255 lượt xem

Dương Thị Như Ngọc

DƯƠNG THỊ NHƯ NGỌC HOÀNG HẬU

Đó là bà Dương Thị Như Ngọc, một người có xuất thân đặc biệt.

Sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938, Ngô Quyền lên ngôi vua, kết thúc hơn 1000 năm Bắc thuộc, mở ra thời kỳ mới, thời kỳ xây dựng một quốc gia độc lập tự chủ cho nước Việt.

 Dương Thị Như Ngọc không phải là vợ đầu của Ngô Quyền nhưng có xuất thân đặc biệt. Bà quê ở làng Ràng, xã Dương Xá, Ái châu (nay thuộc xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hoá, Thanh Hoá), là con gái Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ, một hào trưởng có thế lực mạnh. Thời chính quyền họ Khúc, Dương Đình Nghệ là một bộ tướng đồng thời là một thủ lĩnh lớn ở Ái châu có đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh lật đổ ách đô hộ của phương Bắc.

Tương truyền khi người vợ của Dương Đình Nghệ mang thai, bà mộng thấy có tiên nữ từ trên trời bay xuống, tay cầm viên ngọc trắng đến xin làm con. Đến khi trở dạ, bà sinh hạ một bé gái trắng trẻo, xinh đẹp, lúc đó trong phòng thoang thoảng mùi hương thơm dịu mát.

Dương Đình Nghệ cùng mọi người trong nhà đều lấy làm lạ, dựa theo giấc mộng của vợ, ông đặt tên cho con là Dương Thị Như Ngọc với nghĩa như viên ngọc quý, lại dung nhan đẹp đẽ, tinh khiết như ngọc.

Lớn lên, Như Ngọc ngày càng xinh đẹp như tiên nga giáng thế, cử chỉ đoan trang, dáng điệu quý phái; người ta cho rằng thiếu nữ ấy sau này sẽ ở hàng tôn quý. Không chỉ giỏi nữ công gia chánh, được rèn trong lò võ Dương Xá ở quê hương nên Dương Thị Như Ngọc còn tinh thông côn quyền, võ nghệ.

Lúc Dương Thị Như Ngọc trưởng thành cũng là lúc đất nước đang chịu ách đô hộ của ngoại bang kể từ tháng 7 năm Qúy Mùi (923) sau khi quân Nam Hán bắt được Tiết độ sứ Khúc Thừa Mỹ. Sử chép rằng ngay sau khi đất nước mất quyền tự chủ, Dương Đình Nghệ đã nổi quân đánh giặc để giành lại quyền tự chủ. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết: “Nha tướng của Khúc Hạo là Dương Diên Nghệ nổi quân đánh đuổi Lý Khắc Chính”.

Theo sách An Nam kỷ yếu, chúa Nam Hán sau khi bắt được Thừa Mỹ, sai tướng là Lý Tiến sang làm thứ sử, cùng với Khắc Chính đóng giữ Giao Châu. Dương Diên Nghệ lấy tư cách là tướng cũ của Khúc Hạo, tập họp quân sĩ, đánh bại Khắc Chính. Khắc Chính phải chạy về Nam Hán. Chúa Nam Hán ý muốn chiêu dụ, tạm phong tước vị cho Diên Nghệ. Chúa Nam Hán bảo những kẻ tả hữu mình rằng: "Dân Giao Châu thích nổi loạn, ta chỉ có thể cơ mi được thôi".

Như vậy tình hình lúc đó Dương Đình Nghệ đã lấy lại được một phần lãnh thổ, đến cuối năm Tân Mão (931) ông chuẩn bị lực lượng và hiệu triệu hào kiệt bốn phương hợp sức xướng nghĩa. Nhiều anh hùng có chí cứu nước đã tìm về đất Ái châu xin ra nhập lực lượng của Dương Đình Nghệ, trong đó có Ngô Quyền.

Thấy Ngô Quyền trẻ tuổi nhưng có tài, lại là con trai của hào trưởng Ngô Mân, một người bạn cũ từng làm quan với mình thời chính quyền họ Khúc nên Dương Đình Nghệ rất yêu mến cho Ngô Quyền làm nha tướng, lại đặc biệt đem con gái Dương Thị Như Ngọc gả cho, mặc dù ông biết rõ Ngô Quyền đã có vợ.

Thấy Dương Thị Như Ngọc xinh đẹp tài giỏi, là con gái vị hào trưởng danh tiếng vang dội, lại hơn mình một tuổi nên tuy lấy Ngô Quyền trước nhưng vợ đầu của ông là Dương Phương Lan khiêm tốn nhường cho Như Ngọc làm vợ cả ở địa vị chính thất, còn mình lui xuống làm vợ thứ.

Chính Dương Phương Lan đã thuyết phục Ngô Quyền chấp thuận việc đó, theo nàng thì địa vị chỉ là thứ bậc, quan trọng là thân gái phải biết lo đến sự nghiệp của chồng và đặc biệt là vẫn được ở bên chồng cùng thương yêu gắn bó.

Vì khéo nhường nhịn nên tình cảm giữa hai người vợ của Ngô Quyền khá thắm thiết, họ coi nhau như chị em ruột, họ đã cùng nhau góp sức vào sự nghiệp đánh đuổi quân Nam Hán giành quyền tự chủ cho đất nước, rồi lại cùng nhau đem quân diệt Kiều Công Tiễn để báo thù cho Dương Đình Nghệ sau khi ông bị giết hại vào năm Đinh Dậu (937).

Sau chiến thắng Bạch Đằng năm Mậu Tuất (938), Ngô Quyền lên ngôi vua đã phong Dương Thị Như Ngọc làm Hoàng hậu. Đây là bà hoàng đầu tiên của nước Việt thời kỳ độc lập, tự chủ. Sử chép: “Vua xưng vương, lập Dương thị làm Hoàng hậu, đặt trăm quan, chế định triều nghi, phẩm phục” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Hoàng hậu Dương Thị Như Ngọc sinh cho vua Ngô nhiều con trai, đó là Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn, Ngô Nam Hưng, Ngô Càn Hưng… Khi Ngô Quyền mất, bà được tôn làm Thái hậu, tương truyền khi bà qua đời được an táng tại xứ Kê Lặc (nay thuộc thị trấn Vương, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên) và được phối thờ ở một số nơi cùng với vua Ngô Quyền.

Theo phunuonline/Pháp luật Việt Nam