307 lượt xem

NGUYỄN HỮU THỌ - KỲ 1

Tôi chỉ biết cha tôi sinh ra ở xã Long Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An và đinh ninh thời thơ ấu cha tôi học ở Trường Tiểu học ở Mỹ Tho. Mãi cho đến năm 2008 khi gặp cụ Nguyễn Thế Đoàn, một trong những nhà quay phim đầu tiên của nước ta, lúc này cụ đã ở tuổi 98 thì tôi mới biết cụ đã từng học cùng trường với cha tôi ở Trường Tiểu học Long Mỹ, tỉnh Rạch Giá (nay Long Mỹ thuộc tỉnh Hậu Giang) những năm 1917. Và hiểu biết của tôi về thời thơ ấu của cha tôi ở Long Mỹ chỉ đến mức đó thôi.

 Luật sư Nguyễn Hữu Thọ: Nhà trí thức yêu nước vĩ đại - Văn Học Sài Gòn
Cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (nguồn: sưu tầm)

Đến năm 2017, tôi nhận được một cú điện thoại từ một người hiện sinh sống ở huyện Long Mỹ có cung cấp một số thông tin về việc cha tôi cùng sống với ông nội Nguyễn Hữu Tuấn, bà nội Lê Thị Phòng và đi học ở Trường Tiểu học Long Mỹ. Lúc bấy giờ tôi khẩn trương sắp xếp thời gian để cùng chị hai Nguyễn Phương Trân và cháu Kim (con chị Hai), tôi và vợ tôi Lê Thị Thụ cùng một số bạn bè về tỉnh Hậu Giang. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã tiếp chúng tôi hết sức chân tình như những người nhà đi xa trở về quê hương. Sau đó chúng tôi đi thẳng về huyện Long Mỹ.

May mắn là được gặp ông Đồng Quang Hoằng được ông nội là Đồng Quang Điến (sinh năm 1898) và nhiều người địa phương kể lại về cuộc sống trước đây của ông nội, bà nội và cha tôi tại địa phương. Theo lời kể, khi về ở ấp 6, Vàm Chà Là khai khẩn, gia đình tôi đã đào nhiều kinh dẫn thủy nhập điền như: Kinh Ranh, Kinh Dừa Khô, Kinh Tự, Kinh Kay Ưu, Kinh Rạch Lớn, Kinh Ngang... Gia đình còn quan tâm xây dựng nghĩa địa để những người tứ cố vô thân, nghèo khó có nơi chôn cất tử tế. Gia đình ông nội tôi rất gần gũi với người dân, đối xử tử tế với mọi người. Được biết, hồi nhỏ cha tôi đi học từ Vàm Chà Là ra Trường Tiểu học Long Mỹ trong suốt 3 năm liền từ 1917 đến 1920. Những tháng cuối năm 1920, cha tôi đã rời Vàm Chà Là lên Sài Gòn. Và đến năm 1921 sang Pháp học bằng tàu. Năm 1945, cách mạng Tháng Tám thành công, ông bà nội đã hiến toàn bộ tài sản cho cách mạng tại nơi sinh sống và nuôi dạy cha tôi lớn khôn.

Những thông tin trên thật là quý giá. Mặc dù thuộc gia đình khá giả nhưng ông, bà nội, cha tôi sống giản dị, gần gũi với mọi người. 

Tất cả những sự kiện trên ảnh hưởng sâu sắc đến tuổi thơ, tâm tư, tình cảm của cha tôi trong suốt cuộc đời làm cách mạng sau này. Như vậy cha tôi, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ không chỉ thừa hưởng truyền thống bất khuất của những bậc anh hùng như Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Văn Tiếp, truyền thống “trung dũng kiên cường toàn dân đánh giặc” của quê hương Long An mà còn thừa hưởng truyền thống tốt đẹp của mảnh đất Hậu Giang giàu truyền thống yêu nước. Qua hai cuộc kháng chiến giữ nước trên địa bàn tỉnh Hậu Giang còn lưu lại rất nhiều trang sử vàng chói lọi của dân tộc Việt Nam anh hùng. Đó là chiến thắng Chương Thiện lẫy lừng đánh bại 75 lượt tiểu đoàn địch được Nhà nước công nhận là Di tích đặc biệt.

Thật cảm động khi nghe đồng chí Lê Hữu Phước, Bí thư Huyện ủy Long Mỹ – nơi ông bà nội, cha tôi đã từng gắn bó trong thời gian khá dài đã đề đạt một số nguyện vọng phù hợp lòng người, nhất là nhân dân nơi đây. Đó là việc bảo tồn và tôn tạo miếu Bà Chúa Xứ ở Vàm Chà Là. Trước Cách mạng Tháng Tám, bà nội tôi là Lê Thị Phòng lập Miếu Bà Chúa Xứ để cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân làng mạnh giỏi.

Hiện nay, nhân dân vùng Vĩnh viễn, Hoa lựu coi miếu bà Chúa xứ là địa điểm văn hóa tâm linh của nhân dân trong vùng. Đảng bộ và nhân dân Long Mỹ mong muốn được xây dựng nơi đây thành nơi chốn linh thiêng, có bổ sung phần lịch sử của gia đình Luật sư Nguyễn Hữu Thọ ở Long Mỹ để giúp các thế hệ tiếp nối hiểu biết và phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương.  Những năm cuối thế kỷ 19, bà nội tôi là Lê Thị Phòng về vùng đất Chà Là khai hoang phục hóa, đào kênh dẫn thủy nhập điền tháo chua rửa phèn. Có rất nhiều kinh lưu giữ dấu ấn của gia đình dòng họ Nguyễn Hữu Thọ như kinh Cô Thông, Kinh Dừa Khô, kinh Tư, Kinh Ngang. Vì vậy cần bảo tồn và tôn tạo các kinh này để gắn với quần thể di tích: nhà ở, lẫm lúa, miếu Bà ở Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang). Địa điểm Trường Tiểu học Long Mỹ – nơi cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ học từ 1917 đến 1921, nay đã chuyển về thị trấn Long Mỹ. Vì vậy, lãnh đạo chính quyền và nhân dân địa phương rất muốn đặt tên trường này bằng tên cố Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ để các thế hệ học trò phấn đấu, noi theo.

Trên đây là câu chuyện đầy tình người ở Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) lần đầu công bố, cần được bổ sung vào tiểu sử của cố quyền chủ tịch nước Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, một trong 19 lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước ta đang được Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nghiên cứu, biên soạn, hoàn chỉnh. 

Nguyễn Hữu Châu

Chuyện chưa kể về quê hương thứ hai của cố Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ: Luật sư Nguyễn Hữu Thọ sinh ngày 10/7/1910 trong một gia đình công chức trung lưu tại làng Long Phú, tổng Long Hưng Hạ, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc xã Long Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Năm 1932, sau khi tốt nghiệp cử nhân Luật hạng ưu tại Pháp, tháng 5/1933, ông rời Pháp trở về quê hương làm luật sư.

 

Chuyện chưa kể về quê hương thứ hai của cố Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ
Vùng đất Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, quê hương thứ 2 của cố Luật sư, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ. (nguồn: sưu tầm)

Thời kỳ Pháp tái chiến Nam bộ, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ bí mật tham gia các hoạt động yêu nước của giới trí thức. Năm 1947, chấp hành sự phân công của tổ chức, ông từ Vĩnh Long lên Sài Gòn mở văn phòng luật sư và hoạt động trong Ban trí vận Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Ngày 16/10/1949, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Đây là một mốc son lịch sử quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông.

Bằng uy tín, tài năng, đức độ ông quy tụ quần chúng, học sinh, sinh viên trí thức tham gia vào cuộc đấu tranh cách mạng. Nhiều phong trào cách mạng do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ lãnh đạo trở thành những điểm nóng của cuộc đấu tranh công khai chống thực dân Pháp, chính quyền Ngô Đình Diệm, đế quốc Mỹ. Lo sợ các phong trào yêu nước ngày một lan rộng, ảnh hưởng của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ ngày càng tỏa sáng, kẻ thù  lưu đầy Luật sư lên tận Mường Tè,  tỉnh Lai Châu gần ba năm.

Ngày 15/11/1954, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ bị Mỹ Diệm bắt giam tại nhà lao Gia Định cùng 28 thành viên Ban Chấp hành phong trào Bảo vệ hòa bình. Đầu tháng 02/1955 (9/02/1955) Luật sư bị kẻ thù đưa đi quản thúc tại Biệt thự Ngàn Hoa ở số nhà 13, đường Lạch Tray, thành phố Hải Phòng. Ngày 23/4/1955, trước làn sóng đấu tranh đòi thả Luật sư Nguyễn Hữu Thọ của nhân dân và các tri thức yêu nước, trong cả nước, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được đưa về Sài Gòn. Nhưng ngay tại sân bay Tân Sơn Nhất, Luật sư bị đưa đi quản thúc tại Phú Yên. 

Đầu năm 1960, Trung ương Đảng và Khu ủy khu V giao một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng với tỉnh Phú Yên: Tổ chức giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ ra khỏi nanh vuốt của kẻ thù. 18h giờ 30’ ngày 30/10/1961, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Phú Yên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Bác Hồ và Bộ Chính trị giao: Giải thoát thành công Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Để có được dòng tin vô giá đó, tỉnh Phú Yên trải qua nhiều khó khăn, gian khổ với ba lần tổ chức thực hiện nhiệm vụ giải thoát Luật sư. Kế hoạch giải thoát Luật sư được Tỉnh ủy Phú Yên chỉ đạo, Tỉnh Đội Phú Yên trực tiếp thực hiện.

Sau khi giải thoát được cố Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ khỏi nanh vuốt địch, bốn giờ 30’ ngày 01/11/1961, ở thung lũng Trung Trinh, Tỉnh ủy Phú Yên làm lễ đón mừng Luật sư ra đến vùng giải phóng. 

Sáng 1/11/1961, Tỉnh ủy Phú Yên đưa Luật sư Nguyễn Hữu Thọ lên ngựa của gia đình đồng chí Phạm Thị Lành về cơ quan Tỉnh ủy. Ông ở lại văn phòng Tỉnh ủy Phú Yên đóng ở Phước Tân, huyện Sơn Hòa hơn một tháng. Sau đó, đường dây Trung ương đưa Luật sư về căn cứ cách mạng miền Nam Dương Minh Châu, Tây Ninh; tháng 2/1962, tại Đại hội lần thứ nhất mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Với những đóng góp đặc biệt xuất sắc của mình, cố Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ được Đảng và Nhà nước trao tặng Luật sư Nguyễn Hữu Thọ nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến, Huy chương Vì sự nghiệp đoàn kết toàn dân. Ngoài ra, Luật sư được Hội đồng Hòa bình thế giới tặng thưởng Huân chương Joliot Curie. Nhà nước Liên Xô tặng Giải thưởng Quốc tế Lê-nin và Huân chương Vì sự nghiệp củng cố hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc. Nhà nước Cu-Ba tặng Huân chương Đoàn kết chiến đấu. Nhà nước Bungari tặng Giải thưởng Đimitơrôp.

Suốt gần 50 năm kiên định đi theo con đường của Bác Hồ, bất chấp mọi gian nguy, thử thách,  cố Luật sư- Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã cống hiến trọn đời mình cho lý tưởng cách mạng, luôn luôn thể hiện là chiến sĩ kiên cường đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì công lý và công bằng xã hội. Cố Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Cuộc sống khiêm tốn, trong sạch, biết hy sinh vì nghĩa lớn, không khuất phục trước cường quyền, không sa ngã trước tiền tài danh lợi (Lời của con trai trưởng Nguyễn Hữu Châu nói về ba mình - Nguyễn Hữu Thọ) của cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là tấm gương sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng được cả thế giới và trong nước ngưỡng mộ, tôn vinh. Năm tháng đã đi qua, những biến động của chiến tranh đã và đang trở về trạng thái cân bằng. Nhưng trong tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam yêu nước, tâm hồn, tình cảm, trái tim, bầu nhiệt huyết của cố Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ luôn luôn sống mãi.

Trong cuộc đời cách mạng nhiều khó khăn, gian khổ, nhiều mất mát, hy sinh của mình, cố Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã xem Bản Giẳng, Mường Tè, tỉnh Lai Châu; Sơn Hòa, Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên là quê hương thứ hai của mình. Có một nơi chốn sống trong tâm khảm của cố Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, Người dành trọn cả cuộc đời mình đấu tranh đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc, công bằng cho nhân dân ở đấy. Người âm thầm, lặng lẽ, dành trọn tình cảm của mình cho nơi chốn này; nơi chốn gìn giữ tuổi ấu thơ yên bình, hạnh phúc, để Luật sư nuôi khát vọng cháy bỏng, học giỏi để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đó là vùng đất Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.

Trong Biên niên sử của cố Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, vùng đất này được thể hiện rất khiêm tốn, chỉ ở một dòng: “Thuở nhỏ, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ học tại Trường Tiểu học Long Mỹ, huyện Long Mỹ, tỉnh Rạch Giá”. Nhưng tại Vàm Chà Là, ấp 6, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, hiện tại còn lưu giữ rất nhiều di tích, hiện vật của gia đình cố Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ. Tại đây, cố Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đi học Trường Tiểu học Long Mỹ từ năm 1917-1920. Địa điểm này hiện nay còn có rất nhiều dấu tích của gia đình cố Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ: Đầu tiên là Miếu Bà do gia đình của cố Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ xây dựng vào những năm cuối thế kỷ 19 tại Vàm Chà Là. Hiện tại, miếu này đang  được nhân dân địa phương quanh vùng tôn tạo và thờ phượng.

Lễ cúng miếu Bà hàng năm được dân làng Vĩnh Viễn, Hỏa Lựu tổ chức cúng vào ngày 16/2 âm lịch với các nghi lễ: Ngày đầu cúng chay, ban đêm có biểu diễn hát bội cho dân làng xem, ngày thứ hai cúng mặn. Đây là một địa điểm sinh hoạt văn hóa, tâm linh của nhân dân trong vùng. Theo ông Đồng Quang Hoằng (SN 1954, ở ấp 6, Vàm Chà Là, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ), ông được ông nội Đồng Quang Điền (SN 1898) và nhiều người dân địa phương kể nhiều câu chuyện về gia đình cố Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ.

Khi về Vàm Chà Là khai khẩn, gia đình cố Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã đào nhiều kinh mương dẫn thủy nhập điền như: Kinh Kinh Ranh, Kinh Dừa Khô, Kinh Kay Ưu, Kinh Tư, Kinh Rạch Lớn, Kinh Ngang. Gần các dòng kinh là địa điểm lẫm lúa và ngôi nhà lầu của gia đình cố Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ sinh sống. Địa điểm này hiện tại có hai cây nhãn cổ thụ tỏa bóng mát sum sê, có một số hiện vật xây dựng như:  Đá xanh, gạch thẻ, gạch lót nền nhà, được gia đình ông Đồng Quang Hoằng bảo quản rất tốt. Ngoài ra, gia đình cố Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ còn tổ chức nghĩa địa để những người tứ cố vô thân có nơi chôn cất tử tế.

Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, gia đình cố Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã hiến toàn bộ tài sản trên cho cách mạng. Gia đình ông Đồng Quang Điền và nhiều gia đình khác được sinh sống ở đấy từ đó đến nay. Thuở ấu thơ, cố Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ sinh sống ở vùng đất này. Là một gia đình trung lưu, có học thức, gia đình cố Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đối xử với những người giúp việc trong gia đình rất tử tế.

Cho tới tận bây giờ ông Nguyễn Văn Liễn trên 70 tuổi, vẫn còn nhớ nhiều câu chuyện do ba ông kể về thời gian làm quản gia tại gia đình cố Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, cha ông thường xuyên chở cậu Ba Thọ đi học từ Vàm Chà Là ra Trường Tiểu học Long Mỹ. Sống cùng với người lao động ở quê  hương Long Mỹ, cậu Ba đồng cảm,  chia sẻ nông dân lao động, chân lấm tay bùn ở quê hương. Bắt đầu từ những năm 1920, cố Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã rời Vàm Chà Và ra đi, dấn thân vào con đường cách mạng cao cả và sống trọn vẹn một cuộc đời sáng trong vì mọi người. Những năm còn làm Luật sư ở Vĩnh Long - Cần Thơ, Luật sư có đưa người thân về thăm lại Vàm Chà Là.

Từ khi dấn thân vào con đường cách mạng đầy chông gai, chưa có một lúc nào cố Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ sống cho riêng mình, đòi hỏi được trở về thuở sinh thời của mình bên Vàm Chà Là thơ mộng đầy nắng, đầy gió, nặng tình, nặng nghĩa. Nhưng nhân dân ở Vàm Chà Là luôn  luôn nhớ đến những nghĩa cử cao đẹp của gia đình cố Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ trong những năm tháng ông sống ở đây. Chúng tôi thật sự xúc động khi thấy ngay bên Vàm Chà Là thơ mộng, nhân dân ở đây đã thờ cố Luật sư –Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và bảo tồn các Di sản văn hóa của gia đình cố Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ ở đây.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là một nhà trí thức tài năng và giàu tâm huyết, một nhà yêu nước nhiệt thành, một ngọn cờ của khối đại đoàn kết dân tộc, một chiến sĩ cộng sản kiên định, tận trung với nước, tận hiếu với dân. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh từng là Bí thư Trung ương Cục miền Nam khẳng định: “Nguyễn Hữu Thọ, một nhà yêu nước lớn”...

Cố Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là một nhà trí thức yêu nước vĩ đại, đã hy sinh cả cuộc đời để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Nhân dân Việt Nam ta đời đời nhớ mãi người con Việt Nam anh hùng”. Từ bỏ mọi danh vọng, quyền lợi của chế độ thực dân đế quốc, ông đã lựa chọn và dấn thân vào con đường cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.

Suốt nửa thế kỷ gắn bó với dân tộc, với nhân dân và cách mạng Việt Nam, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã trải qua nhiều cương vị công tác, hoạt động trên nhiều địa bàn khác nhau với nhiều gian khổ và hy sinh mất mát nhưng vẫn giữ một lòng kiên định, sắt son với đất nước. Sự hy sinh vì nghĩa lớn của Cố Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ là hành trang để các thế hệ con cháu Việt Nam mãi mãi đi theo con đường của Đảng và Bác Hồ đã chọn.

Nguyễn Thị Kim Hoa - Hội viên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.