257 lượt xem

CỤ NGUYỄN XUÂN ÔN – MỘT DANH NHÂN XỨ NGHỆ

Phong trào Cần vương vào cuối thế kỉ XIX có nhiều sĩ phu yêu nước tham gia, nhưng nổi bật hơn cả là cụ Nguyễn Xuân Ôn.

Cụ có hiệu là Ngọc Đường, còn có hai hiệu nữa là Hiên Đình, Lương Giang. Sau khi đậu tiến sĩ, nhân dân thường gọi là cụ Nghè Ôn, cụ Nghè Cồn Sắt. Cụ sinh ngày 23 tháng 3 năm Ất Dậu, đời vua Minh Mệnh thứ sáu, theo Dương lịch là ngày 10 tháng 5 năm 1825, tại làng Cồn Sắt, tên chữ là làng Quần Phương, xã Lương Điền, tổng Thái Xá, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, nay là Xóm 9, xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, mẹ mất sớm, cha có theo học chữ Hán nhưng không đậu đạt gì. Tuổi ấu thơ được bà nội nuôi nấng. Bởi thế, từ nhỏ đã thiếu thốn tình cảm và vất vả, không sớm được đến trường học hành. Tuy vậy, do sáng dạ, học đâu nhớ đó, nên chẳng bao lâu, đã nổi tiếng là người hay chữ trong vùng.

Khoa thi hương năm Quý Mão (1843), 18 tuổi, thi đậu Tú tài. Lẫn đận  trong chốn trường thi, mãi tới khoa thi năm Đinh Mão (1867), cụ mới đậu Cử nhân. Bốn năm sau, khoa thi hội năm Tân Mùi (1871), đậu Tam giáp đồng tiến sĩ. Năm đó, cụ Nghè làng Cồn Sắt đã 46 tuổi. Cùng khoa thi ấy, bạn thân của cụ là ông Lê Doãn Nhạ (1837 – 1888) đậu Phó bảng.

Sau khi đậu tiến sĩ, cụ những mong đem tài đức của mình ra thi thố với đời. Nhưng vì tính tình cương trực, chất phác, không chịu quỵ lụy, luồn lọt quan trên, nên bị kéo dài thời gian tập sự ở trường Hậu Bổ và làm hàn lâm biên tu tới 3 năm.

Năm 1874, cụ được bổ làm tri phủ phủ Quảng Ninh, thuộc tỉnh Quảng Bình, sau đó được cải bổ làm Đốc học Bình Định. Năm 1875, được triệu về triều giữ chức Ngự Sử.

Thời kỳ này, đất nước ta đang đứng trước họa ngoại xâm. Thực dân Pháp đang từng ngày từng giờ tìm đủ trăm phương ngàn kế để thôn tính toàn bộ nước ta. Lòng cụ như lửa đốt. Nhiều lần, cụ tâu dâng kế sách ngăn chặn kẻ thù lên nhà vua và quan trên với những lời lẽ cảm động và khẩn thiết: “Thần cúi xin chọn người hiền giao phó việc nặng; dung nạp dân để nuôi quân gia; yên ổn mình để dành chủ động. Đừng chỉ cậy vàng lụa mà bỏ giáp binh; đừng chỉ lo tiền bạc mà quên bảo chướng. Nhân núi sông hiểm yếu, mượn đồn điền mà sửa thành trì; xét đất đai phì nhiêu, khuyên cày cấy đê thêm tich trữ. Lệnh quân phải nghiêm túc; chính dân phải khoan hồng, làm sao cho dư sức, dư của, nhân dân vui thú sinh tồn, đồng trạch đồng cừu, quân lính cam lòng chiến đấu: chặn lấy tay  mà tóm lấy họng, thắng lợi ta đã nắm phần…”

(Tờ biểu tạ về việc cha mẹ được phong tặng – 1878).

Tiếc thay, những lời tâu bức xúc, gan ruột ấy đã bị nhà vua và triều đình chối bỏ, quở trách. Sợ để ở lâu tại kinh đô sẽ xẩy chuyện “lôi thôi” với thực dân Pháp, nhà vua lại đẩy cụ vào làm Án sát Bình Thuận, một tỉnh tiếp giáp với lục tỉnh Nam Kỳ. Tới nhiệm sở mới, cụ nhanh chóng đi xuống các địa phương nắm bắt tình hình, lo việc bố phòng rồi lại khẩn thiết tâu lên nhà vua để bề trên có quyết sách chống giặc.

Trước vận mệnh đất nước ngàn cân treo sợi tóc, nhà vua và triều đình vẫn lúng túng, không biết dựa vào quân dân để chống giặc; ngược lại còn ra lệnh cấm đoán, tìm mọi cách ngăn trở, quở trách những viên quan sốt sắng, giàu lòng yêu nước. Trong tình hình đó, cụ lại bị điều về kinh làm Biện lý Bộ Hình để dễ bề theo dõi, cai quản.

Mặc dầu phải sống trong cảnh o ép, cụ vẫn lớn tiếng phản đối sự đớn hèn của triều đình. Cuối cùng biết không thể dung nạp được một sĩ phu khảng khái giàu lòng yêu nước, nên bề trên đã cách chức và đuổi cụ về quê (1883).

Ba năm ở quê nhà (1883 – 1885), cụ dốc lòng, dốc sức gom góp nhân tài, vật lực để chờ đợi thời cơ.

Thời cơ ấy đã đến! Năm 1885, phái chủ chiến, đứng đầu là Tôn Thất Thuyết lấy danh nghĩa phò vua Hàm Nghi lên ngôi, đã phong cụ làm An Tĩnh hiệp đốc quân vũ đại thần, thống lĩnh nghĩa quân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.

Tháng 7 năm 1885, kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi xuất bôn ra Tân Sở, Quảng Trị, hạ chiếu Cần vương. Tiếp được chiếu chỉ nhà vua, Lương Giang tướng công đã triệu tập một số sĩ phu, tướng lĩnh trong vùng để hội họp, bàn bạc. Trong cuộc họp ấy có các ông Trần Quang Diễm, Đinh Nhật Tân, Lê Doãn Nhạ, Nguyễn Nguyên Thành, Đề Vinh, Đề Kiều, Đề Niên, Đề Thắng, Đề Mậu, Đốc Sây, Đốc Nhạn, Lãnh Bảng, Lãnh Ngợi, Lãnh Thứu, Lãnh Phương, Lãnh Tư,… tham dự và quyết định khởi nghĩa.

…. Sau khi làm lễ tế cờ tai làng Quần Phương, toàn bộ bộ chỉ huy và 2000 tướng sĩ đã kéo lên vùng Đồng Bản – Vũ Kỳ, miền tây huyện Yên Thành, lập căn cứ địa. Trong quá trình tồn tại, dưới sự lãnh đạo của chủ tướng Nguyễn Xuân Ôn, và các sĩ phu tướng lĩnh, nghĩa quân đã mở nhiều trận đánh lớn tại Đông Tháp, Tây Khê, Yên Lý, Thuận Nghĩa, Xã Đoài, Thừa Sủng, Đồng Mờm, Đồng Nhơm, Chợ Si, Sừng, Mõ, Xóm Hố, Cầu Đạu, Trung Phường, Đền Vin,… làm cho quân giặc chịu nhiều tổn thất.

Mặc dù tuổi cao, sinh hoạt hàng ngày gặp nhiều thiếu thốn, nhưng cụ vẫn hăng hái đi đầu trong các trận đánh. Cuộc khởi nghĩa đang trên đà tiến triển thì chẳng may cụ bị thương. Trong trận Xóm Hố (Văn Thành) cụ bị thương lần thứ hai, vết thương rất nặng, phải lui về điều trị tại xóm Đồng Nhân (nay là thôn Đồng Đức, thuộc xã Mã Thành).

Ngày 2 tháng 4 năm Đinh Hợi (25  - 7 – 1887), nhờ có bọn tay sai chỉ điểm, thực dân Pháp đã bao vây và bắt được cụ khi đang nằm điều trị. Bắt được chủ tướng, chúng giải cụ về  thành Diễn Châu, sau đó giải về Vinh, tiếp theo là đưa về kinh đô Huế.

Ở đâu, chúng cũng tìm mọi cách để dụ dỗ mua chuộc, nhưng trước sau cụ vẫn giữ trọn tấm lòng yêu dân, yêu nước. Cụ nói vơi tên công sứ Pháp: “Ông muốn ta quỳ lạy chứ gì? Chém thì chém, ta quyết không chịu nhục!”

Không khuất phục được, chúng giam lỏng cụ tại Huế.

Năm 1889, cụ Nguyễn Xuân Ôn bị ốm nặng. Phần vì tuổi cao sức yếu, phân vì không được chạy chữa thuốc thang, cụ qua đời, hưởng thọ 64 tuổi. Được tin cụ cụ mất, nhân dân Nghệ An và nhân dân cả nước vô cùng thương xót. Ngày rước linh cửu của cụ về quê, hàng vạn người đưa đón dọc đường. Nhiều câu đối gửi đến phúng viếng cụ. Xin dẫn vài câu:

Quan đại thần Cao Xuân Dục (1842 – 1923) viết:

Công thị công phi, sự đãi bách niên phương định luận.

Cầu thần cầu tử, đạo tồn nhất thất cánh nan ngôn.

Nghĩa là:

Bàn chuyện đúng sai, đợi đến trăm năm rồi sẽ rõ.

Nghĩ đạo thần tử, việc trong một nhà cũng khó nói ra.

Ngay quan Phụ chính đại thần Hoàng Cao Khải (1850 – 1933), một người đứng bên kia chiến tuyến cũng viết:

Cố quốc giang sơn quy hạc lệ

Cô thần tâm sự vịnh thiền ngâm.

Nghĩa là:

Non sông nước cũ rơi dòng lệ hạc

Tâm sự tôi cô vịnh áng thơ ve.

Còn dân gian thì đã sáng tác cả một truyện thơ dài để ca ngợi cụ như một huyền thoại, lưu truyền vĩnh hằng cùng non sông, đất nước, trong đó có đoạn:

Có người sơn nhạc giáng thần

Xa xa Hồng Lĩnh, gần gần Di Sơn.

Anh tài từ thuở thiếu niên

Sắc ban Tam giáp vang miền kinh đô.

Phong trần đã trải mấy vua

Đã hơn họ Toại, nào thua họ Quỳ

Trần lợi binh, tấu sự nghi.

Vua đà không dụng, tôi thì xin lui…

Cụ để lại Ngọc Đường thi tập (hơn 300 bài thơ) và Ngọc Đường văn tập (hơn 20 bài văn xuôi) bộc lộ tính cách, tâm tư của cụ đối với dân với nước, tinh thần quyết chiến, không đội trời chung với kẻ thù.

Tóm lại: cuộc đời làm quan không dài, trên dưới 12 năm từ 1871 đến 1883, tham gia lãnh đạo nghĩa cũng rất ngắn, 3 năm từ 1885 đến 1887, nhưng cụ đã để lại một tấm gương yêu nước vằng vặc trong lịch sử nước nhà.

Khi đang làm quan cũng như khi đã trở thành lãnh tụ nghĩa quân, dù ở đâu, cụ cũng được nhân dân và đồng liêu, đồng sự cảm mến. Ở đâu, cụ cũng làm tròn nghĩa vụ của một đấng nam nhi. Cụ hoàn toàn khác xa với bọn quan lại lúc bấy giờ. Ở nghạch văn hay nghạch võ, cụ không phải là bọn “văn quan ái tiền bất phạ tử, vũ quan phạ tử bất ái tiền” (quan văn thích tiền không sợ chết, quan võ sợ chết không thích tiền – Trích thơ Tân Khí Tật  - Trung Quốc).

Mạc Thực Thái Doãn Chất