752 lượt xem

Thuyết minh CITY tour Huế

City tour Tp Huế

Thuyết Minh tuyến điểm : 

KINH THÀNH HUẾ:

-Kinh Thành Huế là tòa thành ở cố đô Huế, nơi đóng đô của vương triều nhà Nguyễn trong suốt 140 năm từ 1805 đến 1945. Hiện nay Kinh thành Huế là một trong số các di tích thuộc cụm Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới.

-Kinh thành Huế được vua Gia Long tiến hành khảo sát từ năm 1803, khởi công xây dựng từ 1805 và hoàn chỉnh vào năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng. Hiện nay, Kinh thành Huế có vị trí trong bản đồ Huế như sau: phía nam giáp đườngTrần Hưng Đạo và, Lê Duẩn; phía tây giáp đường Lê Duẩn; phía bắc giáp đường Tăng Bạt Hổ; phía đông giáp đường Phan Đăng Lưu.

-Bên trong kinh thành, được giới hạn theo bản đồ thuộc các đường như sau: phía nam là đường Ông Ích Khiêm; phía tây là đường Tôn Thất Thiệp; phía bắc là đường Lương Ngọc Quyến và phía đông là đường Xuân 68.

-Từ thời các chúa Nguyễn, Huế đã từng được chọn làm thủ phủ xứĐàng Trong: năm 1635-1687 Nguyễn Phúc Lan, Nguyễn Phúc Tầndựng phủ ở Kim Long; đến thời Nguyễn Phúc Thái, Nguyễn Phúc Khoát đã dời phủ về Phú Xuân trong những năm 1687-1712; 1739-1774. Đến thời Tây Sơn, Huế vẫn được vua Quang Trung chọn làm thành kinh đô cho vương quốc của ông. Năm 1802, khi Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi hoàng đế, mở đầu cho vương triều Nguyễn kéo dài suốt 143 năm, một lần nữa lại chọn Huế làm nơi đóng đô.

- Kinh thành huế được xây dựng theo kiến trúc Vauban. Kinh thành Huế có 3 vòng thành lần lượt là Kinh thành, Hoàng thành và Tử Cấm Thành. Ngay sau khi lên ngôi, Gia Long đã tiến hành khảo sát chọn vị trí xây thành mới, cuối cùng ông đã chọn vùng đất rộng bên bờ bắc sông Hương gồm phần đất của các làng Phú Xuân, Vạn Xuân, Diễn Phái, An Vân, An Hoà, An Mỹ, An Bảo, Thế Lại cùng một phần của hai con sông Bạch Yến và Kim Long làm nơi xây thành. Về mặt phong thuỷ, tiền án của kinh thành là núi Ngự Bình cao hơn 100 mét, đỉnh bằng phẳng, dáng đẹp, cân phân nằm giữa vùng đồng bằng như một bức bình phong thiên nhiên che chắn trước kinh thành. Hai bên làCồn Hến và Cồn Dã Viên làm tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ (rồng xanh bên trái, hổ trắng bên phải) làm thế rồng chầu hổ phục tỏ ý tôn trọng vương quyền. Minh đường thủy tụ là khúc sông Hương rộng, nằm dài giữa hai cồn cong như một cánh cung mang lại sinh khí cho đô thành. Kinh thành Huế được đích thân Gia Long chọn vị trí và cắm mốc, tiến hành khảo sát từ năm 1803, khởi công xây dựng từ 1805 và hoàn chình vào năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng. Trong lịch sử Việt Nam thời cận đại, công trình xây dựng Kinh Thành Huế có lẽ là công trình đồ sộ, quy mô nhất với hàng vạn lượt người tham gia thi công, hàng triệu mét khối đất đá, với một khối lượng công việc khổng lồ đào hào, lấp sông, di dân, dời mộ, đắp thành… kéo dài trong suốt 30 năm dưới hai triều vua.

-Kinh Thành Huế được quy hoạch bên bờ Bắc sông Hương, xoay mặt về hướng Nam, với diện tích mặt bằng 520 ha. Kinh Thành và mọi công trình kiến trúc của Hoàng Thành, Tử Cấm Thành đều xoay về hướng Nam, hướng mà trong Kinh Dịch đã ghi “Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ” (ý nói vua quay mặt về hướng Nam để cai trị thiên hạ).

-Vòng thành có chu vi gần 10 km, cao 6,6m, dày 21m được xây khúc khuỷu với những pháo đài được bố trí cách đều nhau, kèm theo các pháo nhãn, đại bác, kho đạn; thành ban đầu chỉ đắp bằng đất, mãi đến cuối đời Gia Long mới bắt đầu xây gạch. Bên ngoài vòng thành có một hệ thống hào bao bọc ngay bên ngoài. Riêng hệ thống sông đào (Hộ Thành Hà) vừa mang chức năng bảo vệ vừa có chức năng giao thông đường thủy có chiều dài hơn 7 km (đoạn ở phía Tây là sông Kẻ Vạn, đoạn phía Bắc là sông An Hòa, đoạn phía Đông là sông Đông Ba, riêng đoạn phía Nam dựa vào sông Hương).

-Hoàng thành:

Là vòng thành thứ hai bên trong kinh thành Huế, nơi ở của vua và Hoàng gia, cũng là nơi làm việc của triều đình. Ngoài ra Hoàng thành Huế còn là nơi thờ tự tổ tiên và các vị vua nhà Nguyễn.

Hoàng Thành được xây dựng năm 1804, nhưng để hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống cung điện với khoảng hơn 100 công trình thì phải đến thời vua Minh Mạng vào năm 1833, mọi việc mới được hoàn tất. Hoàng Thành có 4 cửa được bố trí ở 4 mặt, trong đó cửa chính (ở phía Nam) là Ngọ Môn.

Bên trong Hoàng thành có Điện Thái Hoà, là nơi thiết triều; khu vực các miếu thờ; vàTử Cấm thành – nơi ăn ở sinh hoạt của vua và hoàng gia. Người ta thường gọi chung Hoàng Thành và Tử Cấm Thành là Đại Nội.

-Tử Cấm thành:

-Là vòng thành trong cùng, nằm trong Hoàng thành. Tử Cấm thành nguyên gọi là Cung Thành, được khởi công xây dựng từ năm Gia Long thứ 2 (1803), năm Minh Mạng thứ 2 (1821) đổi tên thành Tử Cấm Thành.

-Thành có hình chữ nhật, cạnh nam và bắc dài 341m, cạnh đông và tây dài 308m, chu vi 1300m. Ở mặt trước, phía nam là cửa chính là Đại Cung Môn. Mặt bắc có 2 cửa Tường Loan và Nghi Phụng, thời Bảo Đại, sau khi xây lầu Ngự Tiền Văn Phòng mở thêm cửa Văn Phòng. Mặt đông có hai cửa Hưng Khánh và Đông An, về sau lấp cửa Đông An, mở thêm cửa Duyệt Thị ở phía đông Duyệt Thị Đường. Mặt tây có 2 cửa: Gia Tường và Tây An. Bên trong Tử Cấm thành bao gồm hàng chục công trình kiến trúc với quy mô lớn nhỏ khác nhau, được phân chia làm nhiều khu vực.

-Kỳ Đài:

Hay còn gọi là Cột Cờ, nằm chính giữa mặt nam của kinh thành Huế thuộc phạm vi pháo đài Nam Chánh cũng là nơi treo cờ của triều đình. Kỳ Đài được xây dựng vào năm Gia Long thứ 6 (1807) cùng thời gian xây dựng kinh thành Huế. Đến thờiMinh Mạng, Kỳ Ðài được tu sửa vào các năm 1829, 1831 và 1840.

-Cửu vị thần công:

-Cửu vị thần công là tên gọi 9 khẩu thần công được các nghệ nhân Huế đúc dưới thời vua Gia Long. Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, khi lên ngôi, vua Gia Long liền cho các nghệ nhân đương thời tập trung tất cả chiến lợi phẩm là binh khí và vật dụng bằng đồng để đúc thành 9 khẩu thần công làm vật chứng cho chiến thắng vẻ vang của mình. Công việc đúc chính thức từ năm 1803 và hoàn thành vào năm 1804.

Ngọ Môn “Năm cửa Chín lầu” tại Kinh Thành Huế.

CHÙA THIÊN MỤ:

-Chùa Thiên Mụ hay còn gọi là chùa Linh Mụ là một ngôi chùa nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5km về phía tây. Chùa Thiên Mụ chính thức khởi lập năm Tân Sửu (1601), đời chúa Tiên Nguyễn Hoàng -vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong.

-Năm 1665, chúa Nguyễn Phúc Tần cho trùng tu lại chùa. Từ ngày chúa Nguyễn Phúc Tần cho trùng tu thì cho đến nay ngôi chùa đã trùng tu được 7 lần (1714, 1815, 1831, 1844, 1899, 1907, 1957).

-Trước thời điểm khởi lập chùa, trên đồi Hà Khê có ngôi chùa cũng mang tên Thiên Mỗ hoặc Thiên Mẫu, là một ngôi chùa của người Chăm.

-Truyền thuyết kể rằng, khi chúa Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ xứ Thuận Hóa kiêm trấn thủ Quảng Nam, ông đã đích thân đi xem xét địa thế ở đây nhằm chuẩn bị cho mưu đồ mở mang cơ nghiệp, xây dựng giang sơn cho dòng họ Nguyễn sau này. Trong một lần rong ruổi vó ngựa dọc bờ sông Hương ngược lên phía đầu nguồn, ông bắt gặp một ngọn đồi nhỏ nhô lên bên dòng nước trong xanh uốn khúc, thế đất như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại, ngọn đồi này có tên là đồi Hà Khê.

-Tên của ngôi chùa bắt nguồn từ một huyền thoại. Chuyện kể rằng từ xa xưa, dân địa phương đêm đêm thường thấy một bà già mặc áo đỏ, quần lục xuất hiện trên ngọn đồi nơi chùa toạ lạc ngày nay, và nói: rồi sẽ có chân chúa đến lập chùa ở đây để tụ khí cho bền long mạch. Hễ nói xong là bà biến mất. Sau khi vào trấn Thuận Hoá, chúa Nguyễn Hoàng một lần đi qua, nghe kể chuyện đã cho xây chùa và đặt tên là Thiên Mụ Sơn.

-Tư tưởng lớn của chúa Nguyễn Hoàng dường như cùng bắt nhịp được với ý nguyện của dân chúng. Nguyễn Hoàng cả mừng, vào năm 1601 đã cho dựng một ngôi chùa trên đồi, ngoảnh mặt ra sông Hương, đặt tên là “Thiên Mụ”.

-Dựa theo huyền thoại, đồng thời căn cứ hình dạng Hán tự từng ghi trên bao tài liệu cấu tạo bằng nhiều chất liệu, đủ khẳng định rằng trong tên Thiên Mụ, ngữ tố “Thiên” có nghĩa là “trời”.

Năm 1862, dưới thời vua Tự Đức, ông có rất nhiều nỗi buồn trong đó có 3 nỗi buồn lớn nhất: không có con; mất nước; anh em tranh dành nhau (Hồng Nhậm và Hồng Bảo), nhà vua sợ chữ “Thiên” phạm đến Trời nên cho đổi từ “Thiên Mụ” thành “Linh Mụ” (hay “Bà mụ linh thiêng”).

Vấn đề kiêng cữ như đã nêu chỉ diễn tiến từ năm Nhâm Tuất (1862) cho tới năm Kỷ Tỵ (1869). Sau đó, người dân thoải mái gọi hai tên: chùa Thiên Mụ và chùa Linh Mụ.

Vì rằng từ “Linh” đồng nghĩa với “Thiêng”, âm người Huế khi nói “Thiên” nghe tựa “Thiêng” nên khi người Huế nói “Linh Mụ”, “Thiên Mụ” hay “Thiêng Mụ” thì người nghe đều hiểu là muốn nhắc đến chùa này.

-Dưới thời chúa Quốc -Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) theo đà phát triển và hưng thịnh của Phật giáo xứ Đàng Trong, chùa được xây dựng lại quy mô hơn. Năm 1710, chúa Quốc cho đúc một chiếc chuông lớn,nặng tới trên hai tấn, gọi là Đại Hồng Chung, có khắc một bài minh trên đó. Đến năm 1714, chúa Quốc lại cho đại trùng tu chùa với hàng chục công trình kiến trúc hết sức quy mô như điện Thiên Vương, điện Đại Hùng, nhà Thuyết Pháp, lầu Tàng Kinh, phòng Tăng, nhà Thiền… mà nhiều công trình trong số đó ngày nay không còn nữa.

Chúa Quốc còn đích thân viết bài văn,khắc vào bia lớn (cao 2m60,rộng 1m2) nói về việc xây dựng các công trình kiến trúc ở đây,việc cho người sang Trung Quốc mua hơn 1000 bộ kinh Phật đưa về đặt tại lầu Tàng Kinh, ca tụng triết lý của đạo Phật, ghi rõ sự tích Hòa thượng Thạch Liêm – người có công lớn trong việc giúp chúa Nguyễn chấn hưng Phật giáo ở Đàng Trong. Bia được đặt trên lưng một con rùa đá rất lớn, trang trí đơn sơ nhưng tuyệt đẹp.

-Năm 1844, nhân dịp mừng lễ “bát thọ” của bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu (vợ vua Gia Long, bà nội của vua Thiệu Trị), vua Thiệu Trị kiến trúc lại ngôi chùa một cách quy mô hơn: xây thêm một ngôi tháp bát giác gọi là Từ Nhân (sau đổi là Phước Duyên), đình Hương Nguyện và dựng 2 tấm bia ghi lại việc dựng tháp, đình và các bài thơ văn của nhà vua.

-Tháp Phước Duyên là một biểu tượng nổi tiếng gắn liền với chùa Thiên Mụ.: Tháp hình bát giác cao 7 tầng (21m) dưới lớn trên nhỏ. Số 7 là con số linh của đạo phật. Hệ thống bậc cấp trước chùa cũng tính theo số 7. Trong tháp có hệ thống bậc thang xây cuốn từ dưới lên trên, chỉ trừ giữa tầng thứ 6 và tầng thứ 7 là phải dùng cái thang di động bằng gỗ và cái cửa với chìa khoá đặc biệt, vì ở tầng trên cùng này xưa kia có thơ tượng Phật bằng vàng. Phía trước tháp là đình Hương Nguyện, trên nóc đặt Pháp luân (bánh xe Phật pháp, biểu tượng Phật giáo. Pháp luân đặt trên đình Hương Nguyện quay khi gió thổi). Trận bão năm 1904 đã tàn phá chùa nặng nề. Nhiều công trình bị hư hỏng, trong đó đình Hương Nguyện bị sụp đổ hoàn toàn (nay vẫn còn dấu tích). Năm 1907, vua Thành Thái cho xây dựng lại, nhưng chùa không còn được to lớn như trước nữa.

-Đại Hồng Chung: Chuông cao 2,5m, đường kính 1,4m, nặng 2,025kg, là một tác phẩm nghệ thuật bằng đồng rất xuất sắc của Việt Nam đầu thế kỷ XVIII. Mặt trên quả chuông có 8 chữ “Thọ” khắc theo lối chữ triện, ở giữa thân chuong chia làm 4 khoảng, khắc bài minh của chúa Nguyễn Phúc Chu và chạm nổi những hình ảnh long, vân, nhật, tinh: ở phần dưới khắc hình bát quái và thủy ba.

-Điện Đại Hùng: đây là ngôi điện chính trong chùa, một công trình kiến trúc đồ sộ nguy nga. Trong điện, ngoài những tượng Phật bằng đồng sáng chói, còn treo một cái khánh đồng khá lớn chạm hình nhật nguyệt, tinh tú và khắc những dòng chữ cho biết khánh này do một vị quan người Quảng Trị là Trần Đình Ân thuê đúc năm 1677 để cúng cho chùa, và treo một bức hoành phi bằng gỗ sơn son thếp vàng do tự tay chúa, và treo một bức hoành phi bằng gỗ sơn son thếp vàng do tự tay chúa Nguyễn Phúc Chu ngự đề năm 1714.

-Với cảnh đẹp tự nhiên và quy mô được mở rộng ngay từ thời đó, chùa Thiên Mụ đã trở thành ngôi chùa đẹp nhất xứ Đàng Trong. Trải qua bao biến cố lịch sử, chùa Thiên Mụ đã từng được dùng làm đàn Tế Đất dưới triều Tây Sơn (khoảng năm 1788), rồi được trùng tu tái thiết nhiều lần dưới triều các vua nhà Nguyễn.

-Qua nhiều đợt trùng tu lớn nhỏ, ngoài những công trình kiến trúc như tháp Phước Duyên, điện Đại Hùng, điện Địa Tạng, điện Quan Âm… cùng bia đá, chuông đồng, chùa Thiên Mụ ngày nay còn là nơi có nhiều cổ vật quí giá không chỉ về mặt lịch sử mà còn cả về nghệ thuật. Những bức tượng Hộ Pháp, tượng Thập Vương, tượng Phật Di Lặc, tượng Tam Thế Phật… hay những hoành phi, câu đối ở đây đều ghi dấu những thời kỳ lịch sử vàng son của chùa Thiên Mụ.

Trong khuôn viên của chùa là cả một vườn hoa cỏ được chăm sóc vun trồng hàng ngày. Ở đó, hòn non bộ của vị tổ nghề hát tuồng Việt Nam là Đào Tấn được đặt gần chiếc xe ô tô – di vật của cố Hòa thượng Thích Quảng Đức để lại trước khi châm lửa tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm năm 1963.

Cuối khu vườn là khu mộ tháp của cố Hòa thượng Thích Đôn Hậu, vị trụ trì nổi tiếng của chùa Thiên Mụ, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho những hoạt động ích đạo giúp đời.

-Chùa Thiên Mụ được xếp vào 20 thắng cảnh đất Thần Kinh với bài thơ Thiên Mụ chung thanh do đích thân vua Thiệu Trị sáng tác và được ghi vào bia đá dựng gần cổng chùa.

*Lời nguyền chùa Thiên Mụ:

-Chuyện kể rằng, khi chúa Nguyễn vẫn còn cai trị vùng Đàng Trong, và tình yêu đôi lứa vẫn còn nằm trong sự sắp đặt của cha mẹ, có cô gái con nhà quan danh giá, xinh đẹp đem lòng yêu một chàng trai mồ côi, lại nghèo khó. Mối tình vụng trộm của họ như con thuyền trắc trở không bến đỗ vì bị gia đình nhà gái ngăn cấm quyết liệt.

-Quá đau khổ, đôi trai gái cùng nhau ra sông Hương tự vẫn, vì những tưởng sống không đến được thì chết sẽ bên nhau mãi mãi. Nhưng trớ trêu thay, khi trái tim chàng trai đã ngừng đập dưới đáy sông Hương sâu thẳm, cô gái lại may mắn dạt vào bờ và được những người địa phương tốt bụng cứu sống. Gia đình cô gái tìm về, ép nàng lấy một vị quan nhất phẩm trong triều mà họ đã nhắm từ trước.

-Thời gian trôi qua, cô gái cũng dần nguôi ngoai nỗi buồn về người yêu cũ, thuận lấy chồng và sống một cuộc đời vinh hoa. Chờ người yêu mỏi mòn không thấy, oan hồn chàng trai uất hận cho số phận bất trắc của mình, bèn lang bạt vào chùa Thiên Mụ ngự trước mặt sông Hương, thề độc sẽ phá những đôi tình nhân đến đây viếng chùa. Có lẽ vì tích đó mà người ta truyền miệng nhau rằng, những ai còn cô đơn đến đây thành tâm cầu nguyện sẽ gặp được người thương, còn nếu có người yêu mà dắt nhau tới chùa, ắt sẽ chia lìa tan tác.

Chùa Thiên Mụ tọa lạc cạnh dòng Hương thơ mộng.

LĂNG MINH MẠNG:

-Lăng minh mạng còn gọi là Hiếu lăng ở xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, nằm trên ngọn núi Cẩm Kê, gần ngã ba Bằng Lãng là nơi hội lưu của hai dòng Hữu Trạch và Tả Trạch hợp thành sông Hương, cách cố đô Huế 12km.

-Tháng 2 năm 1820, vua Gia Long qua đời, hoàng tử thứ tư là Nguyễn Phúc Đảm được đưa lên ngai vàng, lấy niên hiệu là Minh Mạng. Năm 1826, Minh Mạng cho người đi tìm đất để xây dựng lăng cho mình. Nhưng phải ròng rã 14 năm cân nhắc, chọn lựa tức là sau 1840 vua Minh Mạng mới chọn được địa điểm và đề án kiến trúc ưng ý nhất tại vị trí hiện nay.

-Quan Lê Văn Đức là người tìm ra địa cuộc tốt lành ở địa phận núi Cẩm Kê, gần ngã ba Bằng Lãng, nơi hợp lưu của hai nguồn Tả Trạch và Hữu Trạch để tạo thành con sông Hương thơ mộng và đã được nhà vua thăng cho hai cấp. Tháng 4 – 1840, vua lên xem lại chỗ đất và đổi tên vùng núi Cẩm Kê ở đó thành ra Hiếu Sơn và gọi tên lăng là Hiếu Lăng. Vua sai các đại thần Trương Đăng Quế, Bùi Công Huyên lên tiến hành khảo sát địa thế, đo đạc đất đai. Họ vẽ toàn bộ núi đồi, khe suối, sông ngòi ở đây, và sơ đồ các dự án kiến trúc từ la thành, Bửu thành, điện, lầu đình, tạ, đường, viện cho đến những nơi đào hồ, làm cầu, dựng cửa… Xem xong, nhà vua rất đắc ý, liền thưởng tiền và vải cho họ.

-Đến tháng 9 – 1840, triều đình huy động 3.000 lính và thợ lên điều chỉnh mặt bằng và xây vòng La thành chung quanh khu vực kiến trúc. Công trình đang xúc tiến thì Minh Mạng lâm bệnh và mất ngày 20-1-1841 (thọ 50 tuổi). Vua Thiệu Trị lên nối ngôi, một tháng sau đã sai các quan đại thần chỉ huy gần 10.000 lính và thợ thi công tiếp công trình theo đúng họa đồ của vua cha để lại. Trong không khí oi bức của mùa hè năm 1841, tại công trường có đến gần 3000 người bị bệnh kiết lỵ cùng một lúc. Nên vua Thiệu Trị sai Thái y viện phải đem tất cả y sinh và thuốc men trong viện lên chữa cho bằng được, nếu không lành sẽ bị phạt. Ngay sau đó, bệnh dịch bị dập tắt. Việc xây dựng lăng được tiếp tục. Ngày 20-8-1841, thi hài vua Minh Mạng được đưa vào chôn ở Bửu Thành, nhưng công việc xây dựng lăng mãi đến năm 1843 đến khi  tấm bia “Thánh Đức Thần Công” hoàn thành mới hoàn tất theo đồ án của vua Minh Mạng để lại.

-Mục đích việc xây lăng của vua Minh Mạng cũng như vua cha Gia Long và theo phong tục xưa nay của người Việt: “Sống có nhà – thác có mồ” nên vua Minh Mạng đã chuẩn bị chu đáo kĩ càng cho cái chết của mình như theo quan niệm “sinh ký tử quy” và việc chỗ đất tốt còn nhằm mục đích để cho con cháu sau này được thuận lơi cho việc giữ và phát triển đất nước.

-Vua Minh Mạng là một vị vua có cá tính mạnh mẽ, ông còn tập trung quyền hành nhiều hơn dưới thời vua Gia Long. Ông là người thiết lập nền quân chủ chuyên chế tập trung nhất từ trước đến nay. Bộ máy hành chánh được thiết lập một cách hệ thống từ trung ương đến địa phương chặt chẽ dưới thời vua Minh Mạng. Ông cũng là người mở mang bờ cõi nước ta rộng rãi. Ông là người tôn sùng nho học cho nên ông cho thiết lập lại các khoa thi một cách ổn định nhưng ông cũng là người sáng suốt thấy những hạn chế của khoa thi cử, đó là không đủ tìm kiếm và đào tạo nhân tài. Ông có những hoài bão lớn lao là chiếm nốt vùng còn lại của Chân Lạp và áp đặt nhiều chức quan trọng trong triều đình Chân Lạp. Minh Mạng là một ông vua kiên quyết và độc tài nhưng là người có trách nhiệm với đất nước.

-Việc đầu tiên vua Minh Mạng làm là xuống chiếu cần hiền, tìm người tài giỏi. Việc thứ hai là thay đổi bộ máy quan lại. Việc thứ ba là tổ chức khoa thi đầu tiên vào năm 1822 (đời vua Minh Mạng có 54 vị tiến sĩ trong tổng số 293 vị tiến sĩ của triều Nguyễn). Việc thứ tư là Minh Mạng thống nhất chính sách nội trị và văn hóa (cấm mặc quần không đáy). Năm 1831 –1832 thống nhất quyền hành từ TW đến địa phương, lập dinh Quảng Đức – Thừa Thiên Phủ. Ông là vị vua trị nước an dân tài nhất, vợ nhiều nhất trên 500 bà, có con nhiều nhất. Ông thiết lập gia đình năm 16 tuổi, 30 tuổi lên ngôi.

-Về quan hệ ngoại giao: có quan hệ rộng rãi với các nước lân bang. Hầu hết các nước Đông Nam Á đều thuần phục Minh Mạng, kể cả Xiêm. Tuy nhiên, đối với các nước phương Tây, nhà vua lại tỏ ra lạnh nhạt và nghi kỵ. Chính sách thụ động như vậy đã kìm hãm sự phát triển của đất nước.

-Về chính sách nông nghiệp: mở rộng đê điều, cho đào kênh Vĩnh Tế. Minh Mạng đã cho hoàn chỉnh hệ thống đê điều ở Bắc Bộ, đặt quan khuyến nông, khai hoang ven biển Bắc Bộ. Năm 1832, vua Minh Mạng khai mở ngành tơ tằm Đại Nam.

-Về quân sự: xây dựng hải đảo, mở rộng biên cương rộng lớn nhất. Ông còn có chính sách biểu dương lực lượng với các bộ tộc. vua Minh Mạng rất quan tâm đến võ bị, đặc biệt là thủy quân. Ngay những năm đầu lên ngôi, vua đã sai người tìm hiểu cách đóng tàu của châu Âu và quyết tâm làm cho người Việt tự đóng được tàu theo kiểu Tây Âu và biết lái tàu vượt đại dương, các khảo sát vị trí bờ biển, hải cảng cũng được chú ý. Hàng năm, nhà vua thương phái nhiều tàu vượt biển sang các nước và các cảng lớn vùng biển Đông như Jakarta, Singapore, Malaysia,… để bán hàng, mua hàng, luyện tập đi biển và xem xét tình hình các nước.

-Về giáo dục: cho lập Quốc Sử Quán đầu tiên tại Việt Nam để biên soạn lịch sử dna6 tộc và các triều đại. Là một người tinh thâm Nho học, sùng đạo Khổng Mạnh, Minh Mạng rất quan tâm đến học hành, khoa cử, tuyển chọn nhân tài. Dựng Quốc Tử Giám, đặt chức Tế Tửu và Tư Nghiệp, mở lại thi Hội, thi Đình năm 1822. Ông còn cho đặt đốc học ở thành Gia Định, ông giao trọng trách cho nhà giáo Nguyễn Trọng Vũ người Nghệ An, giữ chức Phó Đốc học chăm lo việc học hành ởNam Bộ. Bấy giờ, ở Gia Định có Trịnh Hoài Đức là người có học vấn cao nên được nhà vua tin dùng, phong làm Hiệp Biện Đại học sĩ, Thượng thư Bộ Lại kiêm Thượng thư Bộ Binh. Minh Mạng còn đặt ra lệ rằng ai được thăng quan, bổ nhiệm đều phải lên kinh gặp vua trước khi nhậm chức. Đây là cơ sơ để nhà vua kiểm tra đức độ, năng lực và khuyên bảo điều hay lẽ phải, cốt sao cho lợi ích nước nhà. Năm 1836, ông cho thành lập “Tứ dịch quán” để dạy ngoại ngữ (tiếng Pháp, Xiêm).


-Về văn hóa: Các bộ sách quý như: Gia Định thành thông chí, Lịch Triều Hiến Chương loại chí,… đều ra đời dưới thời Minh Mạng. Để xã hội có qui củ cùng nề nếp, nhà vua cho thống nhất việc đo lường và thống nhất y phục. Năm Bính thân (1836) phủ huyện được cấp các cân mẫu, rồi năm Kỷ hợi (1839) được cấp các loại thước mộc, thước may, thước đo ruộng. Về y phục ông từng bảo: “Ngày nay nước nhà cương thổ đã hiệp nhất thì chính trị, phong tục lẽ nào khác biệt”. Bởi thế, nên nhiều đạo dụ được ban bố để y phục ở miền Bắc và miền Nam giống nhau.

“Tháng 9 có chiếu vua ra
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng
Không đi thì chợ không đông
Đi thì phải mượn quần chồng sao đang”
“Có quần đi chợ bán hàng
Không quần ra đứng đầu đàng xem quan”.

-Nhà vua chủ trương Tứ bất lập: không lập Tể tướng, không lập Hoàng hậu, không lập Thái tử, và không lấy đỗ Trạng nguyên, đối với Thái giám nhà vua ban chỉ dụ chỉ được hầu hạ trong cung chứ không cho giữ chức quyền.

-Trên cơ sở đã có từ thời Gia Long, nay Minh Mạng củng cố và hoàn thiện hơn bộ máy quản lý đất nước, đặt nội các trong cung điện để khi cần, vua hỏi han và làm giấy tờ, biểu sắc, đặt cơ mật viện năm 1834 để cùng vua bàn bạc và quyết định những việc quan trọng nhất. Tuy nhiên dưới thời vua Minh Mạng nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra với nhiều loại khác nhau, điển hình là cuộc khởi nghĩa của Nông Văn Vân, Lê Văn Khôi,…

-Và đặc biệt là hiềm khích với Lê Văn Duyệt vì ông đã phản đối Minh Mạng lên ngôi thay vì hoàng tử Cảnh – con trưởng vua Gia Long: Vua Minh Mạng và Tả quân Lê Văn Duyệt (1764 – 1832) vốn có nhiều hiềm khích và tư thù. Dù không ưa Lê Văn Duyệt nhưng ông không dám làm gì, do công lao và uy quyền quá lớn của Lê Văn Duyệt với triều đình. Năm 1833, Lê Văn Duyệt qua đời, con nuôi là Lê Văn Khôi (? – 1834) nổi loạn chiếm thành Phiên An (tức thành Gia Định), Minh Mạng trong khi đánh dẹp cuộc nổi dậy này vẫn thường ban trách Lê Văn Duyệt. Năm 1835, sau khi dẹp xong cuộc nổi dậy Lê Văn Khôi, Minh Mạng bèn làm án Tả quân, giao cho nhóm nội các là Hà Quyền, Nguyễn Tri Phương và Hoàng Quýnh nghị tội Tả quân có sáu điều, có bảy tội phải chém, hai tội phải thắt cổ, một tội phải sung quân. Bản án quyết định truy đoạt quan chức, phá bỏ quan quách giết thây. Mộ Lê Văn Duyệt ở Gia Định bị cuốc bằng và bị xiềng xích, phía trên khắc đá dựng bia ở trên viết to mấy chữ: Đây chỗ tên lại cái lộng quyền Lê Văn Duyệt chịu phép nước; các ngôi mộ cha mẹ của Lê Văn Duyệt bị đục bỏ tước hiệu khắc trên bia.

-Lăng Minh Mạng là một tổng thể kiến trúc quy mô gồm khoảng 40 công trình lớn nhỏ. Lăng Minh Mạng có bố cục kiến trúc cân bằng đối xứng, xung quanh một trục kiến trúc là đường thần đạo, xuyên qua một loạt các hạng mục công trình gồm: cửa chính, sân chầu, nhà bia, sân tế, Hiển Đức môn, điện Sùng Ân (thờ vua Minh Mạng và Hoàng hậu), hồ Trừng Minh, Minh Lâu, hồ Tân Nguyệt (trăng non), cổng tam quan Quang Minh Chính Trực, Trung Đạo kiều và cuối cùng là Bửu thành (mộ vua Minh Mạng). Hình thể của lăng tựa dáng một người đang nằm nghỉ trong tư thế thoải mái, đầu gối lên núi Kim Phụng, chân duỗi ra ngã ba sông trước mặt… được bố trí cân đối trên một trục dọc theo đường thần đạo dài 700m từ Đại Hồng Môn ở ngoài cùng tới chân tường của La thành sau mộ vua.

-Đối với lăng Minh Mạng quan địa lý Lê Văn Đức đã chọn cuộc đất có đồi Phú Sơn (Sương Thuỷ) làm Tiền án, núi Ngọc Trấn làm Rồng chầu, ngọn Tôn Sơn làm Hổ phục và lấy dòng sông Hương tụ thủy tạo ra thế Minh đường.

-Lăng có diện tích 18 ha (nhưng diện tích cấm địa quanh lăng là 475 ha), xung quanh lăng có La thành bao bọc. Cửa chính của lăng tên là Đại Hồng môn – cổng chính của lăng. Cổng có 3 lối đi với 24 mái lô lô cao thấp và các trang trí rất đẹp… được coi là tiêu biểu của loại cổng tam quan đời Nguyễn. Cổng chỉ mở một lần để đưa quan tài của vua vào lăng, sau đó đóng kín, ra vào phải qua hai cổng phụ là Tả Hồng Môn và Hữu Hồng Môn. Sau Đại Hồng Môn là sân rộng còn được gọi là Sân Chầu, lát gạch Bát Tràng (sân rộng 45 x 45 m), hai bên có hai hàng tượng quan văn võ, voi ngựa bằng đá đứng chầu. Bởi vì, trong quan niệm của ông vua Nguyễn ngày xưa, khi sống ở trên đời có người phục vụ hầu hạ thì khi về thế giới bên kia cũng phải có người theo hầu. Và tượng này bao giờ cũng được bố trí theo một nguyên tắc nhất định là ông quan Văn bao giờ cũng đứng trước ông quan Võ tính từ trong ra gọi là “tiền văn hậu võ”, cuối cùng mới đến ngựa và voi kiến ngày xưa. Dân gian mới có câu “ Trâu buộc lại ghét trâu ăn, quan võ lại ghét quan văn dài quần.

-Cuối sân là đồi Phụng Thần Bi đình năm trên Sơn, bên trong có bia “Thánh Đức thần công” do vua Thiệu Trị viết về tiểu sử và công đức của vua cha.

-Tiến đến là sân triều lễ được chia làm 4 bậc. Mở đầu cho khu vực tẩm điện (nơi thờ cúng vua) là Hiển Đức Môn được giới hạn trong một lớp thành hình vuông biểu tượng cho mặt trái đất – trời tròn đất vuông.

-Ở trung tâm khu vực này có điện Sùng Ân thờ bài vị của vua và bà Tả Thiên Hoàng Hậu (Hồ Thị Hoa), mẹ vua Thiệu Trị. Nơi đây tượng trưng là nơi nghỉ ngơi của vua. Quanh điện Sùng Ân là Tả Hữu Phối Điện và Tả Hữu Tùng Phòng để thờ các quan và cung tần, cũng được giới hạn trong lớp thành hình vuông- biểu tượng cho đất.

-Hoàng Trạch Môn là công trình kết thúc khu vực tẩm điện và ngát thơm mùi hoa dại. Hồ Trừng Minh gồm hai nửa nối thông với nhau ở phía sau điện Sùng Ân nơi có ba cây cầu đá bắc qua, giống như hai lá “phổi xanh”, bao bọc lấy điện Sùng Ân và các kiến trúc vòng ngoài nằm trên trục thần đạo (khu vực tưởng niệm).

-Ở giữa hồ Trừng Minh và Tân Nguyệt, trên đường thần đạo, là Minh Lâu xây dựng trên quả đồi có tên là Tam Tài Sơn. Minh Lâu có nghĩa là lầu sáng, nơi nhà vua suy tư vào những đêm hè trăng thanh gió mát, là nơi đi về của linh hồn tiên đế hiện về uống rượu, đánh cờ, ngắm trăng và để tiêu khiển. Minh Lâu là sự thể hiện cách lý giải về vũ trụ và nhân sinh quan của người xưa. Toà nhà này hình vuông, hai tầng, tám mái là một Minh Lâu biểu tượng của triết học phương đông Thái cực hai lớp mái biểu tượng lưỡng nghi, bốn mặt biểu trưng cho tứ tượng và tám mái biểu trưng cho bát quái. Hai bên Minh Lâu, về phía sau là hai trụ biểu uy nghi dựng trên Bình sơn và Thanh sơ. Ý nghĩa thứ nhất: báo hiệu đây là vùng đất cấm người khác xâm nhập vào. Thứ hai: là biểu tượng cho uy quyền, sức mạnh của nhà vua. Thứ ba, là biểu tượng cho sự trường tồn của nhà Nguyễn. Thứ tư: tượng trưng như hai ngọn đuốc tỏa sáng cho cuộc đời. Thứ năm, là nhà vua đã “bình thành công đức” trước khi về cõi vĩnh hàng.

-Hồ Tân Nguyệt hình vầng trăng non ôm lấy một phần khu mộ vua (Bửu thành). Hồ hình trăng non như yếu tố “âm” bao bọc, che chở cho yếu tố “dương” là Bửu Thành biểu tượng của mặt trời. Kết cấu kiến trúc này thể hiện quan niệm của cố nhân về sự biến hoá ra muôn vật. Đó là nhân tố tác thành vũ trụ. Lão tử có câu “Vạn vật phụ âm nhi bão dương, suy khí dĩ vi hoà” (vạn vật khí âm nằm bên ngoài ôm lấy khí dương ở bên trong hai khí sung mãn thì có hoà khí).

-Kế đến là cổng với hai hàng chữ đề “Chánh Đại Quang Minh” để bước qua cầu “Thông Minh Chính Trực” vào thế giới vô biên. “Chánh Đại Quang Minh” là đường lối tư tưởng trị nước của vua Minh Mạng.

-Ở chính giữa hồ Tân Nguyệt có một cây cầu mang tên Trung Đạo kiều, nối Minh Lâu với Bửu thành và đường dạo quanh lăng. Cầu Thông Minh Chính Trực bắc ngang hồ Tân Nguyệt có 33 bậc tầng cấp đẫn vào nơi yên nghỉ của nhà vua, nằm giữa tâm một quả đồi mang tên Khải Trạch Sơn, được giới hạn bởi Bửu Thành hình tròn. Hình tròn này nằm giữa những vòng tròn đồng tâm biểu trưng, được tạo nên từ hồ Tân Nguyệt, La Thành, núi non và đường chân trời như muốn thể hiện khát vọng ôm choàng Trái Đất và ước muốn làm bá chủ vũ trụ của vị vua quá cố.

-Bửu thành là một quả đồi thông hình tròn, bao quanh bởi tường thành, bên trong, sâu bên dưới là mộ vua. Phía sau Bửu thành là rừng thông xanh thẳm, đem lại một cảm giác u tịch. Trên mặt cắt kiến trúc dọc theo đường thần đạo, các công trình cao thấp theo một nhịp điệu vần luật nhất quán, âm dương xen kẽ, tạo nên nét đẹp riêng cho công trình kiến trúc lăng tẩm này. Bố cục kiến trúc đăng đối của các hạng mục chính trong lăng đem lại cho lăng một vẻ uy nghiêm cần có của công trình lăng mộ. Tuy vậy, ở ngoài rìa, men theo con đường dạo quanh co vòng quanh hai hồ nước và viền xung quanh lăng, xen lẫn với cây cối có các công trình kiến trúc nhỏ dùng để nghỉ chân ngắm cảnh như: đình Điếu Ngư, gác Nghênh Phong, hiên Tuần Lộc, sở Quan Lan, Tạ Hư Hoài… làm cho toàn bộ quần thể lăng uy nghiêm nhưng vẫn hài hòa với thiên nhiên và duyên dáng tráng lệ.

-Bên cạnh hàng loạt các công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ cao còn có gần 600 ô chữ chạm khắc các bài thơ trên Bi Đình, Hiển Đức Môn, điện Sùng Ân và Minh Lâu cũng là những tuyệt tác vô giá. Đó là một “bảo tàng thơ” chọn lọc của nền thi ca Việt Nam đầu thế kỷ 19.

-Lăng Minh Mạng được xem là công trình kiến trúc có vẻ đẹp thâm nghiêm với bố cục hoàn chỉnh nhất vừa uy nghiêm, vừa rực rỡ về kiến trúc, vừa hài hòa với thiên nhiên lại vừa sâu sắc bởi giá trị tư tưởng nhất trong các lăng tẩm ở Huế.

-Sự khác biệt giữa các lăng tẩm nhà Nguyễn:

Lăng Gia Long: hoành tráng nhất về cảnh trí: Nhà bia, điện thờ và ngôi mộ nằm dài trong rừng thông không có rào bao quanh, có chu vi hơn 11 nghìn mét.

Lăng Minh Mạng: thâm nghiêm thể hiện qua lối kiến trúc đăng đối, uy nghiêm.

Lăng Thiệu Trị: thanh thoát: nằm trong khung cảnh thanh bình của đồng quê với những cánh đồng, ruộng lúa và vườn cây ăn trái quây quanh.

Lăng Tự Đức: thơ mộng vì đã phá vỡ lối kiến trúc đăng đối truyền thống.

Lăng Dục Đức: đơn giản và khiêm tốn: bên trong không có bi đình và các tượng đá.

Lăng Đồng Khánh: xinh xắn: Kiến trúc lăng mộ hầu như Âu hoá hoàn toàn, từ đặc trưng kiến trúc, mô típ trang trí đến vật kiệu xây dựng nhưng vẫn hoà hợp với phong cảnh thôn dã trong vùng.

Lăng Khải Định: tinh xảo, kết hợp kiến trúc Đông – Tây, có hai bức tượng vua trong lăng. Đặc biệt, lăng Khải Định nổi tiếng với 3 bức bích họa “cửu long ẩn vân” được trang trí trên trần của 3 gian nhà giữa trong cung Thiên Định, được coi là hoành tráng và có giá trị nhất tại Việt Nam.

-Kiến trúc lăng có phần đổ nát nhưng mức độ nhẹ hơn so với những lăng khác, một phần nhờ vào việc Lăng có giá trị về nhiều mặt. Những cây sứ nhiều năm tuổi công với vẻ hoang toàn mặc cho rêu phong theo chủ ý của Ban bảo vệ di tích cố đô Huế và quy tắc bắt buộc của UNESCO nhằm không trùng tu các di sản cố ý để tạo nét nguyên sơ làm cho di tích càng có giá trị. Hiện nay Lăng thu hút du khách đông nhất sau Lăng Tự Đức.

-Lăng Minh Mạng là một trong những lăng có lượng khách đến tham quan đông nhất. Đến thăm lăng, du khách có thêm dịp để biết nhiều hơn về nghệ thuật kiến trúc lăng tẩm, cũng như việc lựa chọn địa thế trong xây dựng lăng tẩm của người xưa thật sự rất đáng nể.

Minh Lâu tại Lăng vua Minh Mạng.

LĂNG TỰ ĐỨC:

-Lăng Tự Đức xây dựng trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng (nay là thôn Thượng Ba, xã Thủy Xuân thành phố Huế). Đây là một trong những công trình đẹp nhất của kiến trúc cung đình thời Nguyễn. Lăng nằm giữa một rừng thông bát ngát, cách Huế 8km.

-Sau khi các quan địa lý chọn được vị trí ở làng Dương Xuân Thượng, nhà vua đã chuẩn định đồ án kiến trúc lăng tẩm theo ý muốn của mình và đặt tên cho công trình là Vạn Niên Cơ. Tháng 12-1864, công trình được khởi công xây dựng. Toàn bộ công tác kiến trúc lăng tẩm này được dự liệu sẽ thi công trong 6 năm với 3.000 lính và thợ, và họ sẽ được thay phiên về nghỉ 3 tháng một lần.

Nhưng viên Biện lý bộ Công bấy giờ là Nguyễn Văn Chất tâu xin thực hiện trong 3 năm mà thôi. Triều đình cử ông và thống chế Lê Văn Xa ở bộ Binh đứng ra coi sóc việc thi công. Ðã không được thay phiên nhau về nghỉ lại bị cưỡng chế, tăng cường sức lao động đến mức tối đa trong những điều kiện tối thiểu. Cảnh lao động khổ sai ấy gây nên bao nhiêu thảm kịch tang thương của những người dân. Họ tương truyền trong dân gian câu thơ nói về công trình Vạn niên cơ của Tự Đức như sau:

“Vạn niên là vạn niên nào
Thành xây xương lính, đào hào máu dân”.

-Thế nên 3000 lính và thợ nổi dậy theo tiếng gọi của Đoàn Trưng đó là cuộc nổi loạn Chày Vôi vì họ dùng những cây chày vôi (dụng cụ lao động) làm vũ khí. Đêm 16 rạng sáng 17-9-1866, cuộc khởi nghĩa nổi lên nhưng không thành, bị đàn áp nhưng uy tín của vua Tự Đức bị giảm xuống. Công việc xây lăng bị gián đoạn torng gần một tháng rưỡi vì binh biến ấy. Đến 26-10-1866 thì vua tập hợp lại và tiếp tục công tác. Do sự việc trên nên vua Tự Đức đổi tên “Vạn Niên Cơ” thành “Khiêm Cung”. Sau khi qua đời nó mới được gọi là “Khiêm Lăng”. Công trình hoàn thành vào tháng 9-1867.

-Mục đích để vua Tự Đức cho xây dựng lăng này như một hành cung thứ hai để tiêu sầu

Và phòng lúc “ra đi bất chợt” và để trốn tránh cuộc đời khắc nghiệt, Tự Đức cho xây dựng khi lăng tẩm này. Vì Tự Đức ở ngôi trong hoàn cảnh đất nước khó khăn, thực dân Pháp đe dọa và tấn công, nội bộ anh em lục đục giành nhau ngôi báu, nhà vua thì đau yếu, bệnh hoạn, không có con. Đó là những bi kịch vô cùng đau đớn trong cuộc đời Tự Đức, ông đã tìm được niềm an ủi trong 4 chữ “sinh ký tử quy”. Nghĩa là sống ở trên đời này chỉ là tạm bợ, chết mới thực sự là về nơi mươn đời.

-Tự Đức ở ngôi 36 năm, là ông vua tại vị lâu nhất trong 13 ông vua triều Nguyễn. Trong số 13 vua Nguyễn. Tự Đức là người uyên thâm nhất về nền học vấn Đông phương, nhất là nho học. Vua giỏi cả về sử học, triết học, văn học nghệ thuật và rất yêu thơ. Vua đã để lại 600 bài văn và 4000 bài thơ chữ Hán, và khoảng 100 bài thơ bằng chữ Nôm. Tư chất ấy cũng được biểu lộ rõ trên nghệ thuật kiến trúc của lăng vua. Và chính nhà vua đã chuẩn định mô thức xây dựng nó.

*Sơ nét về vua Tự Đức: Nguyễn Phúc Hồng Nhậm sinh ngày 25 tháng 8 năm Kỷ Sửu (tức 22 tháng 9năm 1829) tại Huế, là con thứ của vua Thiệu Trị và bà Phạm Thị Hằng. Khi còn nhỏ Hồng Nhậm còn có tên khác là Nguyễn Phúc Thì. Vì anh trai của ông là Nguyễn Phúc Hồng Bảo, một người ham chơi, mê cờ bạc, không chịu học hành, vì vậy, Thiệu Trị trước lúc qua đời, đã để di chiếu truyền ngôi cho ông. Bấy giờ ông mới 19 tuổi, nhưng học hành đã thông thái. Đến tháng 10 năm 1847, ông chính thức lên ngôi hoàng đế ở điện Thái Hòa, đặt niên-hiệu là Tự Đức.

-Vào thời vua Tự Đức có một số binh biến xảy ra:

Quân Châu Chấu (Bởi vì tháng 5 ấy ở tỉnh Bắc Ninh và Sơn Tây có nhiều châu chấu phá hoại mùa màng, đến cuối năm lại có cuộc khởi nghĩa của Lê Duy Cự, nên tục gọi là giặc Châu Chấu. Lê Duy Cự là hậu duệ của triều Lê ra lập làm minh chủ để khởi sự đánh Nguyễn với sự giúp đỡ của quân sư Cao Bá Quát. Lúc đầu nghĩa quân giành được một số thắng lợi ở Sơn Tây, Nam Định nhưng sau đó thì bị quân triều đình đánh tan).

Hồng Bảo âm mưu giành ngôi: Theo lẽ thường, sau khi vua Thiệu Trị qua đời, ngôi vua sẽ được truyền cho người con trưởng là Nguyễn Phúc Hồng Bảo  (1825 – 1854). Thế nhưng, khi vua Thiệu Trị mất, liền ngày ấy, các hoàng thân và các quan văn võ họp tại điện Cần Chánh để tuyên đọc di chiếu, theo đó hoàng tử thứ hai là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm được lập lên ngôi. Di chiếu đọc chưa dứt, Hồng Bảo phẫn uất thổ huyết, nằm vật ngã giữa điện đình. Lý do Hồng Bảo bị phế truất, trước lúc lâm chung của Thiệu Trị nói với các đại thần Trương Đăng Quế, Võ Văn Giải, Nguyễn Tri Phương và Lâm Duy Tiếp: Trong các con ta, Hồng Bảo tuy lớn, nhưng vì thứ xuất, ngu độn ít học, chỉ ham chơi, không thể nối nghiệp lớn được. Hoàng tử thứ hai là Hồng Nhậm thông mẫn, ham học, rất giống ta, đáng nối ngôi vua. Hôm qua ta đã phê vào di chiếu để trong long đồng. Các ngươi phải kính noi đó, đừng trái mạng ta.

Tự Đức khước từ mọi giao thiệp với người phương Tây, dầu việc giao thiệp chỉ nhằm phục vụ thương mại. Năm 1850, có tàu của Hoa Kỳ vào cửa Đà Nẵng có quốc thư xin thông thương nhưng nhà vua làm ngơ không thèm tiếp thư. Từ năm 1855 đến 1877 các nước Anh, Pháp và Tây Ban Nha nhiều lần có tàu vào cửa Đà Nẵng, cửa Thị Nại (Bình Định) và Quảng Yên xin thông thương cũng không được.

Khi Tự Đức lên ngôi đã có dụ cấm đạo cũng chính vì nguyên nhân ấy đã dẫn đến việc Pháp đem quân sang xâm chiếm nước ta từ năm 1858 bằng việc tấn công bán đảo Sơn Trà mở đầu cho thời kỳ 100 năm đô hộ của Pháp với nước ta. Đầu thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản phương Tây đã phát triển với tốc độ nhanh. Để thu được nhiều lợi nhuận, các nước tư bản một mặt bóc lột nhân dân lao động trong nước, mặt khác, đẩy mạnh xâm chiếm thuộc địa nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hoá, vơ vét nguyên liệu, bóc lột đội ngũ nhân công rẻ mạt… Ở phương Đông, trong đó có Việt Nam, đất rộng người đông, tài nguyên phong phú, nhưng còn nằm trong vòng chế độ phong kiến suy tàn, là đối tượng nhòm ngó, xâm lược của tư bản phương Tây. Đến giữa thế kỷ XIX, Pháp xúc tiến ráo riết xâm lược Việt Nam vì lúc này chủ nghĩa tư bản Pháp chuyển mạnh lên Chủ nghĩa đế quốc và cuộc chạy đua giành giật thị trường trong khu vực trở nên gay gắt. Nhà nguyễn đã tạo cơ hội cho Pháp vào nước ta khi Nguyễn ánh đã thông qua Bá Đa Lộc nhờ Pháp tiêu diệt quân Tây Sơn, qua đó mở đường cho Pháp vào nước ta. Pháp tiến hành xâm lược Việt nam. Lấy cớ triều đình Huế không nhận quốc thư, làm nhục quốc thể nước Pháp và bênh vực đạo Thiên Chúa đang bị khủng bố ở Việt Nam, thực dân Pháp phối hợp với Tây Ban Nha đem tàu chiến đến bắn phá Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm lược nước ta 31-8-1858.

Tự Đức được người đời ca tụng là một ông vua có hiếu. Lệ thường cứ ngày chẵn thì chầu cung, ngày lẻ thì ngự triều: trong một tháng chầu cung 15 lần và ngự triều cũng 15 lần, trừ khi đi vắng và lâm bệnh. Trong suốt 36 năm thường vẫn như thế, không sai chút nào. Dù làm vua, Tự Đức luôn kính cẩn vâng lời mẹ dạy. Ông đã ghi chép những lời răn của mẹ vào một cuốn sách, đặt tên là Từ huấn lục. Thậm chí, có lần do mải mê đi săn về cung hơi muộn, thấy mình phạm lỗi nên ông nằm ra, đặt chiếc roi lên mâm son để chờ Hoàng thái hậu Từ Dũ trừng phạt.

-Tổng thể kiến trúc lăng vua Tự Đức có những công trình lớn và nổi bật: La thành, cửa Vụ Khiêm, hồ Lưu Khiêm, đảo Tịnh Khiêm, Dũ khiêm tạ, Xung Khiêm tạ, Khiêm Cung môn, Minh Khiêm đường (nhà hát cổ xưa nhất Việt Nam và mang giá trị nghệ thuật kiến trúc trang trí), Chí Khiêm đường, sân chầu, bi đình, hồ Tiểu Khiêm, Mộ vua, Mộ Hoàng Hậu, Mộ vua Kiến Phúc.

-Bố cục khu lăng gồm 2 phần chính (tẩm điện và lăng mộ), bố trí trên 2 trục song song với Tiền án là núi Giáng Khiêm, Hậu chẩm là núi Xuân Dương và Minh Đường là hồ Lưu Khiêm. Phần Tẩm Điện đều làm bằng gỗ gồm các công trình: Điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm đường, Khiêm Cung Môn,… Và phần Lăng Mộ vua thì hoàn toàn được xây dựng bằng gạch với các công trình: Trụ biểu, Bi Đình, Bái đình,…

-Trong vòng La thành rộng khoảng 12ha, gần 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ dàn trải thành từng cụm trên những thế đất cao thấp hơn nhau chừng 10m. Bố cục khu lăng gồm hai phần chính, trên hai trục song song với nhau lấy núi Giáng Khiêm ở phía trước làm Tiền án, núi Dương Xuân làm Hậu chẩm, hồ Lưu Khiêm làm yếu tố Minh Đường. Các công trình trong lăng ở cả hai khu vực tẩm điện và lăng mộ đều có chữ Khiêm đặt tên gọi. Ở Việt Nam không nơi nào mà chúng ta bắt gặp chữ “khiêm” nhiều cho bằng Lăng vua Tự Đức ở Huế, từ nhà cửa, ao hồ, cầu thuyền…đều có chữ Khiêm như Khiêm cung môn, Vụ Khiêm môn, Tự Khiêm môn…; Lương Khiêm điện, Hòa Khiêm điện; Xung Khiêm tạ; Dũ Khiêm đình; Ích Khiêm các; Lễ Khiêm vu; Pháp Khiêm vu; Tòng Khiêm viện; Tuần Khiêm kiều, Do Khiêm kiều; Lưu Khiêm hồ; Tiểu Khiêm trì; Thuận Khiêm thuyền; Ổn Khiêm thuyền v.v… Hàm nghĩa: “Khiêm” là khiêm nhường, kính cẩn, có địa vị cao hơn kẻ khác mà không lấy đó làm điều, chỉ muốn tự đặt mình khiêm tốn ở dưới vị thế của người mà thôi.

-Toàn cảnh lăng Tự Đức như một công viên rộng lớn. Qua khỏi cửa Vụ Khiểm và miếu thờ Sơn thần, có con đường chính dẫn vào khu vực điện thờ mà trước đây là chỗ nghỉ ngơi giải trí của vua. Thoạt đầu là Chí Khiêm – nơi thờ các bà vợ vua. Tiếp đến là ba bậc tam cấp bằng đá thanh dẫn vào Khiêm cung môn – một công trình hai tầng dạng vọng lâu. Hồ Lưu Khiêm nguyên là con suối nhỏ được đào rộng thàn h hồ, giữa hồ có đảo Tịnh Khiêm có đất trồng hoa và hang nhỏ để nuôi thú.  Trên hồ có Xung Khiêm tạ và Dũ Khiêm tạ – nơi nhà vua đến ngắm hoa, làm thơ, đọc sách,… Ba cây cầu Tuần Khiêm, Tiển Khiêm và Do Khiêm bắt qua hồ dẫn đến đồi thông.

-Bên trong Khiêm Cung môn là khu vực dành cho vua nghỉ ngơi khi đến đây. Chính giữa là điện Hòa Khiêm để vua làm việc, ngay là nơi thờ cúng bài vị của vua và Hoàng hậu. Hai bên tả hữu là Pháp Khiêm vu và Lễ Khiêm vu dành cho các quan văn võ theo hầu. Sau điện Hòa Khiêm là điện Lương Khiêm, xưa là chỗ nghỉ của vua, sau được dùng để thờ bà Từ Dũ (mẹ vua Tự Đức). Bên phải điện Lương Khiêm là Ôn Khiêm đường – nơi cất đồ ngự dụng. Phía trái điện Lương Khiêm có nhà hát Minh Khiêm để vua xem hát. Đây được coi là nhà hát cổ nhất Việt Nam hiện còn được bảo tồn. Trì Khiêm và Y Khiêm viện là chỗ ở của cung phi theo hầu vua khi sống cũng như lúc vua đã chết…

-Nhà cửa ở Khiêm cung đều làm bằng gỗ, còn các kiến trúc ở lăng mộ đều xây bằng gạch đá. Ngày sau Bái đình (sân chầu) với hai hàng tượng quan viên văn võ uy nghi là Bi đình (nhà bia) với tấm bia bằng đá thanh lớn nhất nước ta có khắc bài Khiêm cung ký do nhà vua soạn dài 4.935 chữ để nói về cuộc đời, vương nghiệp cũng như những rủi ro bệnh tật của mình, kể công và nhận tội của Tự Đức trước lịch sử. Ông tự nhận tội mình: “Không sáng suốt trong việc biết người, ấy là của ta, dùng người không đúng chỗ, cũng là tội của ta, hàng trăm việc không làm được, đều là tội của ta cả…” và ông nhường cho sử sách đời sau đánh giá công tội của mình. Các nhà kiến trúc đã cho xây Bi Đình bằng vật liệu và kiểu thức như vậy là để chống chọi với thời gian. Trên ngọn đồi nằm bên kia hồ bán nguyệt Tiểu Khiêm Trì là Bửu thành xây bằng gạch, chính giữa có ngôi nhà nhỏ xây bằng đá thanh, nơi vua yên nghỉ. Bửu thành được bao phủ bởi một rừng thông xanh ngắt, reo vi vu suốt 4 mùa.

-Trong khuôn viên lăng Tự Đức (khiêm Lăng) có lăng mộ Hoàng hậu Lệ Thiên Anh (Khiêm Thọ Lăng)  và lăng mộ vua Kiến Phúc, con nuôi vua Tự Đức (Bồi Lăng). Hoàng hậu Lệ Thiên Anh, tên huý là Vũ Thị Duyên, sinh ngày 26/6/1826, là con gái của Vũ Xuân Cẩn, lúc nhỏ được xinh đẹp, hay chữ, được phong làm Cần Phi. Năm 1870, được phong làm Hoàng Quí Phi. Sau khi vua Tự Đức qua đời, bà được di chiếu làm Hoàng hậu, nhưng bà từ chối và về Khiêm Lăng lo việc thờ tự nhà vua. Bà mất năm 1902, được phong làm Lệ Thiên Anh Hoàng hậu, táng tại Khiêm Lăng. Lăng nằm ở đầu nguồn suối Lưu Khiêm, bên trái Khiêm Lăng.

-Nét độc đáo ở Khiêm Lăng: Nhìn chung, mỗi công trình kiến trúc trong lăng Tự Ðức đều mang một đường nét khác nhau về nghệ thuật tạo hình: không trùng lặp và rất sinh động. Cách phân bố các khu vực và bố cục các công trình kiến trúc trong từng khu vực ở lăng Tự Ðức đã phá bỏ hệ thông lệ giữ gìn sự đối xứng từng cổ điển ở một số lăng khác. Tại đây còn có những lối đi uốn lượn mềm mại theo thế đất tự nhiên hoặc do bàn tay con người tạo dáng. Ðường nét kiến trúc thật phóng khoáng, hài hòa thiên nhiên có sẵn, hoặc cải tạo lại cho phù hợp với nghệ thuật kiến trúc phong cảnh.

-Nếu phá vỡ sự đối xứng cũng là một nét đẹp trong nghệ thuật thì lăng Tự Ðức có thêm nét đẹp đó. Kiến trúc và thiên nhiên ở đây gây được nhiều cảm xúc thẩm mỹ mới lạ cho người đến tham quan, và phản ánh được tâm hồn lãng mạn trữ tình của một ông vua thi sĩ.

-Lăng Gia Long giữa một khu rừng thiên nhiên bao la gợi lên một ấn tượng hùng tráng và thanh thản; lăng Minh Mạng đầy vẻ trang nghiêm; và lăng Tự Đức gợi cho khách du ngoạn hồn êm thơ mộng” (bản dịch của văn phòng Việt Nam cạnh UNESCO).

-Lăng Tự Ðức là một bài thơ tuyệt tác, một bức tranh sơn thủy hữu tình, gợi cho du khách một “hồn êm thơ mộng”.
 
LĂNG KHẢI ĐỊNH:

-Lăng Khải Định (còn gọi là Ứng Lăng) là lăng mộ của vua Khải Định (1885-1925), vị vua thứ 12 của triều Nguyễn, tọa lạc tại xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế, cách Tp. Huế 10km.
-Vua Khải Định (1916-1925) là vị vua thứ 12 của triều Nguyễn và là người cuối cùng xây dựng lăng tẩm, chuẩn bị cho sự “ra đi” của một ông vua vào buổi mạt kỳ của chế độ phong kiến. Bước lên ngai vàng vào giữa tuổi 31, Khải Định say sưa với việc xây dựng cung điện, dinh thự, lăng tẩm cho bản thân và hoàng tộc như điện Kiến Trung, cung An Định, cửa Trường An, cửa Hiển Nhơn, cửa Chương Đức, đặc biệt là Ứng Lăng. Những công trình này làm hao tổn nhiều nhân lực, của cải của binh dân, song đó cũng là những công trình có giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc.

-Trị vì được một thời gian, vua Khải Định đã lo nghĩ việc tạo dựng sinh phần cho mình. Sau khi tham khảo nhiều tấu trình của các thầy Địa, Khải Định chọn triền núi Châu Chữ (còn gọi là Châu Ê) làm vị trí để xây cất lăng mộ. Tọa lạc tại vị trí này, lăng Khải Định lấy một quả đồi thấp ở phía trước làm tiền án; lấy núi Chóp Vung và Kim Sơn chầu trước mặt làm “Tả thanh long” và “Hữu bạch hổ”; có khe Châu Ê chảy từ trái qua phải làm “thủy tụ”, gọi là “minh đường”. Nhà vua đổi tên núi Châu Chữ – vừa là hậu chẩm, vừa là “mặt bằng” của lăng – thành Ứng Sơn và gọi tên lăng theo tên núi: Ứng Lăng.

-Lăng khởi công ngày 4-9-1920 và kéo dài trong 11 năm mới hoàn tất. Tiền quân Đô thống phủ Lê Văn Bá là người chỉ huy với sự trưng tập nhiều thợ nghề và nghệ nhân nổi tiếng khắp cả nước như Phan Văn Tánh, Nguyễn Văn Khả, Ký Duyệt, Cửu Sừng… Để có kinh phí xây dựng lăng, vua Khải Định đã xin chính phủ bảo hộ cho phép ông tăng thuế điền 30% trên cả nước và lấy số tiền đó để làm lăng. Hành động nay của Khải Định đã bị lịch sử lên án gay gắt. Khải Định cho người sang Pháp mua sắt, thép, xi măng, ngói Airdoise…,cho thuyền sang Trung Hoa, Nhật Bản mua đồ sứ, thủy tinh màu… để kiến thiết công trình. So với lăng của các vua tiền nhiệm, lăng Khải Định có một diện tích rất khiêm tốn: 117m x 48,5m nhưng cực kỳ công phu và tốn nhiều thời gian. Người đời sau thường đặt lăng Khải Định ra ngoài dòng kiến trúc truyền thống thời Nguyễn bởi cái mới, cái lạ, cái độc đáo, cái ngông nghênh, lạc lõng… tạo ra từ phong cách kiến trúc. Toàn cảnh lăng Khải Định có một cái gì đó vừa quen, vừa lạ. Tổng thể của lăng là một khối hình chữ nhật vươn lên cao với 127 bậc cấp như muốn thể hiện khát vọng tự chủ của ông vua bù nhìn này. Sự xâm nhập của nhiều trường phái kiến trúc: Ấn Độ giáo, Phật giáo, Roman, Gothique… đã để lại dấu ấn trên những công trình cụ thể: những trụ cổng hình tháp ảnh hưởng từ kiến trúc Ấn Độ; trụ biểu dạng stoupa của nhà Phật; hàng rào như những cây thánh giá khẳng khiu; nhà bia với những hàng cột bát giác và vòm cửa theo lối Roman biến thể… Điều này là kết quả của hai yếu tố: sự giao thoa văn hóa Đông – Tây trong buổi giao thời của lịch sử và cá tính của Khải Định. Sự xâm lược của chủ nghĩa tư bản phương Tây đã đột phá cánh cửa phong kiến để làn gió của văn hóa Tây Âu tràn vào Việt Nam. Mặt khác Khải Định là một ông vua hiếu kỳ, chuộng cái mới nhưng có sự sàng lọc, một ông vua “mặc complet bên trong khoác long bào, bên ngoài, ngực lấp lánh Bắc Đẩu Bội Tinh, thắt lưng gắn bóng đèn điện chớp đỏ” (lời L. Cadière) nên chẳng có gì phải “kiêng nể” trong việc “thâu tóm điều hay, cái lạ” của thế giới vào ngôi nhà vĩnh cửu của mình. May thay! Ý muốn kỳ quặc của ông vua ngông nghênh đó đã không bị bê nguyên xi vào trong kiến trúc. Bằng óc thông minh, sự chọn lọc tinh tế và đôi tay tài hoa khéo léo, người thợ Việt Nam đã tạo cho công trình những tuyệt tác nghệ thuật.

-Cung Thiên Định ở vị trí cao nhất là kiến trúc chính của lăng, nơi mà tài hoa của những người thợ được phô diễn, gởi gắm. Công trình này gồm 5 phần liền nhau: 2 bên là Tả, Hữu Trực Phòng dành cho lính hộ lăng; phía trước là điện Khải Thành, nơi có án thờ và chân dung vua Khải Định; chính giữa là bửu tán, pho tượng nhà vua và mộ phần phía dưới; trong cùng là khám thờ bài vị của ông vua quá cố. Toàn bộ nội thất của 3 gian giữa trong cung Thiên Định đều được trang trí những phù điêu ghép bằng sành sứ và thủy tinh. Đó là những bộ tranh tứ quý, bát bửu, ngũ phúc, bộ khay trà, vương miện… kể cả những vật dụng rất hiện đại như đồng hồ báo thức, vợt tennis, đèn dầu hỏa… cũng được trang trí nơi đây. Những vật liệu cứng, biệt lập, qua bàn tay vàng khéo léo của các nghệ nhân đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật mềm mại, sống động và vô cùng rực rỡ. Đặc biệt chiếc bửu tán bên trên pho tượng đồng trong chính tẩm với những đường lượn mềm mại, thanh thoát khiến người xem có cảm giác nó được làm bằng nhung lụa, có thể xao động trước gió mà quên đi rằng đó đích thực là một khối bê tông cốt thép nặng gần 1 tấn. Bên dưới bửu tán là pho tượng đồng của Khải Định được đúc tại Pháp năm 1920. Tượng do 2 người Pháp là P.Ducing và F. Barbedienne thực hiện theo yêu cầu của vua Khải Định. Thi hài nhà vua được đưa vào dưới pho tượng bằng một toại đạo dài gần 30m, bắt đầu từ phía sau Bi Đình. Phía sau ngôi mộ, vầng mặt trời đang lặn như biểu thị cái chết của vua.

-Toàn bộ trang trí bên trong cung Thiên Định không chỉ phản ánh những giá trị văn hóa, nghệ thuật mà còn đề cập đến vấn đề nhận thức, chủ đề tư tưởng của công trình và ý muốn của nhà vua. Bên cạnh các đồ án trang trí rút từ các điển tích Nho giáo và cuộc sống của chốn cung đình, còn có những đồ án trang trí của Lão Giáo và đặc biệt là hàng trăm chữ Vạn – một biểu trưng của nhà Phật được đắp bằng thủy tinh xanh trên tường hậu tẩm. Phải chăng đó là sự thể hiện “Tam Giáo đồng hành” trong tư tưởng của vua quan và Nho sĩ đương thời? Phải chăng nhà vua cũng mong muốn được thư nhàn lúc về già và được nhập Niết Bàn, được siêu thoát sau khi băng hà ? Hay đó là sự bế tắc về tư tưởng của Khải Định nói riêng và tầng lớp quan lại thuở đó? Tất cả là những gợi mở đầy thú vị để du khách chiêm nghiệm mỗi khi tham quan công trình này.

-Người chịu trách nhiệm chính trong việc kiến tạo những tuyệt tác nghệ thuật trong lăng Khải Định là nghệ nhân Phan Văn Tánh, tác giả của 3 bức bích họa “Cửu long ẩn vân” lớn vào bậc nhất Việt Nam được trang trí trên trần của 3 gian nhà giữa trong cung Thiên Định. Nhờ những đóng góp của ông và bao nghệ nhân dân gian tài hoa của nước Việt, lăng Khải Định đã trở thành biểu tượng, đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình sành sứ và thủy tinh.

-Cho dù bị lên án dưới nhiều góc độ khác nhau, lăng Khải Định đích thực là một công trình có giá trị về mặt nghệ thuật và kiến trúc. Nó làm phong phú và đa dạng thêm quần thể lăng tẩm ở Huế, xứng đáng với đôi câu đối đề trước Tả Trực Phòng trong lăng:

“Tứ diện hiến kỳ quan, phong cảnh biệt khai vũ trụ.
Ức niên chung vượng khí, giang sơn trường hộ trừ tư.”
(Bốn mặt đều là kỳ quan, phong cảnh mở ra một vũ trụ biệt lập.
Muôn năm hun đúc nên vượng khí, núi sông giúp đỡ mãi hoài)


Tượng Khải Định trên ngai vàng trong lăng Khải Định.

Sông Hương:

-Sông Hương hay Hương Giang là con sông chảy qua thành phố Huế và các huyện, thị xã: Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang đều thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế, miền Trung Việt Nam. Sông có nhiều tên gọi: Lô Dung, Linh, Dinh, Kim Trà, Hương.

-Sông Hương có hai nguồn chính đều bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn.Dòng chính của Tả Trạch dài khoảng 67 km, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn Đông hợp lưu với dòng Hữu Trạch tại ngã ba Bằng Lãng (khoảng 3 km về phía bắc khu vực lăng Minh Mạng). Hữu Trạch dài khoảng 60 km là nhánh phụ, chảy theo hướng bắc, qua 14 thác và vượt qua phà Tuần để tới ngã ba Bằng Lãng, nơi hai dòng này gặp nhau và tạo nên sông Hương.

– Từ ngã ba Bằng Lãng, sông Hương nhẹ nhàng, chậm rãi chảy qua các làng mạc trù phú của vùng ngoại vi Huế, đi vào giữa lòng thành phố, rồi tiếp tục uốn lượn qua các miền quê ở hạ lưu trước khi ra biển. Ở đoạn sông chính này, sông Hương có một số chi lưu quan trọng như sông Bạch Yến, sông Kim Long (khi xây dựng Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX, sông này đã bị chặn lấp, nay thoái hoá hoàn toàn và có tục danh là sông Lấp, đoạn chảy trong Kinh thành được cải tạo thành Ngự Hà); sông Lợi Nông; sông Thiên Lộc, sông Kẻ Vạn, sông Đông Ba …, trong đó có một số con sông đào nhằm mục đích bảo vệ Kinh thành hoặc tưới tiêu cho nông nghiệp … Ở hạ lưu, sông Hương hội nhập với sông Bồ (tại ngã ba Sình) và sông Ô Lâu (tại phá Tam Giang) trước khi đổ ra biển.

-Có nhiều cách giải thích nguồn gốc tên gọi sông Hương:
 
  1. Trong chuyến tuần du phương Nam năm 1601, có một đêm chúa Nguyễn Hoàng mơ thấy được trao nén hương từ tay người đàn bà nhà Trời (Thiên Mụ) và khi tỉnh giấc, nén hương trong mộng vẫn còn trên tay. Theo lời mách bảo, chúa Nguyễn Hoàng thắp nén hương và đi xuôi theo dòng sông ngay cạnh lán trại và khi hương tàn thì dừng lại, lấy đó làm thủ phủ. Nơi ấy chính là đất Phú Xuân (Huế) ngày nay. Để tạ ơn, chúa Nguyễn Hoàng liền cho xây chùa Linh Mụ (hay còn gọi là Thiên Mụ – nơi người được báo mộng) và dòng sông dẫn đường được đặt là Hương giang từ đó.
 
  1. Năm 1792, trong chuyến tuần du Phú Xuân, vua Quang Trung hỏi sông đang đi thuyền tên là gì. Đáp rằng đoạn vừa đi qua tên Đan Điền, đoạn này tên Hương Trà, trước đây lại có tên Kim Trà. Vua không hài lòng, bảo sao lại lấy địa danh hữu hạn, thường thay đổi để đặt tên cho con sông dài thiên nhiên muôn thuở, và phán rằng từ nay thống nhất gọi là Hương Giang, từ nguồn cho tới biển.

  1. Vân Bình Tôn Thất Lương (1887-1951) đi theo một hướng khác, thiên về yếu tố tự nhiên: “Hai bên bờ tả, hữu trạch có giống thạch xương bồ là một vị thuốc trường sinh, có mùi thơm, mọc hai bên bờ khe, nước khe lần hóa ra thơm. Hương Giang (sông Thơm) bởi đó mà có danh vậy”.
 
  1. Một huyền thoại khác về nguồn gốc của tên gọi sông Hương: Vì yêu quý con sông xinh đẹp của quê hương, con người ở hai bờ đã nấu nước trăm hoa đổ xuống lòng sông, để làn nước thơm tho mãi mãi.


-Sông Hương và núi Ngự Bình được nhắc đến trong lời bài hát Ai ra xứ Huế sáng tác bởi nhạc sỹ Duy Khánh:

Ai ra xứ Huế thì ra
Ai về là về núi Ngự
Ai về là về sông Hương
Nước sông Hương còn vương chưa cạn
Chim núi Ngự tìm bạn bay về
Người tình quê ơi người tình quê thương nhớ xin trở về

-Hằng năm, vào mùa lụt, nước sông Hương dâng cao có thể gây ngập úng cho thành phố Huế và các vùng lân cận. Nhưng nhờ phù sa sau mỗi trận lụt, các miệt vườn như Nguyệt Biểu với đặc sản là quả Thanh Trà; Kim Long với măng cụt, các triền ven sông với bắp… sẽ tốt tươi hơn.

Núi Ngự:

-Núi Ngự Bình, gọi ngắn gọn là núi Ngự, trước có tên là Hòn Mô hay Núi Bằng (Bằng Sơn) – Bằng là loài chim rất to lớn, như chim đại bàng chẳng hạn. Sở dĩ đặt tên Bằng Sơn là vì hòn núi mang dáng vẻ như một con chim đại bàng dang hai cánh để bay.; là một hòn núi đất cao 103 m ở bờ phải sông Hương (giữa Cồn Hến và Cồn Giã Viên), cách trung tâm thành phố Huế (thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế, Việt Nam) 4 km về phía Nam.

Núi Ngự có dạng hình thang, đỉnh bằng phẳng, hai bên có hai ngọn núi nhỏ chầu vào gọi là Tả Bật Sơn (dưới thời Tây Sơn từng được gọi là núi Bân, nơi tế trời) và Hữu Bật Sơn vào năm 182. Và hai ngọn núi này do chính vua Minh Mạng đặt tên khi ông đến đây vào năm 1822.

Bởi núi có hình dạng như thế, nên khi chúa Nguyễn Phúc Trăn (ở ngôi:1687-1691) dời thủ phủ Đàng Trong từ làng Kim Long (thuộc huyệnHương Trà, tỉnh Thừa Thiên) về làng Phú Xuân (chỗ của Kinh thành Huế ngày nay) vào năm 1687, đã dùng núi ấy làm án (chắn ngang) trước thủ phủ. Về sau, khi chúa Nguyễn Phúc Khoát (ở ngôi: 1738-1765) xây dựng đô thành Phú Xuân (hoàn tất năm 1739), và vua Gia Long xây dựng Kinh thành Huế (1805) cũng đặt núi Bằng làm án. Và cũng chính vua gia long đã đặt tên chính thức cho núi ấy là “Ngự Bình Sơn”. “Ngự” là một từ dùng để chỉ những gì thuộc về vua. “Bình” là ngăn che, nói tắt từ chữ “bình phong”, vật dùng để ngăn chặn những điều không tốt lành, những ảnh hưởng tâm linh xấu xa gây ra tai họa.

-Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, thì từ thời Gia Long, tất cả các quan lại không phân biệt phẩm trật lớn nhỏ, mỗi người đều phải trồng ở Ngự Bình một cây thông, cho nên trải các đời vua, Ngự Bình trở thành một rừng thông vi vu.

-Năm 1836, khi đúc Cửu đỉnh, nhà vua đã cho đúc nổi “Ngự Bình sơn” vào Nhân đỉnh. Sau đó hai năm, 1838, nhân dịp “Trùng dương giai tiết”, còn gọi là ngày Trùng cửu (mồng 9 tháng 9 âm lịch), vua cùng các quan lên núi chơi và làm thơ tại chỗ để kỷ niệm. Từ đó, hàng năm, các vua nhà Nguyễn lên đây để thưởng lãm thắng cảnh này. Trong một lần lên đây nhân tiết Trùng dương như vậy, vua Thiệu Trị cũng đã cảm nhận rằng: “Ngắm khói mây mà tấm lòng rộng mở; nhìn phong cảnh tận hưởng thú thiên nhiên”, rồi ngự chế bài thơ “Bình lãnh đăng cao” để ca ngợi và xếp núi Ngự Bình vào trong 20 thắng cảnh của đất Thần kinh. Bài thơ đã được khắc vào bia đá và dựng tại chân núi vào năm 1843, nay vẫn còn tại chỗ, được bảo vệ trong một bi đình xây bằng gạch vồ rất kiên cố.

-Cùng với sông Hương, núi Ngự Bình hòa quyện vào nhau tạo nên vẻ sơn thủy hữu tình của Huế, và đã trở thành biểu tượng của thiên nhiên Huế từ rất lâu. Vì vậy, người ta quen gọi Huế là xứ sở của “sông Hương-núi Ngự”.

Cầu Tràng Tiền:

– Cầu Trường Tiền hay cầu Tràng Tiền là chiếc cầu (dài 402,60m; rộng 5,40m) bắc qua sông Hương. Đầu cầu phía Bắc thuộc phường Phú Hòa, đầu cầu phía Nam thuộc phường Phú Hội; ở ngay giữa thành phố Huế, Việt Nam.

-Thi sĩ Quách Tấn, đã căn cứ bài thơ Thuận Hóa thành tức sự của nhà thơ Thái Thuận nói rằng dưới thời vua Lê Thánh Tông (1442-1497), sông Hương đã có cầu. Và chiếc cầu đó, được làm bằng song mây bó chặt lại với nhau và nối liền nhau, nên có tên là cầu Mây. Rồi vì cầu có hình cái mống úp lên sông, nên còn có tên là cầu Mống. Trải bao năm tháng, không biết năm nào, cầu Mống được làm lại bằng gỗ, mặt cầu lát bằng ván gỗ lim.

-Năm Thành Thái thứ 9 (1897), chiếc cầu trên được nhà cầm quyền Pháp (khi ấy Khâm xứ Trung Kỳ là Levecque) giao cho hãng Eiffel (Pháp) thiết kế (do Gustave Eiffel thiết kế) và xây dựng lại bằng sắt, đến năm Thành Thái thứ 11 (1899) thì hoàn thành và được mang tên vị vua này: cầu Thành Thái. Tổng cộng tiền xây cầu Thành Thái tiêu tốn hết khoảng 400 triệu đồng, là một số tiền lớn vào thời đó. Đến năm Giáp Thìn (1904), bão lớn làm cầu hư hỏng nặng. Hai năm sau, tức năm Thành Thái thứ 16 (1906), chiếc cầu mới được sửa chữa lại bằng xi măng cốt thép. Tổng chiều dài cây cầu là 401,10m, rộng 6,20m, có 6 vài, 12 nhịp, mỗi nhịp được thiết kế hình bán nguyệt. Và hình thức này, vẫn giữ được cho đến ngày hôm nay.

-Gustave Eiffel là kiến trúc sư người Pháp đã thiết kế cầu Tràng Tiền. Cầu Trường Tiền được xây dựng kiên cố dưới đời vua Thành Thái nên tên cầu ban đầu là cầu Thành Thái. Nhưng sau khi vua Thành Thái bị thực dân Pháp đày sang đảo Réunion, thì nhà cầm quyền cho đổi tên là cầu Clémenceau, theo tên của một Thủ tướng Pháp thời Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

-Năm 1945 chính phủ Trần Trọng Kim đổi tên là cầu Nguyễn Hoàng. Và dù lần lượt có nhiều tên gọi, nhưng từ rất lâu, cái tên cầu Trường Tiền vì chiếc cầu nằm gần một công trường đúc tiền, gọi tắt là Trường Tiền của nhà Nguyễn và phố Trường Tiền do vua Thành Thái lập năm 1899) vẫn được người dân quen gọi và đã đi vào nhiều bộ môn nghệ thuật…

-Đến năm 1937, cầu được mở rộng thêm hai hành lang ở hai bên, dành cho người đi bộ, xe đạp và những bao lơn (ban công) hình bán nguyệt được tạo ra ở 5 trụ cầu giữa 2 vai để có chỗ dừng chân, hay né tránh nhau. Năm 1946, trong chiến tranh Việt – Pháp, cầu bị đặt mìn giựt sập hai phía tả ngạn. Hai năm sau cầu được tu sửa tạm để qua lại. Trong Tết Mậu Thân, trụ 3 và nhịp 7 bị phá hủy, bộ đội cách mạng cho giựt sập để cắt đường tấn công của Mỹ và quân đội Sài Gòn. Một chiếc cầu phao được dựng lên tạm thời cho người qua sông và sau đó, cầu đã được sửa chữa lại. Từ năm 1991 đến 1995, công ty Công ty Cầu 1 Thăng Long lãnh trách nhiệm trùng tu, xây lại hai nhịp cầu, đổi màu cầu từ màu dụ bạc sang màu lam, nên chiếc cầu không còn giống chiếc lược ngà và không còn lấp lánh dưới ánh mặt trời nữa. Tất cả các bao lơn cũng bị phá bỏ. Trước đây mặt cầu rộng 6m20, nhưng sau khi sửa chữa xong, chỉ còn 5m40, cho nên chỉ có xe loại nhỏ mới qua lại cầu được. Hiện nay, cầu Trường Tiền chi dành cho xe hai bành lưu thông.

-Xứ Huế có câu ca:

“Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp
Em theo không kịp
Tội lắm anh ơi!
Bấy lâu mang tiếng chịu lời
Anh có xa em đi nữa
Cũng tại ông Trời nên xa”


-Không chỉ gắn với địa danh Trường Tiền, Đoan Quận công Bùi Thế Đạt còn để lại dấu ấn hết sức đặc biệt tại Đàng Trong với việc vẽ nên tấm bản đồ “Giáp Ngọ niên bình Nam đồ” (bản đồ đánh dẹp miền Nam năm Giáp Ngọ) dâng lên chúa Trịnh vào năm Giáp Ngọ (1774) phục vụ cho cuộc Nam tiến bình định Thuận Hóa Phú Xuân. Đây là bộ bản đồ vẽ xứ sở Đàng Trong từ Quảng Bình vào tới núi Đá Bia thuộc Phú Yên.

-Trong bộ bản đồ này “Bãi cát vàng” tức hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa ngày nay được vẽ và chú thích ở ngoài khơi phủ Quảng Ngãi. Nó được vẽ tượng trưng bằng hình những quả núi hình bầu dục nằm giữa Cù Lao Chàm và Cù Lao Ré ngoài khơi huyện Bình Sơn. Như vậy, “Giáp Ngọ niên bình Nam đồ” là tác phẩm thứ hai xuất hiện danh từ “Bãi cát vàng” sau “Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” của Đỗ Bá Công Đạo. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hiện nay.

Nguồn: SGT Tổng Hợp