336 lượt xem

Lê Duy Đàm - Kỳ 1

LÊ DUY ĐÀM

Thế Tông Nghị Hoàng Đế

Tên húy là Duy Đàm thứ năm của Anh Tông, ở ngôi 27 năm, thọ 33 tuổi.

Vua tuổi còn thơ ấu, tin dùng huân thần, nên dẹp yên được kẻ tiếm nghịch, khôi phục được cơ nghiệp cũ, làm nên thái bình. Công trung hưng còn gì lớn hơn thế nữa!

Vua sinh ngày tháng 11 năm Chính Trị thứ 10 [1567], được nuôi dưỡng ở xã Quảng Thi, huyện Thụy Nguyên. Khi Anh Tông chạy ra ngoài, vua còn thơ ấu nên không đi theo, được Tả tướng Trịnh Tùng đón về lập làm vua. Lấy ngày sinh làm Dương Nguyên thánh tiết.

Quý Dậu, [Gia Thái] năm thứ 1 [1573], (Mạc Sùng Khang năm thứ 8; Minh Vạn Lịch năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng một, Tả tướng Trịnh Tùng và các quan văn võ cùng tôn hoàng tử lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu, đại xá,  ban dụ đại cáo, đại lược nói: Ta nghe thượng đế mở rộng công nuôi dưỡng muôn loài, tất ngay dịp xuân mà ban ân đức, vương giả giữ gìn buổi đầu tức vị, phải ra mệnh lệnh dụ bảo thần dân. Trên dưới hợp nhau, đồng lòng một chí. Nước nhà ta, nhân thời cơ mà mở vận, gây dựng nước bằng lòng nhân.

Một tổ khai sáng đầu tiên, các thánh kế nối sau mãi, truyền nhau chính thống đã hơn một trăm năm. Vừa rồi, gặp cơn vận ách, giềng mối rối tung. May nhờ lòng người còn theo, mệnh trời còn đó. Thánh phụ hoàng thương ta là dòng dõi nhà vua, nối cơ đồ của tông tổ, khôi phục nghiệp lớn, trải hơn mười tám năm. Ngày 26 tháng 2, bị kẻ gian là bọn Cảnh Hấp, Đình Ngạn gièm pha, ly gián, đến nỗi xa giá phiêu giạt ra ngoài, thần dân trong nước không chỗ nương tựa. Ta là con thứ năm của hoàng phụ, đương tuổi thơ non nớt, nối nghiệp lớn khó khăn, chỉ sợ không cáng đáng nổi. Nhưng trên vâng mệnh trời yêu mến, dưới theo lòng người suy tôn, từ chối không được, nên vào ngày mồng một tháng giêng năm nay, ta đã lên ngôi, đặt niên hiệu là Gia Thái năm thứ 1 , thực là nhờ được đại thần Tả tướng thái uý Trường quận công Trịnh Tùng và các quan văn võ đồng lòng giúp sức để dẹp yên xã tắc. Vậy ban chiếu mệnh 6 điều để các nơi gần xa được biết:


1. Người dân nào bị nạn binh lửa không còn tài sản gì đều được tha tạp dịch.

2. Dân nghèo xiêu giạt cho về quê cũ, và được tha thuế khoá, sai dịch.

3. Những người theo trộm cướp và những kẻ trốn tù, trốn tội nếu đến thú tội ở cửa quan thì được ân xá, tha tội.

4. Các nha môn trong ngoài nếu có người tù bị giam nào tội nhẹ thì thả cho ra.

5. Các quan văn võ người nào có công thì cho thăng tước một bậc.

6. Con cháu các quan viên, người nào bị oan khuất, kìm hãm, thì cho làm bản tâu lên, sẽ tùy theo tài năng mà bổ dụng.

Các nha môn trong ngoài hãy kính theo đó mà thi hành.

Bấy giờ, Hồng Phúc Hoàng Đế xiêu giạt ở Nghệ An, các hoàng tử Bách, Lựu, Ngạnh, Tùng đều theo đi. Tả tướng Trịnh Tùng sai bọn Nguyễn Hữu Liêu tiến quân đến thành. Vua tránh ra ruộng mía. Bọn Hữu Liêu quỳ lạy ở ruộng nói: "Xin bệ hạ mau trở về cung để yên lòng mong đợi của thần dân trong nước, bọn thần không có chí gì khác cả". Bèn đem 4 con voi đực đón vua trở về, sai bọn Bảng quận công Tống Đức Vi theo hầu, ngày đêm cùng đi. Ngày 22, về tới huyện Lôi Dương. Hôm ấy vua băng. Bấy giờ Tả tướng Trịnh Tùng sai Tống Đức Vi ngầm bức hại vua rồi nói phao là vua tự thắt cổ. D tôn hiệu là Anh Tông Tuấn Hoàng Đế.

Bản kỷ nói : Anh Tông khởi thân từ hàn vi, vì là cháu xa đời của họ Lê,  là dòng dõi của nhà vua, nhờ được Tả tướng Trịnh Tùng và các quan tôn lập làm vua thiên hạ, lo việc khôi phục gian nan. Sau tin dùng bọn tiểu nhân, nghe lời ly gián, khinh xuất đem ngôi áu xiêu giạt ra ngoài, hại tới thân mình. Lời kẻ tiểu nhân làm hỏng nước nhà của người ta, thực là quá lắm! Như thế há chẳng đáng răn sao!

Vua đã lên ngôi, phong Tả tướng thái uý Trường quốc công làm đô tướng, tiết chế các xứ thuỷ bộ chư dinh, kiêm tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự. Mọi công việc nhà nước đều được tự xử quyết trước rồi sau mới tâu.

Lấy Thái phó Nhân quốc công Vũ Công Kỷ làm hữu tướng, bọn Vinh quận công Hoàng Đình Ái, Triều quận công Vũ Sư Thước, Dương quận công Nguyễn Hữu Liêu đều làm thái phó. Trịnh Đỗ làm thái bảo Ngạn quận công, Hùng Trà hầu Hà Thọ Lộc là Lâm quận công. Lại sai sứ mang sắc thư vào Thuận Hoá phong Đoan quận công Nguyễn Hoàng làm thái phó, sai chứa thóc để sẵn dùng nơi biên ải. Còn tiền sai dư thì hàng năm phải nộp 400 cân bạc, 500 tấm lụa.

Tháng 7, quân Mạc đánh dinh Yên Trường. Quan quân rút vào trong luỹ để tỏ là yếu. Hôm sau, giặc lại đắp thêm luỹ, định qua đò Đoạn Trạch. Tiết chế Trịnh Tùng tung binh thuyền chia đánh, phá tan, giặc liền tháo chạy về.

Tháng 10, sai Hữu tướng thái phó Nhân quốc công Vũ Công Kỷ đem quân bản bộ về trấn giữ Đại Đồng để vỗ yên dân địa phương.

Bấy giờ Vũ Công Kỷ đem Mạc Mậu Hợp trở về thành Thăng Long, sai quân làm doanh trại ở ngoài cửa Nam để ở.

 Giáp Tuất, [Gia Thái] năm thứ 2 [1574] , (Mạc Sùng Khang năm thứ 9; Minh Vạn Lịch năm thứ 2). Mùa xuân, họ Mạc mở khoa thi Hội. Cho Vũ Văn Khuê đỗ tiến sĩ cập đệ; bọn Mạc Đình Dự 10 người đỗ tiến sĩ xuất thân; bọn Vũ Duy Hàn 13 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.

Tháng 6, họ Mạc sai tướng Nam đạo là Nguyễn Quyện đem quân xâm lấn Nghệ An. Từ sông Cả trở về Bắc đều mất về họ Mạc. Hoàng quận công đánh nhau với giặc nhiều lần không được, thấy quân lính nhiều kẻ bỏ trốn, bèn làm vòng sắt khoá chân quân lính vào thuyền. Quân giặc đuổi đến, họ cũng không chịu đánh. Hoành quận công bèn bỏ thuyền lên chạy bộ. Đến châu Bố Chính, bị tướng Mạc là Nguyễn Quyện bắt sống đem về Kinh Ấp rồi bị hại.

Mùa thu, tháng 7, Tiết chế Trịnh Tùng sai Thái phó Lai quốc công Phan Công Tích và Tấn quận  công Trịnh Mô đem quân cứu Nghệ An, chống nhau với tướng Mạc Nguyễn Quyện đến vài tháng. Sau bọn Quyện đem quân về Kinh, Công Tích cũng thu quân về Thanh Hoa.

Bấy giờ Tiết chế Trịnh Tùng nắm hết mọi quyền trong ngoài. Bọn Trịnh Vĩnh Thiệu, Trịnh Bách và Lương quận công ngầm mưu sát hại. Việc tiết lộ, đều bị bắt hạ ngục để xử tội. Bà phi của Thái Vương à Nguyễn Thị ra sức cứu gỡ mới được khỏi tội, nhưng bị tước quyền (Bà phi của Thái Vương tức là mẹ của Tiết chế Trịnh Tùng).

Ngày 20, họ Mạc phong cho Mạc Kỳ, con trưởng của Ly Vương Mạc Lý Tốn làm Hưng Lễ Vương.

Ất Hợi, [Gia Thái] năm thứ 3 [1575] , (Mạc Sùng Khang năm thứ 10; Minh Vạn Lịch năm thứ 3). Tháng giêng, ngày mồng 6, họ Mạc sai Kính Điển đem quân xâm lược Thanh Hoa, bọn Nguyễn Quyện đem quân xâm lược Nghệ An.

Bấy giờ, quân Mạc mạnh, tiến đến đâu, mọi người đều không dám chống lại, trốn xa vào núi rừng để tránh mũi nhọn của chúng. Kính Điển tự  đem đại binh tiến đánh các sông ở Yên Định và Thuỵ Nguyên . Lại chia quân cho bọn tướng Tây đạo Mạc Ngọc Liễn tiến đánh các huyện Lôi Dương và Đông Sơn . Ngày hôm ấy, hai đạo quân đều tiến.

Tháng 8, Tiết chế Trịnh Tùng sai thái phó Vinh quận công Hoành Đình Ái thống suất bọn Nghĩa quận công Đỗ Diễn, Thạch quận công , Hùng quận công Phan Văn Khoái đem quân đi cứu [các huyện] Lôi Dương, Nông Cống, Đông Sơn, đóng quân ở núi Tiên Mộc . Tiết chế tự dẫn đại quân Trung dinh, sai bọn Thái phó Triều quận công Vũ Sư Thước và Dương quận công Nguyễn Hữu Liêu làm tiền đội đi tiên phong; Thái phó Vệ Dương hầu Trịnh Bách, Vĩnh Thọ hầu Trịnh Đồng, Quảng Diên hầu Trịnh Ninh, làm Tả đội; Thái phó Văn Phong hầu Trịnh Vĩnh Thiệu, Thái phó Ngạn quận công Trịnh Đỗ, Lương quận công, Bảng quận công Tống Đức Vị làm Hữu đội; bọn Lân quốc công Hà Thọ Lộc làm Hậu đội, đều tiến đến Chiêu Sơn đóng quân. Mạc Kính Điển đem đại binh đánh ở Đông Lý , huyện Yên Định. Bọn Sư Thước và Hữu Liêu tung kỳ binh ra đuổi.

Tháng ấy, sai bọn thái phó An quận công Lại Thế Khanh, Tấn quận công Trịnh Mô, Lai quận công Phan Công Tích đem quân đến cứu Nghệ An, đánh nhau mãi với tướng Nam đạo của họ Mạc là Nguyễn Quyện không được. Quyện đem kỳ binh phục sẵn để đợi, đánh thắng luôn, bắt được Công Tích đem về.

Bính Tý, [Gia Thái] năm thứ 4 [1576], (Mạc Sùng Khang năm thứ 11; Minh Vạn Lịch năm thứ 4). Mạc Kính Điển lại đem quân xâm lược Thanh Hoa, tiến đánh sông Lam ở huyện Thuỵ Nguyên. Sai
tướng Tây đạo Mạc Ngọc Liễn đem quân tiến đánh sông Đồng Cổ ở huyện Yên Định. Lại chia quân sai tướng Nam đạo Nguyễn Quyện xâm lược Nghệ An, đánh nhau với Tấn quận công Trịnh Mô đến hơn vài tháng. Sau Trịnh Mô nhiều lần đánh không được, trốn  về Thanh Hoa, đến huyện Ngọc Sơn. Nguyễn Quyện nói: "Trịnh Mô đánh thua chạy về, rút quân không có hiệu lệnh, ta thế nào cũng bắt được nó". Bèn tự đốc quân đuổi tới Ngọc Sơn, bắt được Mô ở giữa đường đưa về Kinh ấp. Từ đấy, oai thanh của Nguyễn Quyện ngày một lừng lẫy, trở thành viên tướng danh tướng của họ Mạc. Các tướng hùng, tôi giỏi cả miền Giang đông đều cho là mình không bằng.

Đinh Sửu, [Gia Thái] năm thứ 5 [1577], (Mạc Sùng Khang năm thứ 12; Minh Vạn Lịch năm thứ 5). Đặt Chế khoa chọn nhân tài. Cho bọn Lê Trạc Tú 3 người đỗ đệ nhất giáp Chế khoa xuất thân; bọn Hồ Bỉnh Quốc 2 người đỗ đệ nhị giáp đồng Chế khoa xuất thân.

Họ Mạc mở khoa thi Hội. Cho bọn Vũ Giới, Nguyễn Nhân Triêm, Phạm Gia Môn đỗ tiến sĩ cập đệ; bọn Lê Viết Thảng 5 người đỗ tiến sĩ xuất thân; bọn Trần Như Lâm 10 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.

Họ Mạc ra lệnh lấy quân hạng nhất, nhì, ba ở các huyện, mỗi người mang đủ 3 tháng lương ăn để chuẩn bị xâm lược Thanh Hoa.

Tháng 5, Tiết chế Trịnh Tùng hạ lệnh cho quan lại các xứ Thanh Hoa và Nghệ An đôn đốc dân các xã các huyện, hạn từ trước tháng kịp thời cày cấy, không được để chậm, phòng khi quân đi qua, ảnh hưởng tới nghề nông.

Tháng 7, hạ lệnh cho dân cư các huyện dọc sông xứ Thanh Hoa , thu xếp của cải, gia súc, đưa vợ con vào lánh ở nơi hiểm yếu dưới chân núi để phòng quân giặc đến. Hạ lệnh cho các cửa biển và điểm tuần các nơi dọc đường đều đặt pháo hiệu. Nếu thấy quân giặc tới thì lập tức bắn một tiếng pháo hiệu làm tin, để cho cư dân nghe lệnh, sẵn sàng lánh đi chổ khác, không để quân giặc giết hại. Lại hạ lệnh cho vùng chân núi các huyện nếu thấy dân xã ven sông đưa trâu bò gia súc chạy đến với xã mình thì phải nghiêm ngặt tuần phòng, nếu có trộm cướp phải đem người đến cứu. Nếu không đến cứu, để mất mát tiền của súc vật của cư dân thì địa phương ấy phải chia nhau mà đền.

Tháng 8, Mạc Kính Điển xâm phạm sông Đồng Cổ. Tiết chế Trịnh Tùng đích thân đem đại binh ra cửa luỹ Khoái Lạc chống lại. Quân Mạc đánh phá dinh Hội Thượng. Hoàng Đình Ái đem kỳ binh khiêu chiến. Nguyễn Hữu Liêu đem quân chặn phá giặc. Lại đánh nhau với quân Mạc ở Hà Đô. Tống Đức Vị ngã trên voi xuống suýt bị quân Mạc bắt sống. Trịnh Bách dồn nhiều binh tượng đến cứu thoát. Sau quân Mạc lại tiến đến Hà Đô. Bọn tướng Nam đạo Nguyễn Quyện đem quân phục ở phía ngoài đê chờ đợi, rồi sai Hoàng quận công (không rõ tên) cùng với bọn Lại Thế  Mỹ đem quân khiêu chiến, tiến đến ngoài cửa luỹ Khoái Lạc. Thế Mỹ nhảy lên ngựa trước đến đánh. Quan quân dùng súng bắn chết dưới chân ngựa. Quân Mạc tan vỡ. Các quân tranh nhau dâng tai Thế Mỹ ở cửa quân. Thưởng công.

Tháng 9, Mạc Kính Điển đem quân về Kinh ấp. Quan quân cũng trở về dinh Yên Trường. Uý lạo ba quân.

Bấy giờ, ở Thanh Hoa mưa dầm nhiều, nước lụt đến 7 lần, lúa má bị hạn nhiều, dân đói to.

Họ Mạc sách phong Vũ Thị Hoành là con gái của thự vệ sự vệ Cẩm y Phú Sơn hầu Vũ Văn Khê làm chính phi.

Tháng 11, sao Chổi mọc, trở thẳng hướng đông nam, tua sáng dài đến 40 trượng, sắc hồng và tía ánh nhau, người người đều kinh hãi.

Tháng 12, ngày mồng 1, sao Chổi hết. Xuống chiếu đổi năm sau làm Quang Hưng năm thứ 1.

Mậu Dần, [Quang Hưng] năm thứ 1 [1578] , (Mạc Sùng Khang năm thứ 13; Minh Vạn Lịch năm thứ 6). Tháng 2, ngày 21, Mạc Mậu Hợp bị sét đánh ở trong cung, bị bại liệt nửa mình, sau chữa thuốc lại khỏi, bèn đổi niên hiệu, lấy năm ấy làm năm Diên Khánh thứ 1.

Tháng 7, Mạc Kính Điển đem quân vào lấn các huyện ven sông xứ Thanh Hoa. Tiến đến Giang Biểu , Tiết chế Trịnh Tùng sai bọn Trịnh Bách đem quân vượt sông phục sẵn ở núi Phụng Công , đánh nhau to ở cầu Phụng Công. Quan quân tập trung súng bắn vào, quân Mạc chết không xiết kể. Kính Điển liền rút quân về Kinh ấp.

Vua lập hành tại ở sách Vạn Lại; lập đàn Nam giao ở ngoài cửa luỹ Vạn Lại.

 Tháng 10, tướng Tây đạo của Mạc là Mạc Ngọc Liễn đem quân xâm lấn các châu huyện ở Tuyên Quang và Hưng Hoá, đến châu Thu và châu Vật . Thái phó Nhân quận công Vũ Công Kỷ tung quân đánh lớn, quân Mạc thất bại rút về.

Kỷ Mão, [Quang Hưng] năm thứ 2 [1579] , (Mạc Diên Thành năm thứ 2; Minh Vạn Lịch năm thứ 7). Tháng 7, Mạc Kính Điển lại đem quân vào xâm lấn Thanh Hoa, cướp phá vùng ven sông, đến sông Tống Sơn, phủ Hà Trung, đánh vào xã Chương Các. Tiết chế Trịnh Tùng sai Thái phó Nghĩa quận công Đặng Huấn đốc quân chống quân Mạc ở Thái Đường , sai Diễn quận công Trịnh Văn Hải làm tiên phong để khiêu chiến, đánh mạnh vào núi Kim Âu . Đặng Huấn thúc quân tiến ngầm đến địa phương Tống Sơn, ra Mục Sơn ở sông Bình Hoà chặn phía sau quân Mạc. Quân Mạc thua to phải rút về.

 Tháng 9, Thái phó An quận công Lại Thế Khanh chết, tặng Khiêm quốc công.

Canh Thìn, [Quang Hưng] năm thứ 3 [1580] , (Mạc Diên Thành năm thứ 3; Minh Vạn Lịch năm thứ 8). Nhà Mạc mở khoa thi Hội. Cho Đỗ Cung đỗ tiến sĩ cập đệ; bọn Đỗ Trực 3 người đỗ tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Thọ Xuân 20 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.

Tháng 5, Bảng quận công Tống Đức Vị chết. Đức Vị người xã Khoái Lạc, huyện Yên Định.

Tháng 7, Mạc sai bọn tướng Nam đạo Nguyễn Quyện, tướng Tây đạo Mạc Ngọc Liễn cùng viên tướng Hoằng quận công đem quân vào xâm lấn Thanh Hoa, cướp bóc tiền của, súc vật của dân cư các huyện dọc sông rồi rút về.

Tháng 8, lập khoa thi Hội. Cho bọn Nguyễn Văn Giai 4 người đỗ tiến sĩ xuất thân, bọn Lê  Quang Hoa 2 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.

Tháng 9, sao băng rất nhiều, tiếng vang như sấm sét. Lại có sao Chổi mọc.

Tháng 10, Mạc Kính Điển chết. Kính Điển là người nhân hậu, dũng lược, thông minh, tài trí, nhạy bén, hiểu đời, từng trải nhiều gian nan nguy hiểm, cần lao, trung thành, sinh được 9 người con trai: con trưởng là Kính Chỉ phong Đường An Vương phó tổng soái, con thứ là Kính Trực phong Trung Cẩn công Cẩm y vệ chưởng vệ sự, Kính Giản phong Huệ Thành công Chiêu vũ vệ chưởng vệ sự, Kính Tuân phong Dũng Nghĩa công, Triều đông vệ chưởng vệ sự, Kính Thận phong Đạt Lễ công, Kính Cung phong Đôn

Hậu công, Kính Thể phong Khuông Phụ công, Kính Bang chưa được phong. Con gái 9 người: con trưởng là Ngọc Thụ phong Lương quận thượng chúa, con thứ là Ngọc Quán phong Nghi quận thượng chúa, Ngọc Tỷ phong An quận thượng chúa, Ngọc Diễm phong Dương quận thượng chúa, duy có con gái bé 3 tuổi chưa được phong. Con gái nuôi là Ngọc Uyển phong Tiên quận thượng chúa.

Tháng 12, ngày mồng 3, họ Mạc sai bọn Lương Phùng Thìn, Nguyễn Nhân An, Nguyễn Uyên, Nguyễn Khắc Tuy, Trần Đạo Vinh, Nguyễn Kính, Đông Uông, Vũ Cẩn, Nhữ Tông, Lê Đình Tú, Vũ Tĩnh sang nước Minh cống hàng năm.

Tân Tỵ, [Quang Hưng] năm thứ 4 [1581] , (Mạc Diên Thành năm thứ 4; Minh Vạn Lịch năm thứ 9). Mùa thu, họ Mạc nghị bàn, trao cho viên phụ chính là Ứng Vương Mạc Đôn Nhượng thống lĩnh binh quyền, sai gọi quân các đạo vào xâm lược các huyện ven sông ở Thanh Hoa. Đôn Nhượng liền đem quân vượt biển vào đến huyện Quảng Xương, đóng quân ở núi Đường Nang .

Tiết chế Trịnh Tùng tâu vua sai Hoàng Đình Ái thống lĩnh các tướng tiến quân chống giữ.  Đình Ái hội họp các tướng, chia thành ba đạo: sai Nguyễn Hữu Liêu làm tiên phong, Đình Ái tự đốc suất đại quân làm chính đội, tiến quân đối trận với quân Mạc; bọn Trịnh Bính, Hà Thọ Lộc làm tả đội chống quân Nguyễn Quyện, bọn Trịnh Văn Hải làm hữu đội, chống quân Mạc Ngọc Liễn. Bọn Trịnh Đồng, Trịnh Ninh làm hậu đội. Hôm ấy đều tiến quân, đánh nhau to với quân Mạc. Quan quân nhuệ khí rất mạnh, người nào cũng một mình địch nổi trăm người, chém hơn 600 thủ cấp giặc, bắt sống tướng giặc là bọn Chấn quận công Nguyễn Công và Phù Bang hầu (không rõ tên) ở trận tiền. Quân giặc đại bại, tan vỡ tháo chạy. Đôn Nhượng và tướng sĩ các đạo sợ đến vỡ mật, thu nhặt tàn quân trốn về Kinh ấp. Quan quân toàn thắng khải hoàn, đến hành dinh dâng tù hơn vài trăm tên vừa tướng vừa quân. Chấn quận công Nguyễn Công là cháu gọi Nguyễn Hữu Liêu bằng cậu. Tiết chế Trịnh Tùng tha tội cho, trao về cho Hữu
Liêu vỗ về nuôi dưỡng, sau lại phong làm Tung quận công. Còn Phù Bang hầu và mấy trăm người bị bắt đều cấp cho cơm áo thả về quê quán. Mọi người đều thầm cảm ơn to. Từ đấy binh uy lừng lẫy. Quân Mạc không dám dòm ngó nữa, cư dân Thanh Hoa, Nghệ An mới được yên nghiệp.

Năm ấy, Mạc Mậu Hợp bị bệnh thông manh mờ mắt, tìm thầy thuốc giỏi trong khắp nước chữa liền mấy năm, bệnh khỏi, mắt lại sáng ra.

Nhâm Ngọ, [Quang Hưng] năm thứ 5 [1582], (Mạc Diên Thành năm thứ 4; Minh Vạn Lịch năm thứ 10). Tháng 1, ngày 26, họ Mạc sai Hộ bộ thượng thư kiêm Quốc tử giám tế tửu Vịnh Kiều bá Hoàng Sĩ Khải và bọn Nguyễn Năng Nhuận, Nguyễn Lễ, Vũ Văn Khuê, lên địa đầu Lạng Sơn đợi lệnh đón tiếp sứ thần là bọn Lương  Phùng Thìn trở về.

Mùa hạ, tháng 5, mưa đá lớn ở sách Vạn Lại, cục đá to bằng quả dưa, lúa má đều bị gãy nát.

Năm ấy, thưởng công đánh trận ở Đường Nang. Lấy Hoàng Đình Ái làm thiếu uý, Nguyễn Hữu Liêu làm Tây quân đô đốc phủ chưởng phụ sự, Trịnh Đỗ làm Nam quân đô đốc phủ tả đô đốc, Hùng quận công (không rõ tên) làm thái bảo, bọn Trịnh Đồng, Trịnh Ninh đều làm đô đốc thiêm sự, Diễn quận công (không rõ tên) làm Tây quân đô đốc phủ hữu đô đốc, Ngô Cảnh Hựu làm Bắc quân đô đốc phủ hữu đô đốc, còn những người khác đều được phong theo thứ bậc khác nhau.

 Tháng 6, tướng Mạc là Phù Nghĩa hầu Nguyễn Đình Luân về theo, ban tước Trà quận công.

Bấy giờ, ở xã Đông Hồi, huyện Huỳnh Lưu, Nghệ An có tảng đá trắng to, không biết ở đâu tới, từ dưới nước ở cửa biển nhảy lên đất phẳng, cách mép nước 15 trượng thì dừng lại. Người địa phương cho là linh dị, lập đền thờ.

Tháng 9, Vịnh Kiều bá Hoàng Sĩ Khải và Lang trung Bùi Tòng Củ của họ Mạc bàn cấp cho Thái bảo trước là Gia quốc công Nguyễn Thám 50 mẫu ruộng thế nghiệp.

Các nho thần ở Giang Đông dâng biểu lên họ Mạc, nói xin bỏ cường thần để tôn họ vua, đại ý nói: Hiện nay, đương lúc cứu vớt kẻ lìa tan, bề tôi nghĩa phải thuận theo , sớm tối không rời chỗ vua ở, trước sau không phụ ơn chúa. Thế mà Nguyễn Quyện kia, là nanh nọc gian tà, là tiểu nhân phản phúc,  không hổ thẹn việc cha hắn phản quốc, lại nịnh hót vua ta khi về triều.

Kế sách hiện nay, cố nhiên phải võ gắn với văn, tướng võ cùng mưu với tướng văn, miền bắc thì cùng bàn mưu lược với Kế Khê hầu, phía tây thì chung tâm sức với Ngạn quận công. Dựa vào hai, ba bậc hào kiệt ấy, đồng lòng nhất trí, giữ lấy giang sơn hiểm yếu này mà cùng hưởng phú quý, thì sẽ thấy kỷ cương triều đình lại được chỉnh đốn, ngôi báu đế vương lại được vững vàng, con cháu nhà vua trăm đời nối truyền mãi mãi.

Quý Mùi, [Quang Hưng] năm thứ 6 [1583] , (Mạc Diên Thành năm thứ 6; Minh Vạn Lịch năm thứ 11). Thi Hội các sĩ nhân trong nước. Cho bọn Nguyễn Nhân Chiêm 3 người đỗ tiến sĩ xuất thân; Lê Văn Thông đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.

Họ Mạc mở khoa thi Hội. Cho Nguyễn Tuấn Ngạn đỗ tiến sĩ cập đệ, bọn Đào Tông 3 người đỗ tiến sĩ xuất thân; bọn Nguyễn Đức Mậu 14 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.

 Tháng 6, ngày 18, Thái phó Nghĩa quận công Đặng Huấn chết, tặng Nam quân đô đốc phủ tả đô đốc chưởng phụ sự, Thái uý Nghĩa quốc công.

Tháng 7, quân Mạc xâm phạm Thanh Hoa, cướp bóc các huyện ven sông. Tiết chế Trịnh Tùng sai quân đánh lớn ở ngoài cửa biển, đuổi quân Mạc đi rồi trở về. Từ đó, quân Mạc không dám vào xâm pạm nữa, nhân dân các xứ Thanh Hoa và Nghệ An mới được nghỉ ngơi.

Bấy giờ Trấn Yên nước Ai Lao cống hiến sản vật địa phương.

Tháng 10, Tiết chế Trịnh Tùng đốc suất đại quân ra vùng Sơn Nam Hạ lộ, đánh dẹp các huyện Yên Mô, Yên Khang , thu lấy thóc lúa rồi rút về.

Tướng Đông đạo của họ Mạc là Kỳ quận công Nguyễn Viết Kính theo về triều đình, được ban tước Đông quận công.

 Giáp Thân, [Quang Hưng] năm thứ 7 [1584] , (Mạc Diên Thành năm thứ 7; Minh Vạn Lịch năm thứ 12). Tháng giêng, Phủ tiết chế lại xuất quân đánh dẹp các huyện Gia Viễn, Yên Mô, Yên Khang, lại tiến quân đi tuần huyện Phụng Hoá, phủ Thiên Quan . Thế quận công Ngô Cảnh Hựu vì để quân nửa đường về trước nên bị biếm 2 tư.

Tháng 9, ngày mồng 4, Trịnh Cối chết ở bên Mạc. Trước đây, Cối đầu hàng họ Mạc, được ban tước Trung Lương hầu, sau được thăng lên Trung quận công. Đến đây chết. Họ Mạc sai người đến điếu tế; lại sai quân đưa linh cữu, cho người nhà, mẹ và vợ con đem về chôn. Tiết chế Trịnh Tùng cũng sai người đón tiếp linh cữu về quàn ở bên hữu núi Quân Yên, huyện Yên Định, đặt lễ cúng tế, dâng biểu tâu vua tha tội cho Cối, tặng thái phó Trung quốc công, cho con cái là bọn Trịnh Sâm để tang.

 Họ Mạc lấy Lại bộ thượng thư chưởng bộ sự kiêm Đông các đại học sĩ tri kinh diên sư tham dự triều chính Thái bảo Luân quận công Giáp Trừng làm Sách quốc công; viên trung quan người huyện Yên Lạc là Hào quốc công làm An quốc công, tướng Tây đạo là Ngạn quận công Mạc Ngọc Liễn làm Đà quốc công, tướng Nam đạo là Thạch quận công Nguyễn Quyện làm Thường quốc công, Trung Nghĩa Miện quận công (không rõ tên) làm Tây quân đô đốc phủ tả đô đốc Hoàng quận công.

Tháng 10, vùng Thuỵ Nguyên và Yên Định ở Thanh Hoa động đất hơn 50 dặm.

Tướng Nam đạo của họ Mạc là Nam Dương hầu Trần (không rõ tên) theo về, được ban tước Bàn quận công.

Họ Mạc sai bọn Nguyễn Doãn Khâm, Nguyễn Vĩnh Kỳ, Đặng Hiển, Nguyễn Năng Nhuận, Vũ Sư Tích, Nguyễn Lễ sang tuế cống nhà Minh.

 Ất Dậu, [Quang Hưng] năm thứ 8 [1585] , (Mạc Diên Thành năm thứ 8; Minh Vạn Lịch năm thứ 13).

Tháng giêng, Tiết chế Trịnh Tùng tự đốc suất đại quân đi dẹp vùng biên giới phía tây, từ đường Thiên Quan, đánh phá các huyện Mỹ Lương, Thạch Thất, Yên Sơn . Quân tiến tới núi Sài Sơn thì rút về, để lại viên tỳ tướng là Chiêu quận công ở chợ Quảng Xá . Quân Mạc đuổi theo kịp, Chiêu quận công chết tại trận, quân Mạc lấy được 1 con voi.

Tháng 2, Tiết chế Trịnh Tùng bàn đem quân về.

Tháng 6, họ Mạc lại định vào ở trong thành Thăng Long. Bèn bàn sửa đắp thành trì, làm nhiều công việc xây dựng, nung ngói gạch, một năm thì xong. Lấy năm sau làm Đoan Thái năm thứ 1.

Tháng 10, ngày 12, Sách quốc công của họ Mạc là Giáp Trừng trí sĩ.

Tháng 12, Phủ tiết chế đem quân ra vùng Sơn Nam, đánh dẹp miền Gia Viễn, Phụng Hoá rồi rút về.

 Sách quốc công của họ Mạc là Giáp Trừng chết.

Bính Tuất, [Quang Hưng] năm thứ 9 [1586] , (Mạc Đoan Thái năm thứ 1; Minh Vạn Lịch năm thứ 14). Mùa xuân, họ Mạc mở khoa thi Hội. Cho Nguyễn Giáo Phương đỗ tiến sĩ cập đệ, bọn Phạm Minh Nghĩa 3 người đỗ tiến sĩ xuất thân; bọn Nguyễn Văn Tảo 17 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.

Mùa hạ, tháng 4, ngày mồng 5, lụt lớn.

Tháng 6, họ Mạc sắp đặt xa giá dời vào thành Thăng Long, ở tại chính điện, nhận lễ chầu mừng của các quan. Lễ xong, thăng bọn Mạc Ngọc Liễn và Nguyễn Quyện đều làm thái bảo, Hoằng quận công làm Nam quân đô đốc phủ tả đô đốc.

Ngày 25, vùng Thanh Hoa trời không mưa gió mà nước sông Mã bỗng dâng  cao, thành Tây Đô bị ngập, ở ngoài sông, nước xoáy, chảy xiết như bắn, cây cối lấp cả sông, các nhà ven sông phần nhiều bị trôi ra biển.

Mùa thu, tháng 7, ngày mồng 2, lụt lớn. Đêm ngày Quý Mão, mặt trăng có quầng đỏ, bóng sáng lờ mờ, sắc như phun máu. Các nhà chiêm tinh đoán là tai biến ấy ứng vào điềm bậc phi hậu chết. Ngày 25, lại lụt to. Trong 1 năm, lụt đến 7 lần.

Tháng 8, ngày mồng 5, sấm động trái thì.

Đại hạn.

Ngày 13, Thái quốc phu nhân là Trương Thị Ngọc Lãnh chết.

Ngày 17, dinh Yên Trường cháy lớn. Khi ấy, gió to, lửa mạnh, cháy lan cả phủ dinh, trại quân, giải vũ, phố xá đến vài nghìn nhà. Mây sắc đỏ che kín mặt trời, khói đen đầy trời, từ giờ Ngọ đến giờ Thân lửa mới tắt. Bà phi của Thái Vương là Nguyễn Thị Ngọc Bảo bị chết cháy, Tiết chế Trịnh Tùng ở lánh chỗ khác để tang. Truy tôn là Minh Khang Thái Vương Thái Phi.

Ngày 23, Thái bảo Hùng quận công chết.

Ngày 28, trong dinh Yên Trường nổi cơn lốc lớn đến hai dặm, người ngã, nhà tốc, đá bay cát cuộn, gãy cây sụt ngói.

Tháng 9, ngày mồng 3, nước to, mưa dầm hàng tuần. Ngày mồng 9, lại nước to.

Ngày 18, mưa dứt. Năm ấy vùng Thanh Hoa mất mùa.

Tháng 10, trời lại mưa dầm suốt hơn hai tuần không ngớt, núi ở các huyện sụt lở lung tung.

Đinh Hợi, [Quang Hưng] năm thứ 10 [1587] , (Mạc Đoan Thái năm thứ 2 - Minh Vạn Lịch năm thứ 15). Tháng giêng, họ Mạc sai sửa chữa tầng ngoài thành Thăng Long và sửa sang các đường phố.

 Tháng 2, họ Mạc hạ lệnh cho các xứ trong nước phải đắp luỹ đất và trồng tre, trên từ sông Hát, xuống tới sông Hoa Đình huyện Sơn Minh, kéo dài đến vài trăm dặm để đề phòng quân đến.

Tháng 3, ngày 11, giờ Thìn, trời bỗng nhiên có tiếng kêu. Bấy giờ núi Trác Bút ở huyện Vĩnh Phúc có tảng đá lớn cao 1 trượng, chân đá ăn sâu vào lòng đất đến hơn 4 thước, vô cớ trồi lên trên mặt đất rồi dời đến chỗ khác.

Tháng ấy, ở xã Trường Xá, huyện Yên Định, nước trong giếng tự nhiên sôi lên, đục ngầu đến 3 hôm, sau lại trong như cũ. Những nhà chiêm tinh đoán rằng ứng vào điềm chết một viên đại tướng.

Tháng 5, Thái phó Vệ Dương hầu Trịnh Bách có tội bị xử giảo.

Trước đây, Bách cùng dòng họ với Trịnh Tùng, từng cùng với Lê Cập Đệ bày mưu định hại Trịnh Tùng. Mưu bị tiết lộ, Cập Đệ bị giết Bách được tha tội nhưng vẫn có lòng bất mãn, nuôi ngầm những người yêu thuật, phù thuỷ, lại mưu chôn mộ cha vào đất cấm. Việc phát giác, bị xử giảo.

Tháng 7, nước sông dâng cao.

Tháng 8, ngày rằm Nhâm Thân, đêm có nguyệt thực.

Tháng 9, ngày mồng một Đinh Hợi, nhật thực.

Hạ lệnh cho xứ đầu nguồn ở các huyện lấy 500 cây gỗ làm cọc, chia cắm ở các cửa biển để phòng thuyền giặc vào cướp và làm kế chống giữ.

Tháng 10, ngày Ất Hợi, cầu vồng đỏ xuất hiện ở phương khôn . Tháng ấy, Tiết chế Trịnh Tùng đem quân đánh phá các huyện Gia Viễn, Yên Hoá, Phụng Hoá thuộc các phủ Trường Yên, Thiên Quan, đánh dẹp đến chợ Rịa , sai làm cầu phao, cả phá dinh của Tân quận công (không rõ tên) của họ Mạc.

CÒN TIẾP...


Nguồn: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư