233 lượt xem

Hồ Chí Minh - Kỳ 4

Tiểu sử Hồ Chí Minh – Người cha già vĩ đại của dân tộc Việt Nam (Phần 4): Sống mãi trong tâm trí mỗi người con của mảnh đất hình chữ S thân yêu

Hồ Chí Minh là một nhà ái quốc chân chính, nhà cách mạng sáng suốt, vị lãnh tụ thiên tài. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người gắn liền với lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội.

III. Những năm cuối đời của chủ tịch Hồ Chí Minh


1 Năm cuối cùng của cuộc đời 79 mùa xuân

Năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gần đến tuổi 80. Sức khoẻ của Người yếu đi nhiều. Đó là điều khó tránh khỏi đối với một cuộc đời hoạt động cách mạng đi Âu về á, khi bí mật, lúc công khai, tuy điều kiện và hoàn cảnh mỗi lúc có khác nhau song lúc nào cũng phải liên tục đối phó với những thử thách đầy phức tạp, khó khăn, nhiều khi căng thẳng, quyết liệt.

Từ giữa năm 1966, sau một chuyến đi địa phương trở về, Chủ tịch Hồ Chí Minh bị rối loạn tuần hoàn não, bị liệt nhẹ nửa người bên trái. Được sự chăm sóc tận tình của các bác sĩ, kết hợp với kiên trì xoa bóp và luyện tập, sức khoẻ của Người dần dần được hồi phục.

Sang năm 1967, mắt trái của Người bị mờ, có hiện tượng chảy máu đáy mắt, tay trái nắm không được vững, tiếng nói yếu, giọng bị khản, bác sĩ kiểm tra sức khoẻ thấy họng bị đứt một tia máu nhỏ.

Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng rất quan tâm chăm sóc đến sức khoẻ của Người, coi đó là tài sản và nguồn hạnh phúc vô giá của toàn Đảng, toàn dân ta.

Ngoài sự chăm sóc của các bác sĩ Việt Nam, Chính phủ Trung Quốc hàng năm, kể từ năm 1961, đều mời Người sang nghỉ ngơi, điều dưỡng.

1.1. Kiên trì rèn luyện, chống lại tuổi già và bệnh tật

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu cao một tấm gương kiên trì rèn luyện, chống lại tuổi già và bệnh tật.

Để luyện gân tay, viết chữ cho khỏi run, từ những ngày ở chiến khu, Người đã có thói quen vừa đọc sách, vừa co tay bóp hai hòn cuội trắng. Sang đến năm 1967, cùng với mắt trái bị mờ đi, đáy mắt có màng thì tay Người nắm không vững nữa, muốn cấm cái cốc mà không cầm nổi.

Người lại kiên trì luyện tập, từ nhón viên bi, ném viên bi, dùng dây cao su tập co tay hàng ngày rồi tập ném bóng vào cái rổ từ gần đến xa, dần dần chức năng của tay đã phục hồi lại được.

Tháng 1-1969, Người bị ho ra máu, bác sĩ kiểm tra sức khoẻ thấy họng bị vỡ ra một tia máu nhỏ, giọng Người bị khản, tiếng nói yếu hẳn đi, phát âm không được tròn vành, rõ chữ. Lại sắp đến Tết âm lịch, Người phải đọc thơ chúc mừng đồng bào và chiến sĩ cả nước, nếu để qua giọng đọc, đồng bào và chiến sĩ miền Nam biết Người yếu mệt thì không có lợi.

Vì vậy, hàng ngày, mỗi buổi sáng, Người lại kiên trì tập đọc, kết hợp với bôi thuốc, tập mãi cho tới lúc giọng Người gần trở lại bình thường, Người mới cho thu thanh. Tết năm ấy, đồng bào cả nước và bè bạn gần xa đón nghe thơ Bác, không mấy ai biết Người đã phải luyện giọng đọc để chiến thắng bệnh tật như thế nào.

Từ năm 1966, thấy Người ho nhiều, để giữ gìn sức khoẻ cho Người, các bác sĩ đã đề nghị với Người nên bỏ thuốc lá. Người định ra kế hoạch bỏ thuốc lá, giao thuốc cho đồng chí thư ký quản lý, mỗi ngày chỉ hút ba lần và  hút giảm dần : tuần đầu mỗi lần hút 2/3 điếu, tuần thứ hai hút 1/2 điếu, tuần thứ ba 1/3 điếu, tuần thứ tư chỉ một vài hơi. Hơn một tháng sau Người bỏ được thuốc. Bỏ thuốc, Người bỏ luôn cà phê sáng và nhờ đồng chí thư ký uống hộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng ít uống rượu, khi có khách quý hoặc trong bữa ăn, để ngon miệng, Người cũng uống một ly rượu thuốc. Khi bỏ thuốc, Người cũng thôi uống rượu.

Cũng trong thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi Tổng bí thư Đảng Lê Duẩn đề nghị bố trí cho mình được đi thăm miền Nam để động viên đồng bào, chiến sĩ.

Từ sau ngày đó, Người đề ra một kế hoạch luyện tập rất nghiêm túc. Hàng ngày, Người đều đi bộ quanh vườn Phủ Chủ tịch. Tuần đầu, Bác chỉ đi một vòng, rồi nâng dần lên hai vòng, hai vòng rưỡi, rồi ba vòng … Tập ở nơi đường rộng, bằng phẳng một thời gian, Người định ra những ngày leo núi. Leo núi thì vất vả, nhưng Người rất quyết tâm, cố gắng lên được chỗ đã định mới chịu nghỉ.

Người kiên trì luyện tập bằng nhiều cách như vậy, nhưng tuổi tác và sức khoẻ đã không ủng hộ Người. Thấy khả năng đi bằng đường bộ không thể thực hiện được, Người đổi kế hoạch sang đi đường biển.

Trước quyết tâm của Người, Bộ Chính trị cũng phải chuẩn bị để Người đi, nhưng rồi sức khoẻ Người mỗi ngày một yếu, nguyện vọng tha thiết của Người được vào Nam thăm đồng bào và chiến sĩ ngay trong lúc đang chiến đấu đã không thể thực hiện được. Đó là nỗi ân hận lớn nhất vào cuối đời của Người và cũng là điều nuối tiếc khôn nguôi của đồng bào và chiến sĩ miền Nam.

1.2. Mùa xuân, nhắc nhở trồng cây – trồng người:

Mùa Xuân năm 1969 cũng là mùa xuân thứ 10 của Tết trồng cây, một tập quán mới của nhân dân ta do Bác Hồ phát động. Người không quên nhắc nhở mọi người trồng cây mùa xuân qua bài báo ngắn trên báo Nhân Dân nhan đề Tết trồng cây, ký tên T.L.

Tết Kỷ Dậu đang đến gần, trước tết vài tuần, Người vạch chương trình đi thăm một số đơn vị và cơ sở. Người gợi ý muốn thăm một hợp tác xã có thành tích trồng cây, một trung đoàn thông tin anh hùng, trại chăn nuôi Ba Vì, Trường Nguyễn Văn Trỗi …

Lo lắng cho sức khoẻ của Người, các đồng chí đã bố trí Bác đến thăm và chúc tết Quân chủng Phòng không-Không quân vào đúng sáng mồng 1 Tết Kỷ Dậu (16-2-1969).

Đến thăm Quân chủng lần này, Người đã gặp gỡ đại biểu tất cả các đơn vị, các anh hùng, chiến sĩ thi đua, chiến sĩ quyết thắng, những người lính canh trời dũng cảm đã kiên cường đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại tàn bạo của đế quốc Mỹ.

Nhìn thấy Bác gầy, bước chân không còn nhanh nhẹn, ai cũng cảm thấy lo lắng, nhưng cũng vô cùng sung sướng được đón Người trong không khí mùa xuân chiến thắng của dân tộc.

Bác ân cần hỏi thăm và chúc Tết mọi người, nhắc nhở rằng thành tích của đơn vị là công lao hiệp đồng của cả tập thể, Bác bắt tay khen ngợi các đồng chí anh hùng, chiến sĩ thi đua đã lập nhiều chiến công, song cũng nhắc nhở không được quên công lao  của những người phục vụ, Người cho gọi hai chiến sĩ nuôi quân, một bác sĩ và một y tá lên cho Người bắt tay.

Sau gần hai giờ vui Tết với các chiến sĩ, Người về thăm huyện Ba Vì, gặp gỡ đại biểu cán bộ và nhân dân Sơn Tây đang trồng cây ở đồi cây “Đón Bác Hồ”, xã Vật Lại thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây.

Người đã trồng cây đa ở lưng đồi Vật Lại, cây đa cuối cùng Bác trồng để lại cho con cháu muôn đời về sau.

Trong vấn đề trồng người, Bác quan tâm trước hết đến vấn đề phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên. Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 39 ngày thành lập Đảng, từ những ngày cuối tháng 1-1969, Người đã chuẩn bị những ý chính cho bản thảo bài viết :Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng. Ngày 3-2-1969, bài viết của Người đăng trên báo Đảng 

Người đã phân tích những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân và tác hại của nó, rồi kết luận :

“Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật. Phải đi sâu đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ” (75)

Trong việc trồng người, Người đặc biệt quan tâm vấn đề bồi dưỡng thế hệ trẻ. Trước ngày 1-6, Người đã tiếp và làm việc với Uỷ ban thiếu niên nhi đồng trung ương.

Người nghe báo cáo về tình hình giáo dục thiếu niên, đặc biệt là các cháu thiếu niên chậm tiến. Người căn dặn :Phải kết hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội để nuôi dạy và giáo dục các cháu. Tất cả mọi người, mọi đoàn thể, mọi ngành, mọi gia đình phải có trách nhiệm chăm sóc các cháu.

Nhân ngày Quốc tế thiếu nhi, Người đã viết bài Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng.

Đối với các cháu thiếu niên nhi đồng, Người dành cho các cháu rất nhiều tình thương và lòng tin.

Nhân dịp Tết nguyên đán, Người cho đón các cháu dũng sĩ của miền Nam đang học tập ở miền Bắc đến ăn Tết với Người.

Nhân dịp ngày Quốc tế thiếu nhi, tại Phủ Chủ tịch, Người đã gặp gỡ với các cháu thiếu nhi và xem các cháu học sinh lớp 1 Nhạc viện Hà Nội biểu diễn nghệ thuật.

Đối với những việc làm tốt của thiếu niên nhi đồng, cá nhân hay tập thể, Người đều động viên kịp thời. Người gửi thư khen các cháu thiếu niên hợp tác xã Măng non thôn Phú Mẫu, xã Hàm Sơn, huyện Yên Phong, tỉnh Hà Bắc (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh) có nhiều cố gắng trong việc chăm sóc tốt trâu bò của hợp tác xã.

Để động viên và phát huy phẩm chất tốt đẹp của những con người mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên chú ý đến những bài báo viết về gương người tốt việc tốt và thưởng huy hiệu cho những người tốt thuộc đủ mọi tầng lớp, mọi ngành nghề, mọi lứa tuổi. Chỉ từ đầu năm đến cuói tháng 8-1969 đã có 28 đợt Người thưởng huy hiệu cho những người có thành tích trong học tập, sản xuất, công tác và chiến đấu. Trong 10 năm, từ năm 1959 đến năm 1969 Người đã thưởng 3.972 huy hiệu.

1.3. Hiện thân của tình cảm quốc tế trong sáng

Mặc dầu quân đội viễn chinh Mỹ, hàng ngày gây ra những tội ác cực kỳ man rợ đối với đồng bào miền namViệt Nam, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh không quên những người bạn Mỹ chống lại cuộc chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam. Trong thư gửi các bạn người Mỹ, Người viết : “Nhân dịp đầu năm 1969, tôi thân ái gửi các bạn lời chúc mừng hoà bình và hạnh phúc”.

Người cũng kịp thời tỏ thái độ trước mỗi sự kiện lớn trong phong trào cách mạng của nhân dân thế giới, đặc biệt là phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân châu á, châu Phi.

Khi nhận được thư của Hoàng thân Xuphanuvông và bản Cương lĩnh chính trị của Mặt trận yêu nước Lào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện trả lời, bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đốivới bản cương lĩnh.

Người gửi điện tới Quốc trưởng Campchia Nôrôdom Xihanuc cảm ơn Quốc trưởng đã ủng hộ hoàn toàn lập trường chính nghĩa của nhân dân Việt Nam tại Hội nghị bốn bên tại Pari về Việt Nam.

Người cũng gửi điện mừng Hội nghị quốc tế ủng hộ nhân dân các nước Arập và Người gửi điện tới Hội nghị thế giới lần thứ 15 chống bom nguyên tử và khinh khí họp ở Tôkyô, hoà tiếng nói của nhân dân ta vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới.

Tại Henxinki (Phần Lan) có cuộc gặp gỡ của thanh niên và sinh viên thế giới vì thắng lợi cuối cùng của nhân dân Việt nam, Người gửi điện chào mừng, thay mặt nhân dân ta, cảm ơn sự ủng hộ của những người trẻ tuổi và đánh giá cao ý nghĩa của cuộc gặp gỡ đó.

Tuy tuổi cao, sức khoẻ đã yêú đi nhiều, những tháng cuối cùng Người vẫn thân mật tiếp những người bạn, những người đồng chí, những nhân vật nổi tiếng trên thế giới: Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đan Mạch do Chủ tịch Đảng Cơnút Gietxpơxon dẫn đầu, đoàn đại biểu phong trào hoà bình Pháp do ông Pierơ Bicat, Tổng thư ký Liên đoàn thế giới những người làm công tác khoa học dẫn đầu, đoàn đại biểu Bộ Ytế và Uỷ ban ủng hộ Việt Nam của nước Cộng hoà dân chủ Đức do Phó Thủ tướng Mác Dêphrin dẫn đầu.

Người đã tiếp ông Xavanđo Agienđê (Salvador Allende), Tổng bí thư Đảng Xã hội Chi lê, Thượng nghị sĩ Chilê, Uỷ viên Ban lãnh đạo toàn quốc Mặt trận hành động của nhân dân Chilê.

Tiếp đó Người giới thiệu với khách tấm ảnh chụp các cháu thiếu nhi anh hùng miền Nam , nói về thành tích chiến đấu của thế hệ trẻ và đồng bào miền Nam. Người nói: “Tôi rất vui lòngvề các cháu thiếu nhi ngày nay. Các cháu đã làm được nhiều việc hơn chúng tôi. Tôi chưa khi nào làm được những việc mà các cháu đã làm”.

Tháng 7, Người tiếp nữ đồng chí Macta Rôhat (Marta Rojas ), phóng viên báo Granma của Cuba, Người lại ngậm ngùi nhắc đến miền Nam: “ở miền Nam Việt Nam, những người dưới 25 tuổi không biết nghĩa chữ Tự do. Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nối đau khổ riêng và gộp tất cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi.

Tôi nghĩ rằng, tôi chưa làm tròn nghĩa vụ cách mạng của tôi đối với đồng bào miền Nam; mặc dù như vậy, tôi biết rằng đồng bào miền Nam vẫn yêu quí tôi cũng như tôi luôn luôn yêu quí đồng bào. ở miền Nam, tôi không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh mà là Bác Hồ”. 

Người khẳng định sức mạnh và ý nghĩa của sự đoàn kết quốc tế:

“Sự đoàn kết quốc tế có một ý nghĩa to lớn đối với chúng tôi. Đúng là trước hết chúng tôi phải dựa vào sức mình, song chúng tôi còn được sự ủng hộ về vật chất và tinh thần của nhân dân các nước khác. Và như vậy, chúng tôi vừa có cả sức mạnh của mình, vừa có cả sức mạnh của sự đoàn kết quốc tế”.

Người bạn, người đồng chí nước ngoài cuối cùng được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp là đồng chí Sáclơ Phuốcniô (Charles Fourniau), phóng viên báo L.Humanité của Đảng Cộng sản Pháp. Buổi tiếp thân mật ấy được tổ chức vào 7 giờ sáng ngày 15-7-1969 đã để lại cho Sáclơ Phuốcniô những cảm xúc rất sâu sắc.

Tuy sức khoẻ đã kém nhiều, Người vẫn dành thời gian tiếp thân mật nhiều đoàn đại biểu các nước đến thăm Việt Nam: Liên Xô, Trung Quốc, Cuba, Triều Tiên…

Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là nhịp cầu hữu nghị mãi mãi nối liền bàn tay, khối óc và trái tim của nhân dân ta với bạn bè năm châu bốn biển.

1.4. Hoàn thành bản Di chúc lịch sử

Ngày 10-5-1969, Hội nghị Trung ương lần thứ 16 khai mạc, bàn về tình hình, nhiệm vụ đấu tranh quân sự và ngoại giao. Chủ tịch Hồ Chí Minh đến họp ngay từ buổi đầu.

Đến giờ giải lao, Người xin về trước.

Từ 9giờ30phút đến 10giờ30phút, Người lấy phong bì đựng tập tài liệu “tuyệt đối bí mật” ra xem lại. Đó là tập bản thảo do chính Người đánh máy và viết tay, chưa có đầu đề mà sau này Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng gọi  đúng ý nghĩa của nó là Di chúc.

Công việc này đã được Người bắt đầu từ năm 1965, vào lúc mà đồng bào và chiến sĩ cả nước đang sôi nổi thi đua lập thành tích chúc thọ Bác Hồ 75 tuổi.

Từ ngày 10 đến ngày 14-5-1965, mỗi ngày Người dành 1,2 tiếng để viết và đã hoàn thành bản thảo Di chúc đầu tiên gồm 3 trang, do chínhNgười tự đánh máy, ở cuối đề ngày 15-5-1965.

Năm 1966, Người bổ sung thêm một câu vào phần nói về Đảng: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Năm 1967, Người có xem lại, nhưng không bổ sung gì. Năm 1968, Người bổ sung thêm 6 trang viết tay, gồm một số đoạn nói “về việc riêng”, về một số công việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta hoàn toàn thắng lợi.

Ngày 10-5-1969, Người xem và viết lại toàn bộ phần mở đầu Di chúc, gồm một trang viết tay. Bản Di chúc thiêng liêng được hoàn tất và đi vào lịch sử được viết trên mặt sau một tờ bản tin hàng ngày !

Sau khi được công bố, bản Di chúc đã gây một sự xúc động lớn, một niềm cảm phục sâu sắc, không chỉ đối với toàn thể nhân dân Việt Nam mà với tất cả các dân tộc đang đấu tranh cho hoà bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội trên khắp các lục địa.

Di chúc là một văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh trong đó cả tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một vĩ nhân hiếm có đã suốt đời phấn đấu hy sinh vì Tổ quốc và nhân loại.

Toàn bộ Di chúc toát lên khí phách, tinh thần lạc quan chiến thắng của một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng luôn luôn vững tin vào tương lai tất thắng của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, của sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế đất nước sau chiến tranh … Giữa lúc cuộc chiến đấu còn đang diễn ra quyết liệt, kẻ thù còn đang thi thố bao thủ đoạn tàn ác, xảo quyệt.

Người nhấn mạnh đến các yếu tố chính trị- tinh thần đã góp phần mang lại thắng lợi cho cách mạng Việt Nam: sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, việc thực hành dân chủ, tự phê bình và phê bình, tình đòng chí thương yêu lẫn nhau …

Đặc biệt, Người nhấn mạnh vai trò của đạo đức cách mạng, vì “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân” .

Di chúc đã phản ánh tâm hồn và đạo đức vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ của một con người vĩ đại suốt đời “hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này … không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa “ .

Mỗi câu, mỗi chữ của Di chúc dồn nén bao cảm xúc, chứa chan bao tình yêu và sự gắn bó sâu xa với thiên nhiên, con người và cuộc đời. “Muôn vàn tình thân yêu” của Người trùm lên toàn dân, toàn Đảng, toàn thể bộ đội, các đồng chí, các bầu bạn, các cháu thanh niên nhi đồng Việt Nam và quốc tế.

Do những giá trị đó, Di chúc mãi mãi là một áng văn tuyệt bút, là những lời căn dặn thiết tha, là ánh sáng chỉ đường, là sức mạnh thôi thúc hành động, chẳng những đối với nhân dân ta mà còn đối với tất cả những ai đang đấu tranh cho tự do, độc lập, cho hoà bình, công lý, cho cơm áo và hạnh phúc của con người.


2 Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩnh viễn in sâu vào tâm trí mỗi người dân Việt Nam

2.1. Vô cùng thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại

Trong đời sống chính trị và tinh thần của nhân dân Việt Nam, chưa bao giờ không khí đau thương bao trùm lên tất cả mọi người, mọi gia đình như những ngày toàn dân ta chịu tang Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại, người yêu nước thiết tha, người cộng sản mẫu mực, người cha, người bác, người anh, người đồng chí đức độ và nhân ái.

Trời Hà Nội mưa sốt mấy ngày liền, thiên nhiên như cùng chia sẻ nỗi đau với con người. Mọi người Việt Nam đều nghẹn ngào, nức nở, đau đớn không cầm được nước mắt, thươngtiếc Người như thương tiếc ngươi thân yêu nhất trong gia đình mình. Những lá cờ đeo băng tang màu đen nặng nề rủ xuống trước cửa mọi nhà, mọi công sở.

Sáng ngày 6-9-1969, lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh được cử hành rất trọng thể tại Hội trường Ba Đình. Thi hài của Người đặt trên nền nhung đỏ trong linh cữu bằng thuỷ tinh trong suốt. Người vẫn mặc bộ quần áo kaki giản dị và đôi dép cao su đặt trong một hộp kính nhỏ để ngoài linh cữu, phía dưới chân của Người.

Ngày 9-9-1969, Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, được cử hành trọng thể tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Mặt trận và 50 đoàn khách nước ngoài, hàng chục vạn quần chúng. Các địa phương theo dõi và lắng nghe tường thuật buổi lễ qua làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần đã gây sự xúc động lớn đối với mọi tầng lớp nhân dân trên thế giới.

Hơn hai vạn bức điện từ hầu hết các nước trên thế giới của các vị nguyên thủ quốc gia, các tổ chức quốc tế, các nhân sĩ nổi tiếng đã gửi đến chia buồn trước tổn thất lớn lao của nhân dân Việt Nam.

Ngôn ngữ tuy khác nhau song đều bày tỏ lòng thương tiếc vô hạn, ca ngợi sự nghiệp vĩ đại và phẩm chất cao quí của một con người được nhân loại vô cùng yêu mến. Nhiều nước tổ chức mít tinh, tuần hành, làm lễ truy điệu, cầu siêu, tổ chức những ngày lao động đặc biệt, những cuộc hành quân mang tên Hồ Chí Minh …

Ngoài điện văn, rất nhiều bài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đăng trên báo chí các nước, ca ngợi sự nghiệp cách mạng vĩ đại và công lao, đức độ to lớn của Người. Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã in sâu đậm trong trái tim nhân loại.

Ngày 29-11-1969, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã bàn và quyết định  phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ Tịch và xây dựng Lăng của Người.

Thực hiện quyết định đó, với sự giúp đỡ nhiệt tình của Liên Xô, nhân dân ta đã giữ gìn tốt thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hoàn thành xây dựng Lăng của Người trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, một công trình kiến trúc hiện đại, dân tộc, trang nghiêm, giản dị, ngày ngày đón hàng nghìn người vào Lăng viếng Người.

Năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) trong kỳ họp thứ 24 (tháng 10 và tháng 11) tại Pari đã ra Nghị quyết công nhận Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam”, đồng thời khuyến nghị các nước thành viên tổ chức kỷ niệm lần thứ 100 năm ngày sinh của Người.

Sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh ngày càng thu hút được sự yêu mến và kính trọng của nhân dân tiến bộ trên thế giới.

Trong công cuộc đổi mới hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam và toàn thể nhân dân Việt Nam quyết kiên trì con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, ra sức vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người để đưa sự nghiệp cách mạng mà Người để lại vươn tới những tầm cao mới, thực hiện mong muốn cuối cùng của Người là “đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Nhân dân Việt Nam đời đời biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại ! Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại, Người thầy kính yêu của đảng và dân tộc ta đời đời sống mãi !

Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, nhưng Người đã đi vào cõi bất tử như là một trong những anh hùng vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc. “Mỗi bước đi của nhân dân ta và của Đảng ta trong 40 năm qua đều gắn liền với cuộc đấu tranh cách mạng vô cùng sôi nổi và đẹp đẽ của Hồ Chủ tịch. Toàn bộ hoạt động của Người cùng với sự nghiệp của nhân dân ta và của Đảng ta là một thiên anh hùng ca bất diệt của cách mạng Việt Nam” 

2.2. Hồ Chí Minh – Người anh hùng dân tộc vĩ đại

Bằng thiên tài trí tuệ và sự khảo sát thực tiễn cách mạng thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời đáp ứng những nhu cầu bức thiết của dân tộc đầu thế kỷ XX. Vượt qua hạn chế của các nhà yêu nước và chí sĩ tiền bối, Người đã sớm đến với chủ nghĩa Mác-Lê nin và Cách mạng Tháng Mười, khám phá con đường giải phóng cho dân tộc Việt Nam theo con đường cách mạng vô sản.

Đó là con đường kết hợp chủ nghĩa yêu nước nồng nàn với chủ nghĩa quốc tế chân chính, độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Từ đó, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đồng thời cũng mở ra con đường giải phóng cho tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên truyền bá chủ nghĩa Mác-Lê nin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, đưa nhân dân Việt Nam đi theo con đường mà Người đã trải qua: từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác-lê nin.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà đổi mới cách mạng dũng cảm và sáng tạo. Người xuất hiện trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta như một con người luôn luôn đổi mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một chiến sĩ quốc tế mẫu mực, thuỷ chung, trong sáng, đã có cống hiến to lớn vào sự nghiệp giải phóng các dân tộc bị áp bức, vào sự củng cố phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, vào sự đoàn kết các lực lượng vì hoà bình, dân chủ và tiến bộ xã hội .

Công lao và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh – người anh hùng giải phóng dân tộc vĩ đại, đã đi vào sử sách và sống mãi với muôn đời sau.

2.3. Hồ Chí Minh – Nhà tư tưởng lỗi lạc

Thắng lợi của cách mạng Việt Nam là thắng lợi của đường lối đúng đắn và phương pháp cách mạng sáng tạo, đó cũng là thắng lợi của chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh ở Việt Nam.

Vì vậy, khi nói Hồ Chí Minh là nhà hoạt động thực tiễn vĩ đại thì cũng có nghĩa Người là một nhà tư tưởng, một nhà lý luận sáng tạo.
  1. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần phát triển học thuyết của V.I.Lênin về cách mạng thuộc địa.
Tiếp thu và bảo vệ luận điểm trên của Lênin, Hồ Chí Minh đã không ngừng đấu tranh để làm sáng tỏ mối quan hệ khăng khít giữa cách mạng vô sản ở chính quốc và cach mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa. Người đưa ra luận đề nổi tiếng, ví chủ nghĩa đế quốc như “con đỉa hai vòi” để nói lên sự cần thiết phải tiến công chúng ở cả hai đầu.
  1. Những cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào lý luận xây dựng chính đảng vô sản ở một nước thuộc địa nửa phong kiến.
Tổng kết 30 năm xây dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi tới luận điểm: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Đó là nét sáng tạo độc đáo của Việt Nam, đồng thời cũng là một kinh nghiệm quý báu đối với việc xây dựng chính đảng của giai cấp công nhân ở các nước thuộc địa và phụ thuộc.

Sau khi Đảng ta đã giành được chính quyền, vấn đề xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền trở nên mối quan tâm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Kể từ năm 1945 cho đến lúc qua đời, trong suốt 24 năm ở cương vị đứng đầu Đảng và Nhà nước, dù bận trăm công ngàn việc, Người vẫn luôn lo lắng làm sao để chống lại nguy cơ xa rời cuộc sống, xa rời quần chúng, rơi vào thoái hoá, biến chất của một đảng cầm quyền.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm giáo dục đạo đức cách mạng “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” cho cán bộ đảng viên.
  1. Những đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội ở một nước nông nghiệp lạc hậu, chưa trải qua chế độ tư bản chủ nghĩa, trong điều kiện đất nước bị chia cắt và chiến tranh kéo dài.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc luôn luôn gắn bó thống nhất hữu cơ với chủ nghĩa xã hội.

Việt Nam tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội trong những điều kiện đặc biệt, không giống với bất cứ một nước xã hội chủ nghĩa nào khác: từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, chưa trải qua chế độ tư bản chủ nghĩa, bị chiến tranh tàn phá, đất nước còn tạm thời chia làm hai miền …

Ngày nay, những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đang được Đảng Cộng sản Việt nam vận dụng sáng tạo và phát triển trong công cuộc đổi mới. Đó cũng là những đóng góp quan trọng vào việc nhận thức lại bản chất, đặc trưng và cách làm chủ nghĩa xã hội ở thời kỳ hiện nay.
  1. Những sáng tạo về phương pháp cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là bậc thầy về phương pháp cách mạng Việt Nam. Phương pháp là sự thể hiện của tư tưởng, đường lối trong hành động.

Phương pháp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hệ thống, được thể hiện đa dạng và phong phú ở các thời kỳ, các giai đoạn khác nhau.

Điểm nổi bật trong phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh là Người luôn luôn lấy thực tiễn, lấy sự kiện của đời sống làm xuất phát điểm cho tư duy và hành động, cho hoạch định đường lối, chính sách, chiến lược, sách lược của cách mạng.

Một đặc điểm nữa của phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh là trong công tác vận động, tổ chức quần chúng, lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân tham gia vào sự nghiệp cách mạng.
  1. Những cống hiến quan trọng của Hồ Chí Minh vào học thuyết quân sự của chủ nghĩa Mác-Lê nin.
Điểm nổi bật trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh là tư tưởng về bạo lực cách mạng. Người nói : “trong cuộc đấu tranh gian khổ chống kẻ thù của giai cấp và của dân tộc, cần dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền“.

Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh lấy sức mạnh chính trị- tinh thần của toàn dân làm nền tảng, trên cơ sở đó mà phát huy tài thao lược của tướng lĩnh cũng như của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; kế thừa và phát huy được nghệ thuật quân sự của cha ông và tinh hoa nghệ thuật quân sự của thế giới. Chính Người dã cùng với Đảng ta nâng khoa học và nghệ thuật quân sự trong khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh nhân dân ở thời đại Hồ Chí Minh lên một tầm cao mới.
  1. Những đóng góp lý luận về xây dựng nhà nươc kiểu mới- nhà nước của dân, do dân, vì dân.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, nhà nước đó trước hết phải là nhà nước thật sự dân chủ. Đây là một luận điểm hết sức mới mẻ, thể hiện một tinh thần dân chủ triệt để; trên thế giới, chưa có một nhà nước dân chủ nào dám công khai tuyên bố và giáo dục cho nhân viên của mình quán triệt và làm theo tinh thần ấy.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà nước của ta phải là một nhà nước pháp quyền mạnh mẽ và sáng suốt.

Rất đề cao pháp quyền nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh không đề cao một chiều, coi pháp luật là độc tôn, mà luôn luôn coi trọng pháp luật luật đi đôi với tăng cường giáo dục đạo đức cho cán bộ nhà nước và nhân dân.
  1. Những cống hiến lý luận về con người và chiến lược “trồng người”.
Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ quan điểm “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, con người bao giờ cũng là mục tiêu và động lực của cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn tin tưởng vào năng lực, phẩm chất và sức mạnh của con người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, yêu thương, tôn trọng con người gắn liền với ý chí mãnh liệt đấu tranh để giải phóng con người.

Từ quan điểm về con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi tới tư tưởng về chiến lược “trồng người”.

Quan điểm “trồng người” của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất toàn diện và hệ thống. Người thường nhấn mạnh trước hết đến lý tưởng và đạo đức, coi đó là cái gốc của con người mới.

Có lý tưởng, đạo đức song con người mới phải được trang bị đầy đủ và vững vàng về văn hóa, khoa học, kỹ thuật.

Con người mới phải là con người nhân ái, biết sống có tình nghĩa, yêu thương cha mẹ, anh chị em, có tình làng, nghĩa xóm.

Trải qua những biến động của thời cuộc, tư tưởng Hồ Chí Minh càng chứng tỏ giá trị và sức sống mãnh liệt của nó và Hồ Chí Minh ngày càng được thừa nhận rộng rãi là nhà tư tưởng lỗi lạc của cách mạng Việt Nam.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết nghị lấy chủ nghĩa Mác-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của toàn Đảng và cho cách mạng Việt Nam.

2.4. Hồ Chí Minh – Nhà văn hóa kiệt xuất:

Chủ tịch Hồ Chí Minh được thế giới thừa nhận là nhà văn hóa kiệt xuất bằng cả một sự nghiệp văn hóa đồ sộ mà Người đã cống hiến cho dân tộc và nhân loại.

Trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh được thừa nhận là nhà văn hóa kiệt xuất vì Người đã khởi xướng phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc, giải phóng các dân tộc thuộc địa, giành lại độc lập, tự do. Đó không phải chỉ là một sự nghiệp chính trị phi thường mà còn là một sự nghiệp văn hóa cao cả.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà văn hóa kiệt xuất vì Người nhận thấy vai trò và sức mạnh của văn hóa, đã sớm đưa văn hóa vào chiến lược phát triển của đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà văn hóa kiệt xuất vì bản thân Người là một nhà hoạt động và sáng tạo văn hóa lớn.

Hồ Chí Minh là biểu tượng của sự kết hợp hài hòa tinh hoa văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại. Từ nhỏ, Người đã hấp thụ một nền văn hóa quốc học và văn hóa phương Đông đủ vững vàng và sâu sắc.

Trên đường học tập và nghiên cứu, Người đã từng bước hấp thụ văn hóa nhân đạo và dân chủ của phương Tây, đặc biệt là tinh thần tự do, bình đẳng, bác ái của truyền thống văn hóa Pháp. Chính trí tuệ siêu việt, vốn sống thực tế phong phú và vốn văn hóa rộng lớn đã dẫn Người đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, đỉnh cao và kết tinh thành tựu văn hóa của loài người.

Để trở thành nhà văn hóa lớn, Người đã làm chủ được nhiều ngôn ngữ khác nhau, sử dụng nó một cách thành thạo trong viết văn, viết báo, làm thơ, viết kịch …

Bản thân Hồ Chí Minh là nhà thơ, nhà văn, nhà báo cách mạng vĩ đại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là hiện thân của đường lối ngoại giao hòa bình, đối thoại, chủ trương giải quyết mọi tranh chấp, xung đột bằng thương lượng , với thái độ hiểu biết và nhân nhượng lẫn nhau. Người là biểu tượng của khát vọng hòa bình Việt Nam.

Nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh đã sáng tạo ra một thời đại mới, một nền văn hóa mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng là những giá trị đóng góp vào sự phát triển văn hóa của thế giới. Nhiều chủ trương văn hóa được Người đề ra rất sớm- từ giữa những năm 40 và 50 của thế kỷ XX, như: xóa mù chữ, trồng cây, trồng người, phủ xanh đồi trọc, cải tạo môi trường sinh thái … đến đầu những năm 90 của thế kỷ này đã được Liên hợp quốc đề lên thành những cuộc vận động lớn trên toàn thế giới.

2.5. Hồ Chí Minh – Tấm gương đạo đức ngời sáng

Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu không chỉ để lại cho dân tộc ta một sự nghiệp cách mạng vẻ vang chưa từng có trong lịch sử. Người còn để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta một di sản cao quí, đó là tấm gương sáng ngời về phẩm chất, đạo đức của người cách mạng, tượng trưng cho những gì cao đẹp nhất trong tâm hồn, ý chí, nhân cách của dân tộc và của loài người.

Tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương đạo đức chí công vô tư, đời riêng trong sáng, nếp sống giản dị và đức khiêm tốn phi thường.

Cần kiệm, giản dị, ít lòng ham muốn về vật chất, đó là tư cách của người cách mạng. Người đề ra và tự mình gương mẫu thực hiện.

Ngôi nhà sàn của Người chỉ có hai phòng nhỏ, một cái giường, một cái bàn, một cái ghế, một giá sách, một tủ quần áo với hai bộ kaki, một đôi dép lốp, một cái quạt giấy, một máy thu thanh, một chiếc đồng hồ đã mờ mặt.

Đó là tất cả những gì mà người sáng lập Đảng Cộng sản, Nhà nước, người thầy cách mạng Việt Nam đã có ở trên đất nước này. Vào thăm nơi ở của Bác Hồ, khách nước ngoài muốn tìm hiểu về những tài sản riêng của Người và đã rất xúc động khi được biết Người không hề có một chút của riêng. Một cuộc đời trong sạch, suốt đời thực hành cần, kiệm, liêm, chính.

Chúng ta còn có thể tìm thấy trong đời sống đạo đức vô cùng trong sáng của Người một tấm gương không ngừng học tập và rèn luyện, không ngừng tự đổi mới và nâng mình lên để trở thành bất tử.

Những đức tính quý báu của vĩ nhân không phải là bẩm sinh. Cũng như mọi người, Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra, lớn lên, không ngừng học tập, lao động, chiến đấu và nâng mình lên, từng bước hấp thụ tinh hoa dân tộc, tinh hoa nhân loại mà trở thành bất tử.

Về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã nhiều lần khẳng định: “Cuộc đời của Hồ Chủ tịch trong như ánh sáng. Đó là tấm gương tuyệt vời về chí khí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng nhân đạo và yêu mến nhân dân thắm thiết, đạo đức chí công vô tư, tác phong khiêm tốn, giản dị. Tư tưởng và đạo đức cao cả của Người mãi mãi soi sáng và nâng cao tâm hồn chúng ta”

2.6. Mãi mãi đi theo con đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại

Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI cho đến Đại hội X vừa qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang khởi xướng, dẫn dắt nhân dân ta tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước theo lý tưởng và mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã thật sự trở thành nguồn sáng và sức mạnh cho sự nghiệp đổi mới đất nước.

Sau 20 năm thực hiện đổi mới toàn diện, trong những hoàn cảnh hết sức phức tạp, khó khăn, đất nước ta không những đã đứng vững mà còn vươn lên đạt những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Đất nước đã từng bước ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, kinh tế tăng trưởng khá nhanh, nguồn nội lực đất nước tăng lên nhiều. Nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu của thời kỳ quá độ đã cơ bản hoàn thành và đang chuyển sang thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chúng ta vô cùng tự hào vì mỗi bước đi lên của cách mạng Việt Nam đều gắn liền với công lao- sự nghiệp, tư tưởng-đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh hùng dân tộc vĩ đại đã làm rạng rỡ dân tộc ta, non sông, đất nước ta, đã đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta vững vàng tiến bước tới tương lai.

Ngay một nhà sử học Mỹ, khi nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đúc rút ra kết luận: “Ông Hồ Chí Minh là một người tạo ra thời thế …

Ông đã kết hợp được trong bản thân mình hai trong những lực lượng trung tâm của lịch sử Việt Nam hiện đại: khát vọng độc lập dân tộc và hòai bão về công bằng xã hội-kinh tế … cho nên ông có khả năng truyền đạt thông điệp của mình đến khắp các dân tộc thuộc địa trên thế giới, đáp ứng yêu cầu của họ về một cuộc sống danh dự và tự do, thóat khỏi ách áp bức của chủ nghĩa đế quốc…

Bất kể lời phán xét thế nào đối với di sản của ông để lại cho dân tộc mình, Hồ Chí Minh vẫn có vị trí trên tượng đài của các vị anh hùng cách mạng đã chiến đấu ngoan cường cho những người cùng khổ trên thế giới, giúp họ nói lên được tiếng nói đích thực của mình” (84)  .

Sự đánh giá cao của bạn bè năm châu đối với giá trị ảnh hưởng của tư tưởng và sự nghiệp Hồ Chí Minh đối với Việt Nam và thế giới đem lại cho chúng ta niềm tự hào vô hạn về lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của Đảng và dân tộc ta.

Chúng ta nguyện học tập tư tưởng, noi theo tấm gương đạo đức của Người, kế tục sự nghiệp mà Người đã để lại và nguyện sẽ mãi mãi đi theo con đường mà Người đã chỉ dẫn, nhằm “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.

Nguồn: hosonhandan.com