264 lượt xem

Lê Duy Đàm - Kỳ 4

KỲ CUỐI :

Ngày 29, sai bọn Hộ bộ thượng thư kiếm Đông các học sĩ Thông quận công Đỗ Uông và Ngự sử đài đô ngự sử Nguyễn Văn Giai làm quan hầu mệnh đến cửa Trấn Nam Giao trước, trao đổi điệp văn thư từ với viên Tả giang binh tuần đạo Trần Đôn Lâm, lời lẽ phần nhiều khiêm tốn. Sau lại sai Hữu tướng Hoàng Đình Ái  đem quân tiếp đến Lạng Sơn làm hậu ứng. Sai tộc mục là hoàng huynh Lê Ngạnh, Lê Lựu và bọn Công bộ thị lang Phùng Khắc Khoan cùng mang con ấn của An Nam đô thống sứ ty và hai tờ kiểu ấn mực của quốc vương An Nam trước, 100 cân vàng, 1000 lạng bạc cùng mấy chục kỳ lão lên cửa Trấn Nam Giao để chờ hội khám.


Tháng 2, ngày mồng 1, Tả giang ninh tuần đạo, đề hình án sát sứ ty phó sứ Trần Đôn Lâm gửi điệp văn đòi vua phải đích thân đến cửa Trấn Nam Giao để hẹn hội khám.

Ngày mồng 5, vua đích thân đốc suất bọn Hữu tướng Hoàng Đình Ái, Thái uý Nguyễn Hoàng, Nguyễn Hữu Liêu, Thái phó Trịnh Đỗ và các tướng sĩ, binh tướng gồm hơn 1 vạn đến cửa Trấn Nam Giao hẹn ngày hội khám. Bấy giờ nhà Minh dây dưa thoái thác, đòi lấy người vàng, ấn vàng  theo lệ cũ, không chịu đến khám, thành ra quá kỳ hạn.

Tháng 3, vua trở về Kinh.

Mùa hạ, tháng 4, hạ lệnh cho phủ, huyện, tổng, xã các xứ trong nước, nơi nào phải trải binh lửa, nhân dân xiêu tán, thì cho về làm ăn, tha phu dịch 3 năm. Nhưng quan địa phương phần nhiều nhũng nhiễu, hà khắc bạo ngược, dân nhiều người vẫn phải xiêu tán, chưa được an cư lạc nghiệp.

Hạ lệnh duyệt tuyển binh lính nguyên ngạch mới và cũ. Người nào có công đã được trao chức tước thì miễn, người nào tuổi già sức yếu thì sa thải, người nào sức vóc mạnh khoẻ thì bổ sung cho đủ ngạch binh.

Ngày rằm, nguyệt thực.

Bấy giờ đại hạn, thóc lúa vụ chiêm đều không thu được, đầm phá khô cạn, cây cỏ úa vàng, hoa không kết trái. Trộm cướp quần tụ trong dân gian, bọn lớn đến 7, 8 trăm đứa, bọn nhỏ cũng không dưới vài trăm, ngày đêm đốt phá  nhà cửa, cướp đoạt của cải gia súc, thuỷ bộ không thông, đường sá bế tắc, dân đói nhiều, chết đến quá nửa.

Tháng 5, Thái bảo Hoà Đức Cung tự dời dinh Đại Đồng về ở Nghĩa Đô.

Tháng này, sai viên hàn lâm quy thuận là Phạm Hồng Nho cùng với thừa chính sứ Thanh Hoa là Lễ Cung nam Hồ Bỉnh Quốc đi khám đạc đất bãi dâu xứ ấy để định ngạch thuế.

Mùa thu, tháng 7, bấy giờ trời không mưa gió mà nước sông Lô tự dâng tràn đến hơn một tuần.

Sao Chổi xuất hiện, vận hành theo hướng tây bắc.

Sai sửa làm các điện thái miếu ở trong thành Thăng Long.

Ngày Nhâm Ngọ 17, rước  thần vị của Thái Tổ Cao Hoàng Đế và liệt thánh hoàng đế vào điện Thái Miếu thành Thăng Long để cúng tế quanh năm.

Tháng 8, ngày Giáp Thìn mồng 9, giờ Nhâm Thân, nước ở sông hồ, đầm ao, giếng thơi bỗng dưng sôi động, một giờ mới yên.

Tháng này, hạn, mật đảo có mưa.

Tháng 8 nhuận, ngày mồng 1, nhật thực.

Bấy giờ sai thợ đúc 2 tượng người vàng và bạc, đều cao 1 thước 2 tấc, nặng 10 ân, lại đúc 2 đôi bình hoa bạc, 5 chiếc bình hương nhỏ bằng bạc, lại sắm sẵn lụa thổ quyến và các vật cống để phòng sang sứ phương bắc.

Mùa đông, tháng 11, ngày 25, Phạm Hàng, người xã Thi Vụ, huyện Đại Yên, tự xưng là  Thiên Nam chiêu thảo đô nguyên suý, ngày 27 vào chiếm giữ núi Đam Khê, huyện Yên Mô, đánh phá các xã gần đấy, đến đâu mọi người đều theo phục, hơn 1 tháng đã được hơn 1 vạn quân. Từ đó các phủ Trường Yên, Lỵ Nhân, giặc cướp đều nổi dậy, trở ngại nhiều cho người qua lại mà dân binh các xã Đồi Thượng phần nhiều theo đảng giặc. Cha con Lễ Giang hầu cũng dốc lòng theo phục. Tiết chế Trịnh Tùng sai Mỹ quận công Bùi Văn Khuê đem quân cùng với viên thổ quan Yên Mô là Lương quận công Nguyễn Thể đi đánh bắt được Phạm Hàng giải về Kinh chém.

Tháng 12, ngày mồng 4, viên tướng trấn thủ Thanh Hoa là Thiếu bảo Diễn quận công Trịnh Văn Hảo chết. Tặng Thái bảo.

Tháng này, sai bọn Hộ bộ thượng thư kiêm Đông các học sĩ Thông quận công Đỗ Uông  làm quan hầu mệnh, cùng với Quảng quận công Trịnh Vĩnh Lộc mang hai người vàng người bạc và các vật cống tới thành Lạng Sơn để đợi nhà Minh hội khám. Bấy giờ viên thổ quan Long Châu của nhà Minh nhận nhiều của đút lót của bọn họ Mạc, vì thế vào bè với chúng mà thoái thác, nên việc không xong, lại vừa gặp tết Nguyên đán, bọn Đỗ Uông, Vĩnh Lộc lại trở về Kinh.

Đinh Dậu, [Quang Hưng] năm thứ 20 [1597] , (Minh Vạn Lịch năm thứ 2). Tháng 2, ngày mồng 10, sai viên phủ doãn Phụng Thiên sửa lễ trâu rượu tế miếu Minh Khang Thái Vương.

Ngày 19, sai bọn quan hầu mệnh Đỗ Uông và Nguyễn Văn Giai lại lên cửa Trấn Nam Giao thăm dò tin tức nhà Minh. Sai tướng Bắc đạo Thuần quận công Trần Đức Huệ cùng với bọn Hội quận công, Hoành quận công (đều không rõ tên) đem quân hộ tống. Khi đến thành Lạng Sơn  đóng dinh thì bọn nguỵ Phúc Vương và Cao quốc công (đều không rõ tên) đem quân đến đánh cướp, giết Hội quận công tại trận. Bọn Thuần quận công và Hoành quận công đem quân chạy thoát. Khi trở về Kinh đều bị tước binh quyền. Bọn Đỗ Uông, Nguyễn Văn Giai vào chiếm giữ vách núi được thoát.

Tháng 3, Nguyễn Đương Minh người huyện Yên Phong tự xưng là Phúc Đức năm thứ 2 đem người trong huyện dấy quân đánh cướp các huyện bên. Hôm ấy, Hữu tướng Hoàng Đình Ái sai thuộc tướng được, đem chém, bắt được 4 tên đồ đảng giải đến cửa dinh, cũng chém cả.

Bấy giờ, ở vùng Sơn Tây, trời mưa ra máu.

Tháng này, nhà Minh lại sai viên quan uỷ nhiệm là Vương Kiến Lập tới nước ta đòi lễ cống và giục hội khám. Điệp văn tới Kinh sư, triều đình nghị bàn việc khởi hành.

Ngày 28, vua đích thân đốc suất bọn Hữu tướng Hoàng  Đình Ái, Thái uý Nguyễn Hoàng, Nguyễn Hữu Liêu, Thái phó Trịnh Đỗ cùng 7, 8 viên tả hữu đô đốc và 5 vạn binh tướng, đem theo cả viên quan uỷ nhiệm của nhà Minh Vương Kiến Lập cùng đi, lên cửa Trấn Nam Giao ở Lạng Sơn.

Tháng 4, ngày mồng 10, vua chỉnh đốn binh tượng, qua cửa Trấn Nam Giao, cùng với quan nhà Minh là bọn Tả giang tuần đạo sát phó sứ Trần Đôn Lâm và quan các phủ Tư Minh, Thái Bình, các châu

Long Châu, Bằng Tường tỉnh Quảng Tây cử hành hội khám. Trong lễ giao tiếp, hai bên đều vui vẻ mừng nhau. Từ đấy, hai nước Nam Bắc lại trao đổi với nhau.

Sai Công bộ tả thị lang Phùng Khắc Khoan làm chánh sứ, Thái thường tự khanh Nguyễn Nhâm Thiêm làm phó sứ sang tuế cống nhà Minh và cầu phong.

Khắc Khoan đến Yên Kinh, vừa gặp tiết Vạn Thọ của vua Minh, dâng 30 bài thơ lạy mừng. Anh vũ điện đại học sĩ  thiếu bảo kiêm thái tử thái bảo Lại bộ thượng thư nhà Minh là Trương Vị đem tập thơ Vạn Thọ ấy dâng lên. Vua Minh cầm bút phê rằng: Người hiền tài ở đâu mà không có. Trẫm xem thơ, thấy hết lòng trung thành của Phùng Khắc Khoan, rất đáng khen ngợi. Liền sai đưa xuống khắc in để ban hành trong nước. Khi ấy, sứ Triều Tiên là Hình tào tham phán Lý Toái Quang viết tựa cho tập thơ.

Bấy giờ, cha con Dũng quận công Nguyễn Khắc Khoan là thổ quan ở huyện Minh Nghĩa liên kết với đảng nguỵ, tụ tập bọn gian ác, định làm loạn ở Kinh ấp. Ban đêm, chúng thường nổi lửa đốt phá phố phường. Việc phát giác, quan quân bắt được 3 cha con Khắc Khoan và 24 tên đồ đảng ở ngoài cửa Nam thành Thăng Long, tìm được ấn gỗ, cờ chiêng, khí giới và  sắc mệnh đem về nộp. Tiết chế Trịnh Tùng sai đem đốt hết, chém chết cha con Khắc Khoan và đồ đảng, lấy đầu đem bêu.

Ngày 20, vua về Kinh sư. Xa giá đến Yên Thường. Tiết chế Trịnh Tùng thân hành rước lạy ở Yên Thường, đi theo ngự giá về cung. Vua ra coi chầu. Tiết chế Trịnh Tùng thân đem các đại thần và các quan văn võ làm lễ lạy mừng.

Hạ lệnh duyệt tuyển binh lính. Chọn người khoẻ mạnh bổ vào ngạch lính, những người già yếu thì lựa thải ra. Nhưng xét duyệt đã được mấy năm mà chưa từng thấy thải người nào, đến nỗi kẻ già yếu người người chết trong quân ngũ.
Tháng 5, hạn, lúa đậu chết khô.

Ngày 20, vua mật đảo trong cung cấm, lại dựng đàn ở Cầu Muống, thành Đại La, để hợp tế các linh thần núi sông mới được mưa.

Bấy giờ, có người xã Ngải Cầu, huyện Từ Liêm, là Nguyễn Minh Trí, trước cùng bạn với nguỵ Khắc Khoan, cha con dấy binh chiếm giữ vùng Minh Nghĩa, nguỵ xưng là Đại Đức năm thứ 3. Thái uý Nguyễn Hữu Liêu bắt được cha con Minh Trí, đều đem chém cả.

Bấy giờ, Vạn quận công Nguyễn Hữu Lực coi giữ huyện Thanh Miện. Hữu Lực cai trị chú trọng khoan thư, công bằng, dân đều kính phục, giặc không dám xâm phạm, trong cõi được yên, dân được an cư lạc nghiệp.

Tháng 6, ngày mồng viên tướng quy thuận người Sơn Nam là Định quận công Trần Bách Niên chết.

Tháng này, không có gió mưa mà nước sông Lô bỗng dâng tràn cuồn cuộn. Năm này trước thì đại hạn, sau thì lũ lụt, lúa đồng tổn thất nhiều, mất mùa luôn, dân nhiều xiêu tán.

Mùa thu, tháng 7, Thái uý Dương quận công Nguyễn Hữu Liêu chết, thọ 60 tuổi, tặng  Dương quốc công.

Ngày 15, cháu họ Nguyễn Hữu Liêu là Trung quận công Nguyễn Công lại ốm chết.

Sao Huỳnh Hoặc và sao Tuế cùng ở trong cung độ sao Tất, chỉ cách nhau một ngón tay.

Ra lệnh trong cả nước, mọi vật dụng đều phải tuỳ theo chức phẩm cao hay thấp mà dùng, không được tiếm vượt.

Hạ lệnh duyệt các hạng quân dân, đinh tráng người tứ chiếng để định quán tịch cũ.

Bấy giờ người huyện Tống Sơn là Thắng quận công Mai Cầu coi giữ huyện Thần Khê có chính tích tốt, dân nhiều người ái mộ bảo cử, được thăng làm tổng binh Thuận Hoá.

Tháng 8, viên tướng địa phương huyện Đông Ngàn là Thuần quận công Trần Đức Huệ và con là Trần Đức Trạch tự xưng là Sầm quận công, mưu làm phản, cùng với viên tướng địa phương ở Yên Thế là cha con Thế quận công Dương Văn Cán đều đem con em đang đêm trốn đi theo đảng nguỵ. Tiết chế Trịnh Tùng chia quân, sai con là  Chưởng Cẩm y vệ Hùng Lương hầu Trịnh Đào đem quân đi đánh, chém được đồ đảng. Bọn Đức Trạch, Văn Cán đem con em chạy dài.

Bấy giờ dân tứ chiếng khổ vì phải cắt cỏ voi, lại bị quan địa phương quấy nhiễu, không chịu nổi, nhiều người theo đảng nguỵ cướp bóc trong dân gian.

Bấy giờ, các tướng địa phương ở Hải Dương là Thuỷ quận công (không rõ tên) người huyện Thuỷ Đường, Lễ quận công (không rõ tên) người huyện Nghi Dương đều đem quân làm phản, bắt người cướp của ở các huyện xứ Hải Dương, đánh úp giết chết tướng tuần thú là Hoa Kiều hầu (không rõ tên) và quan huyện ấy. Lại có anh em Quỳnh quận công và Thuỵ quận công (đều không rõ tên) ở huyện Tân Minh, tụ tập đồ đảng, đi đến đâu cũng ức hiếp cướp bóc dân chúng, cùng liên kết với bọn Thuỷ quận công, Lễ quận công, có đến vài nghìn quân. Nhân dân các huyện ở Hải Dương  sợ chúng tàn ngược, đều phải tuân theo cả.

Tháng 11, ngày 20, Tiết chế Trịnh Tùng sai bọn Đô đốc đồng tri Hoà quận công Nguyễn Miện, Mỹ quận công Bùi Văn Khuê, Kế quận công Phan Ngạn đem thuỷ quân gồm 50 chiếc thuyền ra Hải Dương đánh phá đảng nguỵ, khởi ành ngay hôm ấy. Nguyễn Miện một mình tự kiêu khinh địch, tự cho là bọn giặc tàn chẳng đáng lo, không bàn bạc với các tướng, tự mình đem 4 chiếc binh thuyền bản bộ, khinh suất xông thẳng vào trong trận, đến chỗ giặc mai phục, gặp thuyền giặc. Hào quận công sai bắn súng lớn vào giặc. Lễ quận công bị trúng đạn chết ở trong thuyền. Giặc ở trong thuyền mặc áo của Lễ quận công thúc quân đánh bừa, lại đâm chết Hào quận công tại trận. Quân hai bên đánh giết lẫn nhau, quan quân bị chết cũng đến hơn 80  người, quân lính đều chạy. Gặp quân của Bùi Văn Khuê tiếp đến, quân giặc bỏ thuyền lên bờ chạy tan. Văn Khuê lấy được thủ cấp của Nguyễn Miện rồi về. Sau Văn Khuê lại đem quân lùng tìm, lấy được đầu của Lễ quận công đem về Kinh dâng nộp, sai đem bêu 3 ngày. Tiết chế Trịnh Tùng xét thưởng cho Văn Khuê 10 cân vàng, thăng chức thiếu bảo.

Tháng này, hạ lệnh cho các xứ trong nước dựng trường thi hương để chọn kẻ sĩ.

Tháng 12, bọn nguỵ Trần Đức Trạch đóng quân ở huyện Đại Từ, sai người bắt trộm 1 con voi đực của nhà nước. Tiết chế Trịnh Tùng sai bọn Quảng quận công Trịnh Vĩnh Lộc, Phụng quận công Trịnh Hữu Dung, An Nham hầu Nguyễn Trấn, An Toàn hầu Nguyễn Quang Đăng, Quỳnh Dương hầu Nguyễn Kim Quy đem quân đuổi kịp, bắt được đem chém, bắt cả vợ con đem về.

 Mậu Tuất, [Quang Hưng] năm thứ 21 [1598] , (Minh Vạn Lịch năm thứ 28). Tháng giêng, ngày 16, ban bố bào cáo đại xá thiên hạ. Hết thảy bọn trộm cướp, tù trốn đều được ân xá, thuế khoá bỏ thiếu lâu năm đều được tha miễn.

Tháng 2, xuống chiếu thăng Công tử Trịnh Tráng làm Bình quận công, sai đốc suốt binh mã để phòng giặc cướp.

Tháng 3, hạn, gió tây bắc thổi nhiều, lúa má cỏ cây chết khô.

Tiết chế Trịnh Tùng sai Hữu tướng Hoàng Đình Ái đem quân đánh dẹp huyện Lục Ngạn, bắt được con của Hùng Lễ [công] là Mạc Kính Luân và 35 con ngựa cùng khí giới trở về.

Tiết chế Trịnh Tùng lại sai Thái uý Nguyễn Hoàng đem thuỷ quân đi đánh dẹp xứ Hải Dương đánh phá cha con và bè lũ Thuỷ quận công. Thuỷ quận công chạy vào huyện Thuỷ Đường chiếm giữ lũng núi. Quan quân trở về. Thuỷ quận công sai bọn bè đảng là quận Thuỵ, quận Quỳnh xâm lược các huyện Thanh Lâm, Thanh  Hà, duyệt lấy đinh tráng nơi đó, biên chế vào đội ngũ làm lính, dân nhiều người trốn chạy.

Tháng 4, thi Hội các sĩ nhân trong nước. Cho bọn Nguyễn Thứ, Nguyễn Duy Thì, Lê Bật Tứ đỗ tiến sĩ xuất thân; bọn Nguyễn Khắc Khoan, Nguyễn Kiệm đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.

Đại hạn. Từ tháng giêng đến tháng này mới có mưa.

Tiết chế Trịnh Tùng sai Hữu tướng Hoàng Đình Ái thống lĩnh các quân bộ, và bọn Thái bảo Trịnh Ninh ra đánh dẹp huyện Đông Triều rồi tiến quân đánh miền bắc huyện Thuỷ Đường. Lại sai Thái uý Nguyễn Hoàng thống lĩnh thuỷ quân cùng bọn Thiếu bảo Bùi Văn Khuê ra đánh dẹp xứ Hải Dương rồi tiến quân đánh vào phía nam huyện Thuỷ Đường. Lại chia sai bọn Chấn quận công, Hải quận công,  Kế quận công, Tráng quận công đem các cơ Nội thuỷ đi kinh lược các huyện Thanh Lâm, Thanh Hà, ra huyện Kim Thành để chặn phía trên huyện Thuỷ Đường. Hôm ấy, cả ba đạo cùng lên đường một lúc. Nguyễn Hoàng sai tướng sĩ bản dinh xông trước vào phá lũng núi huyện Thuỷ Đường, quân lính tranh nhau lên trước, bắt được Thuỷ quận công nguỵ, đảng giặc tan vỡ. Quân các đạo tiến lên, thu bắt thuyền ghe của giặc. Bọn [quận] Quỳnh, [quận] Thuỵ đem con em trốn ra, định chạy về huyện Tiên Minh. Đến nửa đường, gặp quân của Bùi Văn Khuê đánh tới; quân hai bên hỗn chiến trên sông, từ giờ Thìn đến giờ Thân, quân giặc sức kém tan vỡ tháo chạy. Văn Khuê thúc quân thừa thắng đuổi đánh, bắt được [quận] Thuỵ nguỵ ở trong thuyền, chém hơn trăm thủ cấp, [quận] Quỳnh nguỵ đem dư đảng chạy về Yên Quảng.

Ngày 24, quan quân về Kinh, đem tù là [quận] Thuỷ nguỵ,  và quận Thuỵ dâng nộp. Thưởng công xong, đem bọn Thuỷ quận công và Thuỵ quận công chém ở Cầu Dền, bêu thủ cấp chúng.

Tháng 5, Việt quốc công ở Sơn Dương chết, quân không có chỉ huy, các tướng trấn giữ Sơn Tây là bọn Thanh quận công Đặng Kính và Giao quận công Nguyễn Hữu Giai tiến quân đánh đuổi, chém vài nghìn thủ cấp, bắt được 10 con ngựa trở về.

Tháng này, hạ lệnh cho Bùi Văn Khuê đốc suất binh đinh hai huyện Tân Minh và An Dương, sai đem quân đi trấn giữ để yên dân phương ấy; Tráng quận công Nguyễn Nga giữ huyện Thanh Lâm, Hoa Dương hầu Vương Châu giữ huyện Gia Viễn.

Năm này đại hạn.

Tháng 7, ngày Kỷ Hợi, trời mưa nhỏ vài ngày.

Tháng 8, hạn.

Con Hùng Lễ [hầu] họ Mạc là Kính Dụng họp đảng ở huyện An Bác, nguỵ xưng là Uy Vương. Sau bị thua luôn, thiếu ăn, bèn mưu dụ giết viên thổ quân là Phú Lương hầu (không rõ tên) để cướp lấy đất đai  và dân chúng. Phu Lương [hầu] biết, mưu ấy không thành. Mạc Kính Dụng tự đem con em đến bức. Phú Lương [hầu] dùng mẹo đánh lừa, sai vợ con ra đón hàng, thú tội rằng: "Đại vương quyền cao, binh thế lớn, những người theo hầu phục dịch lại gan dạ oai hùng. Chồng thiếp chỉ là một người nhà quê, chưa từng thấy việc binh thế này bao giờ, nghe tin quân của đại vương tới, kinh hoàng sợ hãi, sai thiếp đi thay, xin đại vương đóng quân yên trại ở ngoài cõi, hạ lệnh nghiêm cấm, chỉnh đốn binh sĩ, cố thủ dinh trại, phòng giữ cẩn thận. Quân của triều đình có đến thì chống lại. Rồi sau đại vương tự chọn lấy tay chân thân cận, chẳng qua độ mươi người, theo thiếp vào nhà, đến nơi thì thiếp lập tức dẫn chồng vào lạy chào rồi sẽ dâng nộp đất đai và dân chúng".
Uy Vương nghe nói mừng lắm, lập tức chọn lấy 40 người chân tay và con em thân cận  tự vào trong thôn nhà Phú Lương hầu. Phú Lương hầu sai quân canh giữ, đóng kín các cửa ải, rồi từ trong nhà ra đón tiếp, lạy quỳ trước mặt mà nói: "Thần ở cõi xa xôi hẻo lánh, binh ít, lương đủ. Đại vương đến đây có thể tạm yên thân, nuôi quân, chứa sức, thừa thời đợi lúc, chiêu mộ châu huyện, thu thập quân lính thì có thể phục hưng sự nghiệp trước kia. Nay thần có một chỗ lũng núi, đã xa lại sâu hiểm, đại vương chỉ nên đem vài người thân cận vào chiếm giữ chỗ núi sâu ấy, thần sai người nhà cung cấp hầu hạ, còn các tướng hiệu tả hữu khác đều hãy tạm ở nhà thôn của thần để thần cấp dưỡng rồi sẽ tính việc sau này.

Uy Vương nghe xong, tự đem 4, 5 người tay chân vào chiếm giữ chỗ lũng núi. Phú Lương hầu lập tức giết hết 40 con em của Uy Vương, không cho tiết lộ để Uy Vương biết. Phú Lương hầu mật  sai người chạy báo ngay về Kinh sư, xin quân cứu viện, bắt giải Uy Vương. Bấy giờ, Tiết chế Trịnh Tùng

sai bọn Đô đốc Lâm quận công, Quảng quận công, Hoa Dương hầu đem quân đến thôn nhà Phú Lương hầu, quả nhiên bắt được Uy Vương đem về Kinh sư. Sau xét công, thăng thưởng Phú Lương hầu chức tổng binh.

Tháng 9, hạn. Bấy giờ, liền mấy tháng hạn to, lúa mạ chết khô. Vua bèn mật đảo ở trong cung, lại hợp tế các thần ở Cầu Muống mới được mưa.

Ngày mồng 6, Dương Văn Cán ở huyện Yên Thế sai vợ đem 2 con ngựa và 2 con trâu về Kinh thú tội. Vua y cho, sai về bảo chồng ra thú sẽ tha tội cho.

Viên giám sinh người xã Chi Nê, huyện Chương Đức là Nguyễn Thì Đam, tự xưng nguỵ hiệu là Binh bộ thượng thư Lâm Tuyền hầu.  đã bắt được đưa về giam ở Kinh, sau lại trốn thoát.

Hạ lệnh cho huyện Quảng Đức mở cục làm giấy, làm loại giấy khổ to, kiểu mới nộp quan, không được bán riêng. Bấy giờ, người ta hay làm giả lệnh thị, cho nên có việc cấm này để phòng kẻ gian. Lại hạ lệnh cho thừa ty và phủ huyện các xứ nếu thấy người của quan trên sai xuống có mang thiếp thị thì phải xét thực là giấy kiểu mới mới được y lệ thừa hành, nếu không phải thì bắt nộp trị tội.

Hạ lệnh cho các quan phủ, huyện, xã duyệt tuyển dân đinh trong hạt, người nào từ 18 tuổi trở lên mà sức vóc khoẻ mạnh thì biên bổ làm lính để tăng số quân. Song phép duyệt tuyển nhiều sự nhũng nhiễu, dân khổ không chịu nổi.

Tháng 10, hạ lệnh cho các xứ Thanh Hoa, Nghệ An, Thuận Hoá, Quảng Nam dựng bãi duyệt tuyển, đợi  duyệt tuyển đinh tráng để bổ vào ngạch binh. Nhưng gặp buổi hết năm, chưa làm lại thôi.

Ngày 13, Tiết chế Trịnh Tùng dâng biểu tâu sai Hữu tướng Hoàng Đình Ái thống lĩnh binh tượng cùng bọn Thái bảo Trịnh Đồng, Thiếu bảo Trịnh Bách, Đô đốc Lê Văn Hoan, Chỉ huy sứ Trần Tộ đem hơn 1 vạn quân đi đánh dẹp đảng nguỵ ở Lạng Sơn. Sai Binh bộ hữu thị lang Nguyễn Vỹ làm qua đốc thị. Lại sai Thái phó Trịnh Đỗ thống lĩnh binh tượng cùng bọn Thạch quận công Vương Trân, Thao quận công Trần Chấn, Tổng binh Thái Nguyên Đức Trạch hầu Lại Thế Quý đem quân đánh dẹp đảng nguỵ ở Thái Nguyên. Lại sai bọn Thanh quận công Đặng Kính, Giao quận công Nguyễn Hữu Giai đi đánh dẹp bọn giặc ở các huyện Sơn Dương, Đương Đạo . Lại sai Bạt quận công Phạm Doãn Sinh trấn giữ các con đường hiểm yếu ở Lâm Thao để giữ yên dân hạt Hưng Hoá .

Ngày 17, cha con Thế quận công Dương Văn Cán đến Kinh xin hàng, được tha tội.

Ngày 23, bọn Đặng Kính, Nguyễn Hữu Giai đem quân đến huyện Đương Đạo, đánh phá giặc ở Thượng Lan1. Phù Cao [hầu] nguỵ bỏ trại chạy vào châu Đại Man . Kính tung quân đuổi theo, chém được tướng nguỵ là bọn Phù Vệ, Triều Ba, bắt được ngựa, ấn đồng, chiêng, cờ, khí giới rất nhiều rồi về.

Tháng này, thổ quan ở Cao Bình là Tổng binh đồng tri Dũng quận công Hà Ích đem quân đánh phá giặc ở châu Định Hoá , chém được Trung quốc công nguỵ (không rõ tên) và 35 thủ cấp của đồng bọn, bắt được 30 con ngựa giải về Kinh dâng nộp.

Ngày 28, hạ lệnh thắt cổ giết Mạc Kính Dụng ở chợ Cửa Đông.

Tháng 11, ngày mồng  4, thổ quan huyện Đương Đạo là Vệ Nghĩa hầu Tống Thì Chiếu đem quân đánh phá nguỵ Mạc chém được Phù Thắng hầu nguỵ (không rõ tên) và 15 thủ cấp đồ đảng, bắt được 1 con ngựa và rất nhiều khí giới.

Ngày mồng 6, Hữu tướng Hoàng Đình Ái đến thành Lạng Sơn, sai đô đốc Lâm quận công Trần Phúc đem hơn 1.000 quân đánh phá giặc ở châu Thoát Lãng . Bấy giờ, quân của Mạc Kính Cung từ Long Châu về Thất Tuyền , sai Vạn quốc công nguỵ (không rõ tên) chống giữ. Trần Phúc tung quân đánh lớn, chém chết con của Vạn quốc công, bắt được vợ con và đồ đảng, đốt dinh trại, quân giặc tan vỡ. Bọn Phúc thừa thắng đuổi dài, thẳng đến dinh của Kính Cung. Kính Cung sai Phúc Vương đem vợ con lương thực rút trước vào Long Châu . Đến nửa đường, gặp quân mai phục của c Trần Phúc  là Nghĩa Tráng hầu Trần Thiết nổi dậy đánh. Phúc Vương và quân lính tranh nhau cướp đường chạy vào Long Châu.

Phúc Vương ngoảnh lại bảo Trần Thiết: Có Càn Thống Vương còn ở đằng sau; nếu ngươi định đuổi bọn ta, Càn Thống Vương đến đây thì e rằng bọn người đều trở thành quỷ dưới suối vàng cả.

Trần Thiết nghe thế, không dám đuổi nữa, sai các con em thu nhặt tiền của rồi về.

Kính Cung thấy quân Trần Phúc tiến đánh, liền sai tướng là bọn Bàn quận công, Thắng quận công (không rõ tên) đem quân chặn hậu, chống nhau với quân Trần Phúc. Kính Cung tự đem quân nhổ trại ngầm lui về phía sau. Trần Phúc thấy tướng nguỵ chống lại, tung quân ra đánh, chém được bọn Thắng, Bàn tại trận, bọn còn lại tan vỡ tháo chạy. Kính Cung bèn đem mấy nghìn tướng sĩ chạy vào Long Châu, lại gặp quân mai phục của Trần Thiết đón đánh ở đường hiểm. Kính Cung  tự đốc suất đại quân xông vào đánh. Bấy giờ, Trần Thiết quân ít, không địch nổi, bèn vứt bỏ những của cải đã lấy được, nhổ đội chạy thẳng về Cao Bình. Quân Kính Cung vội vã vượt sông rút đi. Sau quân Trần Phúc tiến đến, bắt được con trai thứ hai của Kính Cung mới 12 tuổi. Khi ấy, quân của Kính Cung đã đi xa, Trần Phúc sai thu quân về Lạng Sơn, nghị bàn với Hữu tướng thái uý Vinh quốc công trở về Kinh, đem con trai của Kính Cung dâng nộp.

Lấy Hộ bộ thượng thư Thông quận công Đỗ Uông làm thiếu bảo.

Tháng này, Thái phó Trịnh Đỗ tiến quân đánh các địa phương Cảm Hoá, phủ Thông Hoá127 , trấn Thái Nguyên.

Sai Tổng binh Lại Thế Quý đánh dẹp xứ Cao Bằng. Quân đến núi Tam Lộng, Thế Quý không biết liệu thế giặc. Bọn giặc đem người Man các động bốn mặt đánh kẹp lại, Thế Quý thua to,  chạy ba ngày ba đêm đến núi Thượng Tư, bị giặc bắt được một con voi công, còn anh em Thế Quý bị thương nhiều chỉ chạy thoát thân. Trịnh Đỗ thấy đánh không lợi, bèn bàn đem quân về, Triều đình luận tội, tước binh quyền của Thế Quý.
Mưa dầm.

Tháng 12, ngày mồng 3, hạ lệnh thắt cổ giết con thứ hai của Mạc Kính Cung ở bên hữu Cửa Đông.

Ngày mồng 6, Tiết chế Trịnh Tùng sai quan hầu mệnh là bọn Đỗ Uông chuẩn bị nghi chú, lễ vật đến cửa Trấn Nam Giao đón tiếp Bắc sứ.

Trước đây, sứ thần là bọn Phùng Khắc Khoan mang vật cống cùng người vàng thay thân mình, trầm hương, ngà voi đến Yên Kinh, dâng biểu xin theo lễ cống. Vua Minh xem biểu rất mừng, lại xuống chiếu phong vua làm An Nam đô thống sứ ty đô thống sứ, quản hạt đất đai nhân dân nước Nam, và ban cho một quả ấn  An Nam đô thống sứ ty bằng bạc, sai bọn Phùng Khắc Khoan mang sắc thư về nước. Khắc Khoan bèn dâng biểu rằng: Chủ của thần, họ Lê là dòng dõi của An Nam quốc vương, giận nghịch thần họ Mạc tiếm ngôi, cướp nước, không chịu được mối thù ngàn năm, mới nằm gai nếm mật, lo thu phục lại cơ nghiệp của tổ tông để nối theo dấu cũ của tông tổ. Họ Mạc kia vốn là bề tôi của họ Lê nước An Nam, giết vua, cướp nước, thực là tội nhân của thượng quốc, mà lại ngầm xin chức Đô thống. Nay chủ của thần không có tội như họ Mạc, mà lại phải nhận chức như họ Mạc là nghĩa thế nào, xin bệ hạ xét cho".

Vua Minh cười nói: "Chủ của người tuy không ví, nhưng vì mới lấy lại được nước, sợ lòng người chưa yên, hãy cứ nhận đi, sau sẽ gia phong tước vương cũng chưa muộn gì. Ngươi hãy  kính theo, chớ có từ chối".

Khoan liền bái nhận ra về. Trước đây, Khắc Khoan qua cửa quan vào tháng 4 năm Vạn Lịch thừ 25, đến tháng 10 tới Yên Kinh bái yết vua Minh, ngày mồng 6 tháng 12 từ biệt vua Minh về nước, trước sau cộng 1 năm lẻ 4 tháng, đường đi sứ mới thông.

Ngày 15, Khắc Khoan về đến cửa Trấn Nam Giao, quan Tả giang nhà Minh sai viên quan uỷ nhiệm Vương Kiến Lập đem công văn đến Kinh sư. Tiết chế Trịnh Tùng sai Hữu tướng Hoàng Đình Ái và Thái bảo Trịnh Ninh sửa soạn nghi vệ đón tiếp sứ Minh Vương Kiến Lập và bọn Khắc Khoang.

Ngày 25, vua qua sông sang bến Bồ Đề bái lạy chiếu thư đón sứ Minh về nội điện. Tiết chế Trịnh Tùng cùng với các đại thần văn võ vào nội điện triều yết. Khi tuyên đọc sắc thư xong, thấy quả ấn ban cho nói là bằng bạc  mà lại là đồng, bèn cùng với văn võ đại thần bàn gửi thư phúc đáp trách nhà Minh, do vên quan uỷ nhiệm của nhà Minh là Vương Kiến Lập mang về nước đệ tâu vua Minh.

Thổ quan nhà Minh nhận hối lộ của Mạc Kính Cung, lại đệ tâu vua Minh cho Kính Cung được giữ đất Thái Nguyên và Cao Bằng.

Kỷ Hợi, [Quang Hưng] năm thứ 22 [1599] , (Minh Vạn Lịch năm thứ 27). Tháng giêng, ngày 28, Thiếu phó Quỳnh quận công Nguyễn Mậu Tuyên chết, thọ 82 tuổi. Mậu Tuyên là người xã Thịnh Mỹ, huyện Lôi Dương.

Ngày 28, Mỹ quận công Bùi Văn Khuê giải nộp quận Thuỵ nguỵ, sai đem giết.

Tháng 2, bấy giờ viên giám sinh người Chi Nê, huyện Chương Đức là Nguyễn Thì Thầm, nguỵ xưng là thượng thư Lễ quốc công; người làng Man Nhuế, huyện Thanh Lâm nguỵ xưng là Thiếu bảo An quốc công; người Phúc Lộc nguỵ xưng là  Trung quận công; họp quân ở vùng Yên Lãng. Bình quận công Trịnh Tráng sai người đi bắt giải về Kinh sư. Sai đem chém hết.

Lại bộ hữu thị lang Nguyễn Hoàng Từ chết.

Đại lý tự khanh Trần Phúc Hựu chết.

Ngày 27, lấy Công bộ tả thị lang Phùng Khắc Khoan làm Lại bộ tả thị Lang, phong Mai Lĩnh hầu.

Tháng 3, quan Tả giang nhà Minh Trần Đôn Hựu lại sai Vương Kiến Lập mang ngựa tốt, đai ngọc, mũ xung thiên sang cho Tiết chế Trịnh Tùng, xin kết tình láng giềng và gửi hai tấm thiếp, trong viết 8 chữ "Quang hưng tiền liệt, định quốc nguyên huân" (Quang phục nông nghiệp xưa, công đầu định nước). Tiết chế Trịnh Tùng đối đãi rất hậu, sai người hộ tống về nước.

 Tháng 4, ngày mồng 7, có nhiều sao băng xuống nội điện hành tại, một góc điện Kính Thiên bị sập.

Tấn phong Đô tướng tiết chế các xứ thuỷ bộ chư dinh kiêm tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự Tả tướng Thái uý Trường quốc công Trịnh Tùng làm Đô nguyên suý tổng quốc chính thượng phụ Bình An Vương. Sai bọn Tư thiện giám Lê Văn Huệ chọn ngày làm lễ sách phong.

Lời sách văn như sau: Vương giả dựng ngôi ban phúc, giữ đạo công rộng lớn, công bằng; bề tôi giúp nước lập công, phải hậu lễ tôn nghiêm cao quý.

Chọn ngày tốt hợp, ban sách vẻ vang. Suy trung dực vận kiệt tiết tuyên lực công thần đô tướng tiết chế các xứ thuỷ bộ chư dinh kiêm tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự Tả tướng Thái uý Trường quốc công Trịnh Tùng, uy như núi cao, bóng cả, đấng võ văn của nhà nước triều đình.  Bày mưu đặt kế yên xã tắc, công cao sáng tỏ giữa trời; giữ tín giảng hoà nước láng giềng, sách giỏi giữ êm ngàn cõi. Công đã ngất cao trong vũ trụ, vị phải đứng đầu khắp thần liêu. Đặc sai Thái tể Vĩnh quốc công Hoàng Đình Ái đem sách vàng tấn phong làm Đô nguyên suý tổng quốc chính thượng phụ Bình An Vương. Lại ban ngọc tản làm vật báu lưu truyền; lại cấp ruộng nương để rộng thêm phong ấp. Mong hãy thận trọng chức vị, luôn luôn giữ phép triều đình; sửa sang đức nhân, đời đời hưởng ơn vua quý. Vương hãy kính theo.

Ngày 21, mở yến hội lớn.

Ngày 26, bàn định luật lệnh.

Năm này, đại hạn từ tháng 3 đến tháng 6. Bấy giờ, trời không mưa, lúa má chết khô.

Ngày 13, vua cùng Bình An Vương đến xứ Xạ Đôi lập đàn cầu đảo, sau mới  được mưa.

Ngày 16, giờ Dậu, nguyệt thực.

Tháng 7, tướng trấn thủ Thanh Hoa là Thiếu uý Lân quận công Hà Thọ Lộc chết. Sai quan khâm sai duyệt tuyển xứ ấy là bọn Lê Văn Hoan, Lê Văn Thực thay làm chức ấy. Sổ tuyển duyệt thì sai người đệ về Kinh dâng nộp.

Bấy giờ Vũ Đức Cung ở Đại Đồng làm phản, tiếm xưng Long Bình Vương, sai tướng thủ hạ là bọn Nhuệ quận công đem quân của châu Đại Man đánh các động núi ở châu Bạch Thông, đất Thái Nguyên, bức thu thuế mỏ bạc. Bấy giờ, Bình An Vương sai bọn Hải quận công, Quảng quận công, Phụng quận công đem quân tiến đánh, lại sai tướng trấn thủ Vệ Nghĩa hầu Tống Thì Chiếu dẫn đường đi đánh phá giặc.

Tháng 8, ngày 16, có lệnh chỉ cho trưởng quan các dinh và cai quan các cơ, đội rằng:  Các đội trưởng và thứ đội trưởng ở các dinh, cơ, viên nào có hạng công thần hết lòng cố sức và bền nghĩa theo quân, lâu ngày có công, thì hãy khai rõ họ tên, chú rõ từng mục địa chỉ, chức tước, hạn đến trung tuần tháng này đệ nộp, đợi duyệt định làm bản gửi cho nha môn phụ trách thăng bổ các chức để đền đáp công lao.

Ngày 23, sao Thái Bạch phạm vào sao Thái Ất.

Ngày 24, giờ Sửu, vua băng.

Bấy giờ, Bình An Vương cùng với triều thần bàn là thái tử không thông minh mẫn tiệp, bèn lập con thứ là Duy Tân. Định ngày 27 tháng này lên ngôi ở hành tại. Đại xá. Đổi niên hiệu.

Xuống chiếu rằng: Trẫm nghĩ, trời đất sinh ra muôn loài là đức, tất chuyển hoá, vận hành âm dương  để tỏ rõ vi dưỡng dục ; Đế vương nắm giữ ngôi cả dùng nhân, phải giáo huấn, phúc lành ban khắp, cho sáng ngời đạo lớn chí công. Lẽ mầu không khác, lời đẹp phải ban. Nước nhà ta, trời cho người theo, thần truyền thánh nối. Kế mưu, sự nghiệp chính đáng vẹn toàn, kỷ cương, mối giềng tận tường đầy đủ. Những gì để lại cho đời sau thực đã sâu xa lắm! Đức Hoàng khảo ta nối rộng công lớn, ở ngôi 23 năm, gặp khi mỏi mệt, đem việc nước phó thác cho trẫm. Trẫm đương khi đau xót, thương nhớ khôn nguôi. Song coi xã tắc là trọng, tạm nén tình riêng, gượng theo công luận, đã lên nối nghiệp lớn vào ngày 27 tháng này năm này, sang năm sẽ đổi niên hiệu. Trẫm tự nghĩ, đương khi tuổi còn trẻ thơ, nối nghiệp gian nan to lớn, cáng đáng những lo không nổi, giúp đỡ cần phải có người. Thực nhờ đức sáng suốt khuông phủ của Chủ suý thượng phụ Bình An Vương ra sức giúp rập bổ khuyết của các huân cựu đại thần và các quan tả hữu thân cận, mới mong có thể nối được cơ nghiệp tốt lành, rạng tỏ lời dạy đời trước, trên đáp lòng trời, dưới thoả ý dân, để nối dài phúc lớn của tông xã đến ức muôn năm không dứt. Nay trẫm coi nước trị dân, chính là lúc bốn phương mong được ban ơn hưởng phúc. Phải nên dựng đạo, dạy dân, ban ơn, xuống phúc, để cùng với thiên hạ chấn chỉnh buổi đầu. Sẽ lấy sang năm làm Thận Đức năm thứ 1. Nay đương buổi đầu coi việc nước, nên rộng ban ơn cho bốn biển, có những điều mở rộng ân ban, công bố trước thiên hạ như: Ban tước hiệu và ruộng đất cho công thần, gia phong cho các vị thần trong tự điển , tha những thuế còn bỏ phiếu, thương xót chiếu cố dân xiêu tán mới trở về, xét thực tình những người trước đã nhận chức nguỵ để trả lại của cải khi trước, cùng là các quan trong ngoài được ban ân, thăng cấp, và các bọn dũng sĩ, sinh đồ, xã trưởng, quan viên tử tôn, đều được  ban thưởng theo thứ bậc khác nhau.

Ôi, sang sửa buổi đầu, nghĩa lớn Xuân Thu nhất thống, nay xem hiện tượng rõ ràng, hưởng vận nước gồm cả Ân, Hạ số năm, hợp phúc dài lâu to lớn. Bá cáo xa gần, thảy đều nghe biết".

Ngày 25, bộ Lễ ra bảng yết thị rằng: Đại Hành Hoàng Đế chầu trời, thần dân trong nước phải chiếu theo thứ bậc để tang mà tuân hành. Còn Thượng phụ là bậc huân vương, và là trọng thần của xã tắc, không cùng ngang hàng với các quan, nên để tang 100 ngày. Các thân vương và các quan văn võ, từ quận công trở lên, mà dự ban chầu (nếu theo quân dinh thì không câu nệ) cùng các viên ở triều đường (từ ngũ phẩm trở lên), các viên coi một phương diện ở ngoài nên để tang 3 năm. Quan võ từ tước hầu, bá để ngũ phẩm trở lên (nếu theo quân dinh thì không câu nệ); Nội giám ty từ lục phẩm  trở xuống, văn giai từ thủ lính các bộ, các tự, các phủ huyện và hiệu quan trở lên (nếu theo quan dinh thì không câu nệ) để tang 1 năm. Võ giai từ lục phẩm trở xuống, văn giai từ bát cửu phẩm có dự triều yết để tang 9 tháng. Các hộ sĩ, vệ sĩ, hiệu sĩ án lại, hoa văn để tang 5 tháng. Vợ các quan viên dự hàng mệnh phụ để tang 1 năm, không dự hàng mệnh phụ để tang 100 ngày, đều cấm trang sức. Các ấm quan, tụng quan, được cất nhắc mà chưa có chỗ bổ và các quan tạp lưu để tang 5 tháng. Xá nhân, văn thuộc, quan viên tử tôn, tướng thần, xã trưởng, cùng thổ tù, phụ đạo và người làng vua, dân trong Kinh kỳ đều để tang 100 ngày. Dân chúng các xứ trong nước để tang 27 ngày. Cấm hết âm nhạc và mặc dùng các thứ lụa màu, châu ngọc, vàng bạc. Con trai con gái lấy vợ lấy chồng thì con cái nhà quan viên hoãn 100 ngày, thứ dân 27 ngày; đều bắt đầu từ ngày nhận được lệnh này.

 Hôm ấy, giờ Sửu, sao băng rất nhiều, dài như tấm lụa, khi sa xuống đất, có tiếng kêu như sấm lớn. Dân trong Kinh kỳ đều để tang 100 ngày. Dân chúng các xứ trong nước để tang 27 ngày. Cấm hết âm Tháng 9, ngày 20, sai tướng sĩ rước linh cữu của Đại Hành Hoàng Đế về sơn lăng.

Nguồn: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư