361 lượt xem

[Huế] Nghề hoa giấy Làng Thanh Tiên

 
 

MỞ ĐẦU

Từ lấy Huế trung tâm, có thể định vị các làng nghề thủ công ở Thừa Thiên Huế thành ba nhóm/khu vực như sau:

[1.1]. Nhóm phía bắc, bao gồm các làng nghề như rèn Hiền Lương, gốm Phước Tích, mộc Mỹ Xuyên, đan lát Phò Trạch, kim hoàn Kế Môn v.v…;

[1.2]. Nhóm vùng ven thành phố, gồm các làng nghề đúc đồng Phường Đúc, phổ thêu Cẩm Tú, tranh gương Bao Vinh, Địa Linh, sơn son thếp vàng Tiên Nộn v.v…;

[1.3]. Nhóm phía đông nam, gồm các làng nghề trướng liễn Chuồn (An Truyền), tranh giấy Sình (Lại Ân), hoa giấy Thanh Tiên/Tân Lạng, làm kim – kéo thép – dây thau Mậu Tài, mộc Thanh Phước, muối Diêm Trường, Phụng Chính, dệt vải Dương Nổ, Mỹ Lợiv.v.

Nhìn trên bối cảnh tổng thể như vậy thì nhóm [1.3]. có thể xem là mật tập và phong phú nhất.

Tuy nhiên, trong một diễn trình chung của nhiều làng nghề vùng Huế và miền Trung, cùng với quá trình biến động và phát triển kinh tế – xã hội, nhiều làng nghề đã mai một do mất đi nhu cầu và thị trường, không còn có truyền nhân; hoặc sản phẩm bị thay thế bởi vật dụng cùng chức năng nhưng được sản xuất với nguyên liệu và kỹ thuật hiện đại. Tuy vậy, vẫn còn một số ít làng nghề vẫn tồn tại nhờ vào sản phẩm gắn liền với chức năng tín ngưỡng của cộng đồng cư dân, dù cũng rất khó khăn. Đấy là “lợi thế” và cũng là “số phận” của các làng nghề này, mà làng hoa giấy Thanh Tiên, tranh giấy Lại Ân (làng Sình) hay trướng liễn làng Chuồn (An Truyền) v.v… là những dẫn chứng tiêu biểu. Gọi là “số phận” bởi một khi sản phẩm thủ công của một làng nghề gắn liền với nhu cầu tâm linh tín ngưỡng cộng đồng thì tất yếu sẽ có sức sống dai dẳng. Nhưng yếu tố chính yếu đó thực sự không tạo nên sức sống cho làng nghề bởi trong một năm, họ chỉ làm trong vài tháng (thường là giáp tết), tương ứng với lịch lễ hội của cộng đồng. Đây cũng có thể xem là một trong những đặc trưng của làng nghề thủ công ở Thừa Thiên Huế, khi hầu hết là nghề lúc nông nhàn. Bên cạnh đó, trên thị trường hiện nay dần xuất hiện các loại hoa dùng trang trí ban thờ có hình dáng tương tự nhưng được làm bằng nilon, nhựa, có xuất xứ từ Trung Quốc.

Làng Thanh Tiên xưa còn có tên là Tân Lãn hay Tân Lạn, là nơi góp mặt vào sự đa dạng của đồ thủ công Huế bằng những cây hoa giấy rực rỡ sắc màu. Đây là nơi còn nắm giữ những thủ thuật bí truyền trong nghề làm bông lùng, bông bụp – một loại hoa đặc trưng trên bàn thờ của Huế xưa. Sản phẩm hoa giấy Thanh Tiên thường được làm vào những lúc nông nhàn, dùng trong tín ngưỡng: cắm ở trang thờ Ông, Bà bổn mạng vào dịp vía lễ; hoặc trang thờ ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm. Tuy rằng, đã có sự vinh danh làng hoa này trong một không gian sắp đặt vào các dịp Festival, như từ năm 2006, nhưng dường như mọi thứ vẫn muộn mằn và chưa thực sự kiếm tìm được một đầu ra ổn định, bởi sản phẩm chủ yếu được lựa chọn như “cứu cánh” của ngôi làng này không phải là những cành hoa đậm màu truyền thống, mà là những bông sen giấy với kỹ thuật vừa mới được “du nhập” gần đây, gắn liền với tên tuổi của một người con làng Thanh Tiên là họa sĩ Thân Văn Huy. Điều này cũng cho thấy rằng, vốn quý di sản văn hóa làng nghề ở Huế có nơi đang yếu dần do sản phẩm không phù hợp với nhu cầu thị trường, hay đang bị cạnh tranh quyết liệt bằng kỹ thuật công nghiệp hóa, nhưng với đặc trưng sản phẩm nghề gắn liền với nhu cầu tín ngưỡng của mình, hoa giấy Thanh Tiên dần đứng vững, biết cách để phát huy nghề lẫn thích ứng với nhu cầu xã hội, nhằm giải quyết kinh tế gia đình cũng như bảo tồn vốn quý nghề nghiệp trong dòng chảy văn hóa Huế.

Mặc dù vậy, với lối truyền nghề theo kiểu truyền khẩu và bắt tay chỉ việc phổ biến trong các ngành nghề thủ công truyền thống, các nghệ nhân thực sự là kho tư liệu sống nắm giữ nhiều bí quyết nghề nghiệp. Bí quyết đó sẽ không có cơ hội để trao truyền nếu họ không có được truyền nhân, hoặc việc họ đột ngột qua đời bởi sức khỏe, tuổi tác và bệnh tật. Làng Thanh Tiên, sau rất nhiều biến động kinh tế – xã hội, những nghệ nhân nắm giữ yếu quyết chế tác màu nhuộm, cách thức để làm nên những sản phẩm đẹp đã không còn được nhiều.

Cho nên, một thực tế đang diễn ra ở các làng nghề thủ công khu vực phía đông nam vùng Huế, điều dễ nhận ra chính là niềm trăn trở của các nghệ nhân khi nhìn về tương lai của nghề nghiệp, những khó khăn về thị trường tiêu thụ, những trở ngại trong việc kiếm tìm truyền nhân v.v. trong bối cảnh hiện nay. Cũng vì thế, ước nguyện lớn nhất của họ chính là việc duy trì nghề bằng nhiều phương cách khác nhau để có thể sẽ tiếp nối dòng chảy văn hóa truyền thống làng nghề, để hậu nhân nhận chân được những giá trị quý báu từ cha ông và quan trọng hơn là gìn giữ vốn quý của một di sản văn hóa vừa mang tính vật thể nhưng vừa mang tính phi vật thể độc đáo của vùng Huế.

 

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NGHỀ HOA GIẤY THANH TIÊN

 
Khi các chúa Nguyễn chọn Đàng Trong làm thủ phủ, thể hiện sự tồn tại độc lập của mình thì cũng bắt đầu từ đó, một loạt các ngành nghề thủ công được tổ chức theo biên chế ngạch binh ra đời bên cạnh những ngành nghề dân gian. Các thợ thủ công lành nghề khắp nơi được trưng tập và tổ chức theo biên chế chặt chẽ, hình thành các tượng cục và họ trở thành đội ngũ trực tiếp xây dựng, chế tạo và kiến tạo toàn bộ những sản phẩm, công trình cần thiết cho xứ Đàng Trong thời các chúa.(1) Đến thời các vua Nguyễn  sau này, càng được kế thừa lẫn chú ý, bồi tô và kiện toàn, tiếp tục phát huy hệ thống tượng cục vốn có (2) làm cho các ngành nghề thủ công truyền thống có thêm nhiều cơ hội phát triển, mở rộng, ảnh hưởng đến nhiều làng xã trong vùng. Chính từ những điều kiện tiên quyết trên, cùng cộng hưởng với nhu cầu sử dụng nghề thủ công vốn có lâu đời trong các làng xã nông nghiệp, đã làm cho việc phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống trở nên thuận tiện, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, hỗ trợ nông nghiệp trong buổi đầu xây dựng và phát triển vùng đất phương nam.

Dưới thời Nguyễn, sau khi xây dựng thủ phủ Đàng Trong với một quy mô lớn trên đất Phú Xuân, đã làm cho xứ Huế vốn là cụm làng quê nhỏ hẹp trở thành nơi trung tâm tụ hội với các phố chợ, cảng thị tấp nập cảnh giao lưu trao đổi giữa các vùng miền hay với các lân bang. Từ vai trò ấy của Huế, các ngành nghề thủ công trong các làng xã nông nghiệp có những tác động ngoại tại, lần lượt chuyển mình, khai sinh và phát triển với tính chất quy mô hơn của một số ngành nghề vốn có nhằm đáp ứng yêu cầu phố thị. Chung quanh thành Phú Xuân và cảng thị Thanh Hà đã xuất hiện một số làng nghề có sản phẩm dần thoát khỏi ranh giới bó hẹp của một làng nông, bước đầu trở thành hàng hóa, cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt của dân cư trên một địa bàn rộng lớn hơn như các làng sơn son Tiên Nộn, nghề tranh làng Sình (Lại Ân), xóm ngói Ngõa Tượng, làng nón Triều Sơn, hoa giấy Thanh Tiên, làm kim Mậu Tài, đúc đồng Phướng Đúc,v.v. Cho đến nay, vẫn còn hiện diện những ngôi làng nổi tiếng với các sản phẩm quen thuộc từ bao đời trong tâm thức Huế. Mặc dù, có nơi bây giờ sản xuất đã yếu dần do sản phẩm không còn phù hợp với nhu cầu thị trường, nhưng cũng có nơi đã kế thừa phát huy nghề nghiệp, đứng vững và đóng góp không chỉ về mặt kinh tế cho gia đình, địa phương mà còn giữ được bản sắc đáng quý cho Huế.(3)

Tất cả đã cho thấy, từ sự xuất phát của các ngành nghề thủ công phục vụ nhu cầu của cư dân làng xã nông nghiệp, dần được chính quy hóa, hình thành các tượng cục khi Huế trở thành thủ phủ Đàng Trong, rồi kinh đô Huế  – nơi hội tụ tinh hoa của những người thợ thủ công Việt Nam làm nên nét đặc trưng của các tác phẩm thủ công Huế, được xem là tính biểu tượng trong một giai đoạn lịch sử. Từ đó, tất cả rồi cũng nhanh chóng qua đi bởi sự biến động mạnh mẽ của thời cuộc: chế độ phong kiến cuối cùng của Việt Nam sụp đổ, đất nước bị ngoại xâm, chiến tranh kéo dài hàng thập kỷ nên các ngành nghề thủ công truyền thống Huế có những biến thiên, thích ứng nhằm duy trì để tồn tại, hoặc thích ứng hay tàn lụi trước thời cuộc biến động.

Làng Thanh Tiên/Tân Lãn/ Tân Lạn xưa có tên gọi khá mơ hồ được ghi lại trong Ô châu cận lục, trước đây thuộc tổng Mậu Tài, huyện Phú Vang, phủ Triệu Phong, nay thuộc xã Phú Mậu, Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Làng
Thanh Tiên nằm ở vị trí khá đặc biệt bên bờ nam hạ lưu sông Hương, cách Huế khoảng hơn 6km về hướng đông – bắc, phía bắc giáp thôn Mậu Tài, nam giáp Thế Vinh, đông giáp Vọng Trì, đông tây giáp sông Hương. Đến nay, người dân trong vùng vẫn thuộc câu ca lưu truyền nói về địa thế và sự trù phú của làng từ xa xưa:
 
Sự hình thành của làng theo Gia phả họ Trần (Phụng tu ngày 4/5/Tự Đức 33), ngài khai canh của làng là Võ Đình Tiên, từ Sơn Tây phò chúa Nguyễn đến đóng đô ở Phú Xuân, đã có công khai canh 83 mẫu ruộng tại làng. Vì vậy làng vốn có truyền thống làm nghề nông, tuy nhiên, vào tháng chạp, Thanh Tiên lại rộn rã với nghề làm hoa giấy dùng trong tín ngưỡng và trang trí nhân dịp tết của người dân xứ Huế. Cho nên, có thể thấy nghề hoa giấy Thanh Tiên đã sớm có mặt trong danh mục thống kê của các nghề thủ công truyền thống từ thế kỷ XVI-XIX và được ghi lại trong Đại Nam nhất thống chí, Phủ biên tạp lục

Hiện tại, mặc dù không có tư liệu thành văn hay tư liệu hồi ức sớm nói về thời điểm chính xác hình thành nghề làm hoa giấy ở làng Thanh Tiên nhưng có thể khẳng định, đây là một làng nghề ra đời sớm cùng với các làng nghề khác trên địa bàn Thừa Thiên Huế. Chỉ với khoảng hơn 100 hộ gia đình, nhưng người làng Thanh Tiên là chủ nhân của hàng chục loại hoa giấy phục vụ cho Huế và vùng phụ cận: hoa Quỳ, Tường Vi, hoa Lan, hoa Chùm, hoa Búp, hoa Cúc, bông Lùng, bông Đũa, v.v… Sản phẩm hoa giấy thường được trang trí ở những nơi thờ tự trong nhà, các miếu, trang bà, am cô cậu, bàn thờ ông địa, táo quân, thần bếp… Ưu điểm của hoa giấy Thanh Tiên chính là sự phong phú về màu sắc và có nhiều loại hoa khác nhau trên một cây bông, hình thức đẹp, để được lâu lại thể hiện sự trang nghiêm, một năm chỉ thay một lần vào dịp tết nên nó dễ được chấp nhận và tồn tại dài lâu.

Có thể thấy xuất phát từ nhu cầu của cuộc sống – thờ cúng tâm linh, tín ngưỡng dân gian mà người dân lao động đã tạo nên những sản phẩm thủ công độc đáo. Trong đó hoa giấy Thanh Tiên hay tranh làng Sình là một sản phẩm hết sức đặc sắc, mang đậm nét riêng của mảnh đất vốn là nơi địa linh nhân kiệt, nơi dung hợp giữa những bản sắc văn hóa chung và riêng – phương Nam và phương Bắc. Sự ra đời của hoa giấy vốn dĩ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, nhưng hiện nay nó bị mai một dần không phải do nhu cầu tín ngưỡng mất đi mà chính trong nội tại ngành nghề vốn tồn tại những vấn đề, những khó khăn khó giải quyết, trong sự tác động nghiệt ngã, nhiều chiều của những yếu tố ngoại lai hiện đại. Tuy vậy, dấu ấn của nó trong đời sống văn hóa tín ngưỡng người dân vùng Huế và phụ cận vẫn khá rõ nét, đa dạng, đậm chất nhân văn lẫn sự tài hoa của người nghệ nhân sáng tạo ra nó.


Ảnh: Zing.vn

 

HOA GIẤY THANH TIÊN – CHỨC NĂNG VÀ Ý NGHĨA CỦA SẢN PHẨM

Cư dân miền Trung vốn có một nếp sống tín ngưỡng, tôn giáo hết sức phong phú và đa dạng, nhất là với sự tồn tại song hành của nhiều tôn giáo trong mối quan hệ dung hợp, cùng phát triển với tín ngưỡng dân gian. Nằm trong dòng chảy đó, nghề thủ công truyền thống Huế có một sự gắn bó khá mật thiết cùng những ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người dân, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Huế đặc trưng và riêng biệt.
Điểm xuất phát là làng nghề hoa giấy Thanh Tiên với sản phẩm vốn được sử dụng trong đời sống tín ngưỡng, sau có thêm chức năng trang trí thưởng ngoạn. Cho nên chức năng sử dụng hoa giấy cùng với các sinh hoạt dân gian đóng vai trò lớn, gần gũi và quen thuộc với phong tục. Từ đó, nảy sinh nhu cầu sử dụng và thỏa mãn những ước vọng, khát khao của con người trong đời sống hằng ngày, dần hình thành nên những mô típ có tính xuyên suốt, bao hàm nhiều ý nghĩa nhân sinh và một cái nhìn lẫn cách nghĩ sâu sắc, thâm thúy được thể hiện rõ nét trên các sản phẩm.

Ảnh: Zing.vn

Hoa giấy Thanh Tiên với những màu sắc rực rỡ được dùng vào việc thờ cúng, bởi đó là vật không thể thiếu để trang trí một cách trang trọng trên các trang thờ vào dịp giáp tết, khi nhu cầu cần phải trần thiết lại sau một năm, đi liền với các lễ cúng khác nhau trong hoạt động tín ngưỡng của người dân vùng Huế. Cho nên, dù hoa giấy mang chức năng tín ngưỡng “hữu sắc vô hương” nhưng cũng đồng thời bao hàm cả chức năng trang trí “báo tết” với chất trang trọng và nét rực rỡ trên trang thờ nặng nghĩa phong tục đối với sản phẩm này.(4)

Sản phẩm hoa giấy Thanh Tiên được người dân vùng Huế sử dụng cắm ở các trang thờ Ông, Bà bổn mạng vào dịp vía lễ; hoặc trang thờ ông Táo vào ngày 23 tháng chạp hằng năm; hay dùng bông rối/ bông đũa(5) trong lễ cúng trang Sư (Thổ Công)… Cho đến nay, khi một “mảng màu” mới trong việc thích ứng, phát triển đa dạng hóa sản phẩm hoa giấy đã xuất hiện, đó là việc phục hồi làm hoa sen giấy bằng chính kỹ thuật truyền thống kết hợp hiện đại, tạo nên giá trị đặc trưng và độc đáo. Từ đó, mở ra hướng mới không chỉ thuần chức năng tín ngưỡng mà còn là nghệ thuật trang trí, quà lưu niệm cho những ai quan tâm đến sản phẩm này.

Hoa giấy tuy đơn giản nhưng hoàn toàn không dễ làm bởi ngoài sự khéo tay, người thợ cần phải có sự tài hoa, óc thẩm mỹ và tính nhẫn nại mới có thể cho ra đời những sản phẩm đẹp và tinh tế. Giấy dùng làm hoa trước đây do người thợ tự nhuộm bằng những loại màu pha chế từ cây cỏ, nhưng nay lại được dùng bằng các loại giấy ngũ sắc dễ mua trên thị trường. Bộ công cụ dùng để làm hoa khá phong phú nhưng lại thiết thân trong các sinh hoạt thường nhật của một gia đình thuần nông như: rựa, dao vót, cây kéo, bộ đục vũm, thau chậu, rổ rá, vài bó rơm hay các khúc cây chuối. Quy trình làm hoa giấy được thực hiện qua các công đoạn:

[1]. Cắt giấy theo hình hoa, lá dùng đục vũm để tạo hình, sau đó xếp, vuốt tạo lằn cách rồi nhuộm màu và phơi khô;

[2]. Cắt giấy thiếc bạc để làm nhụy hoa (táng chần), lấy tre làm cuống (tăm) và kết bông với cành hoa (chông) và cuối cùng

[3]. Thao tác lên cây (cây hoa).

Bông Lùng được làm từ cây Lùng, loài cây thân thảo có ruột xốp và trắng, khai thác trong tự nhiên để làm nguyên liệu cho một loại hoa hiếm thấy. Khi làm hoa, người thợ chỉ sử dụng phần ruột cây, cuộn tròn lại theo đường xoắn trôn ốc thành những vòng tròn đồng tâm, tạo nên một loại bông hoa có màu trắng ngà, tròn phẳng; lá được sử dụng tạo màu xanh cắt thành và cắm tăm vào làm cuống hoa để có được bông Lùng hoàn chỉnh. Nó được dùng cúng trên trang thờ bổn mạng của từng người.


Ảnh: Zing.vn

Để làm một bông Đũa/Rối, người thợ cắt ống tre thành những đoạn dài chừng 20cm – 25cm, sau đó chẻ nhỏ ra để có những thanh tre thon dài, nhỏ nhắn. Một đầu được vạt nhọn dùng làm chổ cắm, đầu kia chuốt một cách tỉ mĩ từ thân đến ngọn nhưng làm sao để xơ tre không tách rời khỏi thân. Xơ tre sau khi chuốt xong tạo nên một hình thù bông hoa hình cầu với vô số cánh nhỏ xoắn chằng chịt trên cuống hoa hình chiếc đũa. Những cành hoa này được phơi nắng cho hơi khô, đem nhuộm các màu sắc xanh, đỏ, vàng, cam… rồi được phơi lại lần hai cho thật khô.

Trong các lễ cúng Thổ công hay cúng ông bà bổn mạng, người Huế thường dùng hai hoặc bốn cây bông đũa cắm trên các đĩa xôi, cùng với các vật phẩm khác làm thành phẩm vật dâng cúng. Bông đũa, phải chăng không nằm ngoài quan niệm bày sẵn vật dụng cho các vị thánh thần, đôi đũa của thần linh, về hình dáng cũng tương tự như của người phàm tục nhưng phải được làm cầu kỳ, xinh xắn hơn, lại mang ý nghĩa sum suê, đơm bông kết trái. Sau khi cúng xong, những cặp bông đũa này được rút ra và được dùng để dựng trên các trang thờ và giắt trên các ô cửa thông gió, hay trước hiên nhà, mang ý nghĩa ngăn ngừa tà ma. Dù được giải thích dưới nhiều góc độ và có các ý nghĩa khác nhau về sự hiện diện của bông đũa, nhưng tựu trung đó là sự ngưỡng vọng của con người đối với thần linh, làm đẹp lòng vị thần bổn mạng, mong được phú quý, hanh thông.(6)

Riêng đối với hoa sen giấy, người thợ thực hiện các công đoạn: [1]. Chuẩn bị nguyên vật liệu: giấy, cọng mây và các phẩm màu…; [2]. Nhuộm màu cánh sen, cọng sen và phơi khô; [3] Quấn giấy vào ống tre để tạo ra cánh sen và dán đầu cánh sen nhỏ lại cho giống như cánh sen thật; [4]. Công đoạn hoàn thiện ráp những cánh sen lại vào trên cây mây. Trong quá trình này, công đoạn nhuộm màu trên các cánh sen là khó nhất, bởi để có được một cánh hoa màu sắc tươi tắn, y hệt như thật là điều không đơn giản, đòi hỏi người thợ cần có kinh nghiệm lẫn sự cảm nhận tinh tế.

Từ những vấn đề trên, có thể thấy sự hiện diện rõ nét của làng nghề thủ công truyền thống hoa giấy Thanh Tiên trong các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân vùng Huế. Mặc dù có sự khác nhau về chức năng, trong cách sử dụng và ý nghĩa của mỗi loại, nhưng lại luôn mang tính chất phục vụ tín ngưỡng bổ trợ lẫn nhau, tô điểm không gian thờ, lễ cúng trong các dịp lễ tết và rất gần gũi, quen thuộc với phong tục tín ngưỡng của cư dân Huế. Do đó, với những gì mà làng nghề hoa giấy Thanh Tiên đã, đang tồn tại và phát triển, chắc hẳn trong tương lai cũng như bắt đầu từ hôm nay cần có những bước đi thích hợp, hướng đến phát triển bền vững, bảo tồn những giá trị tinh hoa của làng nghề trong dòng chảy văn hóa dân gian vùng Huế luôn nổi bật tính đặc trưng và đa dạng.

 

VẤN ĐỀ GIỮ HỒN CHO MỘT DI SẢN

Trong diễn trình chung của nhiều làng nghề thủ công vùng Huế và miền Trung, cùng với quá trình biến động và phát triển kinh tế – xã hội, nguy cơ đã mai một là rất đáng báo động, do mất đi nhu cầu và thị trường, không còn có truyền nhân; hoặc sản phẩm bị thay thế bởi vật dụng cùng chức năng nhưng được sản xuất với nguyên liệu và kỹ thuật hiện đại. Tuy vậy, vẫn còn một số ít các làng nghề vẫn tồn tại, chính nhờ vào sản phẩm gắn liền với chức năng tín ngưỡng của cộng đồng cư dân, dẫu cũng rất khó khăn. Đó là nét riêng của làng nghề hoa giấy Thanh Tiên, tranh giấy Lại Ân (làng Sình) hay trướng liễn làng Chuồn (An Truyền).

Trong chiến lược phát triển, dù đã có sự vinh danh làng hoa Thanh Tiên trong một không gian sắp đặt nhân dịp Festival 2006, nhưng dường như mọi thứ vẫn muộn mằn và chưa thực sự kiếm tìm được một đầu ra ổn định, bởi sản phẩm chủ yếu được lựa chọn như “cứu cánh” của ngôi làng này không phải là những cành hoa đậm màu truyền thống, mà là những bông sen giấy với kỹ thuật vừa mới được “du nhập” gần đây là gắn liền với tên tuổi của một họa sĩ người Thanh Tiên – họa sĩ Thân Văn Huy, hay người yêu tranh và sống hết mình với tranh không phải là nhiều, chỉ nổi lên với một Kỳ Hữu Phước đang trăn trở, lăn lộn với cái nghề này.

Ở khía cạnh khác, với lối truyền nghề truyền khẩu và bắt tay chỉ việc thì các nghệ nhân thực sự là kho tư liệu sống nắm giữ nhiều bí quyết nghề nghiệp. Những bí quyết nghề nghiệp này sẽ không có cơ hội để trao truyền nếu họ không có được truyền nhân, hoặc việc họ mất đi do tuổi cao sức yếu. Vấn đề đặt ra là nổi bật nguy cơ mai một, đứt gãy di sản nghề thủ công truyền thống ở địa phương đến mức thường trực, trước những áp lực kinh tế thị trường, sự cạnh tranh cùng kỹ thuật hiện đại.

Với thực trạng hiện nay, dù làng nghề chuyên về sản phẩm phục vụ tín ngưỡng, một khía cạnh hẹp, khó phát triển nhưng không bao giờ mất chỗ đứng khi nhu cầu tâm linh tín ngưỡng đang được chú trọng, khỏa lấp những “khoảng trống” hay những bất an… trong cuộc sống hiện đại. Vì vậy, bằng vào những đặc trưng vốn có việc giữ hồn cho một di sản làng nghề, đó là việc:

4.1. Phải làm:

Vốn làng nông nghiệp thuần túy, nghề thủ công được xem là phụ trợ khi sử dụng thời gian nông nhàn để làm nghề và sản phẩm bán ra chỉ trong khoảng một thời gian nhất định (giáp tết), cho nên đó cũng là điều bất lợi trong việc chuyên môn hóa nghề thường xuyên trong năm. Vì vậy:
  • Bảo tồn và tái sản xuất những tri thức và kỹ năng của người thợ thủ công trong làng nghề, họ là vốn sống, cáihồn quyết định sự tồn vinh của hoa giấy Thanh Tiên.
  • Tập hợp các hộ làm nghề truyền thống thành một mô hình phường hội nhằm nâng cao sự hợp tác, quyền lợitrong việc sản xuất và phân phối sản phẩm, nâng cao tay nghề, chuyên hóa sản phẩm…
  • Tổ chức các lớp, hay phương thức hữu hiệu khác để truyền nghề, truyền lửa nhiệt huyết cho lớp trẻ nhằm traotruyền những kỹ thuật, bí thuật trong nghề làm hoa giấy và các loại hoa tương tự.
  • Khôi phục lại những sản phẩm đang có nguy cơ bị thất truyền, sản phẩm mang tính kỹ thuật cao và hướng đếnsản xuất các sản phẩm phù hợp nhu cầu thị hiếu của khách du lịch, người dân và cộng đồng lân cận nhằm tăng tối đa mức tiêu thụ của chính thị trường nội địa lẫn thị trường quốc tế.
4.2. Cần làm:
  • Sự quan tâm đầu tư hơn nữa của chính quyền địa phương đối với làng nghề thủ công truyền thống trên tinh thần
“Khuyến khích khôi phục các ngành nghề truyền thống, mạnh dạn đầu tư phát triển các ngành nghề mới…”.(7)
  • Kêu gọi sự đầu tư, tạo điều kiện phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ với hai dòng sản phẩm truyền thống vàbán hiện đại, không chỉ mang chức năng phục vụ tín ngưỡng mà còn chức năng trang trí, lưu niệm, triển lãm…
  • Tăng cường quảng bá các giá trị, tinh hoa của nghề làm hoa giấy trên các phương tiện thông tin đại chúng, trongcác dịp lễ, tết, Festival; xây dựng các tập gấp giới thiệu về làng nghề với du khách, thậm chí đưa lên trang mạng…
  • Hợp tác chặt chẽ với các trung tâm du lịch, lữ hành nhằm tăng số lượng khách đến tham quan, chiêm ngưỡng vàtiêu thụ sản phẩm.
Để từ đó, sức sống làng nghề vốn mang thân phận đặc trưng gắn liền với đời sống văn hóa tín ngưỡng, có thể lan tỏa và lưu truyền những giá trị tinh hoa, góp phần làm đa dạng, phong phú lẫn những nét đặc trưng riêng của nghề thủ công truyền thống Huế trong dòng chảy văn hóa dân gian.

Tài liệu tham khảo:

Báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học: Nghề và làng nghề thủ công truyền thống huyện Phú Vang, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế, Huế, 2012.
Dương Thị Nhung (2014) “Tranh làng Sình trong đời sống văn hóa tín ngưỡng người dân Huế”, Luận văn Thạc sỹ Việt Nam học, Khoa Việt Nam học, Đại học Sư Phạm Hà Nội.
Dương Thị Nhung, Lê Thọ Quốc: “Tranh dân gian làng Sình: Sự thích ứng và biến đổi trong bối cảnh đương đại”, Dấu ấn Huế, bản sắc Việt trong sản phẩm thủ công truyền thống, Huế: Phân Viện Nghiên cứu VHTT – UBND Tp. Huế – Phòng VHTT, tháng 4/2015.
Hoàng Bảo (2001), “Tết ở Huế và những sản phẩm thủ công truyền thống”, T/c Văn hóa Nghệ thuật, số 01.
Huỳnh Đình Kết (2005)
Lê Thọ Quốc (2013), “Nghề thủ công gắn liền với đời sống văn hóa tín ngưỡng: trường hợp tranh làng Sình và hoa giấy Thanh Tiên”, Hội thảo khoa học Nghề và làng nghề truyền thống Huế hướng tới Festival Nghề truyền thống, Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế – UBND Thành phố Huế.
Nguyễn Hữu Thông (1994), Huế – Nghề và làng nghề thủ công truyền thống, Huế: Nxb. Thuận Hóa.
Nguyễn Hữu Thông (2001), “Nghề và làng nghề thủ công truyền thống trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế hiện đại”, trong Thông tin Khoa học, Huế: Phân viện Nghiên cứu Văn hóa – Thông tin, số tháng 3: 313.
Nguyễn Hữu Thông (2005), “Nhận chân thế và lực trong cuộc tìm kiếm lối ra cho các ngành nghề thủ công, Huế: Phân viện Nghiên cứu Văn hóa – Thông tin – UBND thành phố Huế – Phòng Văn hóa – Thông tin, tháng 7.
Nguyễn Phước Bảo Đàn (2006), “Cái ta đang có” và “cái người đang cần”: nhận chân tọa độ các làng nghề thủ công vùng đông nam thành phố Huế và ý tưởng về một tuyến du lịch sinh thái – nhân văn”, trong Thông tin Khoa học, Huế: Phân viện Nghiên cứu Văn hóa – Thông tin tại Huế, số tháng 9: 109-120.
Nguyễn Thị Tuyết Nga, Nguyễn Phước Bảo Đàn, Tôn Nữ Khánh Trang, Lê Chí Xuân Minh (2002), Nghề tranh làng Sình, Đề tài nghiên cứu thuộc Chương trình Nghiên cứu – Sưu tầm – Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, Viện VHTT – Phân viện Nghiên cứu Văn hóa – Thông tin tại Huế.
Nguyễn Văn Đăng (2005), “Quan xưởng và vai trò của nó trong đời sống kinh tế – xã hội Huế”, trong Di sản ngành nghề thủ công trong bối cảnh thành phố Festival, Huế: Phân viện Nghiên cứu Văn hóa – Thông tin – UBND Tp. Huế – Phòng VHTT, tháng 7.
  1. Nguyễn Hữu Thông (1994), Huế – Nghề và làng nghề thủ công truyền thống, Huế: Nxb. Thuận Hóa.
  2. Tham khảo:
  • Nguyễn Văn Đăng (2005), “Quan xưởng và vai trò của nó trong đời sống kinh tế xã hội Huế”, tr. 29-42.
  • Huỳnh Đình Kết (2005), Tổng quan ngành nghề thủ công truyền thống Huế – Giá trị, thực trạng, giải pháp, tr. 1428, trong Kỷ yếu HTKH Di sản ngành nghề thủ công trong bối cảnh tpho Festival, Huế, 2005.
  1. Nguyễn Hữu Thông, 1994, Tlđd, tr 28-30.
  2. Chính vì vậy, nghệ nhân Nguyễn Hóa, người nặng lòng với nghề đã nhận định: “Nghề làm hoa giấy đòi hỏi caotính kiên nhẫn và tĩ mỹ. Vì ý nghĩa tâm linh của nó cho nên hoa giấy Thanh Tiên tuy không có hương nhưng vẫn mang cái “thần” của nó. Hoa giấy không chỉ có ý nghĩa sâu xa về mặt tín ngưỡng trong nếp sống cổ truyền người Huế mà làng hoa giấy không tàn này còn có ý nghĩa như một tín hiệu báo tết đang về rất gần”.
  3. Bông đũa có nơi gọi là bống rối, tên gọi bông rối này được hiểu theo nghĩa cảm nhận về hình dáng của loại hoanày khi được tạo tác từ một que tre dài như chiếc đũa, một đầu được vót mỏng từng lớp tạo nên sự rối rắm, quấn nhau chằng chịt của xơ tre làm nên hình thù cái hoa.
  4. Xem thêm: Báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học năm 2012 về Nghề và làng nghề thủ công truyền thống huyện Phú Vang, tr 50 – 51.
  5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2000), Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh TT Huế lần thứ VII, nhiệm kỳ 2001 – 2005, Huế: Nxb. Thuận Hóa, tr. 57.