204 lượt xem

Lý Thiên Tộ

Lý Anh Tông (1136 - 14 tháng 8, 1175), là vị Hoàng đế thứ sáu của nhà Lý trong lịch sử Việt Nam, trị vì từ năm 1138 tới năm 1175, tổng cộng 37 năm.

Lên ngôi khi 3 tuổi, còn quá nhỏ, nhưng trong thời gian trị vì của mình Anh Tông luôn thể hiện mình là người có năng lực. Lúc mới lên ngôi còn thơ ấu, vì quá nhỏ mà mẹ là Lê Thái hậu giữ quyền nhiếp chính, nhưng cũng vì Thái hậu là phụ nữ nên lại phải dựa vào Đỗ Anh Vũ để giành quyền uy, do đó có chuyện tư thông.

Đến khi Anh Vũ qua đời thì cũng là lúc Anh Tông trưởng thành và tự thân chính. Ông ưa dùng hiền thần như Tô Hiến Thành, tiến hành đem quân đi tuần nơi biên giới, lại thân đi xem khắp tình thế núi sông, muốn biết sự đau khổ của dân gian và đường đi xa gần, về mặt giữ dân giữ nước, quy mô đã thấy rõ. Lại đặt Xạ Đình, sai các quan võ hàng ngày luyện tập phép đánh trận, về mặt sửa binh giãng võ, mưu lược đã thấy rõ. Đánh giá toàn diện, Anh Tông cũng là một vị Hoàng đế đáng khen của nhà Lý.

Thân thế

Ông tên thật là Lý Thiên Tộ sinh tháng 4 năm Bính Thìn (1136), tại kinh đô Thăng Long (Hà Nội), Việt Nam), là con trai thứ hai của Lý Thần Tông, mẹ là Cảm Thánh phu nhân Lê thị, xuất thân từ dòng họ Lê ở châu Chân Đăng.

Năm 1138, tháng 9, Thần Tông hoàng đế bệnh nặng. Cảm Thánh phu nhân cùng hai vị phu nhân là Nhật Phụng phu nhân và Phụng Thánh phu nhân đút lót Tham tri chính sự Từ Văn Thông, và dặn rằng: "Nếu có vâng mệnh vua thảo di chiếu thì chớ nên bỏ lời của ba phu nhân". Văn Thông nhận lời. Khi Thần Tông ốm năng, sai soạn di chiếu, Văn Thông chần chừ không viết.

Ba phu nhân vào khóc lóc, nói rằng: "Bọn thiếp nghe người xưa lập con nối thì lập con đích chứ không lập con thứ; Thiên Lộc là con nàng hầu yêu, nếu cho nối ngôi thì ả mẫu thân lại sinh lòng ghen ghét tất tiếm lấn, làm hại mẹ con thần thiếp. Như thế chúng thiếp làm thế nào được?".

Thần Tông hoàng đế cho là phải, xuống chiếu rằng: "Hoàng tử Thiên Tộ tuy tuổi còn thơ ấu, nhưng là con đích, thiên hạ đều biết, nên cho nối nghiệp của trẫm, còn Thái tử Thiên Lộc thì phong làm Minh Đạo vương".

Theo nghiên cứu của các nhà sử học Hàn Quốc và Việt Nam, khi Lý Thần Tông qua đời, Thái tử Lý Thiên Tộ mới 3 tuổi, triều thần muốn tôn Kiến Hải vương Lý Dương Côn, một người con nuôi khác của Lý Nhân Tông, vốn là con đẻ của Thành Quảng hầu. Nhưng lúc đó, mẹ ông là Cảm Thánh phu nhân dựa vào Đỗ Anh Vũ là người nắm binh quyền, đã loại hết các địch thủ của Thiên Tộ, nên ông được đưa lên ngôi

Ngày 26 tháng 9, năm đó, Thần Tông hoàng đế băng hà. Con trai là Thái tử Thiên Tộ kế vị, tức Lý Anh Tông. Cảm Thánh phu nhân được tôn làm Hoàng thái hậu, tôn hiệu là Hiến Chí hoàng thái hậu ở Quảng Từ cung

Trị vì

Lý Anh Tông lên kế vị khi mới 3 tuổi, Lê Thái hậu có quyền nghe việc chính sự. Theo đó, Đỗ Anh Vũ do là em trai của Chiêu Hiến hoàng thái hậu Đỗ thị, nên được Lê Thái hậu phong làm Phụ quốc Thái úy, kiêm thêm Cung điện Lệnh tri nội ngoại sư, nắm quyền quyết đoán mọi việc.

Theo ĐVSKTT, trong cung Lê Thái hậu khi đó lại tư thông với Đỗ Anh Vũ, khiến triều đình bất bình. Bên cạnh đó, Anh Vũ còn sai vợ là Tô phu nhân ra vào cung cấm hầu hạ Đỗ Thái hậu, do đó mà Anh Vũ mặc nhiên qua lại với Lê Thái hậu, nhân thế lại càng kiêu rông, ở triều đình thì khoát tay lớn tiếng, sai bảo quan lại thì hất hàm ra hiệu, mọi người đều liếc nhau nhưng không ai dám nói.

https://nguoikesu.com