Bình Thuận là tên gọi có từ năm 1697, khi chúa Nguyễn cho lập Bình Thuận Phủ gồm 2 huyện An Phước và Hòa Đa. Bình chỉ sự khai phá, bình định một vùng đất, Thuận là sự sinh sống hòa thuận mà ở đây là giữa 2 dân tộc Chămpa và Kinh, do lúc này vùng đất này chưa yên ổn nên chúa Nguyễn đặt tên như vậy. Năm 1827, thời vua Minh Mạng, Bình Thuận được đặt thành tỉnh.
Sông Mao
Trong khu vực Sông Mao bây giờ có đồng ruộng của người Chăm tục gọi là Hamu Pa-auk (đọc là pa-ó, nghĩa là cây xoài). Cạnh ga Sông Mao có một con sông nhỏ người Chăm gọi là kraung pa-auk.Người Kinh dịch thành Sông PA-Ó. Chuyển đổi âm từ P của Chăm sang M của Việt: từ Sông Pa-ok được viết là Sông MA-Ó. Vả lại thời Pháp thuộc dấu sắc ở nguyên âm o không thể hiện được trên máy đánh chữ (ó thành o), vì vậy trong các văn bản hành chánh thời đó ta thường thấy viết Sông Ma-o.
Sau này, dấu ngang rụng đi do cách đọc gộp thành một âm của những người Pháp (thời Pháp thuộc), cuối cùng ta có từ SÔNG MAO của ngày hôm nay.
Mũi Né
Tên gọi Mũi Né xuất phát từ công chúa Út của vua Chăm là công chúa Chuột – tương truyền vùng đất này của người Chăm, xưa kia lau sậy mọc um tùm. Công chúa Chăm năm 16 tuổi mắc bệnh nan y, về sau xây dựng miếu Am để tu tại Hòn Rơm. Từ đó lấy biệt danh là bà Nà Né – lâu dần người dân đọc trại chữ Nà Né thành Mũi Né. Né là tên của công chúa Út – Mũi là mũi đất đưa ra biển và Mũi Né có tên gọi từ đó.
Cũng có thuyết giải thích rằng tên gọi Mũi Né xuất phát từ việc ngư dân, mỗi khi đi biển gặp bão, thường đến đây nương náu. “Mũi” là cái mũi đất đưa ra biển; “Né” có nghĩa là để né tránh.
Một ý kiến khác, do phiên âm từ chữ Hán và trên bản đồ chuyển từ quốc ngữ mũi Vị Nê viết là Viné, đọc tắt thành Mũi Né cho đến sau này.
Phan Rí
Đây là phiên âm của danh từ Chăm PA-RIK, địa danh chỉ vùng nằm giữa KRONG (tức sông Lòng Sông hay huyện Tuy Phong hôm nay) và PAJAI (tức Phố Hài). Panrang – Kraung – Parik – Pajai là 4 vùng chính của Panduranga cũ đang có đông cư dân Chăm.
La Gàn
Theo đó mũi La Càn, La Xa đều phiên âm Latin từ chữ Hán là La Càn hoặc Lagan đều do phát âm từ tên gốc Chăm. Đến năm Minh Mạng thứ 6 (1825) đổi thành La Hàn. Qua bản đồ của giám mục Taberd, một nhà truyền giáo, từ năm 1838 đã lập ra bản đồ “An Nam đại quốc họa đồ” ghi chép khá đầy đủ về biển đảo Việt Nam bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa lưu trữ tại thư viện Đại học Yale (Mỹ). Địa danh La Gàn, xuất xứ do phiên âm từ chữ Hán là La Càn và trên bản đồ chuyển từ quốc ngữ La Gàn viết thành “Lagan”.
Phú Hài
Với địa danh Phú Hài (Phan Thiết) ngày nay đã từng lần lượt mang các tên Phố Hời, Phố Hài, An Hải, Phú Hải, Phú Hài… Theo sách xưa, từ năm 1854 khi cải đổi từ huyện Tuy Định thành huyện Tuy Lý, phần đất phía Nam của Bình Thuận, trong đó địa danh Phố Hài gắn với con sông và ngọn núi Phố Chăm. Cho nên tên Phố Hời là hợp lý theo cách gọi ngày xưa khi nói về người dân tộc Chăm là người Hời, người Chàm… Về sau từ Hời lại đọc chệch thành Hài nhưng nếu quá nặng về giải nghĩa của Phố/Phú, Hời/Hài thì sẽ không đến đâu cả.
Phú Quý
Hòn đảo này vốn là đất của Vương quốc Champa, người Chăm gọi tên là Koh-rong, về sau người Việt gọi là Cổ Long. Ngoài ra, nó còn có nhiều tên khác: Thuận Tịnh, cù lao Khoai Xứ, cù lao Thu, đảo Chín Làng, Phú Quý (Pulo Cecir de Mer).
Đầu thời nhà Nguyễn có tên là tổng Hạ, thuộc huyện Tuy Phong, trấn Bình Thuận. Từ năm 1844, thời Thiệu Trị, đảo được đổi tên từ tổng Hạ sang tổng Phú Quý thuộc huyện Tuy Phong, phủ Ninh Thuận, tỉnh Bình Thuận. Ngày 15/12/1977, xã Phú Quý được nâng thành huyện Phú Quý thuộc tỉnh Bình Thuận.
Tổng hợp: SGT Group.
Tài liệu tham khảo:
- Trần Nhật Giáp
- Chế Vỹ Tân
- Phan Chính
- Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Trường ĐH Sư phạm TP HCM