268 lượt xem

Lý Anh Tông - Kỳ 2

Lý Anh Tông là vị quân chủ nước Việt, tính đến giai đoạn ông trị vì, có tầm nhìn hướng biển mạnh mẽ nhất, với những quyết sách mang tầm ảnh hưởng dài lâu nhất. Đây là điều đặc biệt tiếp theo nơi vị Hoàng đế này.

Quốc gia Đại Việt mà Lý Anh Tông được thừa hưởng là nơi tiếp giáp với biển cả mênh mông. Quan tâm đến biển, hướng ra biển để gia tăng sức mạnh đất nước là việc các tiên đế của Anh Tông đã làm với mức độ đậm nhạt khác nhau. Các Hoàng đế triều Lý trước Anh Tông đã không ngừng phát triển lực lượng thuỷ quân, thúc đẩy các mối giao thương trên biển với Trung Hoa và một số vương quốc thuộc khu vực Đông Nam Á.

Biển đảo thời Anh Tông

Trong tâm thức những nhà lãnh đạo và cư dân khi ấy, biển đảo đã là một bộ phận không thể tách rời của non sông đất Việt.

Đến đầu thời Anh Tông, dù mang tiếng xấu dâm loạn nơi hậu cung nhưng đại thần phụ chính Đỗ Anh Vũ vẫn biết lo toan việc nước việc dân. Đỗ Anh Vũ có tầm nhìn hướng biển khá rộng mở. Trước sau hai lần ông ta đã có động thái bộc lộ tầm nhìn hướng biển ấy. Lần đầu là dựng hành cung Yên Hưng (năm 1147) ở miền ven biển Quảng Ninh ngày nay, xem đó như là trạm kiểm soát từ xa, nơi thể hiện quyền uy khống chế biển của triều Lý trước các lân bang trong khu vực.

Lần sau là việc lập trang Vân Đồn ở các hải đảo ngoài khơi vịnh Bắc Bộ (năm 1149), lấy đó làm chỗ tụ họp bán buôn với Đại Việt và trung chuyển hàng hóa cho thương thuyền các nước. Đây là sự kiện có tầm ảnh hưởng sâu sắc đến các thời sau, khẳng định năng lực kiểm soát biển đảo và khả năng khai thác biển đảo của những nhà lãnh đạo đương thời, phục vụ cho sự đi lên của nước Đại Việt. Đó là tiền đề để Lý Anh Tông sau này tiếp tục bộc lộ tư duy hướng biển nhất quán và quyết liệt trong suốt thời gian nắm quyền.

Triển khai chiến lược biển

Ghi chép của sử biên niên về thời trị vì của Lý Anh Tông cho thấy ông đặc biệt lưu tâm đến biển, xem biển đảo có vai trò quan trọng đối với sự phát triển quốc gia. Các ghi chép ấy đã biểu lộ ba nội dung cơ bản trong chiến lược hướng biển của Lý Anh Tông. 

Thứ nhất, Lý Anh Tông rất chú ý tăng cường thực lực thuỷ quân. Ông nhiều lần hạ lệnh đóng các chiến thuyền nhiều kích cỡ và cho binh sĩ tập luyện thường xuyên, như năm 1151, ông cho đóng hai chiếc thuyền hiệu Vĩnh Diệu, Thanh Lan; năm 1154, đóng thuyền Vĩnh Chương; năm 1167, đóng thuyền Nhật Long; năm 1173, đóng thuyền Ngoạn Thuỷ…

Thứ hai, Lý Anh Tông quyết tâm bảo vệ và củng cố an ninh vùng biển đảo thông qua những hành động rõ ràng và liên tục. Năm 1161, ông sai Tô Hiến Thành và Đỗ An Di đem quân đi tuần tra các vùng ven biển phía Nam, đích thân tiễn các tướng đến tận cửa biển Đại An (Ninh Bình). Rồi liên tiếp trong hai năm 1171 và 1172, Lý Anh Tông thân hành đi tuần xét vùng biển đảo khắp trong Nam ngoài Bắc. Hoạt động ấy của ông còn nhằm mục đích tìm hiểu dân tình, đúng như lời thơ trong “Đại Nam quốc sử diễn ca: 

“Tuần du đã tỏ dân tình,

Sơn xuyên trải khắp địa hình gần xa”.

Thứ ba, Lý Anh Tông tiếp tục đảm bảo cho các hoạt động buôn bán ở Vân Đồn diễn ra bình thường dưới sự quản trị của triều đình.

“Nam Bắc phiên giới địa đồ”

Tư duy hướng biển của Anh Tông luôn xuyên suốt, càng lúc càng được nâng lên. Để rồi, điều đó sẽ đưa ông đến chỗ là Hoàng đế đầu tiên cho vẽ bản đồ biển đảo đất nước, một dấu ấn sáng ngời trong cuộc đời của ông. 

Trong lần tuần du các hải đảo năm 1172, Lý Anh Tông đã hạ lệnh cho những viên quan có chức trách phải khảo sát và vẽ bản đồ các vùng biển, ghi chép thông tin về sản vật ở các nơi, làm thành bản địa đồ biển đảo hoàn chỉnh đầu tiên của vương triều. Việc vẽ bản đồ này được “Đại Việt sử kí toàn thư” ghi lại như sau: “Mùa xuân, tháng 2, vua lại đi tuần các hải đảo ở địa giới các phiên bản Nam Bắc, vẽ bản đồ và ghi chép phong vật rồi về”.

Về tên gọi của bản đồ, các sách như “Đại Việt sử lược”, “Đại Việt sử kí toàn thư” đều không ghi. Nhưng trong “Đại Việt thông sử” (soạn vào thế kỉ XVIII), nhà bác học Lê Quý Đôn sau khi thẩm tra kĩ đã xác định là “Nam Bắc phiên giới địa đồ”. Điều này được chép vắn tắt trong thiên “Nghệ văn chí” của sách: “Nam Bắc phiên giới địa đồ: 1 quyển. Vua Lý Anh Tông đi tuần thú các cửa biển, vẽ lại hình thế núi sông và phong vật, nay không còn”.

“Nam Bắc phiên giới địa đồ” là một phương tiện lợi hại, độc đáo nhằm thể hiện tâm thế trước biển cùng tư duy hướng biển mạnh mẽ của Lý Anh Tông. Qua nhiều phen binh lửa, đến nay bản địa đồ đã không còn. Tuy nhiên, điều ấy không làm giảm giá trị của nó. Là quyển địa đồ khởi đầu việc biên vẽ hình thế biển đảo nước nhà, tự nó đã có ý nghĩa và địa vị rất lớn lao trong hệ thống các bản đồ cổ khẳng định chủ quyền biển đảo của con dân nước Việt.

Với việc khai sinh “Nam Bắc phiên giới địa đồ”, Lý Anh Tông đã nâng lên một bước rất đáng kể những hiểu biết của con người đương thời về một phần giang sơn gấm vóc của nước Đại Việt, đúc kết những hiểu biết đó thành tri thức chuẩn, góp phần sự phát triển của ngành địa lí học, địa lí học lịch sử và biên vẽ địa đồ nước ta thời cổ.

Tên tuổi Lý Anh Tông sáng mãi trong lịch sử là do những công tích đại loại như vậy đem lại…

Nguyễn Thanh Tuyền - Baophapluat.vn