248 lượt xem

Mạc Nguyên Tông

 

Lận đận vì làm vua

 

Theo sách “Đại Việt thông sử”, Mạc Phúc Nguyên hay còn gọi là Mạc Tuyên Tông, vị vua thứ tư của nhà Mạc. Ông lên ngôi vào tháng 5-1546 và ở ngôi đến năm 1561, trị vì 15 năm. Ông là người xã Cao Đôi, huyện Bình Hà (nay là thôn Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Ông là con trai của Mạc Hiến Tông (Mạc Phúc Hải), cháu nội của Mạc Thái Tông. Năm Bính Ngọ (1546), Mạc Phúc Hải lâm bệnh mất vào ngày 8-5, Mạc Phúc Nguyên lên thay khi còn nhỏ tuổi. Vì vậy, tất cả công việc triều chính từ đối nội đến đối ngoại đều trông cậy vào chú ruột là Khiêm vương Mạc Kính Điển.

 

Giữa lúc Mạc Hiến Tông mới mất, vua Lê Trang Tông được sự phò trợ đắc lực của Trịnh Kiểm đang gây lại việc binh đao thì trong triều Mạc lại nảy sinh sự bất hòa. Tướng Tứ Dương hầu Phạm Tử Nghi bàn rằng: Trong lúc nước còn loạn lạc nên lập vua lớn tuổi là Mạc Chính Trung. Tuy nhiên, lời của Phạm Tử Nghi không được những người trong tông tộc nhà Mạc nghe theo, Mạc Kính Điển và đại thần Nguyễn Kính cũng không ưng thuận. Không được toại nguyện, Phạm Tử Nghi sinh lòng khác, bí mật họp một số tướng làm việc phản loạn. Mạc Phúc Nguyên được Mạc Kính Điển đưa đi lánh về miền Đông, Nguyễn Kính và Mạc Kính Điển lại đem quân về cứu Mạc Phúc Nguyên.

 

Cũng khi ấy, Phạm Tử Nghi phải rút khỏi kinh đô và đem Mạc Chính Trung về chiếm cứ vùng Hoa Dương, phủ Tiên Hưng và lập Chính Trung lên ngôi, nhưng không được văn võ thuận theo. Mạc Kính Điển, Nguyễn Kính tiếp tục đuổi đánh Phạm Tử Nghi mấy trận nhưng vẫn không xong, Mạc Phúc Nguyên sai Phụng Quốc công Lê Bá Ly hợp binh cùng Kính Điển đánh Tử Nghi. Phạm Tử Nghi thua phải rút chạy ra An Quảng. Sau khi thất thế, Mạc Chính Trung phải đem gia quyến và thuộc hạ chạy sang vùng Lưỡng Quảng của nhà Minh và an cư ở Thanh Viễn.

 

Năm 1548, Lê Trang Tông chết, Trịnh Kiểm đưa Lê Trung Tông - con của vua Lê Trang Tông lên nối nghiệp ở Thanh Hoa và lấy niên hiệu Thuận Bình thứ nhất, tức là vua Lê Trung Tông. Năm 1549, Mạc Chính Trung chạy sang Trung Quốc, tự nhận mình là người thừa kế ngôi vị hợp pháp. Vì vậy, nhà Minh ngờ vực Mạc Tuyên Tông không phải dòng dõi Mạc Thái Tổ nên sai sứ đưa thư sang hỏi. Vừa mới dẹp xong dư đảng của Phạm Tử Nghi ở Hải Dương, Mạc Kính Điển và Lê Bá Ly phải hộ tống Mạc Phúc Nguyên lên cửa Trấn Nam, rồi dùng mọi lời lẽ thuyết phục, được quan chức Lưỡng Quảng bằng lòng phong cho tập tước, đó là năm Kỷ Dậu (1549)...

 

Sau sự kiện ấy có người dâng sớ khuyên Mạc Phúc Nguyên phải biết tự mình trông coi chính sự vì đã lớn tuổi rồi. Dù vậy, Phúc Nguyên không đủ sức điều hành việc nước, phải nhờ cậy vào Lê Bá Ly. Năm Kỷ Dậu (1549), vua Mạc phong cho Lê Bá Ly làm Thái tể, Phụng Quốc công, từ đó Bá Ly trở thành người nắm giữ binh quyền và triều chính, uy thế ngày một lớn, con em trong nhà Bá Ly đều đảm nhiệm nhiều trọng trách lớn của triều đình. Cũng vào thời điểm này, Phạm Tử Nghi lại đem Chính Trung quay về Yên Quảng rồi định kéo quân đi đánh Đông Kinh. Năm 1551, Mạc Kính Điển mang quân đi dẹp Phạm Tử Nghi và dùng mưu sai kẻ dưới quyền lừa bắt được Tử Nghi đem chém đầu. Mạc Chính Trung bỏ chạy sang Trung Quốc rồi sau đó bị nhà Minh giết.

 

Lời bàn:

 

Theo sử cũ, vào thời Mạc Tuyên Tông trị vì, các lực lượng chống đối nhà Mạc, cụ thể là lực lượng nhân danh nhà Lê và những người ủng hộ nhà Lê còn mạnh. Lúc này, vấn đề triều đình nào là chính thống chỉ có một vai trò nhất định, vì Nam triều hay Bắc triều đều có lý lẽ của mình. Bắc triều dù là người đi cướp ngôi, nhưng ở Nam triều thì từ Lê Uy Mục, nhân dân đã chán ghét nhà Lê. Và một khi yếu tố chính trị không đóng vai trò quyết định thì vấn đề nhân sự sẽ quyết định. Bên cạnh đó, bản thân các tập đoàn chống Mạc đã có những chính sách phù hợp và lực lượng nhân sự đủ tài năng để đối phó với nhà Mạc nên trong một thời gian dài Nam triều đứng vững trước các cuộc tấn công của nhà Mạc. Đồng thời, tuy nhà Mạc đã khiến đất nước giàu mạnh lên trong thời kỳ đầu, nhưng địa bàn hoạt động của nhà Mạc bị bó hẹp, lại kẹp giữa một bên là nước lớn Trung Quốc, một bên là Nam triều trỗi dậy cùng tư tưởng “hoài Lê”... đã dẫn đến sự thất bại của nhà Mạc.

 

Tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại này là do vào thời hậu kỳ, sau khi Mạc Kính Điển chết, nhà Mạc không còn lực lượng nhân sự đủ mạnh, nhất là vua Mạc Mậu Hợp không đủ năng lực và phạm phải sai lầm nên đã thất bại về quân sự. Trong cuộc chiến trường kỳ đó, khi đã thất bại về quân sự thì chính trị của nhà Mạc cũng trở nên yếu thế trước khẩu hiệu “phù Lê”. Thế mới biết lời nói của người xưa rằng: Trong có ấm thì ngoài mới êm, quả là không sai. Mặc dù nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, nhưng vào thời suy tàn của nhà Lê, nếu nhà Mạc không đứng lên thì tất yếu sẽ có dòng họ khác nhưng tiếc rằng nhà Mạc không giữ được trong ấm, vì nội bộ liên tục lục đục... nên thất bại là điều không thể tránh khỏi.

 

Baobinhphuoc.com