246 lượt xem

NGUYỄN CÔN

Đồng chí Nguyễn Côn (bí danh là Nam), sinh ngày 15/5/1915 trong một gia đình có truyền thống nho học ở thôn Liễu Nha, xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Thân sinh đồng chí Nguyễn Côn là cụ Nguyễn Chính, thi đỗ giải nguyên khoa Nhâm Tý – Duy Tân thứ 6 (1912). Cụ là một trong tám vị đỗ giải nguyên của huyện Thanh Chương kể từ thời khai khoa (triều Lý) đến kỳ thi Hương cuối cùng của triều Nguyễn. Điều đặc biệt là ngay từ lúc còn đi học, người thanh niên Nguyễn Chính đã có chí hướng đi thi chỉ để biết khả năng, trình độ của mình đến đâu chứ không phải để có học vị, để ra làm quan. Do đó, dù đỗ đạt cao nhưng cụ lại lui về quê dạy học và bênh vực, che chở cho dân làng trước sự chèn ép, hống hách của bọn hào lý địa phương.

Cụ đi dạy học ở đâu đều cho Nguyễn Côn đi theo để trực tiếp kèm cặp con việc học hành. Lòng căm thù giặc, thái độ khinh ghét quan trường và tình cảm yêu thương dân làng của cụ đã ghi nhiều dấu ấn tích cực trong việc hình thành nhân cách của Nguyễn Côn.

Hai mươi tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Côn vào học tập tại Trường Kỹ nghệ thực hành Huế. Trong thời gian học tập ở đây cũng chính là lúc đồng bào quê anh đang bị đẩy vào cuộc sống vô cùng khó khăn, cùng cực do chính sách tăng cường áp bức, bóc lột của thực dân Pháp. Chúng còn thâm độc rêu rao các chiêu bài chính trị quốc gia cải lương để lừa mị, ru ngủ quần chúng, đánh lạc hướng cuộc đấu tranh của quần chúng cách mạng, xoa dịu dư luận xã hội.

Trước tình hình đó, Đảng ta quyết định thành lập Mặt trận Dân chủ bao gồm các giai cấp, mọi tầng lớp và các đảng phái đoàn kết cùng nhau đấu tranh chống chiến tranh phát xít, đòi quyền lợi dân sinh thiết thực.

Nhân cơ hội Chính phủ Mặt trận bình dân Pháp cử phái đoàn điều tra sang Đông Dương, Đảng ta chủ trương vận động và tổ chức nhân dân ở tất cả các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền, công sở, trường học, khu phố, làng xã hội họp bàn về các yêu cầu tự do dân chủ,dân sinh, thảo ra các bản dân nguyện để gửi cho phái đoàn điều tra Pháp và tiến tới tổ chức Đông Dương Đại hội.

Nguyễn Côn tích cực thâm nhập gây dựng phong trào học sinh, khơi gợi, trao đổi, bàn bạc nêu ra các yêu sách về tự do ngôn luận, hội họp, tổ chức và đi lại, về những đòi hỏi học tiếng Việt tại các trường, trả tự do cho các tù chính trị, bỏ thuế thân và các thứ thuế khác. Đây cũng chính là hình thức tập hợp lực lượng thanh niên học sinh để nâng cao nhận thức và tinh thần yêu nước cho họ, góp phần mình vào việc hình thành một đạo quân chính trị của quần chúng đông đảo với nhiều thành phần xã hội tham gia. Hoảng sợ trước phong trào, thực dân Pháp đã dùng nhiều thủ đoạn phá hoại đàn áp, ngăn cấm.

Sau cuộc biểu tình của học sinh Huế đón Gôđa (Thượng nghị sĩ Pháp) do đồng chí Nguyễn Côn dẫn đầu, bọn thực dân đã thẳng tay đuổi học đồng chí.

Từ đó, đồng chí Nguyễn Côn lần đường vào Sài Gòn xin làm công nhân ở Nhà máy Ba Son rồi đồn điền cao su Quảng Lợi. Đã có một thời gian bị thất nghiệp nhưng đồng chí không nản lòng. Về sau đồng chí xin vào làm ở Đề Pô xe lửa Dĩ An và tháng 10/1937 đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Được học tập, lăn lộn và rèn luyện trong anh em công nhân, đồng chí Nguyễn Côn đã nhanh chóng trưởng thành. Đồng chí thường có mối liên hệ với các đồng chí Phan Giá, Nguyễn Thanh Sơn, Phan Triêm, Trần Văn Quang, Nguyễn Văn Cúc (tức Nguyễn Văn Linh) và được dự hội nghị Thành ủy Sài gòn mở rộng do đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai chủ trì.

Đồng chí Nguyễn Côn cùng các đồng chí đảng viên và quần chúng cách mạng nhanh chóng tiếp nhận tư tưởng cơ bản của Nghị quyết Hội nghị Trung ương tháng 11/1939. Vượt qua sự khủng bố ác liệt của bọn thực dân, các tổ chức Đảng được củng cố, tôi luyện và thử thách, các tổ chức đoàn thể của Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương được xây dựng ở nhiều nơi và đã thống nhất từ làng lên tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Côn say sưa hoạt động, không quản hiểm nguy, lăn lộn chỉ đạo để duy trì và phát triển phong trào.

Từ năm 1940, Nguyễn Côn bị thực dân Pháp bắt giam, trải qua nhiều nhà tù với chế độ hà khắc đồng chí vẫn kiên cường, bất khuất, giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản. Với tinh thần cách mạng tiến công, không để lãng phí thời gian, Nguyễn Côn đã cùng các đồng chí của mình tranh thủ học tập chính trị, văn hóa, rèn luyện ý chí, biến nhà tù thành trường học cách mạng.

Khi bị giam ở Khám lớn Sài Gòn rồi bị đày ra Côn Đảo, đồng chí đã được sống cùng và có mối liên hệ trực tiếp với nhiều chiến sỹ cách mạng nổi tiếng như Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn… Ở Nhà tù Ly Hy, Nhà lao Đắc Tô đồng chí bị giam với các đồng chí Nguyễn Hữu Thái, Nguyễn Duy Trinh.

Nhân cơ hội Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), quân Pháp hoảng loạn, theo chủ trương của Đảng, hàng nghìn cán bộ cách mạng bị giam trong các nhà tù đế quốc đã đấu tranh buộc địch phải trả tự do, hoặc nổi dậy phá nhà giam, hoặc vượt ngục về các địa phương bắt mối với cơ sở Đảng, Việt Minh hoạt động chuẩn bị khởi nghĩa.

Ra tù, đồng chí Nguyễn Côn nhanh chóng tham gia xây dựng và phát triển phong trào Việt Minh trong cao trào chống Nhật cứu nước ở địa phương.

Sáng 23/8/1945, theo lệnh của Ủy ban khởi nghĩa, Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc ở cơ sở vận động quần chúng mang giáo mác, gậy gộc, giương cao cờ đỏ sao vàng, hô vang khẩu hiệu, rầm rập kéo về huyện lỵ giành chính quyền. Các ủy viên của Việt Minh dẫn các đội tự vệ tiến vào chiếm huyện đường và các cơ quan chuyên môn của chính quyền bù nhìn tay sai của Nhật với sự hậu thuẫn của đông đảo quần chúng cách mạng. Tri huyện Thanh Chương nộp con dấu cho Việt Minh và xin đầu hàng cách mạng.

10 giờ ngày 23/8/1945, trước hàng ngàn quần chúng, đồng chí Nguyễn Côn thay mặt Việt Minh huyện tuyên bố thủ tiêu bộ máy chính quyền tay sai của Nhật, thành lập Ủy ban cách mạng lâm thời huyện Thanh Chương gồm 9 ủy viên do đồng chí Nguyễn Côn làm Chủ tịch.

Từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công cho đến khi nghỉ hưu năm 1986, đồng chí Nguyễn Côn liên tục được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách.

Tháng 3/1946, đồng chí là Xứ ủy viên Xứ ủy Trung Bộ, Ủy viên Thường vụ Liên khu 5 kiêm Bí thư Ban cán sự các tỉnh cực Nam Trung Bộ (1949).

Từ năm 1955 – 1959, đồng chí giữ chức Phó Tổng thanh tra Chính phủ.

Từ năm 1959 – 1960, đồng chí giữ chức Thứ trưởng Bộ Kiến Trúc.

Từ năm 1960 – 1965, đồng chí là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.

Từ năm 1965 – 1984, đồng chí giữ các chức vụ: Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng (Quốc hội khóa IV), Phó Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Trung ương Đảng khóa III, Bộ trưởng Bộ Cơ khí luyện kim, Trưởng ban kinh tế Trung ương, Trưởng đoàn chuyên gia kinh tế và văn hóa của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Campuchia, giúp nước bạn xây dựng lại đất nước.

Đồng chí là Đại biểu Quốc hội liên tục từ khóa I đến khóa VI.

Trong bất cứ cương vị nào đồng chí cũng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Với những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, đồng chí Nguyễn Côn đã được Đảng và Nhà nước tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, Huân chương Sao Vàng cùng nhiều huân, huy chương và phần thưởng cao quý khác.

Nguồn: http://www.btxvnt.org.vn