671 lượt xem

Hồ Sĩ Đống

Danh sĩ Hồ Sĩ Đống

Danh sĩ Hồ Sĩ Đống (1739 – 1785),
 
Description: https://khds.1cdn.vn/2018/09/16/nha-tho-ho-ho-quynh-doi-300x196.jpg
Nhà thờ họ Hồ ở Quỳnh Đôi, Nghệ An.
 (Nguồn: Sưu tập)

 

Một dòng họ nhiều nhân tài

Quỳnh Lưu là một địa danh văn hóa phát xuất nhiều nhân tài, có ba họ lớn là họ Hồ, họ Hoàng và họ Vũ. Dòng dõi họ Hồ Quỳnh Lưu với những tên tuổi như Trạng nguyên Hồ Hưng Dật thế kỷ thứ 10, Trạng nguyên Hồ Tông Thốc, Hồ Sĩ Dương, Hồ Phi Tích không thua kém gì họ Nguyễn Tiên Điền, Nguyễn Trường Lưu, Phan Thu Hoạch, hay Ngô Tả Thanh Oai.

Họ Hồ  Quỳnh Lưu có nhiều người đỗ đạt cao, làm quan to như Hồ Bỉnh Quý – Tiến sĩ Đệ Nhị Giáp 1577; Hồ Sĩ Dương  – Tiến sĩ Đệ Tam giáp 1652; Hồ Phi Tích – Tiến sĩ đệ nhị giáp 1700;  Hồ Sĩ Tân – Tiến sĩ Đệ Tam Giáp 1721.

Được biết, Quang Trung Nguyễn Huệ (1753 – 1792) là con Hồ Phi Phúc; quan Hoàng giáp Hồ Sĩ Đống (1739 – 1785); nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772 – 1822) và tú tài Hồ Phi Hội (1802 – 1875) cùng đời thứ 12, có cùng một ông tổ đời thứ 8 là Hồ Sĩ Anh (theo gia phả Hồ Phi Hội, Thư viện Hoàng Xuân Hãn, Paris).

Ngày nay chúng ta chỉ còn biết ba đời, ông tổ ba đời Nguyễn Huệ là Hồ Thế Viêm, con Hồ Sĩ Anh, sinh Hồ Phi Khang, Hồ Phi Khang sinh Hồ Phi Phúc, di dân vào ấp Tây Sơn, Bình Định, đổi họ Nguyễn và sinh ba anh em Nguyễn  Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ.

Hồ Sĩ Đống là con ông Hồ Sĩ Danh (1704 – 1783) đỗ Giám sinh, có 5 anh em trai: Hồ Sĩ Dược, con trưởng đỗ Tứ trường thi Hương; Hồ Sĩ Đống; Hồ Sĩ Thích, đỗ Tam trường; Hồ Sĩ Trù, sinh đồ; Hồ Sĩ Hữu, đỗ khoa Liệu sử khả, đời Gia Long, được bổ làm Tri huyện.

Chuyến đi sứ cam go

Khoa Nhâm Thìn (1772) đời vua Lê Hiển Tông, Hồ Sĩ Đống đỗ Hội nguyên. Khoa này không có Trạng nguyên, người đỗ đầu là Hoàng giáp, nên còn gọi là Song nguyên Hoàng giáp.

Tên Đống có nghĩa là đòn dông, nóc nhà, còn có nghĩa là người có tài gánh vác được việc quan trọng đất nước, bậc lương đống…

Năm Giáp Ngọ (1774), ông được bổ làm Bố chính Kinh Bắc. Không lâu sau, ông trở về Thăng Long, rồi làm án sát Hải Dương.

 Năm 1777, ông được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh, Chánh sứ là Võ Khâm Tự (1736 -1778) còn có tên Võ Trần Thiệu, Võ Trần Tự. Phó sứ thứ hai là Nguyễn Trọng Đương.

Khởi hành tháng giêng năm Mậu Tuất 1778, mùa thu tháng 8 tới Yên Kinh, và mùa Đông lên đường trở về nước. Trong lần đi sứ này, Võ Khâm Tự được mật chỉ chúa Trịnh Sâm, gọi đến dinh Trung Hòa đường dặn dò, trao quốc thư: xin vua nhà Thanh phong vương thay vua Lê, lấy lý do nhà Lê nay con cháu chẳng còn ai xứng đáng.

Võ Khâm Tự biết ý chúa Trịnh không thể từ chối được, nhưng không thể làm điều ấy. Khi đến hồ Động Đình, tháng 6 năm Mậu Tuất, Võ Khâm Tự họp mật cùng Hồ Sĩ Đống và Nguyễn Trọng Đương dặn bảo mọi công việc, ông đem chiếu chỉ chúa Trịnh Sâm ra đốt, làm tờ khải, tờ bẩm để lại và tự tử trên thuyền.

Hồ Sĩ Đống đi sứ về không nói gì với chúa Trịnh Sâm, chúa Trịnh Sâm đành im đi không hỏi đến.

Dẹp nạn kiêu binh hiệu quả, Hồ Sĩ Đống không chỉ được triều đình tín nhiệm, mà còn được quân lính nghe lời ông, nhân dân tin cậy ông.


 
Description: https://khds.1cdn.vn/2018/09/16/phu-chua-trinh-300x189.jpg
Hình minh họa.
 (Nguồn: Sưu tập)

 

Những vần thơ khi đi sứ

Trong bài Thần hồ Động Đình trong Vũ Trung tùy bút, Phạm Đình Hổ có chép bài thơ Điếu Võ Khâm Tự của Hồ Sĩ Đống.

Bài thơ như sau: Hoàng hoa lưỡng độ phú tư tuân – Uyên đức kỳ niên cánh kỷ nhân – Cộng tiễn bang giao nhàn ngọc bạch – Thùy tri tiên cốt lịch phong trần – Sinh sô lệ sái đồng chu khách – Tái bút danh qui tuẫn quốc thần – Trù tướng thái hồ thù nguyệt sắc – Dạ lai do chiếu ốc lương tần.

Dịch là: Hai độ hoàng hoa chánh sứ thần – Tuổi cao đức trọng bậc công khanh – Bang giao những tưởng như ngà ngọc – Tiên cốt nào hay gió bụi trần – Giọt lệ đồng châu dâng một lễ – Tiếng danh tài bút bậc công thần – Trăng thu thấp thoáng trên hồ rộng – Lại chiếu quê nhà bóng cố nhân.

Trên đường đi sứ Hồ Sĩ Đống có làm bài thơ Sơn Hành tức sự: Chu đạo uy trì lạc bí xâm – Đạp cùng binh dã cánh xuyên tâm – Lô kỳ kinh hiểu phong nhưng phất – Thụ sắc hòa lam nhật tận âm -Thiên địa an bài trùng hạn cách – Sơn khê bão lịch kỷ cao thâm – Cần lao tự cổ nhân thần chức – Bồng thỉ tang hồ tự túc tâm.

Dịch là: Đường dài thăm thẳm ngựa xe băng – Đi hết đồng bằng xuyên lối rừng – Sớm sáng cờ lau phơ phất gió – Chiều tà cây khí tối tăm đồng – An bài trời đất bao ngăn trở – Trải khắp non khe thẳm điệp trùng – Tự cổ cần lao là phận dưới – Chí khí tang bồng vốn tự thân.

Tại Yên Kinh trong thời gian đi sứ, Hồ Sĩ Đống có gặp gỡ các sứ thần Triều Tiên là Lý Quang, Trinh Vũ Thuần và Duẫn Phường khi chia tay ông có bài thơ tặng các sứ thần: Công đình triều bãi lộ phân thù – Dao chỉ Đông Doanh ức sứ hồ – Chí khí khả năng truy cảo đới – Thiên chương hề quản phó tương bồ – Phu nhân thử nhật xa đồng quỹ – Binh lễ tòng lai quốc hữu nho – Vạn lý tương phùng tri phủ dị – Lục niên vương hội nhất thành đồ.

Dịch là: Việc nước xong rồi hai ngã đường – Chỉ bể Đông nhìn bao vấn vương – Phận kẽ sĩ phu tròn chí khí – Trời cho duyên phận chuyện văn chương – Khoe văn điển lệ xe cùng quỹ – Giữ lễ trí tài sĩ đảm dương – Vạn dậm tương phùng nào có dễ – Sáu năm hội ngộ sứ triều vương.

Dẹp nạn kiêu binh

Sau khi đi sứ về năm 1778, Hồ Sĩ Đống được thăng Tả Thị lang bộ Hộ. tước Dao Đình hầu. Tháng 9 năm Nhâm Dần 1782 chúa Trịnh Sâm mất. Kiêu binh giết Việp Quận công Hoàng Đình Bảo, phế chúa Trịnh Cán, đưa con cả Trịnh Tông lên nối ngôi.

Trịnh Tông phong Hồ Sĩ Đống làm Bồi tụng, Hữu thị lang bộ Hộ. Hồ Sĩ Đống được cử đi phủ dụ kiêu binh có hiệu quả, quân lính nghe lời ông, nhân dân tin cậy ông.

Năm 1783, ông xin thôi chức về thọ tang cha Hồ Sĩ Danh (1706 – 1783). Tháng 10, Hồ Sĩ Đống đang có tang được triệu về kinh, đối phó tình hình, được chuyển sang quan võ, nhậm chức Đô Chỉ huy sứ, kiêm Bồi tụng phủ sự (Phó Thủ tướng) cùng Hành Tham tụng Bùi Huy Bích xử trí mọi việc có phương pháp, dần dần ổn định tình hình kiêu binh ở kinh đô.

Hồ Sĩ Đống được ban chức Tham Đốc kiêm Ngự Sử đài, Đô Ngự sử Bồi tụng tước Ban Quận công. Ông được cử đi Phú Xuân cai quản Tả Uy Cơ, Án sát Quảng Nam, Đốc thị Thuận Hóa (chức vụ Bảng nhãn Lê Quý Đôn từng phụ trách từ năm 1776, khi Hoàng Ngũ Phúc và Nguyễn Nghiễm chiếm được Thuận Hóa của chúa Nguyễn).

Tại Thuận Hóa, quan trấn thủ là tướng Phạm Ngô Cầu, phó tướng là Hoàng Đình Thể, hiệp mưu là Vũ Tá Kiên, có 3000 quân lưu đồn và 30.000 quân thay phiên đi thú.

Được cử đi kinh lí ở Quảng Nam, Hồ Sĩ  Đống rất lo lắng về địa thế ở đấy, tâu xin rút tướng Phạm Ngô Cầu về, thay tướng khác tài giỏi hơn để trấn an vùng núi. Nhưng vua, chúa không chấp thuận, nên về sau việc biến phát động cũng từ đó.

Những vần thơ đi sứ của Hồ Sĩ Đống, cùng thơ đi sứ của Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Kiều

 
Description: https://khds.1cdn.vn/2018/09/16/ho-si-dong-300x192.jpg
Hình minh họa.
 (Nguồn: Sưu tập)

 

Chúa ban bạc vì nhà thanh bạch

Hồ Sĩ Đống đổ bệnh, nhà vua, nhà chúa sai ngự y đến thăm bệnh và thuốc thang cho ông. Nhưng ngày 10 tháng 10 năm Ất Tỵ (1785) quan Hoàng giáp Hồ Sĩ Đống qua đời, hưởng dương 47 tuổi, được truy tặng Hình bộ Thượng thư.

Nhân dân, binh sĩ xa gần nghe tin, mến thương ông đều khóc. Xét thấy nhà cửa ông thanh bạch không có của cải gì, chúa ban cho 2 tấm đoạn, 13 nén bạc, truyền cho ba đạo thủy binh Sơn Nam, Thanh Hóa, Nghệ An hộ tống quan tài về an táng ở quê nhà Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Bùi Huy Bích, quan Hành tụng soạn văn tế ông.

Hồ Sĩ Đống đã để lại một số tác phẩm như Hoa trình khiển hứng (Cảm hứng tiêu khiển trên hành trình đi sứ Trung Hoa), còn có tên là Dao Đình sứ tập.

Căn cứ theo bài Tựa do tác giả viết năm Kỷ Hợi (1779), thì tập thơ có hơn trăm bài thơ chữ Hán và Dao Đình thi tập (tập thơ của Dao Đình).

Hiện trong Thư viện Khoa học xã hội Hà Nội có hai bản sách của Hồ Sĩ Đống, đó là Dao Đình sứ tập và Dao Đình thi tập. Theo Trần Văn Giáp thì Dao Đình thi tập là tập thơ chung cho tất cả các bài thơ của Hồ Sĩ Đống, còn Dao Đình sứ tập hay Hoa trình khiển hứng chỉ là tập thơ riêng làm trong dịp đi sứ năm Đinh Dậu (1777).

Ngoài ra, ông còn viết vài bài Tựa, trong đó có bài Tựa cho tập Sứ Hoa tùng vịnh của Nguyễn Tông Quai và tấu khải, cũng đều bằng chữ Hán.

Trong Lê quý dật sử của Hoàng giáp Bùi Dương Lịch, người cùng thời với Hồ Sĩ Đống, đã viết về ông như sau: “Tham đốc ban Quận công Hồ Sĩ Đống là người ôn hòa, bình dị, thi đỗ Hoàng giáp, vâng mệnh đi sứ có công. Khi Tĩnh vương (Trịnh Sâm) còn sống ông chưa được trọng dụng, nhưng lòng người đều kính phục đức vọng của ông.

Đến Đoan vương (Trịnh Khải) ông được thăng chức Hành Tham tụng (quyền Tể tướng). Đến khi ông ốm, chúa thượng sai người đến thăm hỏi, lại ban tước Ban quận công. Ông mất quân lính các đoan cơ, thuyền đội ở kinh không ai là không thương xót.”

Hồn thơ khí khái

Về thơ, Hồ Sĩ Đống được danh sĩ thời Nguyễn là Phan Huy Chú khen là “hồn hậu, phong nhã, có khí khái” và đã giới thiệu hai bài trong bộ sách Lịch triều hiến chương loại chí, đó là Đăng Nhạc Dương lâu (Lên lầu Nhạc Dương) và Đăng Hoàng Hạc lâu (Lên lầu Hoàng Hạc).

Hồ Sĩ Đống được Phạm Đình Hổ trong Vũ Trung tùy bút, kể tên cùng Nguyễn Tông Khuê, Nguyễn Huy Oánh là ba bậc thầy phục hưng thi ca.

Với quan Hoàng giáp Nguyễn Tông Khuê, Phạm Đình Hổ khen rằng thơ ông tinh vi đẹp đẽ, nhưng lại cho rằng: có phần vụn vặt quá.

Với quan Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, ông khen là thơ của bậc thanh cao, nhưng lại cho là: vẫn có ý mô phỏng (thi ca danh tiếng Trung Quốc). Nhưng với quan Hoàng giáp Hồ Sĩ Đống, ông lại khen: “Thơ Hoàn Hậu công thì chủ lấy khí phách, không làm lấy điêu khắc, vẽ vời làm khéo.”

Nhà nghiên cứu Bùi Duy Tân trong Từ điển văn học gần đây nhận xét: Hồ Sĩ Đống là người cẩn trọng, bình tĩnh, giản dị, có tài văn chương.

Sáng tác của ông thường là đề vịnh di tích, nhân vật lịch sử, đền miếu, phong cảnh… trên dọc đường đi sứ. Nhìn chung, chúng đều có những nét tươi đẹp, uyển chuyển, do khả năng đổi mới của cảm xúc và cách thể hiện độc đáo của nhà thơ.

Cùng thơ đi sứ của Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Kiều, Nguyễn Tông Quai, Lê Quý Đôn…, thơ Hồ Sĩ Đống góp phần tạo nên thể cách trầm hùng, nhuần nhã của thơ đi sứ thời Lê Trung hưng.

Nguồn: quynhdoi.gov.vn