332 lượt xem

Trần Ích Phát

Người thầy của 3 trạng nguyên

Thời vua Lê Thánh Tông có 9 trạng nguyên tất thảy. 3 trong số 9 vị trạng nguyên ấy đều là học trò của thầy đồ Trần Ích Phát. Ông cũng là thầy đồ duy nhất của Đại Việt có 67 học trò đỗ đại khoa.

Theo sách Đại Nam nhất thống chí, thầy Trần Ích Phát (chưa rõ năm sinh, mất) quê ở làng Triều Dương, nay là xã Ngân Huệ, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ông được cho rằng thọ tới 100 tuổi.
 

Ảnh minh họa trường thi ngày trước. Nguồn: Sưu tập

67 học trò đỗ đại khoa

Năm 15 tuổi, ông đọc nhiều sách về thi ca, kinh nghĩa…, nổi tiếng văn chương trong thiên hạ. Dưới thời vua Lê Nhân Tông (1443-1453), ông thi Hương và đỗ giải nguyên (đỗ đầu).

Sau này, ông không ra làm quan mà về quê mở trường dạy học. Theo tài liệu để lại, thầy Trần Ích Phát có tới 67 học trò đỗ đại khoa (từ tiến sĩ trở lên). Tính riêng bậc tam khôi (trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa), ông có 17 học trò đỗ đạt (3 trạng nguyên, 4 bảng nhãn và 10 thám hoa).

Theo thống kê, tính từ khoa thi đầu tiên triều đình định ra tam khôi cho đến khoa thi cuối cùng lấy trạng nguyên (năm 1736), nước ta chỉ có 50 người đỗ trạng.

Riêng dưới thời vua Lê Thánh Tông trị vì (1460-1497), cả nước có 9 trạng nguyên, 10 bảng nhãn, 10 thám hoa, 146 hoàng giáp, 136 tiến sĩ. Trong đó, 3 học trò của thầy Trần Ích Phát đỗ trạng nguyên, 4 bảng nhãn, 6 thám hoa, 10 hoàng giáp và 51 tiến sĩ.

Ba học trò của thầy Trần Ích Phát đỗ trạng nguyên là Vũ Kiệt (đỗ năm 1472), Trần Sùng Dĩnh (đỗ năm 1487) và Nghiêm Hoản (đỗ năm 1496). Riêng ở 2 khoa thi đình năm Hồng Đức thứ 18 và thứ 27 đời vua Lê Thánh Tông, tất cả bảng tam khôi đều là học trò của thầy Phát.

Cụ thể, khoa thi năm 1487, triều Lê Thánh Tông, ngoài Trần Sùng Dĩnh chiếm trạng nguyên, người đứng thứ hai là bảng nhãn Nguyễn Đức Huấn và thứ ba là thám hoa Thân Cảnh Vân. Đến khoa thi năm Bính Thìn, cũng dưới triều vua Lê Thánh Tông (1496), Nghiêm Hoản đỗ trạng nguyên, Nguyễn Huân đỗ bảng nhãn và Đinh Lưu Kim đỗ thám hoa. Tất cả đều là học trò của thầy Trần Ích Phát.

Nhiều học trò của thầy Trần Ích Phát chiếm bảng vàng khi tuổi đời còn rất trẻ. Vũ Kiệt đỗ trạng nguyên năm 21 tuổi. Trần Sùng Dĩnh đỗ trạng nguyên khi 23 tuổi. Nguyễn Huân đỗ bảng nhãn lúc 21 tuổi. Đinh Lưu Kim đỗ thám hoa khi mới 18 tuổi. Thân Cảnh Vân đỗ thám hoa năm 25 tuổi…

Nhiều bài thi của học trò thầy Phát đã trở thành áng văn trị nước bất hủ, được lưu lại đến nay. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến bài thi Đình về “Đế vương trị thiên hạ” của trạng nguyên Vũ Kiệt.

Theo sách Văn hiến Kinh Bắc, bài thi của Vũ Kiệt đã viện dẫn hài hòa những sách vở kinh điển, sử dụng tư duy sáng tạo để làm bài nghị luận sắc sảo. Lời văn lưu loát, bài viết rất dài. Khi chấm, vua Lê Thánh Tông và các khảo quan đều rất hài lòng.

Trong bài văn của mình, ông đề cấp rất nhiều vấn đề như giáo dục, chống tham nhũng… Ở lĩnh vực nào, Vũ Kiệt cũng cho thấy trí tuệ uyên bác của bậc túc nho.

Được vua đặc cách đỗ đại khoa

Tiếng tăm của thầy Trần Ích Phát vượt xa khuôn khổ quê nhà. Ông được vua Lê Thánh Tông vô cùng quý trọng. Không chỉ dạy về kiến thức, thầy Trần Ích Phát còn rất thành công trong việc dạy đạo làm người cho học trò.

Học trò của ông, sau khi đỗ đạt, đã trở thành những bề tôi nổi tiếng chính trực. Một số người đảm đương chức vụ cao nhất trong bộ máy nhà nước đương thời, là những cánh tay đắc lực, góp phần giúp nhà vua chấn hưng và đưa nước nhà đến giai đoạn cực thịnh.

Trạng nguyên Vũ Kiệt trở thành bậc hiền tài đức độ. Trạng nguyên Trần Sùng Dĩnh, các bảng nhãn Nguyễn Huân, Nguyễn Đức Huấn, thám hoa Lê Ninh đều làm quan đến thượng thư.

Trong số 28 ngôi sao (Nhị thập bát tú) của hội Tao Đàn do vua Lê Thánh Tông sáng lập và làm chủ (gồm những vị đại khoa tài giỏi văn chương), một số học trò của thầy Trần Ích Phát cũng có mặt, như trạng nguyên Trần Sùng Dĩnh, thám hoa Nguyễn Đức Huấn, thám hoa Lưu Ngạn Thu.

Một số học trò của thầy còn để lại các tác phẩm văn học được ghi trong sách Toàn việt thi lục như các bài thơ của trạng nguyên Trần Sùng Dĩnh, bảng nhãn Lưu Đức Huấn, hoàng giáp Trần Hoành.

Trí tuệ và đức độ của thầy Trần Ích Phát không chỉ khiến người đời khâm phục, học trò trong và ngoài tỉnh kéo tới học rất đông. Ngay tại kinh thành, từ khi còn là hoàng tử, vua Lê Thánh Tông từng biết tiếng thầy Trần Ích Phát và đem lòng quý trọng.

Sau khi lên ngôi vua, chứng kiến sự nghiệp dạy học thành công của thầy Phát, nhà vua đặc cách phong ông là Đông Các đại học sĩ. Tức ngang với các bậc đỗ đại khoa, dù cho ông chỉ đỗ giải nguyên ở kỳ thi Hương.

Tổng hợp: SGT Group