277 lượt xem

TÔ HIỆU

Tô Hiệu

Tô Hiệu (1912 - 1944)
 

https://mytourguide.com.vn/images/minh-minh/to-hieu.jpg

Nguồn: Sưu tầm
 

Cuộc đời và sự kiện lịch sử liên quan đến Tô Hiệu

Năm 1912: Tô Hiệu được sinh ra
Năm 1944: Ông 32 tuổi. Tô Hiệu mất.


Thân thế và sự nghiệp của Tô Hiệu


Tô Hiệu quê ở làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Tô Hiệu sinh trưởng trong một gia đình nhà nho yêu nước. Ông nội Tô Hiệu là vị đốc học Nam Định đức độ đã bỏ chốn quan trường về làng dạy học. Ông ngoại Tô Hiệu là tướng quân Ngô Quang Huy là một vị danh tướng đã cùng Nguyễn Thiện Thuật đánh Pháp tại vùng Bãi Sậy – Hưng Yên.

Năm 1927 Tô Hiệu học tại trường Pháp Việt, thị xã Hải Dương và sớm tham gia vào các phong trào yêu nước của học sinh như bãi khoá truy điệu cụ Phan Chu Trinh, tham gia phong trào đòi ân xá cụ Phan Bội Châu vì vậy bị đuổi học. Cuối năm 1929, vào Sài Gòn cùng anh ruột là Tô Chấn tham gia Việt Nam Quốc dân Đảng. Năm 1929 ông là Đảng viên Quốc dân Đảng, hoạt động tại Sài Gòn.

Năm 1930, ông bị bắt và bị kết án 4 năm tù, đày đi Côn Đảo. Những năm tháng tại Côn Đảo, Tô Hiệu đi theo lý tưởng cộng sản và chỉ một thời gian sau, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Năm 1934, sau khi mãn hạn tù ở Côn Đảo trở về và bị quản thúc tại địa phương, nhưng ông vẫn tìm mọi cách hoạt động xây dựng phong trào cách mạng. Lúc này Tô Hiệu đang bị bệnh lao hành hạ. Cụ Ngô Thị Lý là thân mẫu của Tô Hiệu hết lòng thuốc thang chạy chữa cho con. Một điều cụ rất quan tâm là muốn lấy vợ cho Tô Hiệu, cụ dỗ dành thuyết phục nhưng Tô Hiệu nhất mực từ chối. Ông nói với mẹ rằng “vì bị bệnh lao, lại hoạt động cách mạng vào tù ra tội nên không muốn làm ai phải khổ vì mình”.

Đầu năm 1938, Tô Hiệu được cử làm Bí thư Liên khu B gồm các tỉnh duyên hải Bắc bộ và trực tiếp làm Bí thư Thành uỷ Hải Phòng.

Từ năm 1938 – 1939, dưới sự lãnh đạo của ông, phong trào cách mạng ở các tỉnh vùng đồng bằng Bắc bộ liên tục phát triển, đặc biệt tại thành phố Hải Phòng, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân các nhà máy, xí nghiệp lên rất cao.

Cuối năm 1939, Tô Hiệu bị địch bắt và bị bọn thực dân xử tù đày đi nhà tù Sơn La. Tại nhà tù Sơn La, một lần nữa người Cộng sản trẻ tuổi Tô Hiệu đã thể hiện ý chí kiên cường dũng cảm trước đòn roi tra tấn của địch, tham gia tích cực vào các cuộc đấu tranh chống bọn cai ngục. Ông được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ nhà tù Sơn La. Ông tham gia viết báo, soạn tài liệu huấn luyện cán bộ. Ông đã biến nhà tù của địch thành trường học đào tạo được nhiều cán bộ ưu tú cho Đảng. Bọn cai ngục ở đây đã thấy Tô Hiệu chính là mối nguy hiểm tiềm tàng chúng đã giam riêng ông, nhưng bằng mọi cách Tô Hiệu vẫn âm thầm lặng lẽ chỉ đạo sát sao phong trào đấu tranh của những người tù cộng sản.

Do đòn roi tra tấn dã man, chế độ nhà tù hà khắc của thực dân cùng với bệnh lao phổi nặng, ngày mồng 7 tháng 3 năm 1944 Tô Hiệu đã trút hơi thở cuối cùng khi ông mới 32 tuổi. Lời căn dặn cuối cùng của ông với đồng đội “Các đồng chí hãy cố gắng lên, đừng phút nào quên nhiệm vụ của mình” khác nào như hồi kèn xung trận. Mộ ông được an táng tại nghĩa địa Vườn ổi.

Đánh giá đồng chí Tô Hiệu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Đỗ Mười đã viết: “Cuộc đời đồng chí tuy ngắn ngủi, nhưng những cống hiến của đồng chí cho dân tộc và cho cách mạng thật là to lớn”.

Nguồn: thuvienlichsu.com