179 lượt xem

Đường phố Hà Nội (Phố cổ Hà Nội ) - Kì 3

PHỐ HÀNG CÂN
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/hgcan_2222b-300x200.jpg
 
Phố Hàng Cân dài 104m, nằm song song với phố Hàng Ngang, nay thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách hồ Hoàn Kiếm chừng 300m về mé tây-bắc. Đầu phố nối tiếp phố Chả Cá tại ngã tư Lãn Ông, kéo xuống phía nam nối với phố Lương Văn Can tại ngã tư Hàng Bồ.

Tên phố Hàng Cân xuất hiện vào khoảng cuối thế kỉ 19, trước đó gọi là phố Hàng Sơn (rue de la Laque), đoạn phía bắc có tên Hàng Sơn dưới, đoạn phía nam có tên Hàng Sơn trên. Phố nằm trên đất thôn Hữu Đông Môn và thôn Xuân Hoa, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ.

Đến giữa thế kỷ 19, thôn Xuân Hoa hợp với thôn Yên Hoa thành thôn Xuân Yên và tổng Tiền Túc đổi là tổng Thuận Mỹ. Dấu vết của hai thôn nay chỉ còn lại đền Xuân Yên của thôn Xuân Hoa cũ ở số 44 phố Hàng Cân và đền Xuân Yên của thôn Yên Hoa cũ ở số 6A phố Lương Văn Can. Dấu tích làng Hữu Đông Môn thì còn đình Đông Môn ở số 8 phố Hàng Cân, xưa kia ở gần con đường dẫn đến Cửa Đông thành Hà Nội.

Thủa còn sông Tô Lịch, thuyền chở sơn từ Phú Thọ về Hà Nội ghé đến tận khoảng giữa các phố Hàng Cá – Hàng Buồm, hai bên bờ có nhiều nhà buôn sơn. Sau khi sông Tô bị lấp, thuyền buôn phải đỗ ngoài bến Phúc Tân và sơn được bán nhiều ở các phố Cầu Gỗ, Hàng Bè, Hàng Dầu. Trên phố Hàng Sơn cũ dần dần xuất hiện một số cửa hàng làm và bán cân nên người dân chuyển sang gọi là phố Hàng Cân.

Lịch sử nghề làm và bán cân ở Hà Nội cũng mới bắt đầu vào cuối thế kỷ 19. Ngày ấy những người buôn cân ở Phủ Lý lên bán ở chợ Đông Thành và Cầu Đông, có mấy người quen trọ tại nhà ông Tưởng Văn Phong ở đầu phố. Ông Phong gốc người làng Tó, học được nghề làm cân và thước gỗ thợ may, mở cửa hàng ở cạnh đền Xuân Hoa, thuê người giúp việc. Rồi ít lâu sau, phố này có thêm vài nhà cũng mở cửa hàng làm và bán cân, bán thước gỗ có đóng đinh đồng chia phân li của thợ may (số 8-32-44-52-56).

Cân bán trên phố hồi ấy gồm mấy loại khác nhau. Cân tiểu ly dùng để cân vàng, bạc, thuốc bắc, loại cân này có hộp gỗ bảo vệ bên ngoài. Cân cán gỗ có đóng đinh đồng để cân hàng khô, gọi là cân ta. Vào những năm 1940 các loại cân cán sắt, cán treo, cân đĩa, cân bàn ngoại tràn vào làm cho nghề làm cân ta bị mai một. Phố Hàng Cân chỉ còn tên, không còn cửa hàng nào sản xuất và bán cân ta nữa.

Cuối thế kỷ 20 giấy vụn bỗng có giá. Phố Hàng Cân xuất hiện nhiều cửa hàng thu mua giấy vụn, giấy mua về được phân ra, loại nhỏ bán cho các cửa hàng xôi, lạc rang, ô mai… làm giấy gói hàng, loại lớn hơn bán cho mấy “chú Hoa Nam” nhuộm phẩm màu xanh đỏ tím vàng làm hàng mã, loại “khổ to” được dán thành “bao bì”. Từ bao bì giấy đến bao bì các-tông, hộp xốp đủ kích cỡ để đóng kiện hàng vô cùng tiện lợi, vừa đẹp, lại bảo vệ hàng họ, vận chuyển thuận lợi.

Phố Hàng Cân suốt hàng trăm năm vẫn giữ được vài nét cổ xưa với những ngôi nhà nhỏ một tầng hoặc có căn gác xây theo kiểu chồng diêm. Từ cuối thế kỷ 20, phần nhiều các hộ đã sửa lại nhà để mở cửa hàng hiện đại và sinh sống ở phía sau hoặc trên gác.

Đền Xuân Hoa được dựng vào khoảng cuối thời nhà Lê để thờ vị Phúc thần tên là Lân Ngọc, người có công phù giúp cụ Tổ dòng họ Nguyễn dẹp quân Chiêm Thành. Ngoài ra, bên trong đền còn thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Đức Thánh Trần và Thánh Mẫu Thượng Ngàn.

Trải qua nhiều lần trùng tu, hiện tại trong đền vẫn giữ được nhiều di vật có giá trị lịch sử nghệ thuật thuộc thế kỷ 19, thế kỷ 20 như 3 tấm bia hậu dựng thời Nguyễn, khắc việc tu sửa đền và công đức, trong đó 1 bia ghi niên hiệu Minh Mệnh thứ 2 (năm 1821), 1 bia niên hiệu Thiệu Trị (1841 – 1847). Lại có 14 pho tượng tròn sơn son thiếp vàng lộng lẫy, 1 hương án chạm rồng, 1 bộ thiếp vàng, 1 cây quán tẩy chạm rồng, 1 bức cửa võng chạm rồng, 4 cỗ long ngai chạm rồng, 4 khám thờ chạm tứ linh, 1 tấm nghi môn chạm rồng; 1 quả chuông đồng niên hiệu Tự Đức (1848 – 1883), 4 đôi câu đối, 6 bức hoành phi sơn son thiếp vàng.

PHỐ HÀNG CHIẾU – Ô QUAN CHƯỞNG
 
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/16-o-quan-chuong-8e974-300x200.jpg
 
Phố Hàng Chiếu dài 275m, phía đông nối phố Ô Quan Chưởng tại ngã tư Thanh Hà – Đào Duy Từ, phía tây nối phố Hàng Mã ở ngã tư Hàng Đường – Đồng Xuân; đoạn giữa cắt ngang ngã tư Hàng Giầy – Nguyễn Thiện Thuật. Phố Ô Quan Chưởng dài 80m, đi từ ngã ba Trần Nhật Duật tới di tích cửa ô Đông Hà. Cả hai phố nằm ở phía đông nam chợ Đồng Xuân, nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; cách Hồ Gươm chừng 800m về hướng bắc.

Phố Hàng Chiếu và phố Ô Quan Chưởng toạ lạc trên nền con đường của thôn Thanh Hà cũ, nối liền khu chợ phía đông Long thành (quãng phố Hàng Cá) với bến Phúc Tân (sau cát bồi thành bãi Phúc Tân khi sông Hồng dần dần đổi dòng sang phía Gia Lâm). Đình Thanh Hà ngày nay lưng quay về phố Hàng Chiếu, cổng mở ra phố Ngõ Gạch. Tên làng cũng còn lại ở tên con phố nhỏ nối Ô Quan Chưởng với phố Nguyễn Thiện Thuật là phố Thanh Hà, nơi có ngôi đền Hội Thống thờ Mẫu Liễu với diện tích nay đã bị thu hẹp nhiều.

Thời Nguyễn, nơi đây bán chiếu cói và cả chén bát nên còn có tên phố Hàng Bát. Sách “Đại Nam nhất thống chí” xác định rõ rằng “Phố Đông Hà bán chiếu trơn”. Tài liệu Pháp hồi đó cũng ghi là “Rue des Nattes en joncs” (Phố Chiếu Cói). Một bưu thiếp có hình vẽ được coi là cổ nhất về phố Hàng Chiếu đã cho thấy sự phù hợp với miêu tả của những người Pháp đặt chân tới Hà Nội vào cuối thế kỷ 19.

Trong cuốn sách “De Paris au Tonkin” (Từ Pa-ri đến Bắc Bộ) in năm 1884, tác giả Paul Bourde viết: “Không những người ta làm mặt tiền kín mít mà còn che đậy nó bằng một chái, chìa cái mái tranh ra đường; thành thử phố xá chỉ còn như những con đường hào chật chội chen chúc đầy người và đôi khi khó có thể cưỡi ngựa đi qua.”

Hàng Chiếu là con phố đầu tiên mà Pháp có ý định mở mang sau khi chiếm được Hà Nội. Năm 1888, chính quyền thực dân nhân có đám cháy lớn đốt trụi cả dãy phố cũ đã bắt dân phố mua gạch xây lại nhà theo kiểu Tây, nếu không có tiền thì phải bán nhà với giá rẻ. Phố từ đó có vỉa hè, cống rãnh, cây xanh, cột đèn; Pháp đặt tên “Rue Jean Dupuis”, dân ta cứ gọi là “Phố Mới”. Ngay từ năm 1883, Pháp đã đặt cơ sở đào tạo phiên dịch viên ở đây, tới 1905 thì chính thức lập trường Thông ngôn, nay không còn dấu vết.

Nhà máy dệt Bắc Qua do hãng Bourgouin Meiffre xây năm 1884 ở bãi đất chỗ phố Nguyễn Thiện Thuật bây giờ, Văn phòng thì đặt ở số 72–74–76 Phố Mới. Năm 1918 xưởng và nhà kho Bắc Qua bị chuyển về nhà máy sợi Nam Định, hãng Magnabar mua lại ngôi nhà trên. Hãng này nhập vải sợi, xuất các hàng mây, tre, cói và ren mua của các làng nghề thủ công Hà Đông bán sang Pháp, lại nhận thầu may quần áo cho lính khố xanh. Hãng Daurelle thì ở số nhà 60–62–64 Phố Mới, nhận thầu may quần áo cho lính khố đỏ bằng ka-ki, dân quen gọi là “Nhà áo vàng”. Hai nhà thầu trên sử dụng hàng trăm thợ may nữ, làm việc không giờ giấc mà công sá thấp. Đám cai đàn bà có người do ăn lễ, ăn bớt, ăn chặn, ăn gian mà tậu được ba nhà gạch ở Phố Mới.

Đầu Phố Mới còn có một ngôi nhà treo lá cờ vàng mộ phu đi Tân thế giới, tức nơi xuất khẩu lao động giá bèo. Lại có nhà Vạn Bảo ở góc Hàng Giầy – Hàng Chiếu do Hoa kiều thầu với một nhóm người Pháp được cấp phép quản lý nghề cho vay cầm đồ lấy lãi tới 24% một năm. Hàng tháng, chủ nhà Tầm Tầm Hàng Trống (nhà thầu bán đồ cũ) đến bán đấu giá các đồ cầm cố quá hạn.

Đoạn cuối Phố Mới thông sang chợ Đồng Xuân và phố Cầu Đông qua ngõ Đồng Xuân. Đầu ngõ từng là “Chợ đưa người” tức nơi cung cấp ô-sin. Nghề môi giới thuê người chỉ có sau năm 1930. Nhà hàng cơm chứa trọ đầu tiên cho ô-sin là số 81 Phố Mới, hàng chục chủ chứa đã sống về nghề này từ 1936 trở đi.

Khi bến tàu bị cát bồi phải rời lui xuống phía dưới chỗ đầu Hàng Muối, các cửa hiệu bên trong cửa ô Đông Hà không còn thuận lợi nếu xuất nhập hàng qua cảng sông. Từ đó, Phố Mới cũng ít thay đổi về mặt xây dựng.

Phố Hàng Chiếu từng là một nơi chiến đấu ác liệt của quân ta trong những tháng đầu tiên của cuộc Kháng chiến chống Pháp. Trận địa Ô Quan Chưởng đã đứng vững cho đến khi Trung đoàn Thủ đô bí mật rút ra khỏi Thành phố đêm  17/2/1947 qua cầu Long Biên cạnh đó.

Ô Quan Chưởng

Đông Hà Môn có niên hiệu Cảnh Hưng thứ 10 (1749), sửa lại năm Gia Long thứ 16 (1817). Vượt qua cửa Đông Hà, thuyền trưởng Francis Garnier đã dẫn lính tiến đánh thành Hà Nội lần thứ nhất. Dân chúng gọi đây là Ô Quan Chưởng để tưởng nhớ toán quân gác cửa ngày 20/11/1873 đã hy sinh đến ng­ười cuối cùng.

Hiện Đông Hà môn còn tấm bia đá gắn vào tường cạnh cổng giữa, khắc tờ sức của tổng đốc Hà Ninh Hoàng Diệu và tuần phủ Hoàng Hữu Xứng đề năm Mậu Dần (1878) cấm lính gác xách nhiễu dân đi qua cửa. Tay lái súng thực dân Jean Dupuis khi ra Bắc kỳ lấy lý do tìm đường ngược sông Hồng sang Trung Quốc, đã ghé vào đây và giở trò khiêu khích. Một tấm ảnh do bác sĩ Hocquard chụp sau lần thứ hai quân Pháp đánh Hà thành đã cho thấy phố Hàng Chiếu năm 1883 vẫn trông giống đồn luỹ bảo vệ hơn là khu dân cư hay thương mại.

Chiếm thành xong, người Pháp chủ trương dỡ các công trình vây quanh để mở rộng khu phố mới. Nhưng nhờ ông Đào Đăng Chiểu (1845 – 1916), cai tổng Đồng Xuân, cùng với dân chúng nhất định không chịu ký tên vào tờ trình xin phép phá cửa ô nên cuối cùng riêng Đông Hà Môn được giữ lại nguyên vẹn. Năm 1945 thị trưởng Hà Nội đã tách ra thành hai phố Ô Quan Chưởng và Hàng Chiếu, xoá bỏ cái tên Jean Dupuis.

Nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long ra đời, cửa Ô Quan Chưởng được trùng tu nhưng vọng lâu đổi màu xám xịt đã gây xôn xao lớn trong giới báo chí và dân mạng trong một thời gian.

PHỐ HÀNG CHĨNH
 
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/hgchinh_9063b-300x200.jpg
 
Phố Hàng Chĩnh nằm ở sát nút giao thông dưới đầu cầu Chương Dương, hiện nay thuộc địa giới của phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 650m về hướng đông-bắc. Đi từ đông sang tây phố chỉ ngắn có 136 mét, nối thông đoạn cuối phố Trần Nhật Duật với đoạn trên của phố Mã Mây.

Đầu phố Hàng Chĩnh xưa kia từng có bức tường thành đắp bằng đất, chạy song song sát với con đê cũ. Đê và thành nay không còn di tích vì đều được san bằng để xây phố xá, khi sông Hồng đổi dòng sang phía Gia Lâm. Trước đó, mấy xóm nằm bên ngoài tường thành được gọi chung là thôn Trừng Thanh và thông với nội thành bằng cửa ô Trừng Thanh, tức Ưu Nghĩa.

Thôn Trừng Thanh ở ngay dọc hai bên con đường mở ra phía bến sông, rất thuận tiện cho việc chở hàng hóa đến bằng thuyền bè. Đoạn đường từ cửa ô Ưu Nghĩa vào nội thành được thương lái dùng để làm chợ, chủ yếu buôn bán các mặt hàng bằng sành gốm nên dần dần trở thành phố Hàng Chĩnh. Đến cuối thế kỷ 19, người Pháp gọi nó là “Rue des Vases”, dịch khá đúng nghĩa đen tên tiếng Việt (“Vases” bao gồm bình, lọ, chum, vại, chĩnh).

Đến thế kỷ 20, dân phố Hàng Chĩnh chủ yếu vẫn bán các thứ như vại, chậu sành của làng Phù Lãng (tỉnh Bắc Ninh), nồi đất, chum, vò, tiểu sành của làng Hương Canh (tỉnh Vĩnh Phúc) và hàng gốm của làng Thổ Hà (tỉnh Bắc Ninh) v.v.. Đầu phố ở sát ngay bến xe Cột Đồng Hồ (nay là nút giao thông dưới đầu cầu Chương Dương), cho nên những cửa hàng bán lốp ôtô đã mọc lên và tiếp tục kinh doanh cho đến bây giờ.

Từ sau vụ lụt to năm 1925-1926, chính quyền thực dân cho đắp con đê mới chạy dọc đường “Quai Clémenceau” (dân ta gọi là “phố Bờ Sông”) và mở những cửa khẩu đi ra ngoài bến bãi. Dần dần do cát bồi, tàu thuyền phải đậu lui về phía dưới đầu phố Hàng Mắm, hàng gốm sành chuyển đến đó bán cùng với bia mộ, cối đá, chân cột bằng đá. Dăm bảy cửa hiệu đồ gốm chuyển sang bán mắm, muối; đa số chủ hiệu có nhà riêng trong ngõ Phất Lộc xưa kia vốn thông ra phố Hàng Chĩnh.

Mùa đông cuối năm 1946 chiến sự Pháp – Việt bùng nổ ở Hà Nội, giao tranh ác liệt đã tàn phá nhiều khu nhà nhưng phố Hàng Chĩnh may mắn còn lại gần như nguyên vẹn. Cho đến thời chiến tranh chống Mỹ, phần lớn dân phố vẫn tiếp tục kinh doanh nhỏ lẻ kiểu gia đình. Từ thập niên 1990 đến nay phố đã trở nên khang trang và sầm uất hơn. Những khách sạn và quán ăn tập trung ở phía thông sang phố Mã Mây, nơi có nhiều khách du lịch đến tham quan khu phố cũ.

Xưa kia phố Hàng Chĩnh toạ lạc trên đất thôn Ưu Nhất, tổng Hữu Túc (sau đổi là tổng Đồng Thọ), huyện Thọ Xương, phía đông kinh thành Thăng Long. Tới giữa thế kỷ 19, thôn này hợp với thôn Trung Nghĩa thành thôn Ưu Nghĩa. Đình làng có tên là đình Kiên Nghĩa, nhưng di tích nay lại mở cửa ra đầu phố Nguyễn Hữu Huân ở bên cạnh (số nhà 2A).

PHỐ HÀNG CÓT
 
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/phdphung-hgcot_6502b-300x201.jpg
 
Phố Hàng Cót ngày nay dài 400 mét, thuộc phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 900m về hướng tây-bắc. Phố đi từ tháp nước Hàng Đậu đến ngã tư Hàng Mã và nối tiếp với phố Hàng Gà. Đoạn giữa lần lượt chui qua Cầu Sắt và cắt các phố Phùng Hưng, Gầm Cầu, Hàng Lược, rồi đi qua ngã ba Hàng Chai.

Phố Hàng Cót và phố Hàng Gà cùng ở trên một con đường cũ có sẵn từ xưa. Đầu đường này hồi đó ở gần bến sông, có nhiều hộ làm nghề đan cót liếp nên thành tên. Người Pháp gọi là “Rue Takou”. Từ năm 1945 chính quyền Hà Nội đặt lại tên như cũ.

Di tích thờ tự cũ trong phố hiện nay còn có đình Ngũ Giáp ở số nhà 54, bên cạnh là đền Tam Phủ linh từ (số 52, thờ Chư Vị) và chùa Pháp Bảo Tạng (số 44, mới xây trong những năm tạm chiếm 1948 – 1954 làm nơi chứa những mộc bản để in Kinh Phật).

Đoạn đầu phố Hàng Cót, từ vườn hoa Hàng Đậu đến Cầu Sắt, tuy ngắn nhưng lại có nhiều biệt thự làm vào những năm sau 1930. Đoạn cuối phố (từ Cầu Sắt đến ngã tư Hàng Gà–Hàng Vải) có những ngôi nhà lớn do người phố khác tới mua đất, xây mới.

Phố Hàng Cót bắt đầu mở mang từ thập niên ba mươi, bốn mươi của thế kỷ trước; nhiều ngôi nhà kiểu mới to đẹp được xây dựng. Tuyến xe điện Vọng–Kim Liên–Yên Phụ đặt năm 1935 đi qua đây.

Phố Hàng Cót có một ngôi nhà lớn được xây dựng khá sớm, chính là nhà hát đầu tiên của Hà Nội, thường cho các ban nhạc từ Pháp sang thuê làm nơi biểu diễn. Tháng 3-1888 phố bị cháy, may nhà hát không việc gì.

Đến năm 1916, chính quyền thành phố sửa lại nhà hát thành một trường nữ học dành cho khu vực phía bắc Hà Nội, đặt tên Ecole Brieux, dân ta quen gọi trường Hàng Cót, hiện nay là trường THCS Thanh Quan (nhà số 29).

Hàng trăm năm qua, phố Hàng Cót vẫn chiếm một vị trí giao thương thuận tiện ở gần ga đường sắt đầu cầu Long Biên và cách chợ Đồng Xuân chưa đầy 100m. Ngày nay phố lại càng phát triển về thương mại và mở thêm các dịch vụ du lịch.

PHỐ HÀNG DA
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/hangda-300x199.jpg
 
Phố Hàng Da dài 240m, đi từ chợ Hàng Da đến ngã tư Hàng Bông – Quán Sứ, nay thuộc phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 500m.

Những người từ xa đến đây thường không dễ tìm được những ngôi nhà mang số nhỏ của phố Hàng Da. Đó là vì một điều đặc biệt có lẽ duy nhất chỉ tồn tại ở Hà Nội: nhánh số lẻ bắt đầu từ chỗ đối diện rạp Hồng Hà phía phố Đường Thành, còn nhánh số chẵn thì lại bắt đầu từ ngã ba phố Hà Trung –  Ngõ Trạm, tạo thành hình chữ T ở dưới chợ Hàng Da và quảng trường. Hiện nay ở đó thường bán hoa quả, rượu ngoại và bánh ngọt.

Thời Nguyễn, phố thuộc đất thôn Yên Nội, tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương. Dân làng gọi đây là phố Thày Bói vì ở trước cửa đền Tam Thánh tức đình Vũ Du có nhiều ông bà thày bói đến bắc chõng ngồi chờ xem cho khách đi lễ. Cuối thế kỷ 19, lái buôn bắt đầu mua da trâu, bò mang về khu vực phố Yên Thái và ngõ Tạm Thương bên cạnh để chế biến thành da khô rồi bán ngay ở cái bãi rộng đối diện, nơi có vài cái lều dựng theo kiểu chợ làng.

Đầu thế kỷ 20, người Pháp sắp đặt lại thành phố, đặt tên là Rue des Cuirs, dịch đúng nghĩa tiếng Việt. Nhưng hồi ấy phố Hàng Da không có những cửa hàng sản xuất và bán đồ da như phố Hàng Điếu hoặc Hà Trung. Trong thực tế chỉ có mấy Hoa kiều làm chủ những xưởng thuộc da ở ngoại thành đến xây những kho chứa nguyên liệu gồm da tự thuộc hoặc buôn của Nhà máy Thuộc da Thuỵ Khuê, hoặc nhập khẩu. Những người mua da nguyên liệu từ đây về làm hàng là thợ thủ công ở các phố khác.

Đến năm 1937 mới xây chợ Hàng Da (cũ), bên trong cũng không bán đồ da mà chủ yếu bán thực phẩm và tạp hóa. Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp. Chính quyền Bảo Đại – Trần Trọng Kim tuyên bố độc lập và xóa bỏ các hiệp ước bất bình đẳng với Pháp, từ đấy chợ và phố được chính thức mang tên Hàng Da. Cuối năm 1946, chiến sự nổ ra ác liệt đã phá tan gần hết phố cũ vì đây là vùng giáp ranh giữa hai bên Việt-Pháp. Nhà cửa chủ yếu được xây lại trong thời kỳ tạm chiếm 1947-1954.

Từ ngày giải phóng thủ đô, kinh tế dần dần phục hồi, phố và chợ lại trở nên tấp nập nhưng đến thời kháng chiến chống Mỹ và 15 năm sau đó, cuộc sống của người dân trở nên vô cùng khó khăn. Cuối thế kỷ 20, mặt hàng giả da rẻ tiền tràn ngập con phố này. Xuất hiện nhiều cửa hàng vừa kinh doanh vừa sản xuất các mặt hàng giả da như túi xách, đệm ghế, đệm lót, vali, v.v… Một mặt hàng bình dân khác cũng bán rất chạy ở đây là các sản phẩm chế từ lốp ôtô, có ngày thu mua đến 2000 chiếc lốp hỏng.

Bước sang thiên niên kỷ mới, chợ Hàng Da xây lại theo kiểu trung tâm thương mại cao tầng nhưng bất tiện cho những người có ít thời gian hoặc không muốn bỏ thói quen mua bán trên mặt đất. Nhà máy Thuộc da Thuỵ Khuê cũng đã biến thành một khu cao ốc. Giờ đây ở phố Hàng Da chỉ còn rất ít cửa hàng bán vải giả da hoặc dây cao-su, gầu nước và dép lốp; phần lớn người dân đã chuyển sang kinh doanh những thứ có giá trị như đồ điện, quần áo thời trang và giày da, mũ nón, túi xách sang trọng, v.v..

Ngày 9-6-1946 mô hình nước Việt Nam thống nhất được dựng ở dưới chân dung Hồ Chủ tịch treo bên cạnh biểu tượng của hãng sơn Gecko (Tắc kè) trên phố Hàng Da. Ngày nay, ngoài đình Vũ Du vẫn còn dấu vết ở số 40, du khách yêu thích lịch sử nên lưu ý mấy ngôi nhà khác. Nhà số 5 từng là tư gia của Phạm Quỳnh (1892-1945), chủ bút báo Nam Phong. Nhà văn Vũ Bằng (1913-1984) tác giả “Miếng ngon Hà Nội”, “Thương nhớ mười hai” từng sống với vợ ở số 11. Những năm 1936-1940, cửa hàng may Lemur của hoạ sĩ Cát Tường (1911-1946) ở số 14 từng nổi tiếng với chiếc áo dài Hà Nội đã gây nên một phong trào cải cách y phục trong giới trẻ Việt Nam hồi ấy.

PHỐ HÀNG ĐÀO
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/hangdao-300x225.jpg
 
Phố Hàng Đào dài khoảng 260m, nay thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách hồ Hoàn Kiếm chỉ trăm bước. Xe cơ giới chỉ được chạy một chiều nam-bắc và lòng đường trở thành tuyến đi bộ vào buổi tối các ngày thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật hàng tuần. Đầu phố giáp các phố Hàng Ngang, Hàng Bạc, Hàng Bồ. Giữa phố có ngã ba thông sang phố Gia Ngư. Phía nam giáp với các phố Hàng Gai, Cầu Gỗ, Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ và quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.

Tên phố hình thành từ rất lâu đời, liên quan đến phường nghề nhuộm vải lụa điều. Nghe nói trước khi vua Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long thì đã từng từng có phường Hàng Đào tại cố đô Hoa Lư vào thế kỷ 10. Trong tác phẩm Dư địa chí soạn vào đầu thế kỷ 15, Nguyễn Trãi cũng ghi nhận “Phường Hàng Đào nhuộm điều”.

Theo sử sách, phố Hàng Đào dưới thời Hậu Lê thuộc phường Đồng Lạc và Đại Lợi, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ. Phường Đại Lợi tập trung nhiều người dân gốc các làng Đan Loan, Bình Giang (Hải Dương), Đình Loan, Đông Cao (Bắc Ninh) chuyên nghề nhuộm tơ lụa có từ thời trước.

Đến thế kỷ 17, phố Hàng Đào đã rất sầm uất do buôn bán chủ yếu bằng tín nghĩa. Phiên chợ tơ ở đây đều đặn mở vào ngày mồng 1 và 6 âm lịch hàng tháng, hàng chất lượng cao sau này thường trao đổi với các làng gần hơn như Cự Đà, Vạn Phúc, Trúc Bạch, Trích Sài, Yên Thái… Tuy nhiên lòng đường vẫn hẹp và nhà cửa thò ra thụt vào mặt phố, hầu hết xây theo kiểu chồng diêm vừa thấp vừa nhỏ.

Phần lớn các cửa hiệu phố Hàng Đào từ thế kỷ 19 chủ yếu bán lẻ lụa, vải và do phụ nữ cai quản. Dần dần các cô gái giàu sang nơi đây nổi tiếng đồn là căn cơ, khéo léo trong nhà và cảnh vẻ, sắc sảo ở bên ngoài; thường được gả chồng vào gia đình thương nhân, quan lại, trí thức. Một trong số đó có gia đình cha con chí sĩ Lương Văn Can – Lương Ngọc Quyến cùng cụ bà và cô trưởng nữ đã tỏ rõ bản lĩnh và khí phách của tinh hoa dân tộc…

Phố Hàng Đào được xây trên con đê cũ đã bỏ đi sau khi sông Hồng đổi dòng, cho nên nền đất khá cao. Người Pháp gọi tên phố là Rue de la Soie (“phố Hàng Lụa”), từ đầu thế kỷ 20 họ lại đặt đường ray cho tàu điện bánh sắt chạy tuyến Bờ Hồ – Hàng Đậu qua đây, về sau còn kéo dài tới Chợ Bưởi và ô Yên Phụ.

Khoảng năm 1925, vải dệt công nghiệp thắng thế vải ta dệt thủ công. Quá nửa phố Hàng Đào phải cho thuê làm tiệm bán vải Tây, các mặt hàng truyền thống vắng hẳn. Rồi dần dần trên phố không còn bán vải nhuộm màu nữa, các chủ hiệu có nhiều vốn chuyển sang buôn các loại hàng sang trọng hơn.

Cuối thế kỷ 20 toàn bộ đường ray tàu điện Hà Nội bị bóc hết, nhường chỗ cho xe bus. Số lượng các cửa hiệu quần áo, vải lụa, đồ vàng bạc, thủ công mỹ nghệ ngày càng đông đúc. Ngoài việc buôn bán mặt hàng cao cấp và vật dụng xa xỉ, các hộ dân phố còn mở nhiều khách sạn cho khách du lịch. Hiện nay lòng đường Hàng Đào trở thành một chiều cho các phương tiện giao thông cơ giới.

Trải qua bao thế kỷ, Hàng Đào vẫn được coi như một trong những phố buôn bán tấp nập bậc nhất và mong ước của thương nhân Hà Nội. Tấc đất ở đây là tấc vàng cho nên có rất ít bóng cây to.

Từ năm 2006 UBND TP Hà Nội đã thành lập tuyến phố đi bộ “Chợ đêm Hàng Đào – Đồng Xuân” vào tối các ngày thứ 6, thứ 7 và chủ nhật. Chợ đêm bán các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và một số đặc sản địa phương và tuyến phố đi bộ đã tạo nên một nét văn hóa mới của thủ đô.

PHỐ HÀNG ĐẬU
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/hangdau-300x199.jpg
 
Phố Hàng Đậu dài 272m, nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; cách Hồ Gươm hơn 1km về hướng bắc. Từ ngã tư Yên Phụ – Trần Nhật Duật, phố đi về hướng tây, cắt ngang phố Nguyễn Thiệp rồi kéo qua ngã ba Hồng Phúc đến tháp nước Hàng Đậu, nơi giáp với các phố Hàng Than, Hàng Giấy, Hàng Cót, Phan Đình Phùng, Quán Thánh.

Phố Hàng Đậu có từ trước khi thực dân Pháp chiếm Hà Nội. Đoạn đường này có lối rẽ vào các phố Nguyễn Thiệp, Hàng Giấy cho nên trở thành một nút giao thông nối bến Nứa ven sông Hồng với các chợ ở khu vực phía bắc của tòa thành cũ. Đoạn cuối phố rẽ vào phố Hàng Cót thì nối các phường dân cư đông đúc ở mé Cửa Bắc với Cửa Đông, do đó phố Hàng Đậu được coi như đường ranh giới giữa hai khu vực. Những ngày phiên chợ, nông dân gánh các loại hạt đậu, hạt đỗ đến bán ở đây cho người thành thị mua về làm đậu phụ, nước tương, giá đỗ… dần dần trở thành tên phố.

Phố Hàng Đậu ở trên đất cũ của hai thôn Phúc Lâm và Nghĩa Lập, thuộc huyện Thọ Xương; còn quãng phía bắc giáp hai thôn Hoà Giai và Yên Thuận lại thuộc về tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận. Di tích làng cũ hiện có đình Phúc Lâm ở đường Bờ Sông dưới chân cầu Long Biên (nay là số 2 phố Gầm Cầu), chùa Phúc Lâm ở cuối phố Yên Phụ, đền và đình Nghĩa Lập ở số 32 Hàng Đậu.

Thời Pháp thuộc, đây gọi là Rue des Graines (“Phố Hàng Hạt”). Năm 1945 khôi phục tên cũ Hàng Đậu. Phố từng có hai trường tiểu học tư thục nhỏ: trường Cúc Hiên ở số 39, một trường khác ở số 20, và hai hiệu thuốc đông y: Phạm Bá Quát ở số 27, Thọ Xuân ở số 28. Trong phố cũng còn mấy di tích khác như đền Thiên Quang (số 12) và từ đường họ Phạm (số 40). Hầu hết các công trình này đã được nâng cấp hoặc bị thay đổi kiến trúc và mục đích sử dụng.

Giáp chân đê cũ cạnh bến Chùa Bà Móc từng có cửa ô Phúc Lâm, tức ô Tiền Trung, xưa quen gọi là cửa ô Hàng Đậu, sau bị phá khi xây cầu Dốc Gạch nối với cầu Long Biên. Trông ra vườn hoa còn có bót cảnh sát. Một tấm ảnh chụp năm 1920 cho thấy chiếc cầu đá bắc qua con hào chưa bị lấp hết ở ven tường thành cũ và một mái nhà tranh dưới lùm tre cạnh gốc đa cổ thụ.

Sau thế chiến thứ nhất (1914 – 1918) nghề xe khách phát triển, cầu xe lửa Long Biên được xây thêm hai làn phụ để ô tô đi lại. Thành phố cho mở rộng đường, xén vào bên số lẻ đến mươi thước, phải chặt nhiều cây cối. Từ khi có nhà ga Đầu Cầu thì hàng cơm, nhà trọ cũng mọc thêm bên cạnh những hiệu sửa xe, bán săm lốp, phụ tùng và nạp điện ác-quy v.v.. Ngoài ra tại đây từng có các cửa hàng đóng đồ gỗ cao cấp. Đến những năm 1940 – 1950, nhiều gia đình ở phố Hàng Đậu đã trở nên khá giả.

Ngày nay các hộ trên phố Hàng Đậu kinh doanh nhiều mặt hàng khác như quần áo, tân dược, điện thoại di động, cá cảnh, cần câu, bể cá v.v.. Các cửa hàng ăn đôi khi chiếm cả vỉa hè. Phố vẫn là một trục giao thông quan trọng, mặc dù Hà Nội đã có thêm nhiều cây cầu khác ngoài cầu Long Biên. Ngay đầu phía đông phố, Bến Nứa được xây dựng lại thành một điểm trung chuyển xe bus tấp nập gần suốt ngày đêm.

PHỐ HÀNG ĐỒNG
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/hgdong_8053b-300x200.jpg
 
Phố Hàng Đồng dài khoảng 130m, nay thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 600m về hướng tây-bắc. Phố đi từ ngã tư Hàng Mã – Hàng Rươi, cắt ngang phố Lò Rèn rồi kết thúc tại ngã tư Hàng Vải – Bát Sứ – Lãn Ông.

Từ thời Lê Mạt, dân làng Cầu Nôm (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) thuộc hai dòng họ Lê, Phùng đã kéo lên Hà thành, tụ tập ở thôn Yên Phú, mở các cửa hàng thu gom, sản xuất, sửa chữa và bán đồ đồng. Xưa kia nơi đây thuộc tổng Tiên Túc, huyện Thọ Xương, phía đông Hoàng thành cũ.

Thời thuộc Pháp, đường làng trở thành con phố với cái tên Rue des Tasses (tức “Hàng Chén”); về sau phố bị chia ra làm hai, đoạn thuộc thôn Đông Thành (cũ) gọi là Hàng Bát Sứ, đoạn thuộc thôn Yên Phú (cũ) gọi là Rue du Cuivre (tức “Hàng Đồng”).

Xưa kia, hạc, đỉnh, lư hương, bát hương, lọ hoa, chân nến cùng các đồ tế tự bằng đồng, chậu thau, ống nhổ và nhất là nồi, chảo và mâm đồng là vật dụng của những gia đình khá giả. Các cửa hàng ở phố Hàng Đồng chủ yếu bày bán sản phẩm và thu mua đồ đồng cũ (vì thế có nghề “đồng nát”), còn việc chế tác chủ yếu làm tại các lò đồng ở Ngũ Xã và vùng khác. Nhiều người làm nghề chạm, gò đồng truyền thống có gốc gác ở làng Đại Bái, Bắc Ninh.

Giống như nhiều phố cũ khác, phố Hàng Đồng ngày nay năng động và phát triển đa dạng. Phố không nhiều cửa hàng ăn lớn như ở Hàng Gà, Lãn Ông gần đó, nhưng có một nhà hàng giò chả Ước Lễ độc đáo, nổi tiếng Hà thành với món bánh giò hấp. Hiệu phở bò Việt Hoa thuộc hạng đắt khách, muốn ăn thường phải xếp hàng. Cũng có một quán Café Phố Cổ ở đây.

Cạnh các cửa hàng truyền thống chuyên chế tác hoặc thu gom đồ đồng, lại có các cơ sở sản xuất cơ khí mới vươn lên chiếm lĩnh thị trường và khẳng định thương hiệu của mình. Ngoài những đồ thờ cúng và gia dụng còn có thêm các mặt hàng khác như tượng, đồ trang sức và tranh đá nghệ thuật. Nhưng phố Hàng Đồng từ lâu đã không chỉ kinh doanh mỗi hàng Việt: giữa phố là các cửa hiệu mới mở, buôn bán đồ đồng, đồ sứ, hàng mỹ phẩm nhập khẩu.

Ngày nay dạo phố Hàng Đồng, khách phương xa như được đắm chìm trong không gian của một phố cổ có nghề từ xưa. Những người thợ trẻ đam mê công việc, có sự chỉ bảo của các nghệ nhân già với ngón nghề “gia truyền” tinh xảo. Những lá đồng được “đàn” mỏng tang, dưới bàn tay tài hoa “như có phép tiên” tạo nên những bức tranh trên đồ đồng với hình ảnh cỏ cây, hoa lá, đất trời, sông núi, cứ theo mũi “đục” mà hiện dần lên trước sự kinh ngạc, kính phục của khách nước ngoài.

PHỐ HÀNG ĐƯỜNG
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/hangduong-300x193.jpg
 
Phố Hàng Đường dài 180m, nay thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; cách Hồ Gươm chừng 400m về hướng bắc. Phố nối tiếp phố Đồng Xuân, chạy dọc theo hướng bắc-nam từ ngã tư Hàng Mã – Hàng Chiếu xuống ngã tư Hàng Buồm – Lãn Ông, ngang qua ngã tư Ngõ Gạch – Hàng Cá.

Đây nguyên là phần đất của thôn Vĩnh Thái (đoạn đầu phố) và thôn Đông Hoa Nội Tự (đoạn cuối phố), thuộc tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương cũ. Trước kia sông Tô Lịch chạy qua khu vực này, có một cây cầu đá bắc ngang qua gọi là Cầu Đông, nay cầu đã mất nhưng vẫn còn để lại tên ở ngôi chùa Cầu Đông.

Thực dân Pháp sau khi chiếm Hà Nội đã đặt tên phố này là “Rue du Sucre”, dịch đúng nghĩa đen “Phố Hàng Đường”. Năm 1945, chính quyền thành phố đổi lại tên cũ, được dùng cho đến ngày nay.

Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc năm 1946, phố Hàng Đường thuộc khu trung tâm của Liên khu I. Chùa Cầu Đông là một trong hai trạm quân y của Liên khu. Các số nhà 7, 9, 11 lúc đó từng dùng làm trụ sở của Ban Chỉ huy tiểu đoàn 101 phụ trách khu Đồng Xuân, một trong 3 khu chưa bị chiếm của Liên khu này. Hàng năm nhân dân sở tại vẫn tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm liệt sĩ tại sân chùa Cầu Đông.

Xưa kia hàng hóa đặc trưng của phố này là các loại bánh kẹo làm từ mật, đường mía, đường phèn. Đường phèn từ Quảng Ngãi, đường mật mía từ các vùng qua tay các lái buôn rồi đem đến phố bán lẻ hoặc chế biến thành bánh kẹo.

Trước những năm 1960, phố Hàng Đường vẫn là trung tâm buôn bán bánh kẹo lớn ở thành phố Hà Nội, nhất là vào các dịp Tết Trung Thu, Tết Nguyên Đán. Về sau dãy phố này không còn chỉ chuyên bán bánh mứt kẹo như trước mà trở thành trung tâm buôn bán sầm uất của thủ đô với đủ loại mặt hàng, đặc biệt là quần áo và các món ô mai ngon có tiếng.

Hiện nay phố Hàng Đường chỉ cho xe cơ giới giao thông một chiều nam-bắc; lại được dành làm tuyến đi bộ và “Chợ đêm Đồng Xuân” vào buổi tối các ngày thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật hàng tuần.

Đình Đức Môn ở số nhà 38, xây dựng khoảng thời Hậu Lê, thế kỷ 16-17. Đình thờ thần Ngô Văn Long, một tướng thời Hùng Vương thứ 18, có công lớn trong buổi đầu dựng nước và giữ nước. Kiến trúc Đình Đức Môn gồm 3 nếp nhà thông nhau xây theo kiểu đầu hồi bít đốc, tường bao kín bốn bề, phía trước trổ cửa nách thông từ chùa Đông Môn sang đình. Kiến trúc nghệ thuật đơn giản, bộ khung nhà thể hiện bằng các vì kèo tuật ở toà trung tế, tại đình và hậu cung. Khung mái cuốn vòm, kiểu vỏ cua.

Chùa Đông Môn tức chùa Cầu Đông: số 38B phố Hàng Đường, trong có thờ vợ chồng thái sư Trần Thủ Độ.

Đình Đức Môn và chùa Cầu Đông đã tạo thành một tổng thể di tích trên thửa đất liền khoảnh, theo lối “tả Thần – hữu Phật”. Ngoài ra trên phố từng có ngôi đình Vĩnh Hanh ở số 19B; xưa tầng dưới để buôn bán, bên trên để thờ, ngày nay không còn nữa.

PHỐ HÀNG GÀ
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/hang-ga-bw-300x194.jpg
 
Phố Hàng Gà dài 228m, nay thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 600m về hướng tây-bắc. Đầu phía bắc nối với phố Hàng Cót tại ngã tư Hàng Mã. Đoạn giữa giáp phố Lò Rèn, rồi cắt ngang phố Hàng Vải và giao điểm Hàng Phèn – Nhà Hoả – Cửa Đông. Phía nam giáp phố Bát Đàn và nối tiếp phố Hàng Điếu.

Phố Hàng Gà tọa lạc trên nền đất của thôn Tân Lập – Tân Khai, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ. Di tích thuộc thôn này hiện nay chỉ còn lại đình Tân Khai ở số nhà 44 phố Hàng Vải (cổng nhìn ra ngã tư Hàng Gà – Hàng Vải) và một ngôi chùa liền kề (cổng bên ở số 16c Hàng Gà) mà dân chúng vẫn quen gọi là chùa Thái Cam, được xây vào năm 1822.

Thời kỳ đầu nhà Nguyễn, các giấy tờ hành chính đều viết là phố Tân Khai vì quả thật con đường đó đi qua đất của thôn Tân Khai. Nhưng dân chúng lại quen tách riêng làm đôi: đoạn giáp phố Bát Đàn và Cửa Đông gọi là phố Thuốc Nam, còn đoạn bên trên nối tiếp với phố Hàng Cót gọi là phố Hàng Gà vì hồi đó từng có nhiều nhà bán gà vịt ở đây.

Thực dân Pháp sau khi chiếm Hà Nội đã đặt tên phố là “Rue de Tien Tsin” để kỷ niệm hiệp ước Thiên Tân ký giữa họ và triều đình nhà Thanh năm 1885. Tuy nhiên dân Việt ta vẫn quen gọi là phố Hàng Gà Cửa Đông. Sau khi Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, tên phố Hàng Gà được thị trưởng Hà Nội Trần Văn Lai quyết định chính thức sử dụng từ năm 1945.

Ngoài thiểu số doanh nhân là chủ sở hữu những cửa hiệu riêng, các ngôi nhà trong phố Hàng Gà xưa kia thường được xây theo kiểu hình ống, không gác, nền ẩm thấp, có nhiều hộ chung nhau một lối đi chật hẹp. Tình trạng này kéo dài cho đến những năm cải tạo tư sản Hà Nội. Đa số dân nghèo trong phố làm công nhân các xí nghiệp hoặc xã viên hợp tác xã tiểu thủ công…

Những năm 1960, một số nhà buôn lớn gia nhập các tổ chức công tư hợp doanh, Xưởng bánh kẹo Hà Nội nằm trên mặt bằng cửa hàng Phúc Hòa Hưng, vài cửa hàng mậu dịch quốc doanh cũng được mở ra.

Tuy bề ngang khá hẹp nhưng phố Hàng Gà trước kia suốt mấy chục năm từng có một tuyến xe điện chạy qua lên phố Hàng Cót rồi rẽ sang phố Quán Thánh đi Thụy Khuê, Chợ Bưởi. Ngày nay trên phố không còn xe điện lẫn xe bus nhưng đây vẫn là một trong vài trục giao thông quan trọng theo hướng bắc-nam của thành phố, lúc nào cũng đông người qua lại.

Sau đổi mới, các hộ dân đua nhau kinh doanh thời trang, dịch vụ ăn uống, du lịch và khách sạn. Giờ đây, phố Hàng Gà đã mang một diện mạo mới với nhiều cửa hàng đẹp đẽ khang trang và còn là một trong 10 phố cổ có mặt hàng chuyên doanh.

CÒN TIẾP =>>