242 lượt xem

Hoàng Cống

Chuyện về vị quân sư ít người biết của Hai Bà Trưng


Viết về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, người ta thường nhắc đến các nữ tướng kiên trung, dũng cảm mà ít nói tới các vị nam tướng, chính bởi vậy hậu thế không mấy ai biết đến vị quân sư mưu lược trong cuộc khởi nghĩa làm chấn động Hán triều vào năm Canh Tý (40) thuở xưa.
 

Description: https://mytourguide.com.vn/images/haibatrung.jpg
Hai Bà Trưng cưỡi voi xung trận (Nguồn: Sưu tập)
 


Xuất thân của vị quân sư tài trí

Cuộc khởi nghĩa do chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị phát động vào tháng giêng năm Canh Tý (năm 40) nhanh chóng giành được thắng lợi nhờ được nhân dân khắp các quận huyện trong cả nước nhất tề nổi dậy hưởng ứng tạo thành một sức mạnh không gì ngăn cản được.

Giặc Hán hoảng sợ chống cự yếu ớt, kẻ bị giết, kẻ ra hàng; tên thái thú Tô Định kinh hoàng phải quăng ấn tín, cởi áo, lột mũ, cạo râu, gọt tóc trà trộn vào đám tàn quân vượt rừng, trèo núi chạy về phương bắc.

Đánh giá về thắng lợi này, các sử gia đời sau đều dành những dòng chữ đầy hứng khởi, tự hào. Sử gia Lê Văn Hưu (1230-1322) viết trong sách Đại Việt sử ký: “Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố và 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, đủ biết tình thế nước Việt ta có thể dựng được cơ nghiệp bá vương”.

Còn trong Việt giám thông khảo tổng luận, của Tiến sĩ nhà Lê sơ là Lê Tung có viết: “Trưng Vương là dòng dõi Hùng Vương, chị em đều có tiếng dũng lược; căm giận chính lệnh hà ngược của Tô Định, hăng hái đem người các bộ nổi quân hùng mạnh, lừng lẫy uy danh, quận huyện hưởng ứng cho nên lấy được 65 thành ở Lĩnh Ngoại, thu lại hết đất cũ Nam Việt, cũng là bậc hào kiệt trong nữ lưu”…

Cuộc khởi nghĩa năm Canh Tý (40) thắng lợi do nhiều yếu tố, có đóng góp của nhân dân, của những con người yêu nước đem sức lực, xương máu, của cải, tài trí của mình ra vì nghĩa lớn; trong số đó có Cống Sơn – mưu sĩ của Hai Bà Trưng.

Theo ngọc phả đình Bạch Trữ (nay thuộc xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, Hà Nội) thì Cống Sơn tên thật là Hoàng Cống, quê ở động Hoa Lư, phủ Trường Yên thuộc châu Ái ( (nay thuộc Hoa Lư, Ninh Bình), xuất thân trong gia đình nhiều đời làm nghề thuốc, cha là Hoàng Công Tạo, mẹ là Đinh Thị Điền. Vợ chồng ông Hoàng Công Tạo chỉ sinh được một người con là Hoàng Cống vào ngày mồng 10 tháng Giêng năm Qúy Hợi (năm thứ 3 SCN). Từ nhỏ Hoàng Cống đã nổi tiếng mưu trí, lớn lên văn võ toàn tài. 
Năm Hoàng Cống tròn 22 tuổi, cha mẹ nối nhau qua đời. Ông Đinh Đạm đang giữ chức trưởng bộ ở bộ Vũ Ninh (nay thuộc Bắc Ninh), là cậu ruột của Hoàng Cống cho người gọi cháu ra Bắc để có thêm trợ thủ trong mưu đồ việc lớn. 


Nhưng việc chuẩn bị khởi nghĩa của ông Đinh Đạm bị bại lộ, Thái thú Tô Định cho quân đến đàn áp, bắt giết; Hoàng Cống phải bỏ trốn trở về Hoa Lư làm nghề dạy học, lấy trường làm nơi bí mật gặp gỡ các nghĩa sĩ đồng chí hướng để mưu tính kế sách chống giặc, chờ ngày nổi dậy. 

Khi kêu gọi, vận động chuẩn bị lực lượng đứng lên lật đổ ách đô hộ của ngoại bang, nghe nói ở Hoa Lư có Hoàng Cống là người đức độ, có tiếng tăm lại đa mưu túc trí, Trưng Trắc đã cử em gái là Trưng Nhị thân đến mời ra phù giúp. Gặp những người đồng chí hướng, Hoàng Cống nhận lời ngay, được Trưng Trắc giao đảm trách việc “thao luyện binh mã, huấn diễn binh thư”.

Không chỉ là một vị tướng, Hoàng Cống đã góp bàn nhiều mưu lược, kế sách, được Trưng Trắc khen ngợi phong làm quân sư.
 

 
Bàn kế sách dấy cờ khởi nghĩa (Tranh minh họa )



Sống anh hùng, chết vẻ vang, muôn đời ơn nhớ

Ngày 6 tháng giêng năm Canh Tý (năm 40) Trưng Trắc cho hội quân ở bãi Trường Sa bên cửa sông Hát làm lễ tế cờ:
 

Một xin rửa sạch quốc thù,
Hai xin nối lại nghiệp xưa họ Hùng.
Ba kẻo oan ức lòng chồng,
Bốn xin vẹn vận sở công lênh này.

(Trích Thiên Nam ngữ lục diễn ca)


Bà Trưng Trắc bước lên đàn làm lễ tế cáo trời đất, xin tổ tiên và chư vị thần linh phù hộ: “Xét như nước ta, từ thuở trước đều có các bậc anh minh đời đời sáng nghiệp, là đất nước nhân nghĩa, có giáo hóa nên dân chúng yên ổn, vui đời làm lụng chuyên cần, chẳng biết đến binh đao.

Nay Tô Định là loài dê chó, hống hách lộng quyền, tàn bạo, ức hiếp, ngược đãi dân ta khiến đất trời, thần linh, người người đều căm giận. Con là cháu xa Hùng Vương, nhắc đến cảnh dân tình là sa nước mắt; hôm nay, đau lòng vì nước, dựng nghĩa trừ kẻ hung tàn, bạo ngược, cúi xin chư vị thần linh về đàn tế chứng giám cho.

Con nguyện dấy binh dẹp giặc cứu nước, cứu dân thoát khỏi vòng nước lửa, lầm than; không phụ lòng của trời cao, không phụ vẻ linh thiêng của tông miếu. Xin các vị tiên tổ anh linh hô mây, gọi gió, dồn âm binh hàng ngàn hàng vạn đội phù giúp đánh giặc”.

Sau đó bà Trưng Trắc phát lệnh dấy binh khởi nghĩa, truyền hịch kêu gọi các quận huyện cùng nổi dậy đánh đuổi quân xâm lược, giành lại độc lập cho đất nước. Bài hịch viết rằng: “Kẻ đại gian ác từ lâu vốn lòng độc địa. Người có đức có nhân thường vẫn nuôi chí tiễu trừ. Mảnh hịch tre ruổi ngựa từ đêm, ba quân chấn động.

Nước ta dựng nền thực từ thuở vua Hùng vỗ trị, khi ấy quan dân vui vẻ, mọi người êm ấm nhàn hạ, mưa thuận gió hòa, một thân lúa thẩy đều hai bông. Đời đời nối tiếp, ngàn thu lưu truyền. Đến đời An Dương Vương, qua đời Triệu Vũ Đế, chẳng may đức suy, gặp phải tai ách. Bọn Hi Tải, Chu Chương, Ngụy Lang thay nhau làm quận thú.

Đám Đặng Nhượng, Tích Quang, Đỗ Mục nối tiếp làm châu mục. Dẫu tham lam, liêm khiết không giống nhau, nhưng chưa từng có kẻ nào bạo ngược, hà khắc quá lắm. Tới nay yêu nghiệt họ Tô tham tàn ngang ngược, giết hại sinh linh, coi sừng tê, ngà voi làm quý. Khinh miệt hiền tài, lấy giống chó loài ngựa làm trọng.

Khai mỏ vàng, khiến dân rét thấu xương, mặt vàng, da nứt. Mò ngọc châu, để người lặn vực thẳm, mò ngọc trong mồm rồng ngậm, trăm kẻ đi, một người về. Thuế má nặng nề phải nghiêng bồ vét bịch. Hình pháp phiền phức liên lụy từng nhà, từng xóm. Dân không sống được yên, vật phải dời chỗ ở!

Ta vốn dòng dõi hoàng tộc, con cháu Hùng tướng, vì nghĩa trừ hại. Bọn các ngươi đều có trí khôn, lại cùng tiên tổ, thù nước phải báo. Hãy kề vai sát cánh mà giương cây cung mạnh, quét sạch bọn ngoại bang, lấy hết nước sông Thiên Hà mà rửa binh khí. Cơ nghiệp hùng vĩ do đó mà được tái tạo, nhân dân ly tán được yên vui.

Bảo vệ xã tắc, gối đầu trên giáo mác, chính là lúc này đây. Hãy lập công danh để ghi vào sử sách, như thế chẳng tốt đẹp hay sao? Thảng hoặc kẻ nào còn hồ nghi, do dự thì xem hịch này sẽ được sáng tỏ. Các ngươi cần phải cố gắng lên!” (Theo Thiên Nam vân lục). Tương truyền người soạn bài hịch này chính là Hoàng Cống. 

Từ Mê Linh, nghĩa quân chia thành các đội tiến đánh hàng loạt thành lũy, đồn trại của giặc; sử chép: “Các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng, lấy được 65 thành ở Lĩnh Nam” (Đại Việt sử ký toàn thư). 
Sau thắng lợi, bà Trưng Trắc lên ngôi vua (Trưng Vương), phong tước, ban thưởng cho những người có công; Hoàng Cống được phong làm Hùng tướng công, được ban đất làm thực ấp ở Thủy Trung châu (còn gọi là Kẻ Bạch, sau gọi là Bạch Trữ) thuộc huyện Chu Diên, lại cho đón gia quyến của ông về đây lập nghiệp; dân làng Bạch Trữ cũng được chuẩn miễn thuế khóa, phu dịch.

 


Đình làng Bạch Trữ (Hình minh họa)


Năm Nhâm Dần (42), sau thời gian chuẩn bị lực lượng, vua Hán sai Mã Viện làm tướng dẫn quân sang đánh báo thù, mục đích tái lập ách đô hộ của chúng. Nhiều trận giao tranh ác liệt đã xảy ra, nhưng thế giặc mạnh, chúng vẫn tiến sâu vào nước ta, một trong những trận đánh lớn xảy ra ở Lãng Bạc (nay thuộc huyện Tiên Du, Bắc Ninh).

Hoàng Cống thấy tình thế bất lợi đã dẫn đội quân của mình đánh thẳng, thọc sâu vào doanh trại giặc khiến chúng bất ngờ, lúng túng đối phó, nhờ đó Trưng Vương có thời gian rút đại quân về xây dựng phòng tuyến ở Cấm Khê.

Tiếp sau đó là trận đánh ở Cấm Khê, quân ta thất bại, Hai Bà Trưng và nhiều tướng lĩnh hy sinh tại đây; còn Hoàng Cống từ trận Lãng Bạc, ông đem lực lượng còn lại rút về đất phong của mình ở Bạch Trữ (nay thuộc xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, Hà Nội) tiếp tục chiến đấu chống giặc.

Tương quan lực lượng quá chênh lệch nên trong một trận huyết chiến, Hoàng Cống cùng một số tướng sĩ của mình đã tử trận, theo truyền tụng dân gian thì đó là ngày 11 tháng Chạp năm Qúy Mão (43), có thuyết nói là năm (47). Đến tận ngày nay, hàng năm vào ngày này, người dân làng Bạch Trữ lại tổ chức lễ hội kỷ niệm ngày giỗ trận tại bãi Đồng Số, xưa là nơi Hoàng Cống luyện quân và cũng là nơi diễn ra trận chiến đấu cuối cùng của ông. 

Nhớ ơn vị tướng tài, người quân sư mưu lược có nhiều đóng góp vào sự nghiệp đánh giặc cứu nước, người dân Bạch Trữ đã lập đền thờ Hoàng Cống. Đến giai đoạn độc lập, tự chủ lâu dài, khi mà tín ngưỡng thờ Thành hoàng phát triển và phổ biến rộng rãi đến các làng quê, người dân đã tôn Hoàng Cống là Thành hoàng làng; các triều đại có sắc phong Hoàng Cống là Phúc thần, quân sư Cống Sơn đại vương...

Nguồn: baophatluat.vn