308 lượt xem

Tại sao gọi là Ba Đình - Hà Nội?

Tên Ba Đình là địa danh xã Ba Đình ngày nay của huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa. Ba Đình gắn liền với cuộc Khởi nghĩa Ba Đình do Đinh Công Tráng cầm quân trong hai năm 1886 - 1887 dưới thời Cần Vương chống thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX. Trước khi phiên hiệu “xã Ba Đình” ra đời, ở vùng đồng chiêm trũng ngày ấy có ba làng Mỹ Khê, Hương Thọ và Mậu Thịnh, với đông đúc người dân sinh sống tại đây. Mỗi làng có một ngôi đình, được xây ở vị trí tiện lợi quan sát, không có vật chắn phía trước. Đứng từ đình của làng Mỹ Khê, có thể bao quát được bốn hướng và dứt khoát phải nhìn thấy ngôi đình của làng Hương Thọ và Mậu Thịnh. Quanh địa thế của ba ngôi đình lúc đó là vùng lầy chiêm trũng, vì vậy, mỗi năm mùa mưa đến, mỗi ngôi đình như một ốc đảo nhỏ giữa mênh mông đồng nước. Đến được đình, ngoài đi theo con đường độc đạo thì không có con đường nào khác.

Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp ồ ạt xâm lược nước ta trên diện rộng. Nhân dân tỉnh Thanh Hóa lúc đó nói chung và dân nghèo huyện Trung Sơn (nay là huyện Nga Sơn), trong đó, có người dân ở ba làng Mỹ Khê, Hương Thọ và Mậu Thịnh vùng dậy đấu tranh chống Pháp. Nổi bật cuộc tranh thời ấy là Phong trào Cần Vương. Trước sự đàn áp bóc lột của thực dân Pháp, các thủ lĩnh như Phạm Bành, Đinh Công Tráng đã họp các tướng lĩnh, trình bày kế hoạch xây dựng căn cứ Ba Đình. Các ông đã kêu gọi người dân góp tre, rơm rạ để xây dựng căn cứ công sự. Nhân dân thấy yên lòng hiếu nghĩa vì nước của nghĩa quân Đinh Công Tráng, người dân ở ba làng Mỹ Khê, Thượng Thọ và Mậu Thịnh đã nhường lại nhà cửa, vườn tược, chuyển đi ở nơi khác để nghĩa quân xây dựng căn cứ. Nhờ tinh thần yêu nước và sự đóng góp to lớn của nhân dân, chỉ trong vòng một tháng, căn cứ Ba Đình đã được xây dựng thành một cụm cứ điểm chiến đấu hết sức kiên cố sẵn sàng chống Pháp. Và cũng chính từ căn cứ này, nhiều nghĩa sĩ, người dân đã chiến đấu anh dũng và hi sinh tại đây, trong đó có anh hùng Đinh Công Tráng.

 
Theo Giáo sư Lê Văn Lan