299 lượt xem

Trạng nguyên Nguyễn Quốc Trinh: Học chữ muộn, thi đỗ cao khoa, nức tiếng thầy

 Trạng nguyên Nguyễn Quốc Trinh người xã Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam (nay là xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ông đỗ trạng nguyên khoa Kỷ Hợi, niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 2 (1659) đời vua Lê Thần Tông. Ông là người liêm khiết, từng làm rạng danh nước nhà khi đi sứ nhà Thanh.

Học chữ muộn, anh em cùng đỗ đạt

Trong sách "Đăng khoa lục" của Trần Tiến do Đạm Nguyên dịch có ghi: Ông nội của Quốc Trinh một lần đi chơi trong làng nhặt được túi vàng của một thầy địa lý người Tàu đánh rơi. Ông đem trả lại, thầy Tàu cảm ơn và muốn chia cho người nhặt được một nửa. 

Ông nội Trinh lắc đầu cười cất tiếng: "Tôi đâu có tham tiền mà chỉ tham cái chữ thôi. Nhưng chữ nghĩa chẳng ai đánh rơi bao giờ!". Thầy Tàu ngẫm nghĩ một lúc rồi nói: "Nếu ông không thích vàng bạc thì để tôi đền ơn bằng chữ nghĩa vậy. Tôi cam đoan rằng con cháu ông sẽ học hành tấn tới, đỗ đạt cao". 

Nói rồi thầy Tàu tìm một mảnh đất gần đó bảo ông nội đem hài cốt của tổ tiên táng vào đó, trồng thêm bên cạnh mộ một cây hoa. Bao giờ thấy bên mộ cây hoa đơm hoa thì thắp hương khấn cầu khắc được". Nghe lời thầy Tàu, ông nội và bố Trạng nguyên làm y như lời thầy dặn. Vài năm sau vợ ông sinh được hai con trai, rồi ông qua đời. Hai anh em phải làm thuê làm mướn để lấy tiền đi học một thầy đồ nổi tiếng trong tổng. 

Đến năm 17 tuổi, Nguyễn Quốc Trinh vẫn không biết chữ, ông phẫn chí cùng em là Nguyễn Đình Trụ đi tìm thầy. Hai anh em cùng đến thầy đồ ở làng bên để học. Chị gái thấy anh em Nguyễn Quốc Trinh có chí tiến thủ nên cố gắng tần tảo để có tiền nuôi em ăn học. 

Một hôm, chị gái lấy chồng ở xã bên mang gạo và tiền đến chu cấp thêm cho hai em, thấy cả hai đứa đang mải mê gọt sáo diều bèn mách với thầy. Thầy đồ tức giận gọi vào quở mắng: "Hai trò học bài xong chưa mà đã đi chơi vậy? Nghe thầy mắng, Quốc Trinh thưa: "Dạ, thưa thầy... anh em đâu có chơi mà ngồi ngẫm cho chữ chui xuống bụng ạ”. 

Thầy càng giận hơn cho rằng Trinh không cầm sách, chỉ giỏi biện minh. Đoạn nói: "Ta ra câu đối, nếu anh em ngươi không đối được thì ta sẽ phạt roi. Ngẫm nghĩ một lúc, thầy chỉ vào người chị gái của Nguyễn Quốc Trinh vuốt râu cất tiếng: "Bất học hiếu du, vi tỉ giáo. (Không học thích chơi, trái lời chị). Nguyễn Quốc Trinh không suy nghĩ lâu, lễ phép đối lại: "Đăng khoa cấp đệ, trọng sư danh. (Đỗ khoa cấp đệ nổi danh thầy) 

Thầy đồ tròn mắt nhìn Nguyễn Quốc Trinh vui vẻ: "Xưa nay ta vẫn nghĩ con nhà nông phu đi học chỉ may ra lấy được cái bằng Tú tài cho oai với làng xóm, nào ngờ người lại hay chữ như vậy. Nếu hai trò chăm chỉ ta tin rằng cả hai anh em đều sẽ đỗ cao. Thôi từ nay ta nuôi cho cả hai anh em ăn học, không phải đi làm thuê làm mướn nữa".

 

Khoa thi năm 1656 thời vua Lê Thần Tông, Nguyễn Quốc Trinh cùng em trai đến Kinh thành dự thi. Năm ấy khi đang làm bài thì Trinh gặp chỗ bí, nghĩ mãi không ra. Em trai ông ở lều bên cạnh có ý cho ông chép. Nhưng Quốc Trinh giữ gìn phẩm hạnh, lấy lý do rằng xưa nay chưa có ai xin chữ mà đỗ Trạng nguyên nên thẳng thắn từ chối. 

Khoa thi năm ấy lấy 6 người đỗ tiến sĩ, trong đó Nguyễn Đình Trụ đứng đầu bảng. Nguyễn Quốc Trinh chúc mừng em đỗ đạt, ông về quê tiếp tục học hành chờ khoa thi tới. Ba năm sau, đến khoa thi năm 1659, Nguyễn Quốc Trinh lại tham gia, lần này ông đỗ Trạng nguyên. Do làng Nguyệt Áng quê ông có tên nôm là Nguyệt nên dân gian gọi ông là Trạng Nguyệt. 

Làm quan liêm khiết, cuối đời gặp nạn kiêu binh

Nguyễn Quốc Trinh làm quan đến chức Tả Thị lang Bộ Lại, được thăng làm Bồi tụng (chỉ sau Tể tướng). Ông là người được chúa Trịnh Tạc tin tưởng. Trong triều, không ai ngoài ông dám nói lên những điều để can gián Chúa mà được nghe theo.

Lúc này quyền lực Đàng Ngoài nằm trong tay chúa Trịnh, vua Lê chỉ là hư vị. Chúa Trịnh Tạc muốn biết lòng người có phục hay không nên sai người làm một đài ở Thăng Long đặt tên là đài Thu Thiên. 

Dân gian kể lại rằng khi đài đang được xây, Chúa cùng các quan đại thần cùng đến xem. Nhìn quy mô bề thế của Đài, chúa quay lại hỏi các đại thần xem ý ra sao. Nào ngờ Quốc Trinh nói rằng: “Khải chúa thượng, việc xây đài dựng cột, làm thế nào chẳng được, nhưng như thế này khiến lòng thiên hạ không vui đâu”. Chúa giận tái mặt hỏi lại: “Thiên hạ trăm nghìn người, mỗi người một ý, một mình ông làm sao biết được trăm nghìn bụng?”. Nguyễn Quốc Trinh bình thản đáp: “Thiên hạ là tôi đây, lòng tôi không vui thì biết lòng thiên hạ”. 

Chúa không nói gì, liền về cung. Tối hôm đó trời nổi mưa gió dữ dội, sét đánh gãy mấy cột đài. Chúa cho rằng đó là điềm gở, không cho dựng tiếp nữa. 

Năm Đinh Mùi 1667, Nguyễn Quốc Trinh được triều đình phong làm Chánh sứ, dẫn đoàn sứ bộ sang nhà Thanh. Biết ông là người giỏi thơ văn, vua Thanh là Khang Hy có lệnh triệu Nguyễn Quốc Trinh vào điện để thử tài. 

Khi ông đến thì thấy có cả sứ thần Cao Ly ở đấy, vua Thanh sai người mang ra hai chiếc thẻ tre dài chừng hai thước, rộng nửa thước rồi nói: “Hai sứ thần hãy viết tên 100 danh thần của Trung Quốc vào chiếc thẻ, ai viết xong trước sẽ được phong là Lưỡng quốc danh thần (Quan giỏi hai nước), bằng không chỉ là Độn thần (Quan ngu dốt)”.

Thấy sứ Cao Ly chăm chú cầm bút, mài mực viết còn Nguyễn Quốc Trinh vẫn ngồi im lặng tỏ vẻ suy nghĩ nhưng mãi không viết được chữ nào, vua quan nhà Thanh rất ngạc nhiên. 

Một đại thần sốt ruột hối thúc, ông chỉ cười và nói: “Không có gì phải vội cả, tôi chỉ viết một loáng là xong ngay”. Khi thời hạn nộp thẻ sắp hết, sứ thần Cao Ly cũng sắp hoàn thành phần thi của mình, lúc đó Nguyễn Quốc Trinh mới viết hai dòng chữ lên thẻ tre rồi buông bút. 

Vua quan nhà Thanh có mặt ở đó đều kinh ngạc không rõ ông đã làm thế nào nên khi hai thẻ tre được dâng lên, vua Thanh cầm ngay chiếc thẻ của Nguyễn Quốc Trinh đọc, thẻ viết rằng: “Khổng môn thất thập nhị hiền/Vân Đài nhị thập bát tướng”. Nghĩa là: “Cửa Khổng có bảy mươi hai người hiền/Vân Đài ghi hai mươi tám tướng giỏi”.

Ý nghĩa hai câu trên đều dẫn theo tích của Trung Quốc, theo đó vào thời Xuân Thu trong số các học trò của Khổng Tử nổi tiếng tài giỏi nhất có 72 người. Còn Vân Đài là một đài kỷ niệm được xây dựng thời vua Hán Vũ Đế, trên đó có khắc tên 28 danh tướng dũng lược của triều Hán. Do đài xây cao vút như chạm đến trời nên mới có tên là Vân Đài (đài mây). Vậy là đã đủ 100 người tài giỏi của nước Tàu.

Đọc xong thẻ tre, vua Thanh tấm tắc khen ngợi tài năng và trí thông minh của Nguyễn Quốc Trinh rồi phán rằng: “Sứ thần nước Nam rất xứng đáng là Lưỡng quốc danh thần”.

Sau khi đi sứ trở về, do có công lớn nên triều đình thăng chức cho Nguyễn Quốc Trinh lên làm Tả thị lang bộ Lại, tước Liên Trì tử.

Cuối thời Lê - Trịnh, quân lính người gốc Thanh Nghệ (Thanh Hóa, Nghệ An) phần lớn là quê ở ba phủ Hà Trung, Thiệu Hóa và Tĩnh Gia (nên còn gọi là lính tam phủ) được coi là thân binh hay ưu binh, nhất binh; “được vua chúa tin dùng làm quân túc vệ bởi họ đã đóng góp nhiều công lao trong chiến đấu. Chính vì có công lớn, lại được vua chúa nuông chiều, nên họ sinh ra thói kiêu căng, xem thường luật vua phép nước. Cho nên dân chúng thời bấy giờ gọi họ là kiêu binh” (Việt sử tân biên).

Là người nổi tiếng khẳng khái, cương trực, Nguyễn Quốc Trinh bàn mưu cùng một số đại thần tìm cách kìm hãm kiêu binh nhưng bị chúng biết được đã ra tay giết hại. 

Sách Việt Nam sử lược có đoạn ghi: “Năm Giáp Dần (1674) đời Trịnh Tạc, lính tam phủ tức là lính Thanh, lính Nghệ đã giết quan Tham Tụng Nguyễn Quốc Trinh và phá nhà Phạm Công Trứ. Năm Tân Dậu (1741) quân ưu binh lại phá nhà và chực giết quan Tham Tụng Nguyễn Quý Cảnh”.

Sau khi Nguyễn Quốc Trinh bị hại, triều đình thương tiếc cho lập đền thờ, phong ông làm Thượng đẳng phúc thần, lại truy tặng chức Binh bộ thượng thư, tước Từ quận công, đặt tên thụy là Cương Trung


Ngọc Trìu - Minh Châu