249 lượt xem

LÊ UY MỤC - KỲ 2 (CUỐI)

Dù bị tiếng trị vì ác nghiệt, giết người không ghê tay, nhưng vua Lê Uy Mục cũng như mọi kẻ làm trai trên cõi đời này, khi gặp hồng nhan, dù có mặt sắt thì cũng rung động.

Nói đến vua Lê Uy Mục, sử cũ chép lại đời ông vẫn còn để lại lời phê phán. Bằng chứng là nơi Đại Việt sử ký toàn thư, đã nghiêm khắc ghi: “Vua nghiện rượu, tính hiếu sát, hoang dâm, thích ra oai, tàn hại người tôn thất, giết ngầm tổ mẫu, họ ngoại hoành hành, trăm họ oán giận, người bấy giờ gọi là Quỷ vương”.

Xuất thân người lọt mắt xanh Lê Tuấn

Việc triều chính, vua có thể làm cho quan dân phải sợ, ấy mà cuộc sống chốn hậu cung của vua, cũng mạnh mẽ không kém, Việt sử yếu cho hay “Uy Mục đế là một ông vua đam mê tửu sắc”. Trong tình trường của vua, lại có dấu ấn riêng biệt tích cực. Chỉ cần thấy hành động treo cổ tự vẫn của Trần Hoàng hậu vợ ông khi Lê Tương Dực nổi dậy lật đổ vua cũng đủ thấy vua chiếm được lòng tin của những người “nâng khăn sửa túi” như thế nào. Khi chưa lên ngôi, Uy Mục còn kết duyên với một bà vợ ở châu Minh Linh. 

Bà phi được nói tới ấy, trong Đại Việt thông sử cho biết, vốn họ Lê, người xã Sa Lung, châu Minh Linh. Châu Minh Linh, chính là đất thuộc Chiêm Thành xưa Chế Củ dâng cho Đại Việt thời Lý. Tra trong Hoàng Việt Giáp Tý niên biểu, Nam Hà tiệp lục hay Phủ biên tạp lục đều cho biết điều đó. Ví dụ, trong Phủ biên tạp lục viết: “Kỷ Dậu, niên hiệu Thiên Huống Bảo Tượng năm thứ 2 (1069), Hoàng đế Lý Thánh Tông thân đi đánh nước Chiêm Thành, bắt được chúa của nước này là Chế Củ đem về. Chế Củ xin lấy ba châu là Đại Lý, Ma Linh và Bố Chính dâng cho nước ta để chuộc tội”.

Về sau, châu Ma Linh được đổi tên thành Minh Linh, điểm này có ghi trong Phương Đình dư địa chí: “Minh Linh (nguyên là đất châu Ma Linh của nước Chiêm Thành thời vua Lý Nhân Tông đổi là châu Minh Linh (năm Ất Mão (1075) - người dẫn chú). Nhà Minh gọi là châu Nam Linh, nhà Lê gọi là huyện Minh Linh, thuộc phủ Tân Bình”. Nay đất Minh Linh thuộc tỉnh Quảng Trị.

Lại nói về bà Lê thị, sau vì gia đình mắc tội, bà xứ Nam Hà xa xôi, cả nhà bị giải về kinh, sung làm nô tì cho nhà nước. Theo Ô châu cận lục thì Lê thị hầu hạ ở trong cung. Lúc ấy, Uy Mục, tức Lê Tuấn còn ở tiềm để (nơi ở của ông hoàng khi chưa lên ngôi) được theo học với vị vương phó (thầy dạy của hoàng tử). Bởi các hoàng tử bao giờ cũng được bố trí thầy dạy để hiểu được lễ nghĩa của kẻ đế vương. Dạo đó, bà Lê thị cũng đến học tập ở đấy. Cái duyên tương ngộ của vị vua quỷ tương lai với bà phi đất Minh Linh từ đó mà nên.

Lãng mạn duyên tơ hồng quấn quýt

Học cùng với nhau, Lê Tuấn dần có cảm tình mà phải lòng Lê thị, như Ô châu cận lục có viết về chuyện tình của hai người: “Vương thấy bà lấy làm vừa ý, hai bên trở nên quyến luyến nhau. Một hôm, vương dùng chân khèo chân bà, khi về bà đem chuyện ấy kể lại với sư mẫu, sư mẫu nói rằng:

- Vậy là vương thử lòng con, sau này nếu con thấy vương làm như thế thì dùng hai tay che chân của vương để tỏ ý thân.

Hôm sau bà làm đúng như kế của sư mẫu đã bày”. Đến lúc học cùng, ngồi gần nhau, Lê Tuấn lại tỏ ý thân mật như lần trước, Lê thị liền đáp lại. Kẻ trai trẻ được hai bàn tay ngọc ngà mềm mại của thiếu nữ mới lớn chạm vào, lòng đầy rung động, thế nên vị vua tương lai rất vừa lòng, từ đó về sau không chọc ghẹo như thế nữa. Riêng Lê thị cũng giữ kín mối tình đẹp đẽ ấy mà chẳng hề tiết lộ ra cho ai hay.

Đến khi Lê Tuấn lên ngôi năm Ất Sửu (1505), nhớ lại người xưa đã cảm mến, liền cho tuyển bà vào hậu cung. Không chỉ làm vua say vì sắc đẹp, Lê thị sẵn bản tính thông minh, có học hành nên được yêu chuộng hơn cả. Uy Mục đế sau đó thăng bà lên hàng phi.

Cuộc sống hậu cung của Lê phi với vị vua trẻ hương lửa mặn nồng, tuy vậy, cũng chỉ đầu gối tay ấp được 4 năm ngắn ngủi. Vì Uy Mục trị nước nghiệt ngã, mất lòng người, nên sau đó, Giản Tu công Lê Oanh dấy binh khởi loạn, giết vua năm Kỷ Tỵ (1509), lại dùng súng thần công bắn cho tan xác, lên thay ngai vàng, tức vua Lê Tương Dực.

Vậy số phận của Lê phi ra sao? Cũng như muôn vàn phận bồ liễu trong những biến động cung đình cổ kim, bà Lê phi sau đó có cái kết buồn, chẳng lãng mạn như tình duyên của bà, nhưng không đến nỗi phải tự tận như chính cung Hoàng hậu Trần Thị Tùng của Lê Uy Mục như trên đã đề cập.

Trong Ô châu cận lục cho biết: “Khi Kiến vương (thực ra ở đây phải viết là Lê Tương Dực (1509 - 1516), bởi Kiến vương chính là cha của vua Lê Tương Dực, nhưng chưa làm vua bao giờ) lên thay, kẻ bề tôi là Vũ Tá hầu tên Phùng Dị cưỡng bức đem bà về làm thiếp”. Đúng là “phận gái 12 bến nước”, phải kiếp bèo dạt mây trôi, dạt đến đâu, hay đến đó, “hồng nhan bạc mệnh” có phải là đây chăng?

Vua Lê Uy Mục bị Giản Tu Công Lê Oanh (vua Tương Dực sau này), vì hận giết hại gia đình, sau khi bức tử, sai người dùng súng lớn, để xác vào miệng súng, cho nổ tan hết hài cốt.

Vua Lê Uy Mục bị Giản Tu Công Lê Oanh (vua Tương Dực sau này), vì hận giết hại gia đình, sau khi bức tử, sai người dùng súng lớn, để xác vào miệng súng, cho nổ tan hết hài cốt.

Lê Uy Mục (1488-1509) là vị vua thứ 8 của nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam. Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, so với lịch sử vẻ vang kéo dài suốt 100 năm của nhà Lê, từ năm 1428 (Lê Lợi lên ngôi) đến năm 1527 (khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê), với nhiều vị vua hiền tài như Lê Thái Tổ, Lê Thánh Tông... thì thói lạm sát vô tội vạ, sự nhẫn tâm bức hại ngay chính tổ mẫu (hoàng thái hậu Trường Lạc)... của vua Uy Mục không xứng với bậc đế vương. Và cái chết không toàn thây của ông là một kết quả tất yếu.

Giết tổ mẫu, xua đuổi tông thất

Vua Lê Uy Mục có tên húy là Lê Tuấn. Ông là con bà họ Nguyễn quê ở xã Phù Chẩn, Đông Ngàn (Đông Anh) với vua Hiến Tông. Mặc dù theo sự ủy thác của người em là vua Túc Tông, thái tử Tuấn được chọn là người kế vị, song hoàng thái hậu Trường Lạc kịch liệt phản đối. Theo bà, việc hoàng tử Tuấn, con của kẻ nữ tì, xuất thân hèn kém không được giáo dục tử tế, lên ngôi thiên tử là không thế chấp nhận. Bà cũng khẳng khái mà nói rằng, hoàng tử Tuấn là kẻ không có tư chất của bậc vương giả.

Sở dĩ hoàng thái hậu Trường Lạc nói vậy là bởi, mẹ vua Uy Mục vốn mồ côi cha từ nhỏ, nhà lại nghèo khó nên tự bán mình cho một biên quan nhỏ ở Đông Đô. Khi người này phạm tội, bà bị triều đình bắt vào làm nô tỳ trong Cấm thành. Bấy giờ bà hoàng hậu Trường Lạc đang phải ở cung riêng, bà họ Nguyễn được vào hầu hoàng hậu ở đó. Vua Hiến tông (lúc này đang là thái tử) vào thăm mẹ, thấy bà họ Nguyễn lần đầu, đã đem lòng yêu mến, rồi lấy làm thiếp. Bà họ Nguyễn sinh hạ được hoàng tử Tuẩn, rồi qua đời. Lúc này Kính Phi, vốn là ái phi của vua Hiến Tông, nhận Tuấn làm con nuôi.

Hoàng tử Tuấn biết chuyện giữ trong lòng mối thâm thù. Lên ngôi chưa được bao lâu, tháng 3/1505, khi việc triều chính vừa ổn định, vua Uy Mục đã sai quân đến cung bắt bà nội Trường Lạc đem giết, rồi cho nghỉ thiết triều 7 ngày.

Cũng từ khi lên ngôi, vua đem lòng nghi ngờ ghen ghét bầy tôi, kẻ nào trước không chịu phụ họa cho mình (được lên ngôi) thì bắt giết. Vua còn bí mật sai người trong cung là Nguyễn Đình Khoa dò xét hết anh em, chú bác xua đuổi người tông thất và công thần về xứ Thanh. Bởi thế, Kính Vương (tên thật là Kiện, con út của Lê Thánh Tông, em của Lê Hiến Tông, chú của Lê Uy Mục) sợ mang vạ mà trốn tránh không tìm ra tông tích; Giản Tu Công Lê Oánh (cháu Lê Thánh Tông, con Kiến Vương Tân, người về sau được làm vua, đó là Lê Tương Dực) là chỗ con chú con bác, cũng bị bắt giam vào ngục.

Bị lật đổ và chết tan xác

Vua Lê Uy Mục còn thể hiện mình là kẻ lạm sát vô tội vạ. Thường ngày, vua sai người đánh nhau làm trò mua vui ngay trong cung điện. Sử sách ghi lại rằng, một hôm, nhân đi tế đàn Nam Giao trở về, vua cưỡi voi vào cửa Đông Hoa, sai các Ti và quân các Vệ trong Ngũ Phủ, đem voi công đến cho vua tuyển chọn. Sau, vua lại sai các trấn chọn voi đem về kinh đô để chọn lựa thêm một lần nữa, cốt sao đủ đặt hai Ti là Ngự Tượng và Ngự Mã. Vua cho bọn quân sĩ ở ti Ngự Tượng đội mũ màu thủy ngân, trên vẽ hoa hồng quỳ. Mỗi ngày, vua sai hai tên giám quân đấu sức với nhau. Hai tên cầm gậy đánh nhau từ cửa Thanh Dương đến ngoài cửa Thái Miếu. Vua lấy đó làm thích, ban thưởng tiền lụa cho họ.

Từ khi lên ngôi, vua chỉ cùng cung nhân uống rượu vui say quá độ. Khi say, liền giết cung nhân. Bấy giờ, quyền bính đều về hết bọn ngoại thích. Mặt đông thì có ngoại thích ở Hoa Làng. Mặt Nam có ngoại thích ở vùng Nhân Mục. Mặt Bắc có ngoại thích ở Phù Chẩn. Bọn chúng cậy quyền cậy thế ức hiếp trăm quan, tìm mánh khóe để lấy của báu trong thiên hạ, đã thế còn giết hại sinh dân, tước đoạt hết của cải trong dân gian, trăm họ oán hờn mà vua không biết.

Sự tàn bạo quá đáng của Uy Mục đã gây nên một làn sóng bất bình trong dân chúng và trong hàng ngũ quan lại, dòng dõi họ Lê. Bấy giờ, thân thích của Trường Lạc Hoàng thái hậu là Nguyễn Văn Lang cũng ở trong số người bị đuổi về quê quán. Đại thần tông thất là Nghi quận công Lê Năng Can, vì bất đắc chí, có bài thơ gửi cho Nguyễn Văn Lang và bảo cử binh giết bọn ác đảng. Văn Lang là người thông thao lược, giỏi binh pháp, khéo xem xét thiên thời, sức khoẻ có thể bắt được hổ. Bấy giờ, Văn Lang đem bọn Chế Mạn làm nô lệ người Chiêm cùng Vũ Bá, Vũ Tiếp và người ba phủ nổi nghĩa quân ở thành Tây Đô, đem quân giữ ở cửa biển Thần Phù

Cũng thời điểm đó, vua giết hại người tông thất. Giản Tu công Lê Oanh còn bị giam ở ngục mới đem của cải đút lót người canh giữ, thoát được ra, chưa kịp báo cho mẹ, anh em và vợ, thì phải một mình trốn vào Tây Đô. Đến cửa biển Thần Phù, được Văn Lang ra đón, lập làm minh chủ, rồi cùng Văn Lang rèn đúc giáo dài và đại thần Nguyễn Diễn, Ngô Khế, Nguyễn Bá Cao, Lê Trạm, Thanh Hoa tổng binh thiêm sự Nguyễn Bá Tuấn, Thừa tuyên sứ Lê Tung, Tham chính Nguyễn Thì Ung khởi binh.

Tại đây, Giản Tu Công sai Lương Đắc Bằng viết Hịch dụ đại thần và các quan, đại ý nói: "Bạo chúa Lê Tuấn, phận con thứ hèn kém, làm nhơ bẩn nghiệp lớn, lần lữa mới gần 5 năm mà tội ác đã đủ muôn khoé. Giết hại người cốt nhục, kìm hãm các thần liêu. Bọn ngoại thích được tin dùng mà phường đuôi chó ngang ngược làm bậy, người cứng cỏi bị ruồng bỏ mà kẻ đầu cá ẩn nấp nẻo xa. Quan tước đã hết rồi vẫn thưởng tràn không ngớt, dân chúng đã cùng khốn còn vơ vét chẳng thôi. Vét thuế khoá từng cân lạng, tiêu tiền của như đất bùn, bạo ngược ngang với Tần Chính. Đãi bề tôi như chó ngựa, coi dân chúng tựa cỏ rác, ngạo mạn quá cả Nguỵ Oanh. Huống chi lại xây cung thất to, làm vườn hoa rộng. Xua dân đi trồng cây, giẫm theo vết xe đổ chất gò Hoa Cương đời Tống; lấp biển xây cung điện, nối gót thói u mê xây cung A Phòng nhà Tần. Công trình thổ mộc xây lên rồi thay đổi, thay đổi rồi xây lên, dân Hải Dương, Kinh Bắc mệt mỏi, lao đao; tông thất xa hoa, kiêu căng lại ngang ngược, ngang ngược lại kiêu căng, cõi tứ tuyên phiên trấn xôn xao, rối loạn. Cư dân nhức óc, cả nước đau lòng".

Lại làm bài hịch rằng: "Đoan Khánh làm vua, họ ngoại chuyên quyền. Tử Mô làm phường ngu hèn nơi phố chợ làm rối loạn kỷ cương. Thắng Chủng là hạng trẻ ranh miệng còn hơi sữa đã tái oai tác phúc. Đến mức đánh thuốc độc giết bà nội, tàn sát các thân vương. Theo ý riêng mà giết hại sinh dân, không biết đâu cho thoả; dùng ngón ngầm để vét vơ tiền của, càng mặc sức tham lam. Bốn biển đã khốn cùng, muôn dân đều sầu oán".

Khi Giản Tu công từ Tây Đô đem các dinh thuỷ, bộ cùng tiến phát, tiến vào sát thành, mọi người đều chạy trốn. Ngày 28/8, vua chạy tới phường Nhật Chiêu, một vệ sĩ cũ đuổi theo bắt được, nộp cho Giản Tu công giam ở cửa Lệ Cảnh. Tháng 12, vua bị ép uống thuốc độc tự tử. Giản Tu công vì việc trước đây vua giết hại cha mẹ, anh chị em mình rất thảm khốc, mới căm giận chưa nguôi, sai người dùng súng lớn, để xác vua vào miệng súng, cho nổ tan hết hài cốt, chỉ lấy ít tro tàn về chôn tại An Lăng ở quê mẹ là làng Phù Chẩn.

Sau này Lê Chiêu Tông lên ngôi mới đặt tên thụy cho ông là Uy Mục đế. Lê Uy Mục ở ngôi được 4 năm, thọ 21 tuổi.

Bảo Bình - Baotanglichsu.vn