307 lượt xem

Trần Cao Vân

Trần Cao Vân 
 

Trần Cao Vân sinh năm Bính Dần (1866) tại làng Tư Phú, tổng Đa Hòa (nay là xã Điện Quang, Điện Bàn), trên mảnh đất quê hương giàu truyền thống văn hiến và truyền thống đấu tranh yêu nước cách mạng. Và dường như từ rất sớm, truyền thống quê hương và gia đình đã thấm đẫm vào tâm tính, cốt cách con người ông.  
Với tư chất thông minh, từ nhỏ ông đã sớm bộc lộ văn tài qua cách ứng đối nhiều tình huống ngay trong lớp học. Năm 17 tuổi (1882), xét khả năng học vấn có thể đổ đạt, ông dự định ra Huế dự thi khoa Nhâm Ngọ, nhưng chẳng may bị bệnh nặng, không thể lên kinh ứng thí.
Bước vào tuổi thanh niên, như bao người con ưu thời mẫn thế khác của xứ Quảng, lại chứng kiến cái chết kiêu hùng của bậc tiền bối Hoàng Diệu, Trần Cao Vân quyết tâm rời bỏ quê hương, rời bỏ mộng khoa cử để dấn thân vào con đường cứu nước.
Năm 1887, sau thất bại của Nghĩa hội Quảng Nam với kết thúc đầy tính chất bi tráng của hai lãnh tụ Nguyễn Duy Hiệu và Phan Bá Phiến, ông tìm cách ẩn mình, vào tu ở chùa Cổ Lâm (làng An Định, nay là xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc) để dễ bề hoạt động. Tại đây, ông đã gặp được một người tâm huyết cùng chí hướng là Thừa Tô (Võ Thạch) – con trai của cai Tổng Trưng ở làng Đại Giang, vốn là bạn học ở trường Huấn với Trần Cao Vân. Năm Tân Mão (1891), chùa Cổ Lâm bị khám xét. Thấy tình thế không thể ẩn mình trong chiếc áo tu hành, ông về làng Đại Giang mở trường dạy học. Cũng năm ấy, do yêu mến nhân cách và học thức của bạn nên ông Thừa Tô đã vun vén để Trần Cao Vân cùng với em gái mình là Võ Thị Quyên thành vợ thành chồng.

Nguồn: Sưu tầm

Thời kỳ này, thực dân Pháp đã chiếm gần hết cả đất nước và đặt ách đô hộ lên nhân dân ta. Trước tình cảnh nguy nan của đất nước, năm 1892, Trần Cao Vân giã từ quê hương để vào Bình Định, Phú Yên gặp Võ Trứ, cùng nhau lãnh đạo cuộc chống Pháp ở Phú Yên. Cuộc khởi nghĩa do Võ Trứ lãnh đạo thất bại, Võ Trứ và Trần Cao Vân đều bị giặc Pháp bắt giam ở nhà tù Phú Yên. Võ Trứ – người thủ lĩnh khôn ngoan và dũng cảm, nhận hết trách nhiệm về mình. Nhờ vậy, Trần Cao Vân được Pháp thả. Ra khỏi tù, năm 1900, Trần Cao Vân nghiên cứu, khởi xướng thuyết “Trung Thiên Dịch”. Một học thuyết nằm giữa “Tiên Thiên Dịch” của Phục Hy và “Hậu Thiên Dịch” của Văn Vương thời cổ đại Trung Quốc.
Sau khi cuộc khởi nghĩa của Võ Trứ bị thất bại, Trần Cao Vân vẫn tiếp tục bị bệnh trầm trọng. Ông được đệ tử chuyển lên trú tại động Bà Thiêng. Trong lúc Trần Cao Vân bị bệnh tình nguy kịch, vợ ông – bà võ Thị Quyên – đã gửi hai con trẻ – một lên 5 tuổi, một vừa thôi nôi – nhờ người thân thiết chăm nom để lên núi chăm sóc chồng. Bà đã vượt qua muôn ngàn thử thách, lặn lội vào các buôn làng người dân tộc, xin thuốc để chữa bệnh cho nhà chí sĩ cách mệnh.
Sau khi bệnh tật thuyên giảm, cụ tiếp tục dạy học trò và bắt đầu phổ biến thuyết “Trung thiên dịch”. Ông bị bắt và bị kết tội đã phổ biến “yêu thơ, yêu ngôn”, “xúi giục dân làm loạn”, và bị kết án 3 năm khổ sai.
Ngồi tù một năm tại Bình Định, Trần Cao Vân bị di lý về giam tại Quảng Nam thêm hai năm nữa. Sau khi mãn hạn tù, Trần Cao Vân trở về nhà tiếp tục liên hệ với những người cùng chí hướng. Vào lúc
phong trào chống thuế năm 1908 bùng nổ ở Quảng Nam rồi lan rộng ra nhiều tỉnh, chính quyền thực dân phong kiến bắt các nhà yêu nước trong phong trào Duy Tân Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyện, Lê Bá Trinh, Châu Thượng Văn… Chúng bắt cả Trần Cao Vân. Trần Cao Vân bị kết án chung thân khổ sai đày đi Côn Đảo vào ngày 8 tháng 8 năm Mậu Thân (1908) cùng với các chí sĩ yêu nước khác của đất Quảng.
Nhờ có sự vận động của môn đồ và một số người có cảm tình với Trần Cao Vân ở triều đình Huế nên cụ chỉ bị giam ở Côn Đảo 6 năm rồi được ân xá. Tháng Chạp năm Giáp Dần (1-1914) cụ về đến Hội An. Ngày 30/1 Âm lịch năm Ất Mão (1915) thân sinh ông từ trần. Thu xếp việc nhà xong, người con trung hiếu lại tiếp tục lên đường dấn thân vào sự nghiệp cách mạng và đã liên hệ với những người cùng chí hướng tham gia Việt Nam Quang Phục Hội do Phan Bội Châu lãnh đạo. Trong tổ chức Việt Nam Quang Phục Hội, Trần Cao Vân cùng với Thái Phiên được giao nhiệm vụ bí mật xin hội kiến vua Duy Tân, nhằm vận động vua tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống Pháp. Vua Duy Tân đồng ý tham gia cuộc khởi nghĩa. Theo kế hoạch, cuộc khởi nghĩa sẽ được tiến hành vào lúc 1 giờ sáng ngày 3 tháng 5 năm 1916.
Trần Cao Vân và Thái Phiên được giao chỉ huy khởi nghĩa ở Huế. Nhưng đáng tiếc, cuộc khởi nghĩa đã bị bại lộ từ trước giờ khởi sự. Trần Cao Vân, Thái Phiên và vua Duy Tân cùng những người đồng chí hướng đều bị Pháp bắt. Nhằm bảo vệ tính mạng cho vua Duy Tân, Thái Phiên và Trần Cao Vân nhận lãnh hết trách nhiệm về mình.
Ngày 16 – 4 năm Bính Thìn (tức 17 – 5 – 1916), Cổng Chém An Hòa tại Huế đã ghi nhận khí phách anh hùng vì nước của Thái Phiên và Trần Cao Vân, cùng với hai đồng chí của ông là Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu.
Sau khi bị chém ở bãi An Hòa (Huế), xác của Trần Cao Vân và Thái Phiên bị vùi ngay ở tại nơi bị chém và kẻ địch canh gác rất cẩn mật. Nhưng rồi đến năm 1925, bà Trương Thị Dương, người Quảng Trị – đồng chí cùng hoạt động với Thái Phiên và Trần Cao Vân đã bí mật tìm cách đưa thi hài của hai nhà chí sĩ vào chôn ở vùng mộ tháp của Hòa thượng Kiết Sao thành hai mộ riêng. Khi biết tin thực dân Pháp dò la, bà Trương Thị Dương lại vào Huế đào hai ngôi mộ lên, lấp đất lại như còn nguyên hai mộ cũ, đua hai tiểu sành sang hai bên kia đường, chôn chung hai nhà cách mạng vào một huyệt. Khi Pháp đã rút khỏi Việt Nam, bà Trương Thị Dương cho dựng bia và nói rõ cho con cháu biết.Ngày 14/7/1990, nước ta có quyết định về giá trị lịch sử của hai ngôi mộ này. Tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng cùng Thừa Thiên – Huế đã tu bổ, tôn tạo ngôi mộ đúng với giá trị lịch sử đã được xếp hạng. Mộ chung Trần Cao Vân và Thái Phiên hiện tọa lạc tại đồi thông Từ Hiếu (Huế), trước chùa Thiên Hỉ.
Cuộc đời và sự nghiệp của Cụ là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước; công lao của Cụ đáng được ghi vào sử sách, là niềm tự hào của dân tộc về một bậc tiền nhân đã từng làm rạng rỡ cho non sông đất nước.


Khí tiết Trần Cao Vân


Cuộc khởi nghĩa Mậu Tý ở Phú Yên thất bại, cụ Võ Trứ bị tử hình, nhiều nghĩa sĩ, thầy chùa ở Bình Định, Phú Yên bị giam cầm, cụ Trần Cao Vân cũng bị hạ gục, tra khảo dã man suốt 11 tháng. Cuối cùng không có chứng cứ, vì cụ Võ Trứ đã khẳng khái nhận tất cả về mình buộc bọn cầm quyền phải thả cụ. Năm 1900, do ảnh hưởng của Trung thiên đạo - Trung thiên dịch, quan bố chính Bùi Xuân Huyến đang trấn nhậm Phú Yên một lần nữa ra lệnh tống giam Trần Cao Vân về tội mê hoặc, dùng “yêu thơ, yêu ngôn” xúi dân làm phiến loạn, tuyên án tử hình. Bản án tư bẩm về triều đình Huế phê chuẩn. Riêng cụ bà và Nguyễn Nhuận (người vào sinh ra tử với ông bà Trần Cao Vân) bị bắt giam ở ngục Bình Định. Lúc bấy giờ, trong triều có nhiều quan đại thần, quan văn - võ nể phục nhân cách của cụ Trần Cao Vân nên xin giảm án còn 3 năm, cụ bà và Nguyễn Nhuận là 2 năm.
Năm 1908, tại Quảng Nam xảy ra vụ kháng thuế dữ dội ở Đại Lộc, hàng ngàn người kéo đến công sứ Quảng Nam, Hội An đòi xin xâu, giảm thuế. Ngọn lửa đấu tranh bùng lên toàn tỉnh, biến thành cao trào lan rộng đến Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An... Kết quả là ngoài cụ Trần Cao Vân còn có các chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Phan Thúc Duyện, Nguyễn Thành (Tiểu La), Châu Thơ Đồng (Châu Thượng Văn), Lê Bá Trinh, Trương Bá Huy và nhiều nhân sĩ khác bị Pháp tống giam vào nhà lao Hội An. Đau đớn, uất hận nhất là án tử hình dành cho cụ Trần Quý Cáp và Châu Thơ Đồng. Năm Kỷ Dậu (1909), cụ Trần Cao Vân bị đày ra Côn Đảo với án khổ sai chung thân.

Nguồn: Sưu tầm

Tháng 1-1914, Trần Cao Vân và Trương Bá Huy được ân xá. Đoàn tụ gia đình mới 1 năm thì thân phụ của Trần Cao Vân qua đời, thêm một nỗi đau xé lòng. Cuối năm 1915, Thái Phiên mời Trần Cao Vân, Phan Thành Tài, Đỗ Tự (Quảng Nam), Lê Ngung, Nguyễn Mậu, Lê Triết (Quảng Ngãi), Nguyễn Chính (Quảng Bình)... tham gia Việt Nam Quang Phục hội. Trần Cao Vân và Thái Phiên được ủy thác việc tiếp xúc với vua Duy Tân. Trần Cao Vân đã thảo một bức thư gửi vua Duy Tân, khơi gợi nỗi nhục mất nước, hài tội chính quyền bảo hộ và bọn chuyên quyền khuynh đảo hoàng tộc khiến vua Thành Thái bị thực dân Pháp bắt đi đày, mộ vua Tự Đức bị đào xới, vua Dục Đức, Hiệp Hòa bị truất ngôi và bị bức tử để kích thích lòng yêu nước của nhà vua. Đọc xong thư, vua Duy Tân tức tốc cho vời Trần Cao Vân và hẹn giờ, địa điểm gặp. Cuộc hội kiến diễn ra ở Hậu hồ (có sách ghi là hồ Tĩnh Tâm), được sự đồng tình, nhiệt liệt tán thưởng của nhà vua đối với kế sách cách mạng 1916. Trần Cao Vân và Thái Phiên còn được Đại tá Pháp Harmandes, chỉ huy đồn Mang Cá làm nội ứng.

Do nóng lòng khởi nghĩa, vua Duy Tân ấn định đêm 3-5-1916 sẽ tổng nổi dậy. Lập tức, một đại hội toàn kỳ của Quang Phục hội diễn ra ở kinh đô Phú Xuân (Huế) để kiểm tra lực lượng, công bố kế hoạch khởi nghĩa. Thế nhưng tên tay sai thông phán Trần Quang Trứ (thường gọi là Phán Trứ) mật báo với tòa khâm sứ Pháp, cuộc khởi nghĩa thất bại. Vua Duy Tân bị cầm giữ ở đồn Mang Cá; Trần Cao Vân, Thái Phiên, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu bị tống giam ở nhà lao Huế; Đại tá Harmandes bị thảm sát. Ở Quảng Nam, cụ Phan Thành Tài bị tử hình. Cụ Lê Đình Dương, Lê Cơ, Trương Bá Huy, Đỗ Tự, Trần Chung... bị đày ra Côn Đảo, Thái Nguyên. Còn ở Quảng Ngãi, vì sự thất bại của binh sĩ Đỗ An, Đỗ Huệ khiến hơn 200 nghĩa sĩ bị kết án khổ sai, cụ Tú Ngung, Cử Thụy tự sát. Riêng cụ Tú Ngung sau khi tự sát còn bị quân Pháp xử hành hình, bêu đầu ở Cam Lộ.
Mùa hè năm 1917, vua Duy Tân bị đày sang đảo Réunion ở châu Phi, Trần Cao Vân, Thái Phiên, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu bị xử chém ở An Hòa, gần Huế (ngày 16 tháng 4 năm Bính Thìn). Trần Cao Vân nhận cái chết bất tử ở tuổi 51 - một tấm gương yêu nước thương nòi, kiên trung cho mọi thế hệ con cháu mai sau. Trước giờ ra pháp trường, Trần Cao Vân còn sang sảng đọc bài thơ thất ngôn bát cú ở nhà lao Huế.

Lời bàn:

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng viết về chí sĩ Trần Cao Vân như sau: Cuộc đời Trần Cao Vân là một trái tim yêu nước đến vỡ máu cho tới khi giập nát, đối diện với một chuỗi dài những gian khổ và tù đày nhưng lòng yêu nước trong cụ vẫn không hề lung lay. 20 tuổi từ biệt gia hương để tìm đường cứu nước. 26 tuổi vào Bình Định chuẩn bị căn cứ chống Pháp. 32 tuổi ở tù ngục Phú Yên vì tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa “Giặc rựa”; 34 tuổi vào ngục Bình Định và Quảng Nam vì tư tưởng “Trung thiên dịch”. 42 tuổi ở tù Côn Đảo vì phong trào chống thuế. 50 tuổi hy sinh ở bãi chém An Hòa, sau thất bại của cuộc khởi nghĩa Duy Tân.
Theo nội dung của giai thoại đã nêu, hậu thế thấy rõ, suốt cuộc đời của cụ Trần Cao Vân gian nan vì vận nước, lo đem sức mình góp phần cứu nguy cho đất nước, phải nhiều lần vào tù, ra khám. Và cuối cùng cụ anh dũng nhận cái chết để đền nợ nước. Cuộc đời và sự nghiệp của cụ là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, là niềm tự hào của dân tộc về một bậc tiền nhân từng làm rạng rỡ non sông đất Việt. Không những thế, tuyên ngôn về chủ nghĩa yêu nước thời đó đã được cụ Trần Cao Vân đúc kết: “Đất sinh người tài giỏi, có quyền đuổi giặc thương dân”. Khí tiết anh dũng, ý chí cách mạng kiên định cùng tư tưởng ấy của cụ đã, đang và mãi mãi được hậu thế tôn vinh, noi theo.     

Mở Rộng:


Cuộc đời hành động lẫm liệt của chí sĩ Trần Cao Vân (1866-1916) gắn liền với 2 ngôi chùa.

Nguồn: Sưu tầm

Khi đám tang Hoàng Diệu được đưa từ thành Hà Nội về Gò Nổi, thì Trần Cao Vân khi đó đang là thư sinh 17 tuổi cũng đến viếng. Nhà yêu nước Trần Cao Vân quê làng Tư Phú, tổng Đa Hòa (nay là xã Điện Thọ, H.Điện Bàn, Quảng Nam). Cuộc đời cụ là một chuỗi dài hành động: bị bắt giam ở các ngục Phú Yên, Bình Định do dính dáng đến cuộc khởi nghĩa của Võ Trứ và “vụ án Trung thiên dịch”, bị đày ra Côn Đảo, cùng các đồng chí lập ra “Việt Nam Quang phục hội”, liên lạc với vua Duy Tân để khởi nghĩa năm 1916… Cơ mưu bại lộ, chí sĩ Trần Cao Vân - cố vấn trong chính phủ lâm thời - bị bắt cùng với Phan Thành Tài (thống lĩnh quân đội toàn quyền, giữ ấn Kinh lược Nam Ngãi), Lê Đình Dương (Bộ trưởng ngoại giao, giữ ấn Tổng trấn Nam Ngãi), Thái Phiên (Tổng trấn Kinh thành Huế)… Do hai cụ Trần Cao Vân và Thái Phiên nhận hết trách nhiệm về mình, nên vị vua trẻ yêu nước Duy Tân thoát chết. Khi lên đoạn đầu đài, cụ Trần đã ung dung đọc 4 câu thơ: 

"Trời chung không đội với thù Tây
Quyết trả ơn vua nợ nước này
 Một mối ba giềng xin giữ chặt
Thân dù thác xuống rạng đài mây".

Người giữ mộ

Nhưng câu chuyện về chí sĩ Trần Cao Vân không chỉ dừng ở tuổi 50 nơi bãi chém An Hòa phía bắc kinh thành Huế. Nhiều tư liệu chép rằng, sau khi chém, thực dân Pháp và triều đình Huế vùi lấp thi thể cụ Trần Cao Vân và Thái Phiên, Nguyễn Quang Siêu, Tôn Thất Đề; đồng thời sai lính canh gác cẩn mật. Năm 1922, con trai cụ Trần xin cải táng nhưng không được. Ba năm sau, một nữ đồng chí tên Trương Thị Dương (làng Tân Điền, H.Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) lén thuê người dời mộ cụ Trần. Khoảng 3 giờ sáng một ngày đầu tháng 5.1925, nhóm của bà Dương thuê đã dời mộ cụ Trần Cao Vân và Thái Phiên, đặt hài cốt vào chiếc thúng rồi gánh đi (riêng hài cốt cụ Nguyễn Quang Siêu, Tôn Thất Đề cũng đã được người khác chuyển đi mai táng trước đó). Cho mãi đến năm 1956, bà vẫn thường vào Huế thăm mộ. Trước khi mất (năm 1957), bà đã kịp tiết lộ bí mật này cho con cháu, dựng bia nhỏ. Mãi đến tháng 7.1992, tại khu di tích Đồi thông chùa Từ Hiếu (xã Thủy Xuân, TP.Huế), lăng mộ hai cụ chính thức được tu bổ, tôn tạo khang trang. Trên ngôi mộ khắc chữ “Trần Cao quý công, Thái Duy quý công”, chính là những chữ mà cụ bà Trương Thị Dương từng viết lên tấm bia nhỏ từ hàng chục năm trước…

Nơi ra đời “Trung thiên dịch”

Có một ngôi chùa khác ở Quảng Nam cũng in dấu trong cuộc đời chí sĩ Trần Cao Vân. Nằm trên ngọn đồi phía bắc làng Hà Nha (xã Đại Đồng, H.Đại Lộc), chùa Cổ Lâm được người xưa truyền kể là do Minh Hải thiền sư, một nhà sư Trung Quốc xây dựng từ thế kỷ 18 làm nơi trụ trì, thuyết giảng đạo pháp Phật học. Chùa được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh tháng 8.1997. Bia dựng trước chùa ghi rõ: Từ năm 1888 đến năm 1891, chí sĩ yêu nước Trần Cao Vân mượn hình thức một nhà sư để che mắt kẻ thù đã đến đây hoạt động. Ông chuyên tâm khảo cứu “Trung thiên dịch” và quy tụ nhiều nhà yêu nước trong và ngoài tỉnh để mưu cầu việc giải phóng dân tộc.  Đến năm 1891, chùa Cổ Lâm bị thực dân Pháp khám xét, lùng sục. Chí sĩ Trần Cao Vân được các đồng chí của mình bảo vệ và bí mật đưa đi nơi khác để tránh tai mắt kẻ thù… Giai đoạn này cũng được ghi trong cuốn “Quảng Nam, đất nước và nhân vật” (Nguyễn Q.Thắng, NXB Văn hóa, 1996) nhưng có khác biệt chút ít về thời gian. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Q.Thắng, năm 1886 Trần Cao Vân vào tu tại chùa Cổ Lâm rồi ra mở trường dạy học nhằm chiêu tập chiến sĩ. Năm 1892, cụ Trần từ giã Quảng Nam vào hoạt động ở Bình Định, Phú Yên. (sđd, trang 358).
Dù chỉ là giai đoạn ngắn trong một đời hành động xuyên suốt, nhưng ngôi chùa Cổ Lâm cùng với sáng thuyết “Trung thiên dịch” là điểm dừng thú vị để hậu thế nhìn nhận cụ Trần Cao Vân không chỉ là chí sĩ, nhà tổ chức cách mạng mà còn là nhà nghiên cứu, dịch thuật. “Trung thiên dịch”, theo nhiều nhà nghiên cứu, là do cụ Trần Cao Vân phối hợp dịch “Tiên thiên” của Phục Hy và “Hậu thiên” của Văn Vương, tiếc rằng bản thảo này đã thất lạc sau vụ án “yêu thơ yêu ngôn”. Nhưng cụ Trần vẫn kịp để lại một thi phẩm triết học lộ tỏ chí khí và thế giới quan qua bài “Vịnh Tam tài”, được cho là sáng tác tại nhà ngục Huế trước ngày ra pháp trường. Bài thơ độc đáo ở chỗ câu nào cũng có trời - đất - ta (thiên, địa, nhân):

"Trời đất sinh ta có ý không
Chưa sinh trời đất có ta trong
Ta cùng trời đất ba ngôi sánh
Trời đất in ta một chữ đồng
Đất nứt ta ra trời chuyển động
Ta thay trời mở đất mênh mông
Trời che đất chở ta thong thả
Trời đất ta đây đủ hóa công".

Như tấm bia trước chùa Cổ Lâm ghi rõ, “ngoài không gian tĩnh mịch, êm đềm, chùa Cổ Lâm còn là nơi có phong cảnh đẹp, phù hợp làm nơi ẩn dật của khách ưu thời, mẫn thế”. Thú vị thay, trong con người hành động của chí sĩ Trần Cao Vân, lại có thời điểm ẩn dật nơi chùa ở quê và được chôn giấu thi thể trong một ngôi chùa cổ khác.

Nguồn: thanhnien.vn