315 lượt xem

Lâm Quang Thự

LÂM QUANG THỰ


(Nguồn: Sưu tập)
 

Lâm Quang Thự sinh ngày 14.9.1905 tại làng Cẩm Toại, tổng An Phước nay là xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng. Tộc Lâm của ông là tộc họ lớn với rất nhiều nhân vật nổi tiếng như Lâm Hữu Chánh (1818-1870), từng 7 lần đỗ tú tài, tham gia chống Pháp ở Đà Nẵng năm 1858,  dưới trướng Nguyễn Tri Phương, sau theo Đỗ Thúc Tĩnh vào Nam kỳ tiếp tục chống Pháp. Lâm Hữu Chánh là người được Phạm Phú Thứ tiến cử bằng những lời hết sức ấn tượng: “là người lấy sự nghĩa thì làm ngay, khả kham  những chức phòng bị các phủ huyện tối yếu” và được vua Tự Đức bổ làm Tri huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Lâm Văn Tín đỗ cử nhân võ  làm hành tẩu vệ kim ngô chiến đấu giữ thành Đà Nẵng năm 1858.  Lâm Hữu Đôn và Lâm Hữu Mẫn  làm Bang tá Nghĩa hội huyện Hòa Vang và tỉnh Quảng Nam. Lâm Nhĩ (1865-1918) tham gia Nghĩa hội, phong trào Duy tân, kháng thuế và cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân năm 1916, hy sinh ở Lao Bảo 1918.

Lâm Quang Thự là cháu ngoại của tú tài Trương Trọng Hữu (1860-1947). Trương Trọng Hữu bị Pháp bắt tra tấn và giết chết năm 1947, từng tham gia Nghĩa hội Quảng Nam (1885-1887), là thầy giáo của các trường Duy tân (1905-1908), tác giả viết sách giáo khoa cho các trường Duy tân Quảng Nam (tác giả các bài vè về Đo lường, Trái đất, Lịch sử nước Nam, Địa chí Quảng Nam…). Cụ Trương Trọng Hữu vừa là ông ngoại nhưng cũng là người thầy đầu tiên có ảnh hưởng rất lớn đến Lâm Quang Thự.

Thân phụ ông là tú tài Lâm Quang Tự, người sáng lập Trường Ấu học Cẩm Toại (về sau là trường Tiểu học An Phước), một trong những ngôi trường Duy tân đầu tiên của Quảng Nam.

Lúc nhỏ Lâm Quang Thự học ở Trường An Phước sau đó là Trường Pháp Việt ở Hội An. Năm 1921, ông ra Huế học ở Trường Quốc học. Năm 1925 tốt nghiệp và được bổ đi dạy tại Trường Pháp - Việt Nha Trang. Vì tham gia các phong trào đấu tranh nên ông bị bãi chức giáo học năm 1927. Từ đây, ông bắt đầu dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng. Năm 1929 được kết nạp vào tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Năm 1931 bị bắt giam sau đó bị đưa về quản thúc ở quê nhà. Năm 1932 làm công nhân đường sắt ở Đà Nẵng, tiếp tục bí mật hoạt động. Sau Cách mạng Tháng Tám là Chủ tịch Ủy ban hành chánh huyện Hòa Vang. Năm 1946, được bầu làm Đại biểu Quốc hội sau đó làm Ủy viên Ủy ban hành chánh liên tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng. Sau năm 1954 tập kết ra Bắc làm việc ở Văn phòng Quốc hội cho đến khi về hưu năm 1970.

Lâm Quang Thự mất ngày 16.6.1990, được an táng tại Hà Nội.

Vinh danh ông, ở TP.Đà Nẵng hiện có một con đường và một ngôi trường trung học cơ sở mang tên Lâm Quang Thự.

Nguồn: baoquangnam.vn