250 lượt xem

Hoàng Hoa Thám - Kỳ 1

Tướng quân Hoàng Hoa Thám - linh hồn của cuộc khởi nghĩa Yên Thế
 
Trong gần 80 năm thực dân Pháp đô hộ, ở Việt Nam đã diễn ra hàng loạt các cuộc khởi nghĩa nông dân oanh liệt chống giặc ngoại xâm. Khởi nghĩa Yên Thế là một trong số đó. Cuộc khởi nghĩa này kéo dài tới gần 30 năm, dưới sự lãnh đạo tài tình và quả cảm của Hoàng Hoa Thám (tức Đề Thám)- vị tướng quân, linh hồn của cuộc khởi nghĩa.

Hoàng Hoa Thám (1858- 1913) quê gốc ở làng Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, sau di cư lên Sơn Tây (Hà Tây), rồi lại lên Yên Thế (Bắc Giang). Cha của ông là Trương Văn Thân, một nông dân nghèo.

 

Cụ Hoàng Hoa Thám (1858-1913) - người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Thế.

(Nguồn: Sưu tập)

 
 

Năm 1885, ông đã có mặt trong đội quân khởi nghĩa chống Pháp cùng với Bá Phức, Thống Luận dưới quyền chỉ huy của Hoàng Đình Kinh (Cai Kinh), ông lấy tên là Đề Dương sau được Cai Kinh đổi tên thành Hoàng Hoa Thám (tức Đề Thám). Sau khi Cai Kinh chết, Đề Thám tách ra hoạt động riêng và trở thành thủ lĩnh của phong trào nông dân Yên Thế chống thực dân Pháp xâm lược.

Năm 1890, nghĩa quân Đề Thám đã xây dựng một hệ thống công sự vững chắc ở thung lũng Hố Chuối. Tại căn cứ này, tháng 12/1890, Đề Thám cùng với trên dưới 100 nghĩa quân đã đánh bại ba cuộc tấn công của địch, đông tới hàng ngàn người, có đại bác yểm trợ và do những sĩ quan cao cấp chỉ huy.

 

Cụ Hoàng Hoa Thám cùng các tướng lĩnh và nghĩa quân
(trong ảnh: từ trái qua phải, hàng thứ 2, người đứng thứ 4 là cụ Thám).

(Nguồn: Sưu tập)

 
 

Trận đánh ở Đồng Hom vào tháng 3-1892, Đề Thám đã diệt mấy chục tên địch. Tiếp đến, nhiều trận đánh khác đã gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề. Thất bại trong âm mưu tiêu diệt nhanh nghĩa quân, giặc Pháp hai lần giảng hòa với Đề Thám. Lần thứ nhất năm 1894, kẻ địch buộc phải để ông làm chủ 4 tổng: Hữu Thượng, Nhã Nam, Mục Sơn và Yên Lễ, tức là gần hết vùng Thượng Yên Thế. Lần thứ hai năm 1897, Pháp phải công nhận ông được phép khẩn hoang ở Phồn Xương, được giũ 25 tay súng bảo vệ đất đai của mình.
 

Một đoạn thành đồn Phồn Xương, xã Hữu Xương, huyện Yên Thế, Bắc Giang, di tích của phong trào khởi nghĩa Yên Thế.

(Nguồn: Sưu tập)

 

Đồn điền Phồn Xương thực chất là căn cứ chống Pháp. Hoàng Hoa Thám vừa tiếp tục ngấm ngầm huấn luyện quân ngũ, vừa cày cấy khai phá đất đai để tích trữ lương thực. Phồn Xương cũng là nơi thu hút các sĩ phu, thủ lĩnh các phong trào yêu nước. Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh đến với Hoàng Hoa Thám để bàn bạc việc phối hợp tác chiến, viện trợ lẫn nhau giữa các phong trào. Hoàng Hoa Thám đã giúp đỡ Duy tân hội xây dựng đồn điền “Tú Nghệ” (do Phạm Văn Ngôn và Hoàng Xuân Hành phụ trách) để luyện tập quân sự. Hoàng Hoa Thám cũng mở rộng hoạt động về tận Hà Nội, liên hệ với đảng Nghĩa Hưng tiến hành vụ đầu độc lính Pháp ngày 27/6/1908…
 
 

Doanh trại của Pháp ở đồn Mỏ Trạng, huyện Yên Thế, Bắc Giang.

(Nguồn: Sưu tập)

 

Trong gần 12 năm tạm hòa hoãn, thực dân Pháp tìm mọi cách để hạ uy tín của hoàng Hoa Thám, thủ tiêu ông, nhưng ông cảnh giác , sẵn sàng chiến đấu mỗi khi thực dân Pháp bội ước phản công. Từ tháng 1- 1909, thực dân Pháp tấn công trở lại, Hoàng Hoa Thám đã kịp thời đối phó. Ông đã huy động những tay súng còn lại cùng với những tướng lính tâm phúc như Cả Dinh, Cả Huỳnh, Ba Biều…tiếp tục cuộc chiến đấu ngày một ác liệt quanh các vùng Phúc Yên, Thái nguyên, Tam Đảo, Yên Thế…Đầu tháng 11-1909, thực dân Pháp dồn lực lượng về Yên Thế bao vây Đề Thám, Bà Ba Cẩn (vợ ba Đề Thám) bị bắt, nhiều nghĩa quân khác lần lượt bị hi sinh. Nghĩa quân Yên Thế dẫn dần tan rã. Đề Thám chỉ còn lại một mình với hai nghĩa quân sống ẩn náu trong núi rừng Yên Thế. Ngày 10-2-1913, ông bị bọn tay sai của Pháp sát hại.
 

Thư của cụ Hoàng Hoa Thám gửi Thống sứ Bắc Kỳ khước từ việc Thống sứ mời cụ về Hà Nội dự đấu xảo.

(Nguồn: Sưu tập)

 

Khi cuộc khởi nghĩa Yên Thế bị coi là thất bại vào đầu năm 1913, nhà chí sĩ Phan Bội Châu trong bài viết về Hoàng Hoa Thám đã có những câu cảm thán: “Than ôi! Tội ác của kẻ thù ngút trời, thế lực của kẻ thù gấp hàng trăm lần, thế mà ông Hoàng một mình đã chống chọi được với chúng gần ba chục năm trời. Ông đã tập hợp và rèn luyện những con người tầm thường thành một đội ngũ mạnh mẽ và ông đường đường là một vị tướng quân tiếng tăm lừng lẫy. Ông xứng đáng là một chân quốc nhân, xứng đáng là một chân tướng quân!”. Thậm chí, cho tới tận ngày nay, vẫn tiếp tục tồn tại những giả thuyết khác nhau về cái chết của Hoàng Hoa Thám tháng 2/1913… Không ít nhà nghiên cứu tin rằng, có thể kẻ thù đã không thể sát hại ông tại thời điểm đó. Trong lịch sử dân tộc, hình ảnh Hoàng Hoa Thám chính là linh hồn của cuộc khởi nghĩa Yên Thế anh hùng.


Còn Tiếp ==>

Nguồn: luutruquocgia1.org.vn