Lê Sát
Lê Sát và cái chết của vị công thần khai quốc
Hình minh họa.
Trí dũng hơn người
Lê Sát người làng Bỉ Ngũ, Lam Sơn, Thọ Xuân, Thanh Hóa.
Mùa xuân năm Mậu Tuất 1418, Lê Lợi xưng Bình Định vương khởi binh ở Lam Sơn, Lê Sát trí dũng hơn người, theo Lê Lợi, trải bao gian hiểm, lập nhiều chiến công.
Tháng 12/1420, Lê Lợi tiến quân đóng ở sách Ba Lẫm, thuộc Lỗi Giang, khiêu khích cho quân Minh, lại sai Lê Sát, Lê Hào chia nhau tiến đánh, phá bọn giặc, chém được hơn nghìn thủ cấp, thu được rất nhiều chiến cụ, từ đó thế giặc ngày một suy.
Tháng 12 năm Giáp Thìn 1424, chuẩn bị vây thành Nghệ An, Lê Lợi tung phục binh ra đánh, Lê Sát làm tướng tiên phong, cùng các tướng khác tranh nhau giáp trận, quân Minh tan vỡ, đô ty Hoàng Thành bị chém, Đô đốc Chu Kiệt và hàng nghìn quân bị bắt, khí giới, thuyền bè thu được không sao kể xiết.
Năm Ất Tỵ 1425, nghĩa quân vây thành Nghệ An, Lê Lợi chọn 2000 quân tinh nhuệ, 2 thớt voi, Lê Sát cùng các tướng khác đi gấp theo đường đất đánh úp thành Tây Đô, chém được hơn 500 thủ cấp, bắt sống được rất nhiều quân Minh.
Tháng 8 năm Bính Ngọ 1426, Lê Lợi sai ba cánh quân tiến ra Bắc; Lê Sát cùng các tướng khác đánh thành Xương Giang. Năm Đinh Mùi 1427, nghĩa quân bao vây thành Đông Quan, Lê Sát, Nguyễn Lý, Trịnh Lỗi, Nguyễn Chích được điều về vây mặt nam thành.
Tháng 6/1427, Lê Sát được thăng làm Tư mã, Lê Lợi sai ông cùng Thái úy Trần Nguyên Hãn đánh gấp thành Xương Giang và tháng 9 hạ được thành.
Công đứng đầu các tướng
Tháng 9/1427, Liễu Thăng đi đường Quảng Tây mang mười vạn quân, hai vạn ngựa dự tính từ Lạng Sơn qua Xương Giang để vào Đông Quan.
Lê Lợi sai Lê Sát cùng Lê Nhân Chú, Lê Lãnh, Lê Liệt, Lê Thụ mang một vạn quân và 5 thớt voi lên ải Chi Lăng đón đánh.
Lê Sát đặt phục binh ở Chi Lăng và ngày 20/9, hai bên đụng nhau, Liễu Thăng dẫn quân tiến lên trước, Lê Sát và Lưu Nhân Chú đổ ra đánh, chém được Liễu Thăng ở núi Mã Yên.
Ngày 25/9, Lê Sát cùng các tướng lại xung trận, đánh thắng quân Minh một trận nữa, giết được tướng Lương Minh.
Quân Minh tuy thua nhưng còn đông và mạnh, Lê Sát chủ trương vây đánh, chặn giữ các đồn ải quanh Chi Lăng và chặn đường về, chỉ để ngỏ đường đến Xương Giang.
Thôi Tụ dự tính vào thành Xương Giang trú quân để phối hợp với Vương Thông, nhưng khi đến Xương Giang mới biết là thành đã bị quân Lam Sơn hạ. Thôi Tụ phải đóng quân ngoài cánh đồng Xương Giang.
Lê Lợi điều Lê Văn An và Nguyễn Lý mang quân lên tiếp viện cho Lê Sát, vây chặt quân Minh. Tháng 10/1427, quân Lam Sơn tổng tấn công, thắng quân Minh một trận lớn, tiêu diệt 5 vạn địch, bắt sống Thôi Tụ, Hoàng Phúc cùng hơn 3 vạn quân.
Lê Sát được tính có công đầu trong trận này. Mộc Thạnh nghe tin Liễu Thăng bị tiêu diệt phải bỏ chạy. Vương Thông ở Đông Quan thấy viện binh bị phá cũng đành xin giảng hòa và rút về nước. Trong chiến dịch này, sử gia Lê Quý Đôn cho rằng công Lê Sát đứng đầu các tướng.
Lê Sát và cái chết của vị công thần khai quốc – kỳ 2: Khiến người ta sợ mà theo
Khiến người ta sợ mà theo nhiều hơn là khiến cho người ta phục mà theo là cách đối nhân xử thế của Đại công thần Lê Sát. Tuy quyền cao chức trọng, nhưng về phương diện chính trị, ông không phải là người sâu sắc.
Hình minh họa.
Công thần ghê sợ
Năm 1428, Lê Sát được phong là Nhập nội kiểm hiệu Tư khấu, Bình chương quân quốc trọng sự, hiệu là Suy trung tán trị, Hiệp trung, Mưu quốc công thần. Năm 1429, ông được phong tước Huyện Thượng hầu. Năm 1433, được phong hàm Đại Tư đồ. Năm 1434, ông được trao quyền Tể tướng.
Lê Sát là người rất có tài, đặc biệt là tài cầm quân, nhưng ông thường khiến cho người ta sợ mà theo nhiều hơn là khiến cho người ta phục mà theo.
Tuy quyền cao chức trọng, nhưng về phương diện chính trị, ông không phải là người sâu sắc.
Sách ” Đại Việt thông sử” viết: Ông hăng hái lo tròn bổn phận phò vua và sửa sang các việc, dám can gián và nói điều ích nước, nhưng ông là võ tướng, ít hiểu đại thể chính trị, xử việc thường theo ý riêng, tính thẳng thắn nhưng làm mà ít nghĩ đến hậu họa.
Lại nữa, ông là người nóng tính và ghét Tư khấu Lưu Nhân Chú nên đã kiếm cớ vu cáo để giết đi, lại còn đang tâm đuổi cả người em của Lưu Nhân Chú là Lưu Khắc Phục đang làm Hành khiển Nam Đạo phải đi làm Phán thủ Đại Lý Chính, do đó, các công thần đều ghê sợ.
Khiến vua ghét bỏ
Ông thường dùng hình phạt rất nặng nề, nghiêm khắc và tàn bạo.
Giám sinh Nguyễn Đức Minh thấy có lá thư nặc danh dán ở trên tường một ngôi chùa dọc đường, trong thư nói Đại Tư đồ Lê Sát và Đô đốc Phạm Vấn cùng lập mưu để giết Lưu Nhân Chú. Anh ta gọi mọi người tới xem, rồi lấy xé bỏ đi.
Có người đến tố cáo chuyện đó với Lê Sát, ông cho rằng chính viên giám sinh ấy viết ra, liền sai bắt để tra khảo, nhưng anh ta quyết không nhận. Khi Lê Sát tính đem viên giám sinh ra chém thì hình quan cho rằng tội trạng chưa rõ, vì thế Lê Sát giảm tội chết cho anh ta, nhưng bắt phải đi đày và tịch thu hết gia sản.
Người của Uy Viễn Quân là Nguyễn Bẩm cùng với viên Trung quân Thiết Đột là Trình Thọ Lộc thường hay bày kế để rủ rê bọn nô tỳ của nhà nước, đem họ dâng cho các quan. Quan Tư mã là Đinh Liệt bắt được, liền đem chuyện tâu lên. Lê Sát lập tức bắt cả hai ra tra tấn ngay giữa sân điện rồi đem chém.
Ông lại sai điều đám thợ sơn ở Tất Tác Tượng Cục đến làm việc ở chùa Báo Thiên. Do phải làm việc cực nhọc nên người thợ sơn Cao Sư Đãng có nói vụng rằng: “Thiên tử thì thất đức, đến nỗi hạn hán. Đại thần thì ăn của đút, cắt cử người chẳng có chút công lao. Thiện tâm đã không có, xây chùa to mà làm gì?”. Lời ấy bị người khác tố cáo, trong khi các quan trong triều đều xin miễn tội chết cho Cao Sư Đãng, thì một mình Lê Sát muốn giết Đãng và cuối cùng Đãng bị chém đầu.
Bấy giờ, quan giữ chức Đồng tri Bắc Đạo là Bùi Ư Đài tâu xin chọn các bậc kỳ lão vào chầu để khuyên răn nhà vua và xin đặt chức Sư phó để chỉ bảo cho các quan. Lê Sát thấy lời tâu ấy thì giận lắm, xin giao Bùi Ư Đài cho ngục quan xét hỏi, ghép Ư Đài vào tội ly gián vua tôi.
Nhà vua không nghe. Lê Sát tâu đi tâu lại đến ba bốn lần mà nhà vua vẫn không chịu. Bọn Thiên Hựu, Cầm Hổ và cả quan Hữu Bật là Lê Văn Linh đều đồng ý với Lê Sát. Nhà vua bất đắc dĩ phải đày Bùi Ư Đài đi xa nhưng lòng vua đã bắt đầu ghét bỏ Lê Sát”.
Lê Sát và cái chết của vị công thần khai quốc – kỳ 3: Quên phòng hậu họa
Quên phòng hậu họa lại
Hình minh họa.
Mải mê với quyền lực
Sự ghét bỏ của vua Thái Tông đối với Lê Sát càng ngày càng rõ, rất tiếc là Lê Sát nhận biết điều này quá chậm, ông mải mê, say sưa với quyền lực mà quên cả việc đề phòng hậu họa.
Tháng 6/1437, Thái Tông bàn với các cận thần muốn triệu Trịnh Khả là người từng bị Lê Sát đuổi ra làm quan ở ngoài về kinh giữ chức Đồng tổng quản, cầm cấm binh để kiềm chế bớt quyền hành của ông.
Lê Sát chưa biết ý định của Thái Tông với mình, lại vào triều tâu: Nếu Trịnh Khả được vào hầu trong cung cấm, thì sợ sẽ làm hại thần.
Thái Tông im lặng, mấy hôm sau, các cận thần của vua làm sớ tâu Lê Sát chuyên quyền, tội không thể dung tha được. Vua nhận sớ tâu, sai bắt ông, giao cho hình quan xét hỏi.
Lê Sát tâu rằng: nay buộc cho thần cái tội chuyên quyền, tội của thần do tiên đế ban cho. Lê Văn Linh và Lê Ngân muốn tâu đỡ tội cho ông, nhưng Thái Tông không nghe, hạ chiếu nói:
“Lê Sát tự chuyên giữ quyền bính, ghen người tài, giết Nhân Chú để tự ra oai của mình, truất Trịnh Khả để người ta phục, bãi chức Ư Đài khiến đình thần không ai dám nói, đuổi Cầm Hổ ra nơi biên thùy để gián quan phải ngậm miệng.
Xem những việc làm ấy đều không phải là đạo làm tôi. Nay muốn khép vào luật hình để tỏ rõ phép nước, song vì là đại thần cố mệnh, có công với nhà nước, đặc cách khoan tha, nhưng phải bãi chức tước.”
Sau đó Thái Tông sai bắt giam người cùng phe Lê Sát là Đặng Đắc, cho Bùi Ư Đài được phục chức, triệu Bùi Cầm Hổ về kinh, cử Tư khấu Lê Ngân thay Lê Sát chấp chính.
Lê Sát hận Lê Ngân lấy mất chức của mình, nuôi nhiều võ sĩ như Lê Thảo, Lê Khản và Lê Khắc Hài, định dùng làm thích khách để mưu giết Lê Ngân. Việc đó nhanh chóng bị bại lộ.
Công thần cũng không thoát tội
Tháng 7/1437, Lê Thái Tông ra lệnh phế truất con gái ông là Nguyên phi Lê Ngọc Dao làm dân thường, rồi ra chiếu kết tội Lê Sát và những người cùng cánh. “Tội của Lê Sát đáng phải chết, không thể dung thứ được…
Đặng Đắc là kẻ bày mưu cho Sát định hại xã tắc thì chém bêu đầu; Nguyễn Gia Mô biết chuyện mà không tố cáo thì phải lưu đày nơi xa. Còn bọn Lê Văn Linh, Lê Lĩnh, Lê Thụ, Lê Ê, Lê Hiêu đều nên theo luật trị tội, nếu gặp ân xá cũng không được tha.
Lê Bang là con rể Lê Sát,… nên lưu đày nơi xa… Lê Sát nay lại ngầm nuôi bọn võ sĩ, mưu hại người trung lương, mưu kế gian giảo, đáng chém để rao.” Lê Ngân và Bùi Cầm Hổ can, Lê Sát là công thần, không nên chém rao, vì vậy Thái Tông ra lệnh cho ông tự tử tại nhà.
Tháng 7 năm 1437, Lê Sát tự vẫn chết tại nhà. Vợ con và điền sản của ông bị tịch thu. Những người cùng phe hoặc từng nói đỡ tội cho ông cũng bị phạt: Tham đốc Lê Văn Linh bị giáng xuống làm Tả bộc xạ; Điện tiền đô kiểm điểm Lê Ê bị giáng xuống làm Đồng tổng quản lộ Quy Hóa. Hai người cùng bị truy đoạt tấm biển “công thần” được ban cho từ thời Lê Thái Tổ.
Đến năm 1453, dưới triều vua Lê Nhân Tông, nhà vua mới cho ông là bị tội oan, bèn cấp cho con cháu ông 100 mẫu ruộng để thờ tự. Năm 1484, đời vua Lê Thánh Tông, Lê Sát được truy tặng là Thái Bảo, Cảnh Quốc Công.
Đền Ngọc Lan thuộc quần thể khu di tích lịch sử Lam Kinh cách Thành phố Thanh Hoá 51 km về phía tây bắc, thuộc xã Xuân Lam – huyện Thọ Xuân, được bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng là khu di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1962. Đền hiện thờ Công chúa Ngọc Lan và bảy vị Công thần Khai quốc của nhà Lê là đại thần Lưu Nhân Chú, Phạm Vấn, Lê Sát, Lê Ngân, Nguyễn Lý, Lê Văn Linh và Bùi Quốc Hưng.
Nguồn: khoahocdoisong.vn