258 lượt xem

Phạm Đình Hổ

Bắt đầu là Tuyết Trang Trần Văn Ngoạn và Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến trên Nam Phong Tạp chí vào những năm 20 của đầu thế kỉ này mà Phạm Đình Hổ và tác phẩm của ông được nhiều người biết đến. Nhưng không hiểu sao, tuy tiếng tăm của ông chẳng kém gì các tác gia cùng thời mà già nửa thế kỉ người ta vẫn chỉ bết đến ông qua vài dòng tiểu sử với ít nhiều nhầm lẫn và hai tác phẩm Vũ trung tùy bút, Tang thương ngẫu lục được in đi in lại nhiều lần.

Tôi đã từ lâu rất thích hai tác phẩm này và con người Phạm Đình Hổ thông qua những điều ông viết ra, từ sự thích thú đó tôi để tâm tìm hiểu về ông, đọc thêm các tác phẩm của ông: thơ, kí, gia phả, thư từ… và từ tất cả những gì ông để lại tôi xin được viết thêm đôi điều về cuộc đời ông.

Họ Phạm đến định cư tại làng Đọc  (tức xã Đan Loan huyện Đường An trấn Hải Dương, nay thuộc xã Nhân Quyền huyện Cẩm Bình tỉnh Hải Hưng) cho đến đười Phạm Đình Hổ là 11 đời. Làng Đọc là một làng giàu có nổi tiếng, có nghề nhuộm cổ truyền, dân gian vẫn lưu truyền câu vè về sự giàu có của làng Đọc: “Tiền làng Đọc, thóc làng Nhữ, chữ làng Chằm”. Họ Phạm đến ở làng Đọc cho đến đời thứ tư thì trở nên giàu có và cũng từ đó trở đi nối đời con cháu được học hành,nhiều người đỗ đạt làm quan, nhưng nói chung không có ai đỗ cao và chỉ làm quan đến tri huyện, thông phán, phải đến đời thứ 10, tức thân phụ của Phạm Đình Hổ mới đỗ khoa Tuyển cử làm quan đến Thái bộc tự khanh. Có thể thấy đây là một dòng họ thi thư, có truyền thống văn chương chữ nghĩa, có ý thức giáo dục con cháu theo đúng lễ giáo Nho gia: học hành thi đỗ ra làm quan trước để phò vua giúp nước, sau để “phì gia ấm tử” làm rạng danh dòng họ.

Cụ thân sinh Phạm Đình Hổ là Phạm Giáp có biệt hiệu là Diệc Hiên tiên sinh, từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh học giỏi. Ông giỏi cả văn lẫm võ lại thông thạo lí số. Ông đi thi nhiều lần nhưng chỉ đỗ Hương cống. Để mưu sinh ông mở trường dạy học tại Thăng Long, dạy cả văn lẫm võ, học trò theo học rất đông, cả ban văn lẫn ban võ đều có nhiều người đỗ đạt cao và là những bậc danh thần như Nguyễn Bá Tông, Nguyễn Thế Lịch, Nguyễn Đăng Thọ, Vũ Tông Diễm, Trịnh Lĩnh Hầu, Tự Trung Bá, Phồn Trung Bá… Về sau theo lệ, ông được bổ làm Nho học huấn đạo phủ Quốc Oai. Năm 1756, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 17 ông thi đỗ khoa Tuyển cử và được bổ vào làm việc trong phủ chúa (1). Rồi làm việc ở bộ Binh, rồi thăng Hiến sát phó sử xứ Sơn Nam, rồi tuần phủ Sơn Tây. Năm 1778 ông được thăng Hằng tín đại phu Thái bộc tự khanh cai quản các xứ Thanh Hoa. Nhưng chưa được một năm thì qua đời. Tứ Xuyên hầu Phan Trọng Phiên và Phan Huy Dung – những môn sinh của ông, trông bài viết về hành trạng Diệc Hiên tiên sinh cho biết: “Tiên sinh từng là môt ông thầy nổi tiếng ở Thăng Long khi đang dạy học. Khi ra làm quan ông rất được dân các xứ ông cai quản tin yêu quí mến. Bạn bè giao tiếp với ông đều là những nhân vật đã được thiên hạ kén tuyển như Bảng nhãn Lê Quí Đôn, Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, Song nguyên Ngô Thì Sĩ, rồi Đặng Trần Côn, Đào Xuân Lan” (2). Diệc Hiên tiên sinh có ba đời vợ. Bà cả sinh được hai con trai và mất sớm, Bà hai không có con. Bà ba chính là thân mẫu Phạm Đình Hổ. Bà sinh được 4 người con, 3 trai, 1 gái. Phạm Đình Hổ là con út trong gia đình. Bà Phạm Thị Xuyến – mẹ Phạm Đình Hổ là con gái dòng họ Phạm nổi tiếng ở Đông Ngạc. Cụ Bảng Vẽ, tức quan Bảng nhãn Phạm Quang Trạch (3) là ông nội của bà. Cha bà, tức ông ngoại Phạm Đình Hổ là trưởng nam của cụ Bảng, và mẹ bà, tức bà ngoại Phạm Đình Hổ là con gái một dòng họ nổi tiếng ở Hoạch Trạch, họ Nhữ. Như vậy qua hôn nhân giữa những dòng họ này, có thể thấy Phạm Đình Hổ đã được thừa hưởng khá nhiều phẩm chất tốt đẹp từ cha ông mình. Bà Phạm Thị Xuyến trong tâm tưởng Phạm Đình Hổ là một phụ nữ tuyệt vời, bà biết chữ, lại được giáo dục hết sức nền nếp gia giáo. Ông đã nhắc đến hai họ ngoại Phạm và Nhữ với một sự kính cẩn vô biên (4).

Phạm Đình Hổ sinh ngày 3 tháng Chạp năm Mậu Tý Cảnh hưng (1768). Ông ra đời đúng vào thời kì xã hội Việt Nam liên tiếp xảy ra vụ án Trịnh Khải mưu giành ngôi chúa. Năm 1782, ông 14 tuổi, Trịnh Sâm mất, loạn kiêu binh; Năm 1786, ông 18 tuổi, Nguyễn Huệ ra Bắc phù Lê diệt Trịnh. Năm 1788, ông 20 tuổi, quân Thanh vào Thăng Long. Năm 1789, ông 21 tuổi, Quang Trung đại thắng quân Thanh. Cũng trong khoảng thời gian này, từ năm 11 tuổi đến năm 20 tuổi, Phạm Đình Hổ phải chịu 4 cái tang lớn là cha, anh trưởng, anh thứ rồi mẹ. Tang tóc của gia đình, loạn lạc ngoài xã hội cùng với nạn đói liên tiếp xảy ra ở đàng ngoài đã đẩy gia đình Phạm Đình Hổ, từ một gia đình quan lại “bổng lộc dư dụ” rơi vào cảnh đói nghèo.

Triều đại Tây Sơn mở ra đúng vào lúc Phạm Đình Hổ đang tuổi thanh niên, nhưng ông cũng như rất nhiều trí thức bấy giờ đã quay lưng lại với triều đại này bởi nhiều lí do, nhưng lớn nhất là lí do giữ lòng trung thành với nhà Lê. Vì vậy ông bỏ không tham dự khoa thi dưới triều Tây Sơn. Trong thời gian này và suốt thời Gia Long, gia đình ông sống ở phường Thái Cực trong Kinh thành. Vợ ông làm nghề nhuộm còn ông đã làm tất cả những công việc thuộc khả năng của một kẻ sĩ thất thế: đi ngồi dạy học nếu được mời, viết thuê văn bia, văn hiếu hỉ, cho chữ câu đối hoành phi…. Qua thư từ ông gửi cho bạn bè, có thể thấy rõ tình cảnh của ông: “Đệ vì tao loạn mà thất học, thật chẳng có ý muốn làm thầy người, nhưng đoái cảnh nghiệp nhà hoang phế phải lưu lạc nơi cố kinh, may được vài người bạn tương tri, hiểu cho cảnh nghèo của mình đưa con cháu đến theo học”  (Gửi Tiên Điền Nguyễn Thạch Đình) (5). Trong thư gửi Phan Thanh Ngọc ông viết: “Sự khốn cùng của kẻ sĩ mà đến như đệ là quá lắm rồi… tiến không có của cải mà múa may, thoái không có một tấc đất mà cầy cấy” (6). Hoặc “Ta cũng điên đảo cùng đồ, kế sinh nhai chỉ tạm qua ngày”  (Gửi học trò là Đinh Khắc Hài) (7). Hay trong thư cho Kính Phủ “Đệ từ ốn năm tháng nay, hai con lên đậu, trong nhà không trở lại làm nhuộm nữa, gia kế lao đao” (8). Cứ như thế, từ lúc trưởng thành cho đến khi Minh Mệnh ra Bắc năm 1822, 54 tuổi, Phạm Đình Hổ luôn rơi vào tình trạng đói nghèo bệnh tật. Trong cuộc gặp mặt với Minh Mệnh ở Bắc thành, ông đã than với nhà vua: “Vợ thấn sinh được 3 con, hai trai một gái. Con trai trưởng chết yểu, con thứ còn nhỏ mà lắm bệnh, vợ thần chẳng may lại qua đời sớm, trong thì không một đấu gạo để dành, ngoài thì không một người thân để trông cậy, bản thân thần luôn đau ốm, quanh năm không ra được khỏi giường” (9). Có lẽ cuộc sống đó đã hình thành nên lối viết và nội dung sách của Phạm Đình Hổ. Ông không may mắn như Phan Huy Chú suốt mười năm “đóng cửa tạ khách” để chỉ ngồi viết sách. Ông chỉ được viết giữa hai trận ốm, giữa sự bức bách của miếmg cơm manh áo.

Có nhiều người cho rằng: Phạm Đình Hổ không đi thi và có chí ở ẩn. Tôi không thấy như vậy, tôi chưa đọc được ở đâu ý này của ông. Tôi chỉ thấy Phạm Đình Hổ cũng khá lận đận với chuyện thi cử. Đại Nam liệt truyện cũng ghi nhận Phạm Đình Hổ “thi nhiều lần không đậu”. Cũng qua cuộc nói chuyện với Minh Mệnh, Phạm Đình Hổ cho biết: Năm 18 tuổi định đi thi thì nhà Lê mất. Không dự khoa thi thời Tây Sơn. Ba khoa thi thời Gia Long đều tham dự nhưng chỉ đỗ trường hai trường ba. Bỏ khoa Ân khoa đầu thời Minh Mệnh vì bị ốm (10).

Tuy không đỗ đạt nhưng Phạm Đình Hổ vẫn nổi tiếng, vẫn là nhân tài đất Bắc bởi tài học, bởi kiến thức uyên bác của ông. Minh Mệnh khi hỏi về nhân tài của Bắc thành đã được nghe trả lời “Có Phạm Thích (11) và thứ đến là Phạm Đình Hổ” (12). Biết tiếng Phạm Đình Hổ, ông vua này đã nhiều lần lệnh cho Bắc thành triệu ông vào Kinh lục dụng, nhưng ông không vào với lí do có bệnh. Cho đến khi Minh Mệnh ra Bắc thụ phong năm 1821, sau khi gặp nhà vua, có lẽ bị thuyết phục bởi vị vua thông minh này và tin tưởng vào sự thực tâm cầu hiền của nhà vua, Phạm Đình Hổ mới quyết định ra làm quan. Khi đó ông đã ngoài 54 tuổi, và cũng có lẽ đến đây ông mới thoát được cảnh đói nghèo.

Tuy nhiên hoạn lộ của Phạm Đình Hổ cũng chẳng ngọt ngào cho lắm, mặc dù ông luôn được Minh Mệnh khen ngợi và thăng thưởng. Chiếu chỉ ngày 28 tháng 10 năm Minh Mệnh 2 (1821) bổ nhậm ông làm Hàn lâm viện Biên tu, tước Bình Phong tử. Chiếu chỉ ngày 16 tháng 11 năm Minh Mệnh 7 (1826) khen ông : “Văn học vượt trội, tính tình ngay thẳng, không xu phụ quyền trọng, thật đáng khen và thăng chức Hàn lâm viện Thưa chỉ, tước Bình Phong bá”. Chỉ hơn một tháng sau, ngay 26 tháng 12 năm Minh Mệnh 7 ông được thăng Quốc tử giám Tế tửu.

Do không đỗ đạt nên khi làm quan, Phạm Đình Hổ đã gặp không ít sự hiềm khích phản ứng của giới quan trường đồng thời do luôn nuối tiếc trật tự cũ của triều Lê mà Phạm Đình Hổ không thể chấp nhận được chế độ mới. Ông nhiều lần xin từ chức đến nỗi mỗi lần thăng chức cho ông, Minh Mệnh đều phải nhấn mạnh “ngươi không được từ”. Ông về rồi lại ra, cho đến khi đang giữ chức Thị giảng học sĩ, ông xin về hẳn với lí do dưỡng bệnh. Năm 1839, ông mất tại quê hương, thọ 71 tuổi. Cuộc đời làm quan của Phạm Đình Hổ đứt nối được hơn một chục năm, nhưng suốt thời gian này cũng chẳng thấy ông vui. Qua thơ văn, thường thấy ông nhăn nhó, không hài lòng, bất lực và đau ốm.

Có lẽ hạnh phúc trong cuộc đời Phạm Đình Hổ là ở những trang sách và bạn bè. Ông đọc sách chả kém gì Lê Quí Đôn, Phan Huy Chú. Có thể nói ông cũng thuộc dòng các tác gia Hán Nôm có xu hướng bác học, chuyên về khảo cứu, nhưng ông đã không có những cơ hội như họ để thực hiện những công trình lớn.

Phạm Đình Hổ có một nhóm bạn tâm giao ở kinh thành, những người thường xuyên được ông nhắc đến và chúng ta đã được nghe quen qua Vũ trung tùy bút và Tang thương ngẫu lục. Họ trước hết là Kính Phủ Nguyễn Án, rồi Hoàng Hy Đỗ, Nguyễn Nghiêu Minh, Vũ Đãi Thanh, Tô Đắc Kỳ. Những lúc có thể, ông thường cùng họ xướng họa, dạo xem thắng cảnh, chén rượu cuộc cờ. Họ cũng đã giúp giùm nâng đỡ ông rất nhiều trong những lúc khó khăn.

Hiện nay cháu chắt trực hệ của Phạm Đình Hổ còn nhiều người đang sống tại Hà Nội. Tôi được gặp ông Phạm Đình Tuyến chắt 4 đời của Phạm Đình Hổ. Ông đã cho tôi biết một giai thoại về Phạm Đình Hổ như sau: ông Phạm Đình Hồ, con trai của Phạm Đình Hổ, tức ông nội ông Tuyến, làm Tri phủ Vĩnh Tường, Sơn Tây. Sau có cùng Hoàng Diệu chống Pháp, chính là kết quả một mối tình muộn mằn của Phạm Đình Hổ. Chúng ta đều biết, vợ Phạm Đình Hổ mất sớm, ông không tục huyền. Cho đến một lần, khi đang làm quan, trên đường từ kinh đô về thăm quê, ông đi qua chợ Đường cái, nhân biết dân làng này đang mắc trọng tội với triều đình, ông dâng biểu xin cho được miễn tội. Để đền ơn, dân làng đã gả cho ông một cô gái làng và đến năm 70 tuổi, ông mới sinh ra Phạm Đình Hồ. Chuyện không rõ thực hư nhưng cứ xin ghi lại để tham khảo.

Nhân nói về Phạm Đình Hổ, tôi xin được bàn lại về một số nhầm lẫn từ trước đền nay đối với tác phẩm của ông.
Từ trước đến nay, nhìn chung các nghiên cứu về Phạm Đình Hổ đều cho rằng Phạm Đình Hổ có nhiều công trình khảo cứu biên soạn về lịch sử, địa lí, ngôn ngữ và cho một danh mục về sách của ông như sau:
  1. Lê triều hội điển
  2. Bang giao điển lệ
  3. Cảnh Hưng Tân Tỵ sách phong sứ quán thư giản chư tập
  4. Ô châu lục (13),
  5. An Nam Chí
  6. Ai Lao sứ trình
  7. Đại Man địa đồ
  8. Nhật dụng thường đàm
  9. Vũ trung tùy bút lục
  10. Tang thương ngẫu lục
  11. Hi Kinh lãi trắc
  12. Kiền khôn nhất lãm
  13. Quần thư tham khảo
  14. Châu phong tạp thảo
  15. Đông dã học ngôn thi tập
  16. Đường An Đan Loan Phạm gia thế phả
Về các tên sách được đánh số từ 1-5 thì chỉ có Thư mục Hán Nôm – Mục lục tác giả của Viện Hán Nôm biên soạn năm 1977 là không đưa 5 tên sách đó vào danh mục sách của Phạm Đình Hổ vì các tác giả sách này chỉ dựa vào những cách thức có trong kho sách của Viện để biên soạn. Và Trần Văn Giáp thận trọng ghi thêm một dòng vào dưới năm tên sách đó như sau “Đây là tên những sách ông đem dâng cho Minh Mênh ghi trong Liệt truyện chứ chưa chắc đã là tác phẩm của ông” (14). Còn tất cả những nhà nghiên cứu khác đều nghiễm nhiên coi đó là sách của Phạm Đình Hổ. Vậy 5 tên sách này có phải là sách của Phạm Đình Hổ hay không ? Chúng ta hãy bắt đầu từ một đoạn trích trong cuộc nói chuyện giữa Minh Mệnh và Phạm Đình Hổ tại buổi diện đối năm 1921 khi Minh Mệnh ra Bắc thành thụ phong. Minh Mệnh hỏi: “Muốn biết cách thức trị vì tất phải tham chước sách vở, khanh có sách vở gì hoặc thường ngày có trước thuật gì chuẩn cho được trình lên. Hoặc những người quen biết khanh có sách vở cất giữ đều lệnh cho gửi lên tiến trình. Nếu người ta không muốn dâng tiến, khanh nên hỏi mượn, ủy cho Hữu ti sao chép rồi hoàn lại nguyên bản, hoặc giả người ta muốn bán, ta cũng chẩn cho trả tiền”.

Phạm Đình Hổ tâu: “Ở Bắc thành, từ đời Hậu Lê, sách vở không cất giữ ở phủ quan mà đều chia giữ ở nhà các viên tư lại. Khi Tây Sơn chiếm nước, đốt hủy gần hết, những cái còn lại trong các nhà thế gia đại tộc, giản hoặc có còn cất giữ được thì cũng bị người ta gói ghém hủy bỏ. Bởi vậy cho nên sách vở điển tịch tán lạc hết. Thần từ bé được nghe qua cha anh và chính mắt trông thấy thì thấy rằng ngày nay sách vở trăm phần không còn được một. Nếu trong dân gian tùy chỗ tìm kiếm thì cũng chỉ được tàn biên đoạn giản chứ hiếm mà có được toàn thư. Nay thần phụng chỉ lục tìm sách cũ trong nhà, nếu có được quyển nào sữ xin dâng tiến. Còn như trong bạn bè thân hữu của thần, nếu sách vở có còn chắc cũng không được mấy. Xin thong thả để thần hỏi kĩ” (15).

Trong lời đáp, Phạm Đình Hổ không hề nói rằng mình có trước thuật. Sau cuộc diện đối, ngày mùng 6 tháng 10 năm Tân Tỵ (1822). Phạm Đình Hổ đệ trình biểu dâng sách rằng: “Thầm khâm phụng thánh dụ, tìm tòi sách cũ gồm: Bang giao điển lệ 1 quyển; Lê triều hội điển 2 quyển. Cảnh Hưng Tân Tỵ sách phong sứ quán giản trát tập, 1 quyển. Sứ quán bạn tiếp thù phụng thi tập, 1 quyền”. Về hai sách Ô Châu cận lục và An Nam chí, Phạm Đình Hổ cũng cho biết qua biểu dâng sách lần thứ 2 rằng “Nay ngu thần có mượn sách cũ, sao lại hai bản An Nam chí và Ô Châu lục” (16). Như vậy rõ ràng đây là những bộ sách cũ ông lục tìm trong tủ sách của gia đình và sao chép lại do mượn được chứ không phải sách của ông. Đại Nam liệt truyện cũng chỉ cho biết: “Trước tác có các sách Nhật dụng thường đàm và Hi kinh lãi trắc lưu hành ở đời” (17). Nếu những sách trên là của Phạm Đình Hổ thì chắc hẳn Đại Nam liệt truyện” đã không chỉ viết như vậy. Với những chứng cớ vừa nêu, theo tôi, có lẽ chúng ta nên đưa những tên sách nói trên ra khỏi danh mục tác phẩm của Phạm Đình Hổ.

TRẦN KIM ANH

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Nguồn: Hannom.org.vn

Chú thích:
  1. Theo Phạm Đình Hổ khoa này lấy đỗ: Ngô Thì Sĩ (Thủ khoa), Ngô Trần Thực, Nguyễn Cận, Pham Khiêm Thụ, Phan Lê Phiên, Tạ Đăng Chú. XemĐường An Đan Loan Phạm gia thề phả, phần Chính biên. Thư viện Viện Hán Nôm, kí hiệu A.909.
  2. Đường An Đan Loan Phạm gia thế phả, Sđd, phầnDiệc Hiên tiên sinh hành trạng.
  3. Phạm Quang Trạch: Người xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội, đỗ Bảng nhãn khoa Quí Hợi niên hiệu Chính Hòa 4 (1683)dời Lê Hi Tông. Làm quan đến Lễ bộ Hữu thị lang.
  4. TheoĐường An Đan Loan Phạm gia thế phả Sđd.
     5.6.7.8. Phạm Đình Hổ: Châu phong tạp thảo, Thư viện Viện Hán Nôm, kí hiệu A.295.
    9.10. Phạm Đình Hổ: Châu phong tạp thảo, Thư viện Viện Hán Nôm kí hiệu VH v.1873 Bài Hành tại diện đối kí.
  1. Phạm Thích: tưc Phạm Quí Thích, người xã Hoa Đường huyện Đường An, nay thuộc xã Thúc Kháng huyện Cẩm Bình tỉnh Hải Hưng, đỗ Tiến sĩ khoa Kỉ Hợi niên hiệu Cảnh Hưng 40 (1799)đời Lê Hiển Tông. Làm quan dưới triều Gia Long đến chức Thị Trung học sõ.
  2. Châu phong tạp thảo, VH v.1873, Sđd.
  3. Ô châu lục: Chắc làÔ châu cận lụccủa Dương Văn An soạn năm Mạc Cảnh Lịch  (1548-1553)
  4. Trần Văn Giáp:Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Nxb Khoa học Xã hội Hà Nội, 1990, TH.
  5. Châu phong tạp thảo, VH v.1873. Sđd
  6. Châu phong tạp thảo, A295. Sđd
  7. Đại Nam chính biên liệt truyện, kí hiệu VHV1678/1-8 Thưviện Viện hán Nôm , Quyển 25, tờ .