bán đủ các loại hàng khác như bánh đậu xanh, giầy dép, ba lô, cặp, túi xách, ví đầm, điện thoại v.v.. Quanh gầm cầu xe lửa còn có một dãy hàng thịt bò khô, bánh mỳ, bún và các món ăn bình dân. Nhưng tiếng chuông xe điện leng keng đã mất và rạp Bắc Đô cũng không chiếu phim nữa, hình như chuyển thành một nhà băng tư nhân.

PHỐ HÀNG GIẦY
 
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Hang-Giay-2-300x200.jpg

Phố Hàng Giầy dài khoảng 230m, nay thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 400m về hướng bắc. Phố chạy từ ngã tư Nguyễn Thiện Thuật – Hàng Chiếu đến ngõ Nội Miếu và nối với phố Lương Ngọc Quyến; đoạn giữa cắt ngang các phố Nguyễn Siêu, Ngõ Gạch, Hàng Buồm.

Trước kia, phố Hàng Giầy bao gồm hai đoạn. Đoạn từ đầu phố đến ngã tư Ngõ Gạch – Nguyễn Siêu thời Pháp thuộc mang tên Rue Lataste, thuộc đất thôn Cổ Lương, tổng Hậu Túc (sau đổi là tổng Đồng Xuân), huyện Thọ Xương cũ. Đoạn này còn được gọi là Hàng Màn vì bên số lẻ có một số gia đình làm nghề may màn và vá thuê. Bên số chẵn từng là dãy tường kho của nhà Vạn Bảo, sau 1954 trở thành trụ sở Sở Lương thực Hà Nội.

Đoạn từ ngã tư Ngõ Gạch – Nguyễn Siêu đến phố Lương Ngọc Quyến chính là phố Hàng Giầy cổ xưa, thời Pháp gọi là Rue Nguyen Duy Han (tên một vị Tuần phủ Thái Bình). Đây thuộc đất thôn Hài Tượng, tổng Hữu Túc (sau đổi là tổng Đông Thọ), huyện Thọ Xương cũ.

Đoạn Hàng Giầy cổ xưa lại gồm hai khúc. Khúc trên rất hẹp, chạy từ ngã tư Ngõ Gạch – Nguyễn Siêu đến đền Bạch Mã, thuộc đất phường cũ Hà Khẩu, nằm lọt vào giữa hai ngôi nhà lớn và sâu, một bên là đền, một bên là rạp xi-nê Kim Môn cũ. Khúc dưới từ đền Bạch Mã chạy xuống nối với cuối phố Lương Ngọc Quyến, xưa tập trung nhiều cửa hàng ăn uống nhỏ của người Trung Quốc. Mỗi cửa hàng chỉ có một gian, bếp lò đặt ngay bên cửa ra vào. Mọi người thường rủ nhau đến đây để ăn chim quay (cửa hàng Quảng Sinh Long), ngầu mạc nạm (thịt bò hầm dừ), ngầu pín (món ăn “bổ dương”), sách bò chần và các món ăn chế bằng thịt rắn, ba ba.

Phố mang tên Hàng Giầy vì từ thế kỷ 17-18 đây là nơi cư ngụ và hành nghề của những người thợ làm giầy dép da, gốc làng Chắm (nay thuộc huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương). Chính họ đã lập ra thôn Hài Tượng (“Hài” nghĩa là giầy dép, “Tượng” nghĩa là thợ) và dựng đền thờ vọng ông Tổ nghề da. Khi giầy dép kiểu cũ đó không còn nhiều khách mua nữa, chủ đất cho xây lại thành dãy nhà gác cho người Tàu thuê làm cửa hàng ăn uống, bên trên là chỗ gia đình họ ở.

Năm 1945, toà thị chính cho sáp nhập hai đoạn và đổi thành phố Tán Thuật. Từ năm 1947 cho đến nay, phố mang tên chính thức là Hàng Giầy.

Ngày nay, phố Hàng Giầy hầu như chỉ còn hai hoặc ba hộ buôn bán giầy dép, bên cạnh một số cửa hiệu tạp hóa, quán ăn, cà phê, khách sạn… thu hút khá nhiều khách du lịch.

Nổi tiếng nhất là đền Bạch Mã, trấn đông kinh thành Thăng Long. Cửa chính mở ra phố Hàng Buồm, nhưng đứng từ phố Hàng Giầy thì mới nhìn được hết chiều dài của ngôi đền này.

Ngoài ra tại số nhà 30 phố Hàng Giầy còn có đền Nội Miếu của thôn Hài Tượng. Năm 1895, ngôi đền này được bán cho dân làng Châu Khê làm nghề đúc bạc ra Thăng Long định cư ở phố Hàng Bạc dùng làm nơi thờ vọng Thành Hoàng làng cũ. Trên cổng có dòng chữ Hán “Châu Khê vọng sở, Nội Miếu cổ từ”, nhưng ở trong đền bên cạnh các tượng đá lại là hàng bánh trôi tàu của diễn viên hài Phạm Bằng.

NGÕ HÀNG HÀNH
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/Ngo-Hang-Hanh-300x200.jpg

Ngõ Hàng Hành dài hơn 170m, nối phố Lương Văn Can với phố Bảo Khánh, nay thuộc phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Tại chỗ ngoặt ở đoạn giữa ngõ này có một di tích lịch sử văn hóa quốc gia là ngôi đình Phả Trúc Lâm, nơi thờ các vị Tổ nghề da giày.

Ngõ Hàng Hành vốn là một trong những đất phường nghề nổi tiếng của Thăng Long. Từ khoảng cuối thế kỷ 16 có nhiều người từ Hải Dương đến đây làm thợ da giày và buôn bán sản phẩm da giày. Đến đầu thế kỷ 19, họ đã sống tập trung ở vùng thôn Tả Khánh Thụy thuộc tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ) của huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức cũ. Các địa danh sau này trở thành tên phố như Hàng Da, Hàng Hài, Hàng Trống, ngõ Hài Tượng… đều có liên quan đến phường thợ da giày.

Thời Pháp thuộc, trong ngõ Hàng Hành còn nhiều thợ khác từ làng Nhị Khê (Thường Tín) ra đây làm nghề tiện gỗ với cái bàn tiện đạp chân. Ngày nay tuy chỉ có chừng năm chục số nhà cả bên chẵn lẫn bên lẻ nhưng kinh tế sở tại đang phát đạt bằng các quán cà phê và dịch vụ du lịch, nhờ vị trí thuận tiện rất gần góc tây-bắc của Hồ Gươm.

Lưu ý:

Nhiều địa danh Hà Nội bắt đầu bằng hai chữ “phố Hàng” nhưng “ngõ Hàng” thì chỉ có một ngõ Hàng Hành, mặc dù nó dài và rộng hơn phố Ngõ Gạch (nơi ngược lại đã là phố mà còn gọi “Ngõ”). Cũng lạ rằng chưa ai giải nghĩa chính xác được tên con ngõ, tuy có thể suy đoán xưa kia hành là thứ rau thường bán ở đây.

Đầu thế kỷ 20 nhà văn Tam Lang (Vũ Đình Chí) từng sống ở ngôi nhà 15B ngõ Hàng Hành một thời gian nhưng cũng không kể gì về lai lịch cái tên rất nôm na mà khó hiểu. Chính ông đã thâm nhập thực tế vào đời sống người lao động cùng khổ bằng cách trực tiếp làm phu xe, rồi viết thiên phóng sự “Tôi kéo xe” đăng trên “Hà Thành Ngọ Báo” năm 1932 và gây được tiếng vang một thời.

Ngày nay ngõ Hàng Hành thông với đoạn cuối phố Lương Văn Can, du khách đứng đây bị tòa nhà KFC dài che lấp nên không thấy Quảng trường Đông kinh Nghĩa thục, trung tâm của nhiều sự kiện. Nơi đó xưa kia có một bãi đất rộng với rặng dừa mà ngày 15-4-1887 từng chứng kiến việc Pháp đem hành hình nhà chí sĩ Nguyễn Cao hòng thị uy đám dân chúng Hà Nội đang sục sôi căm thù quân xâm

PHỐ HÀNG HÒM

Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Hang-Hom-300x213.jpg

Phố Hàng Hòm dài 120m, nay thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 200m về hướng tây. Phố đi theo chiều bắc-nam, từ ngã ba Hàng Quạt – Hàng Nón đến ngã tư Hàng Gai – Hàng Bông và nối với phố Hàng Trống, đoạn giữa có ngõ Hàng Chỉ.

Phố Hàng Hòm nằm ở trên đất cũ của thôn Cổ Vũ Thượng (tổng Tiên Túc, huyện Thọ Xương thời Nguyễn), nay thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố rất ngắn, chỉ bao gồm 31 ngôi nhà bên số chẵn và 24 ngôi nhà bên số lẻ.

Người phố Hàng Hòm hồi đầu đa số là dân Hà Vĩ, rồi sau thêm cả dân đến từ làng Đa Sĩ và một gia đình gốc Hoa ở số nhà 16. Họ sản xuất và bán đồ gỗ sơn, chủ yếu gồm hòm đựng quần áo và tráp đựng giấy bút, về sau làm bằng gỗ tạp và sơn bằng sơn tây nên rẻ và nhẹ hơn. (Hòm da có khoá chuông thì bán ở phố Hàng Buồm).

Ngoài hòm còn có đồ sơn mài với sơn then (đen) và sơn màu cánh gián có vẽ hoa lá, rồi câu đối, tráp đựng trầu và ngai thờ. Già nửa phố là những hộ làm hòm, chỉ có đôi ba nhà làm đồ sơn mài. Việc sản xuất và tiêu thụ lúc đầu rất đơn giản: hàng làm ngay bên trong nhà, bên ngoài là cửa hiệu bày bán. Những gia đình ít vốn thì thuê buồng ở phía sau rẻ tiền hơn và nhận việc về làm gia công.

Thời Pháp thuộc, người Pháp dịch đúng nghĩa tên phố Hàng Hòm khi gọi nó là “Rue des Caisses”. Cho đến đầu thế kỷ 20 đây vẫn còn là một phố cổ, nhà xây giống như ở các phố Cầu Gỗ, Hàng Quạt, Hàng Cân: phía mặt phố thò ra thụt vào không thẳng hàng, gác thì làm theo kiểu “chồng diêm”. Thực sự chỉ có ít ngôi nhà được cải tạo và lên tầng.

Vào khoảng những năm 1930 trở đi, dân Hàng Hòm đã mở rộng sản xuất các loại đồ da bền đẹp theo kiểu dáng mới và phù hợp để mang hành lý đi xa như va li, cặp da, túi du lịch v.v.. Ngoài ra có thêm mấy hộ gia đình chuyên làm khăn xếp, mũ tây và giày vải thêu từ bên các phố Hàng Gai, Hàng Trống mang cửa hiệu sang đây.

Nhật đảo chính Pháp 9-3-1945, sau đó phố lại được mang tên cũ Hàng Hòm. Trong cuộc chiến ác liệt cuối 1946 đầu 1947, cả phố đã bị tàn phá vì là mặt trận giáp ranh giữa hai bên. Giao tranh suốt ngót ba tháng; quân Pháp đã bắn đại bác vào khu này, chỉ còn nguyên vẹn mỗi ngôi nhà số 36. Đến thời tạm chiếm, phố xá đã được xây dựng lại và hầu như mất hết dấu tích nhà cổ.

Sau 1954, dân phố dần dần mở thêm một số nghề khác. Trong thời chống Mỹ, phố không hề hấn gì nhưng mãi đến thập kỷ 1990, những công trình xây dựng hiện đại mới bắt đầu mọc lên trên phố này với khách sạn, nhà hàng và du lịch là hướng kinh doanh chính. Khách bình dân ngày nay vẫn thường đến với các hàng bún thang ở phố Hàng Hòm và đầu ngõ Hàng Chỉ.
 

 PHỐ HÀNG KHAY

Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Hang-Khay-300x209.jpg
 

Hàng Khay là một con phố ngắn khoảng 160m, chỉ có mỗi dẫy nhà số lẻ vì bên đối diện là vườn hoa đầy cổ thụ um tùm ở ven bờ nam hồ Hoàn Kiếm. Ngày nay Hàng Khay thuộc phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Hàng Khay là một trong những phường nghề của Thăng Long. Tên gọi như thế bởi vì xưa ở đây chuyên làm và bán đồ gỗ khảm trai, trong đó có mặt hàng khay hoặc vì tất cả đồ nghề của thợ khảm từ cưa, đục nhỏ, dũa, mảnh trai đã mài, sơn… tất cả đều để trong khay gỗ. Phố nằm trên mảnh đất nối từ hồ Hữu Vọng đến cửa ô Tây Long vào thời Lê; từ năm 1832 (đời vua Minh Mệnh, thời Nguyễn) thuộc thôn Thị Vật và Tô Mộc, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương, tỉnh Hà Nội.

Thực dân Pháp chiếm Hà Nội xong liền quy hoạch lại nội thành. Bản đồ Hà Nội do Phạm Đình Bách vẽ năm 1873 không có phố Hàng Khay hay Thợ Khảm mặc dù thời kỳ này ở các thôn Cựu Lâu, Thị Vật, Vũ Thạch đã thấy nhiều nhà bày bán khay, hộp, tranh khảm… rồi. Audré Masson, tác giả cuốn “Hà Nội giai đoạn 1873-1888” viết “Từ năm 1873 đến 1883, nghề khảm trai và hàng thêu rất phát đạt vì binh lính và nhân viên người Pháp tham gia xây dựng các công trình trong khu Đồn Thủy mua rất nhiều”.

Đến năm 1883 bản đồ do trung úy Launay vẽ đã có tên phố “Rue des Incrusteurs” (phố Thợ Khảm), từ Đồn Thủy kéo thẳng đến tận Cửa Nam. Sau khi mở rộng, lát vỉa hè, nó được đặt tên chính thức vào ngày 20-11-1886 là phố Paul Bert, đi từ Nhà hát Lớn đến đầu phố Gia Long. Bá Hộ Kim đã tặng 2 biển tên phố bằng chữ Pháp và chữ Hán được khảm trai. Ngày 9-7-1887, chính quyền cho treo ở đầu phố và cuối phố như 2 biển tên phố đầu tiên ở Hà Nội.

Sau khi tư bản Pháp đổ xô về đây xây dựng công sở, hãng buôn, phố Paul Bert đã trở thành một đường phố sang trọng bậc nhất và “Tây” nhất của Hà Nội trước năm 1945, do dó những cửa hàng khảm trai của người Việt bị dẹp dần hoặc chuyển đi. Tại đây cuối cùng chỉ còn rất ít người làm và bán đồ chạm khảm, nhưng Hà Nội đã có thêm một số phố khác chuyên bán và sản xuất các mặt hàng của thợ làng Chuôn. Tháng 7-1945 khi bác sỹ Trần Văn Lai lên làm thị trưởng, ông đã chia đôi phố Paul Bert rồi đổi tên là Tràng Tiền và Hàng Khay như ta thấy bây giờ.

Trong khoảng nửa đầu thế kỷ 20, bờ phía nam Hồ Gươm từng là một chợ hoa. Cho đến những năm 1960, nơi đây vẫn có một quán bán hoa tươi nhìn sang hiệu thuốc Tây y số 1 Hàng Bài. Ngoài các cửa hàng bán đồ khảm trai mỹ nghệ, phố này còn có hiệu ảnh Quốc Tế nổi tiếng không kém hiệu Khánh Ký ở đầu phố Tràng Thi. Ngày nay đây là một con phố rất đông xe cộ và khách du lịch chỉ được thoải mái đi bộ xuống lòng đường vào những dịp lễ tết và ngày nghỉ cuối tuần.

Nghề khảm trai

Charles Thomas de Saint-Phalle (1700-1766) là một giáo sĩ Pháp tới Đàng Ngoài năm 1732 và sống ở Thăng Long 8 năm. Sau một thời gian học tiếng Việt, ông nói trôi chảy và giao tiếp rộng rãi với người dân. Ông chịu khó đi và quan sát rồi ghi chép rất nhiều về xứ Đàng Ngoài. Trong bản tường trình lên quan Chưởng ấn De Silhouette, ông cho rằng các công ty Pháp có thể buôn bán và trao đổi các mặt hàng mà An Nam khá dồi dào gồm tơ lụa, sơn, chè, khảm trai… Về khảm trai, ông viết “đó là thứ sản phẩm tuyệt vời”. Như vậy, sản phẩm khảm trai chắc chắn đã bán ở Thăng Long trước khi giáo sĩ đến đây, tuy nhiên ông lại không biết xuất xứ của chúng.

Còn trong cuốn “Xứ Đông Dương thuộc Pháp – những kỷ niệm” xuất bản ở Paris năm 1905, Paul Doumer (Toàn quyền Đông Dương từ 1897 đến 1902 và Tổng thống Pháp từ 1931 đến 1932) khẳng định “Tủ chè, đồ gỗ nhỏ khảm xà cừ thật sự được chú ý và nổi tiếng ở vùng Viễn đông. Những thợ khảm Trung Hoa ở Quảng Châu hình như đã học tập nghệ thuật của người An Nam nhưng tài nghệ còn kém xa”.

Trong cuốn sách minh họa “Kỹ thuật của người An Nam” in năm 1909, tác giả Henri Oger đã nhận xét: “Thợ khảm là nhà nghệ thuật chân chính, nhẫn nại và khéo tay vô cùng. Họ biết phối hợp các màu sắc của vỏ trai để có sự hoà sắc đẹp mắt, làm cho bức khảm trở nên rực rỡ. Chính vì thế mà nghệ thuật khảm Việt Nam nổi trội lên gần như độc quyền ở Viễn Đông. Những sản phẩm của người thợ khảm Việt Nam tốt hơn nhiều nếu so với sản phẩm của người thợ khảm Quảng Đông”.

Đa số tài liệu cho rằng nghề khảm có gốc gác từ xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông cũ. Theo lời nói đầu của bản hương ước làng Chuôn Trung, xã Chuyên Mỹ thì Thời Nguyễn, nhiều tốp thợ của làng đã vào làm cho cung đình Huế và cụ Phạm Văn Xiêm đã được vua nhà Nguyễn phong chức Cửu phẩm. Trong cuốn “Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX”, nhà giáo Nguyễn Văn Uẩn viết: “Đoạn đầu phố Gia Long còn sót lại một số dân gốc làng Vũ Thạch. Di tích còn lại là ngôi đình. Những ngôi nhà bên số chẵn từ số 2 đến số 10, số 24 và 28 là nhà của người làng Chuôn vẫn giữ nghề, làm và bán đồ khảm. Nhiều người làng Chuôn bị mất đất đã trở về quê tiếp tục làm theo đơn đặt hàng của các chủ cửa hàng bán đồ lưu niệm”.

Rất khó có thể khẳng định chính xác thời điểm ra đời phố Hàng Khay. Có thuyết cho rằng các thợ khảm giỏi giang ở Chuyên Mỹ muốn nghề này phát triển liền tập hợp lại và mang theo cả gia đình ra Thăng Long. Khoảng đầu thế kỷ 19 thì phố Hàng Khay ra đời, công việc làm ăn ngày càng khấm khá, những người thợ cùng nhau dựng ngôi đền thờ tổ ở làng Cựu Lâu (gần Nhà hát Lớn ngày nay). Làng Cựu Lâu bị phá khi thực dân Pháp xây khu nhượng địa Đồn Thủy năm 1876, vì thế đền này cũng bị dỡ bỏ.

Có một thuyết khác lại nói rằng tại làng Cựu Lâu từng có ngôi đình thờ thành hoàng Nguyễn Kim, người được cho là ông tổ nghề khảm trai đất Thăng Long đời vua Lê Hiển Tông (1740-1768). Tương truyền, Nguyễn Kim là dân thuyền chài quê Thuận Nghĩa, Thanh Hóa, trong một lần đi đánh cá thấy vỏ trai đẹp óng ánh đã mang về gắn lên gỗ, sau đó ra Chuyên Mỹ dạy cách làm cho dân chúng vùng này. Cuối cùng thì các hậu duệ cũng tìm thấy thị trường ở Thăng Long.

Đồ khảm mỹ nghệ

Khảm trai là một nghề thủ công mỹ nghệ cao cấp. Những người thợ khảm xưa hành nghề theo qui mô từng gia đình, hoặc từng nhóm nhỏ gồm thợ cả, thợ đục, thợ giũa, tách và vài thợ phụ. Công việc chủ yếu của họ là làm hoành phi, câu đối phục vụ cho các đình chùa và những đồ dùng đặc biệt như khảm sập gụ, tủ chè, bình phong, điếu ống, tráp trầu, hộp đựng thuốc lá… với những đề tài chọn trong các tích xưa theo đặt hàng của những người mua.

Khảm trai có thể chia thành hai loại lớn là khảm lên sản phẩm bằng gỗ, đồng, đồi mồi… và khảm (trai) sơn mài. Cũng như ở Nhật Bản và Trung Quốc, nghề sơn mài cùng những sản phẩm sơn mài ở ta đã có từ rất sớm, nhưng sự phối hợp giữa sơn mài và khảm trai thì chỉ mới thịnh hành vào đầu thế kỷ này, khi mà trình độ dân trí cùng với giao thông và thị trường mở rộng tới khắp mọi miền.

Mới đầu, chỉ có khảm trai trên các sản phẩm gỗ mà thôi. Trong đó, gỗ trắc được ưa chuộng nhất vì thớ mịn mà lại rắn. Màu nền của gỗ có ánh đỏ, hồng, đối màu với các hoạ tiết trai ốc tạo nên màu sắc tương phản nổi bật rất đẹp mắt. Vài thế kỷ sau, xuất hiện thêm các sản phẩm khảm trai trên đồng, rồi muộn hơn nữa là khảm trai trên đồi mồi.

Căn cứ vào tính hữu dụng thẩm mỹ, ta có thể chia các sản phẩm của làng Chuôn thành hai loại lớn, đồ thờ cúng và đồ gia dụng. Đồ thờ gồm: núi thờ, hoành phi câu đối các cỡ, án thư, hòm sắc các cỡ, ống quyển, bao kiếm khảm hình rồng, thẻ bài các kiểu… Đồ gia dụng và khánh tiết gồm các loại như đĩa khảm cá hay hoa, khay, quả trầu, hộp mỹ phẩm, lọ hoa các cỡ, bàn cờ, bình phong, sập, tủ chè và tủ chùa, bàn ghế…

Ngoài những sản phẩm kể trên, người thợ Chuôn còn khảm theo yêu cầu đặt hàng của khách như cán tẩu thuốc lá, cán ba toong, khảm trai trên nậm rượu bằng đồng đúc, trên vòng gỗ hoặc đá. Tuỳ vào giá trị của vật phẩm mà người thợ chọn vật liệu khảm như trai, ốc… cho phù hợp. Những hoạ tiết khảm xà cừ nhìn chính diện óng ánh màu hồng sáng, nhìn chéo lại rực lên ánh sáng của những ngọn lửa màu ngọc lục huyền bí. Giá trị của cái đẹp vĩnh hằng ở những sản phẩm khảm một phần cũng ở cái ánh sáng huyền bí đó.

Bên cạnh trai ngọc, trong số vật liệu khảm còn có một loại ốc được nhập khẩu từ Singapore, đôi khi được dùng để chạm nổi phối hợp với mảnh ngà voi theo cách của người Nhật. Loại vỏ này được dùng trang trí trên các tấm bình phong lớn, đôi khi chúng còn được gắn trên mái đình chùa. Ngoài ra còn có loài ốc Nhật Bản với cái tên là “Tai gấu”, loại này màu sắc lốm đốm rực rỡ và có nhiều ở vịnh Bắc Bộ.

PHỐ HÀNG KHOAI
 
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Hang-Khoai-300x200.jpg
 
Phố Hàng Khoai dài 350m, nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; cách Hồ Gươm chừng 1km về hướng bắc. Phố đi từ đường Trần Nhật Duật đến phố Hàng Lược ở phía tây, cắt ngang các ngã phố Nguyễn Thiệp – Nguyễn Thiện Thuật và Hàng Giấy – Đồng Xuân.

Phố Hàng Khoai được xây dựng trên nền đất xưa thuộc thôn Huyền Thiên, tổng Hậu Túc (sau đổi là tổng Đồng Xuân), huyện Thọ Xương. Ở số nhà 54 hiện nay vẫn toạ lạc một ngôi chùa nhìn sang mặt bắc chợ Đồng Xuân, gọi là chùa Quán Huyền Thiên vì thực ra lúc đầu nơi đây vốn là Huyền Thiên cổ quán, một chốn tu hành của các đạo sĩ Lão giáo và họ thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ. Ngày nay pho tượng thần trong chùa và hàng chữ 玄天古觀 đắp nổi tên quán trên tam quan vẫn còn nguyên chỗ cũ.

Trần Nguyên Đán (1326 – 1390), ông ngoại của Nguyễn Trãi, đã từng đến thăm quán Huyền Thiên và có bài thơ đề vịnh di tích này. Rồi Lão giáo suy vong, đạo sĩ bỏ đi hết, các sư sãi đến lập chùa thay thế quán. Từ đó có tên chùa Quán Huyền Thiên, bên trong thờ cả Thần lẫn Phật, sau lại thờ thêm các Mẫu. Tại đây còn có tấm bia cổ dựng vào năm 1668.

Phố Hàng Khoai xưa kia là nơi tập trung bán khoai, sắn của nông dân mấy tổng lân cận canh tác nơi đất bãi sông Hồng; do đó chính quyền thời Pháp thuộc đặt tên là Rue des Tubercules (“Phố Hàng Củ”). Tên phố Hàng Khoai được gọi chính thức từ năm 1945, sau khi phát-xít Nhật đảo chính thực dân Pháp tại Đông Dương.
Du khách đến Hà Nội thường được giới thiệu về chợ Đồng Xuân với cửa chính và các tượng đài hai bên ở phía phố Đồng Xuân. Đoạn giữa phố Hàng Khoai áp vào mặt phía bắc của ngôi chợ này. Dọc theo phố có các lối vào chợ rộng rãi xen với những nhà gửi xe dành cho khách hàng, ban ngày lúc nào cũng đông như kiến. Hàng hóa các loại hàng ngày được vận chuyển đến đây liên tục để đem vào bày bán trong chợ Đồng Xuân, chợ Bắc Qua.

Những du khách còn chưa biết được quang cảnh họp chợ rau đêm là như thế nào thì có thể đến phố Hàng Khoai vào lúc nửa đêm. Tối tối, hàng đoàn xe thồ, ô tô chở rau tươi, hoa quả và các loại củ từ những vùng chuyên canh lân cận tập kết trên phố này. Tờ mờ sáng, chủ các quầy rau, quả ở khu vực nội thành và các chợ khác lại đến đây mua buôn để về bán lẻ cho người tiêu dùng. Khoảng 7 – 8 giờ sáng thì chợ rau đêm tan, đường phố lại được dọn dẹp sạch sẽ như chưa hề có gì xảy ra.

Đối diện mặt phía bắc của chợ Đồng Xuân là chùa Quán Huyền Thiên và một dãy dài các cửa hiệu với đủ các loại hàng hóa tiêu dùng và tiểu thủ công nghiệp, giống như các đoạn đầu và cuối của phố Hàng Khoai. Gần đây, một số hộ ở phố này còn kinh doanh thêm các mặt hàng cao cấp… và bắt đầu xây các tòa nhà sang trọng hơn. Đáng tiếc rằng di tích đình Đồng Xuân góc phố Hàng Khoai – Hàng Giấy nay không còn.

PHỐ HÀNG LƯỢC
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Hang-Luoc-300x200.jpg
 

Phố Hàng Lược dài 264m, nay thuộc phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 800m về hướng tây-bắc. Phố đi từ giao điểm Hàng Cót – Phùng Hưng về hướng đông-nam, cắt ngang các phố Hàng Khoai và Hàng Rươi rồi đến ngã tư Hàng Mã – Chả Cá.

Từ thời nhà Lê, nơi đây đã tập trung nhiều hộ dân chuyên sản xuất lược chải đầu nên có tên phố Hàng Lược. Phố ở trên đất hai thôn Phủ Từ và Vĩnh Trù, thuộc tổng Hậu Phúc (sau đổi là tổng Đồng Xuân), huyện Thọ Xương cũ của Hà Nội. Hiện nay ở số 19 vẫn còn di tích đình làng Phủ Từ và ở số 59 đối diện bến xe bus có chùa Vĩnh Trù trước đây vốn là đình làng Vĩnh Trù.

Dòng Tô Lịch trước kia từ chỗ cửa sông (nay là phố Chợ Gạo) chảy dọc theo phố Ngõ Gạch tới phố Hàng Cá thì quặt lên hướng tây-bắc đến sát tường thành Hà Nội, làm nên con hào thiên nhiên cho đội quân phòng thủ. Hồi đó, người bên phố Hàng Đồng cũ muốn sang chợ Cầu Đông phải đi qua một chiếc cầu tre, sau khi sông cạn cầu được thay thế bằng một chiếc cống lớn mà dân ta từng gọi là Cống Chéo Hàng Lược.

Cuối thế kỷ 19, thực dân Pháp cho lấp đoạn đầu sông Tô Lịch và phá thành để xây khu phố Tây và mở rộng các con phố cũ của Hà Nội. Chính quyền thời Pháp thuộc đổi tên phố là Rue de Rivière To Lich (phố “Sông Tô Lịch”). Nhiều cửa hiệu ở đây dần dần chuyển sang kinh doanh dịch vụ hiếu hỷ, chỉ còn vài hộ dân còn buôn bán lược. Từ năm 1945, tên cũ Hàng Lược mới được trả về.

Khi chợ Đồng Xuân mở rộng và gộp các chợ nhỏ gần đó về một nơi, nhiều người dân tìm đến làm ăn quanh chợ, dần dần các phố Hàng Lược, Hàng Khoai, Hàng Mã trở nên sầm uất. Những kiều dân theo đạo Hồi đã cho xây từ năm 1890 tại gần chỗ quặt của sông cũ một ngôi đền tên là Mosquée Al Nour. Đền này hiện nay ở số 12 Hàng Lược, dân ta xưa kia quen gọi “chùa Tây Đen”, bưu ảnh Pháp năm 1919 lại ghi là “chùa Ấn Độ”.

Từ 1912 đến nay, chỉ trừ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, phố Hàng Lược là địa điểm họp chợ hoa Tết hàng năm của Hà thành. Tên như thế nhưng từ lâu chợ đã mở rộng sang các phố Hàng Chai, Hàng Rươi, Hàng Mã, Hàng Đồng. Kể từ ngày 23 tháng Chạp tiễn Táo quân lên trời, chợ hoa họp liền một tuần cho tới tận tối tất niên.

Dọc theo hè phố và cả trên lòng đường tại đây tràn ngập đào và quất, rồi đến mai, lan, đỗ quyên, xương rồng, hải đường và nhiều loại hoa khác. Người mua có thể tìm thấy những lẵng hoa lụa, hoa giấy, hoa thủy tinh đủ loại đủ màu ở quãng đầu phố Hàng Rươi. Chen giữa hoa và cây cảnh là các gian hàng bày những bưởi hồ lô, dưa hấu, phật thủ… cùng các đồ trang trí ngày lễ và phong bao lì xì đỏ chót. Ngoài ra, chợ còn bày bán cả đồ đồng và đồ cổ ở phía ngã tư phố Chả Cá – Hàng Mã.

Hiện nay các làng Quảng Bá, Nhật Tân, Ngọc Hà đã đô thị hóa, hầu như không còn đất trồng hoa. Đến Tết, dân chúng thường tìm chọn cành đào, bó hoa và cây quất ở chợ hoa Quảng An hay góc phố gần nhà cho thuận tiện. Trên địa bàn thủ đô mở rộng đã có nhiều chợ hoa khác nhưng những người Hà Nội cũ không thể quên được chợ hoa Hàng Lược. Khách đến đây không những xem hoa mà còn để ngắm những trai gái bình dân, trẻ thơ và giới thượng lưu đi chơi chợ. Đẹp nhất là khi đêm buông, cả khu phố tràn ngập ánh đèn sáng lung linh càng tôn thêm màu sắc rực rỡ của muôn đóa hoa xuân.

PHỐ HÀNG MÃ
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Hang-Ma-300x199.jpg


Phố Hàng Mã dài 339m, nay thuộc phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 800m về hướng tây-bắc. Phía đông giáp ngã tư Hàng Đường – Đồng Xuân và nối với phố Hàng Chiếu. Đoạn giữa đi ngang qua các phố Chả Cá–Hàng Lược, Thuốc Bắc, Hàng Rươi–Hàng Đồng, Hàng Cót–Hàng Gà, Cổng Đục. Phía tây giáp phố Phùng Hưng.

Phố Hàng Mã là nơi kinh doanh nhiều mặt hàng đầy màu sắc. Nằm rất gần chợ Đồng Xuân và lại giáp với 11 phố khác, phố lúc nào cũng nhộn nhịp mua bán và thu hút rất đông khách du lịch trong ngoài nước. Đặc biệt, vào những dịp lễ lớn như Trung Thu, Giáng Sinh và Nguyên Đán thì mọi người phải gửi xe ở ngoài để đi bộ chơi sắm trong khu chợ Tết. Mấy năm gần đây, các chợ Tết mọc lên khắp nơi nhưng khu Hàng Mã vẫn được coi là điểm du lịch hấp dẫn bậc nhất.

Xưa kia đây vốn là đất của hai thôn Vĩnh Hanh và Yên Phú, chỉ cách nhau bằng con sông Tô Lịch. Khúc sông ở giữa hai thôn dần dần bị lấp và hai đoạn phố trực chỉ ở đôi bờ sông thành ra nối liền với nhau, thời Pháp thuộc được đặt một tên chung là Rue du Cuivre (phố Hàng Đồng).

Đoạn phố phía đông trên đất thôn cũ Vĩnh Hanh vẫn có tên gọi thông thường là phố Hàng Mã. Dân ở phố này có một số gia đình gốc người làng Tân Khai (Hàng Sắt và Cổng Đục) dọn đến mở cửa hàng bán đồ giấy màu dùng để trang trí (hoa giấy, đèn giấy các kiểu…) và đồ mã nhỏ để cúng lễ (mũ thổ thần, mũ ông Táo, vàng giấy…).

Đồ mã nhỏ được làm và bán ở đây, còn đồ mã lớn dùng cho tang lễ (minh khí), hoặc đám chay, hoặc lễ cầu mát, thì khách hàng đặt làm ở phố Mã Mây. Dần dần, những món hàng trang trí khác và đồ chơi Tết Trung Thu cũng được bán ở đây. Phố Hàng Mã trở thành nơi phục vụ cả người gặp dịp vui lẫn người gặp đau buồn.

Phố Hàng Mã còn nổi tiếng vì kiến trúc đặc sắc gồm những nhà hình ống và nhà chồng diêm. Nhà hình ống với chiều dài, bề rộng có hạn, nhưng người dân trước đây đã sáng tạo nên một không gian để ở, thờ phụng, nghỉ ngơi, sản xuất và buôn bán khá hợp lý, vẫn có cả khoảng không để đưa thiên nhiên vào trong nhà.

Nhà chồng diêm là loại nhà hai tầng xây bằng gạch và gỗ, với gác xép có cửa giả hoặc cửa cỡ nhỏ, hoặc cửa tròn mở ra phố. Loại nhà này ngoài mái ngói nghiêng xuống mặt phố còn có mái tranh vẩy thêm ra hè.

Khi nghề làm đồ hàng mã ở phố Mã Mây suy tàn thì nghề làm đồ mã ở phố Hàng Mã cũng không hơn trước được, các cửa hàng trong phố chủ yếu bán các loại giấy màu, giấy trắng mộc và làm đèn giấy, đồ giấy trang trí; đồ mã cúng lễ chỉ sản xuất theo tháng.

PHỐ HÀNG MẮM
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Hang-Mam-300x179.jpg
 

Phố Hàng Mắm ở trên địa phận hai phường Lý Thái Tổ và Hàng Bạc, thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố dài 188m, từ phố Trần Quang Khải chạy về phía tây qua hai ngã tư Hàng Muối – Hàng Tre và Hàng Mắm – Nguyễn Hữu Huân rồi kết thúc ở ngã ba Hàng Bạc – Hàng Bè, sát ngõ Phất Lộc.

Nơi đây trước khi thực dân Pháp chiếm Hà Nội đã có hai con phố ngắn nối liền nhau, phân cách bởi cửa ô Mỹ Lộc và bức tường thành bằng đất (có lẽ nằm trên lòng đường phố Nguyễn Hữu Huân bây giờ). Bên trong cửa ô là phố Hàng Mắm (cũ) thuộc thôn Ưu Nghĩa, tổng Hữu Túc; bên ngoài là phố Hàng Trứng thuộc thôn Thanh Yên, tổng Tả Túc, sau đổi là tổng Phúc Lâm, huyện Thọ Xương cũ.

Đoạn phố ngoài cửa ô xưa kia gọi là Vạn Nước Mắm, sau mới gọi là phố Hàng Trứng vì ở chỗ này có nhiều cửa hàng buôn bán trứng hơn là buôn bán mắm. Trứng vịt do thuyền chở từ vùng Ninh Bình, Phát Diệm lên, đóng từng sọt lớn lót rơm. Danh sĩ Hà thành Phạm Đình Hổ (1768 – 1839) có viết trong sách “Vũ Trung Tuỳ Bút”: “Vạn Hàng Mắm” tức là bến sông, người làng sống dưới thuyền buôn mắm.

Cuối thế kỷ 19 thực dân Pháp phá bỏ cửa ô Mỹ Lộc và bức tường thành cũ, sáp nhập hai phố làm một và nối thông với “Quai Guillemoto” mà dân ta hồi đó vẫn gọi là đường Bờ Sông do được xây dọc đê sông Hồng (phố Trần Quang Khải bây giờ).

Người Pháp đặt tên phố là Rue de la Saumure, nghĩa là “Phố hàng ướp mặn”, có lẽ do không muốn nêu rõ hương vị quá đặc biệt của những thứ bày bán ở đây. Ngay từ năm 1884, bác sĩ Hocquard đã mô tả: “…Trong cửa hàng bán mắm, vịt ướp, cá khô treo trên trần nhà. Mùi nước mắm, mắm tôm nồng nặc”. Năm 1934 tức nửa thế kỷ muộn hơn, Bonifaci lại viết: “Phố Hàng Mắm bốc mùi khó chịu, trong nhà bán tôm, cá khô…”.

Theo nhà giáo Hoàng Đạo Thúy: sau Đại chiến thứ nhất (1914 – 1918), trên phố Hàng Mắm hãy còn nhiều cửa hàng bán mắm tôm đặc đựng trong chậu sành, gạt bằng xương sườn trâu; mắm tôm loãng đựng trong vại; nước mắm đựng trong những kiệu lớn cao bằng đầu người, chôn xuống đất, đậy nắp, vợi ra thùng gỗ bán dần; rồi cua rạm muối, v.v.. Bán buôn là chính, mỗi chuyến cất hàng năm bảy tạ do thương lái mang đi các tỉnh. Những năm 1930, phố có thêm cửa hàng buôn các đồ hải sản để nấu cỗ như vây cá mập, bóng cá dưa, bóng cá thủ, sá sùng, tôm, mực khô, v.v.. Hiệu buôn mắm nổi tiếng là của cụ Tú Dâu (số 28, nhà cổ, thềm cao), Cự Xương (số 6), Cự Hải (số 1) và Cự Tài (số 150 phố Bờ Sông), ba nhà sau là anh em trong một gia đình. Hàng Mắm còn có cửa hàng bán đồ đá; nhà Ba Ký (hiệu Lê Trung Ký) ở góc phố, số 24, là nhà bán đồ đá lâu đời và phát đạt nhất.

Tên cũ Hàng Mắm được chính thức sử dụng lại từ năm 1945, mặc dù sau đó ở đây không còn bán mắm mà mặt hàng chủ yếu là bia mộ, tiểu sành, quan quách các loại bằng đá và đất nung.

Phố Hàng Mắm gồm nhiều ngôi nhà nhỏ, mặc dù vụ cháy lớn đầu năm 1891 đã thiêu huỷ toàn bộ nhưng dân đã sửa chữa lại, chỉ một ít nhà làm mới. Trong thời kỳ chiến sự Pháp-Việt 1946 – 1947 phố cũng không bị thiệt hại mấy, thời chống Mỹ lại càng không. Cuối thế kỷ 20, chính sự thay đổi hầu như không phanh đã làm cho không thể giữ được hình ảnh phố cũ nữa.

Cây cầu Chương Dương được xây đã nhanh chóng làm cho khu vực sát phía bắc phố Hàng Mắm trở thành một đầu mối giao thông quan trọng của Hà Nội. Nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, con đường Gốm Sứ dọc bờ đê cũ đã được khánh thành và vinh danh.

Phố Hàng Mắm chỉ dài 188m, trên phố hiện không có đình, đền cũ nhưng tại các phố ngay bên cạnh thì nhiều. Đầu thế kỷ 19, cửa ô Mỹ Lộc đổi tên là Ưu Nghĩa, có lính canh gác ban đêm, ngăn với thôn Thanh Yên ven sông Hồng; đến nay dấu vết đình và miếu thôn Thanh Yên vẫn còn tại số nhà 14A trong ngõ Nguyễn Hữu Huân.

CÒN TIẾP =>>