254 lượt xem

Phạm Bân

Cố Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Bân (quê phường Điện Nam Bắc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) nguyên là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 31, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 307, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), Phó Tư lệnh Mặt trận 579 - Quân khu 5, Trưởng đoàn chuyên gia quân sự khu vực 1 Campuchia...

Có mặt ở nhiều chiến trường trọng điểm trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước nhưng chính trận đánh ở Liệt Kiểm - Chia Gan (huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) năm 1972 là trận đánh then chốt để ông được Nhà nước xét tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.


Trận đánh làm nên anh hùng

Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Tiến Đãi (hiện ở K5/6 Lê Hữu Trác, Đà Nẵng), nguyên chiến sĩ Đài thông tin 15w của tiền phương Quân khu, cũng là người gắn bó suốt 20 năm với Thiếu tướng Phạm Bân từ chiến trường Quảng Nam đến Campuchia sau này, kể lại: “Liệt Kiểm - Chia Gan là trận có tính chất quyết định cho những trận tiếp theo trong chiến dịch hè - thu của Bộ Tư lệnh Quân khu 5. Đêm 8-4-1972, Trung đoàn được lệnh nổ súng.

Lực lượng địch gồm Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 5, Đại đội pháo binh 105, Đại đội chỉ huy, Sở chỉ huy tiểu đoàn với nhiều hỏa lực mạnh. Trung đoàn 31 dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Phạm Bân nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ đầu, sáng tạo trong bố trí, tạo thời cơ thành lực lượng đã đồng loạt tấn công áp đảo thọc sâu vào trung tâm cứ điểm khiến địch bị động và tê liệt. Sau 40 phút, ta đã tiêu diệt gọn, sáng 9-4 làm chủ toàn bộ chiến trường.

Đây là một trong những trận đánh nhanh gọn nhất của đơn vị. Trung đoàn trưởng Phạm Bân dùng 4 khẩu pháo 105mm hạ thấp tầm, đánh bại các đợt phản kích của địch, sau đó chi viện cho Trung đoàn 38, bắn thẳng vào chi khu quận lỵ Hiệp Đức, hỗ trợ tiêu diệt Đồi Sơn và quận lỵ Hiệp Đức”.

Có một chi tiết trong trận đánh này là ngày hôm sau 10-4, địch phản công ném bom vào đội hình Trung đoàn. Phạm Bân bị thương ở lưng, ông tự xử lý vết thương của mình mà không cho ai biết. Nữ chiến sĩ Thủy, y tá Trung đoàn thấy vậy băng bó cho ông.
Ông bảo dành thuốc tê, giảm đau cho người nặng hơn, còn mình chịu đựng để y tá cắt da thịt. Noi gương người chỉ huy, nhiều chiến sĩ Trung đoàn đã dũng cảm chiến đấu, bảo toàn trận địa vừa chiếm giữ.

Khi thủ trưởng như lính                         
  

Theo các CCB Trung đoàn 31, suốt 4 năm làm chỉ huy Trung đoàn, Phạm Bân có tài thu phục nhân tâm, sống nghĩa tình với đồng chí đồng đội. Đây là khoảng thời gian sau Mậu Thân, địch đàn áp khốc liệt, Trung đoàn không có lương thực.

Cán bộ chỉ huy được một lon gạo đỏ/ngày, chiến sĩ một lon bột bắp/ngày. Dù bị bệnh dạ dày nặng nhưng ông bảo công vụ nấu chung để mọi người cùng ăn. Khi khẩu phần một lon gạo đỏ trong một ngày không đủ no, ông vẫn kiên quyết không cho người công vụ san bớt phần bột bắp của mình cho thủ trưởng.

Chính hình ảnh “tướng sĩ một lòng” mà nữ đồng chí Xuân của Đại đội vận tải Trung đoàn bộ đã về nhà lấy nữ trang bán lấy tiền mua lương thực cho đơn vị. Nhiều chị em khác cũng đã làm như thế. Trung đoàn đã trụ vững và liên tiếp giành thắng lợi trên chiến trường.
Thiếu tướng Phạm Bân nghiêm khắc với bản thân nhưng luôn rộng lượng với đồng đội, hết mực thương yêu chiến sĩ từ điều nhỏ nhặt nhất.

Đại tá Hoàng Minh Tiến, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tây (cũ), xúc động nhớ đến những ngày cuối năm 1969 ở Trung đoàn 31. Sau Mậu Thân, tình hình cách mạng gặp muôn vàn khó khăn. Địch tăng cường vây ráp, khủng bố, chặn đường tiếp tế lương thực cho bộ đội. Ngày cuối tháng Chạp, một khẩu đội cối của Trung đoàn đi lấy gạo, thực phẩm cho đơn vị ăn Tết thì bị máy bay địch tập kích, hy sinh gần hết. Trung đoàn trưởng Phạm Bân nghe báo cáo lặng đi, rơm rớm nước mắt.

Khi ông làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 307, Trưởng đoàn chuyên gia quân sự ở Quân khu 1 Campuchia hay ở Cuba, cán bộ, chiến sĩ đều rất mực yêu quý, kính trọng ông. Cũng theo cựu chiến binh Nguyễn Tiến Đãi: “Thủ trưởng thương lính một cách tâm lý không ai ngờ tới. Cuối năm 1988, bộ đội tình nguyện Quân khu 5 rút về nước. Một số cán bộ đầu mối được UBND tỉnh Gia Lai - Kon Tum chiêu đãi khi vừa đến biên giới. Tướng Bân nháy mắt với cấp dưới của mình: “Lần này chắc tiệc lớn.

Các cậu cố kiếm mấy chiếc áo rộng, nhiều túi, nhỡ uống bia lon không hết thì cứ cầm về cho anh em ở nhà”. Quả đúng như vậy, hôm đó chúng tôi được một bữa ra trò”.

Những năm làm Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam -  Đà Nẵng, ông quan tâm, tạo điều kiện để anh em cho đất đai làm nhà, làm trường mẫu giáo cho trẻ em thành phố. Quyết cho nhiều người, nhưng ông ở một căn nhà trong hẻm nhỏ đường Lê Lai bằng tiền vợ chuyển nhượng căn hộ tập thể ngoài Bắc. Ông bảo: “Mình có nhà ở là được rồi, nhiều đồng đội còn chưa có”. Khi ông đi làm chuyên gia ở Cuba, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã cấp ông căn nhà rộng rãi ở 36 Trần Phú (Đà Nẵng) hiện nay.

Ông về ở vài tháng thì qua đời. CCB Trà Thanh Lợi cho biết: “Khi thực hiện cuốn sách về Thiếu tướng Phạm Bân, ở đâu chúng tôi cũng nhận sự giúp đỡ của đồng đội. Từ anh chủ tiệm photocopy không nhận chi phí đến anh xe thồ ở ga chở sách không lấy tiền khi biết sách đó viết về ông Phạm Bân. Một con người có sức lan tỏa như thế thật hiếm”.

HỒNG VÂN