242 lượt xem

Lưỡng quốc Thượng thư Nguyễn Sư Mạnh

 

Lưỡng quốc Thượng thư Nguyễn Sư Mạnh là danh xưng ông được tặng khi đi sứ nhà Minh.

Yết kiến vua, để hở bụng

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Nguyễn Sư Mạnh là người làng Cổ Đô, xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây, nay thuộc Thành phố Hà Nội.

Theo gia phả dòng họ, ông sinh năm 1458 (Mậu Dần); cha vốn là người Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, mẹ người làng Cổ Đô; vì nghèo mà cha ông phiêu bạt và lập nghiệp tại Cổ Đô. Cha mất sớm, 27 tuổi, Nguyễn Sư Mạnh mới lều chõng đi thi và đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân đời vua Hồng Đức thứ 15 (1484).

Về khoa thi này, Đại Việt sử kí toàn thư và Lịch triều hiến chương loại chí cho biết: Tháng 2 thi Hội các cử nhân lấy đỗ 44 người. Vào thi Đình đề văn sách hỏi về nhà Triệu Tống dùng nho sĩ, cho đỗ theo thứ bậc khác nhau.

Nguyễn Sư Mạnh đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Tên ông được khắc trong bia “Hồng Đức thập ngũ niên Giáp Thìn khoa Tiến sĩ đề danh ký” ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám…

Sau khi đỗ đạt, Nguyễn Sư Mạnh được bổ làm quan và làm Thượng thư bộ Lễ, tước Sùng Tín hầu, vốn là người biết nhiều, hiểu rộng, được vua Lê cử đi sứ Trung Quốc vào năm 1500.

Đến nay, còn nhiều giai thoại về chuyến đi sứ này của ông và được dòng họ Nguyễn truyền tụng, ghi vào tộc phả lưu truyền cho con cháu đời sau. Một trong những giai thoại kể lại rằng:

Khi vào yết kiến vua nhà Minh, không biết vô tình hay hữu ý mà Nguyễn Sư Mạnh không cài khuy áo để hở cả bụng. Thấy vậy, vua nhà Minh nổi cơn giận dữ, cho sứ thần nước Nam thất lễ, rồi hạch sách và khép ông phạm vào tội “khi quân”, định trục xuất về nước. Ngay lúc đó, Nguyễn Sư Mạnh vội vàng quỳ mà tâu rằng:

– Muôn tâu, vì đường sá xa xôi, bụng thần lại chứa đầy chữ, mà sau nhiều ngày đi đường âm u, ẩm ướt, sợ “khú” mất chữ thánh hiền, vậy nên thần mạo muội xin được phanh áo ra hong, mong nhà vua đại xá.

Nghe vậy, vua Minh phần muốn thử tài, phần muốn nhân cơ hội này hại người nước Nam nên ra chiếu rằng: – Nếu sứ thần nước Nam là người hay chữ thì hãy giúp thiên triều chép lại thiên Vi Chính trong sách Luận ngữ mới bị thất lạc.

Chép lại sách y như bản chính

Nguyễn Sư Mạnh không một chút suy tư nhận lời ngay và hỏi lại rằng: – Bẩm đại vương cần thiên Vi Chính trong bao nhiêu ngày? – Trong 30 ngày phải hoàn tất.

Vua Minh nói và hạ lệnh cho sứ thần nước Nam không được ra khỏi dinh thự trong 30 ngày, đồng thời cho người theo dõi, giám sát chặt chẽ. Vua nhà Minh chắc mẩm Nguyễn Sư Mạnh sẽ không làm nổi.

Lạ thay, gần hết thời hạn quy định mà không thấy sứ thần làm gì, chỉ ngồi đánh cờ. Đến ngày thứ 25, vua Minh sai người nhắc nhở, Nguyễn Sư Mạnh trả lời: “Ngày mai thần sẽ viết”. Đến ngày thứ 29, ông đã đưa thiên Vi Chính cho vua Minh.

Nhận sách, vua Minh khen sứ thần nước Nam có trí nhớ tuyệt vời, sách chép lại y như bản chính, chỉ có chữ “công” thừa một dấu chấm. Không thể chê vào chỗ nào được nên vua Minh mượn cớ này để hạch tội, song Nguyễn Sư Mạnh đã khẳng khái nói rằng:

– Nếu thần viết thừa dấu chấm thì chắc chắn bản gốc của thượng quốc cũng thừa. Vua Minh bèn đem bản gốc ra so sánh thì y như lời Nguyễn Sư Mạnh, chữ “công” cũng thừa dấu chấm thật.

Vua nhà Minh phải chịu phục tài Nguyễn Sư Mạnh và không còn lý gì để làm hại sứ thần nước Nam. Sau đó, vua nhà Minh đã xuống chiếu sắc phong cho ông chức Thượng thư của Trung Hoa.

Bốn chữ “Lưỡng quốc Thượng thư” đã được khắc tại từ đường họ Nguyễn ở Cổ Đô, với ý nghĩa nhắc đến công lao của nhà ngoại giao đại tài Nguyễn Sư Mạnh.

(còn nữa)

Nguyễn Thành Trung