460 lượt xem

Nguồn gốc một số tên gọi địa danh ở Bình Thuận (Phần 2)

Hòn Rơm
Do thời tiết thuận lợi, thích hợp phát triển các loại thực vật nên ở trên núi này có một loại cỏ ống dài khoảng 0,50m; vào mùa nắng lớn, cỏ bị cháy khô, màu vàng. Người dân đi biển ở ngoài khơi nhìn vào ngọn núi thấy dáng khô vàng giống như một đụm rơm khổng lồ, nên mới gọi là Hòn Rơm.

Cách lý giải khác, gọi Hòn Rơm vì vào mỗi buổi chiều, trước khi xuống núi, mặt trời thường hào phóng dồn hết năng lượng còn lại của ngày chiếu lên làm vàng rực cả ngọn núi, trông như một đụn rơm khổng lồ.



Cà Ty
Trước đây dòng sông có tên là Mường Mán, về sau được người dân gọi thành sông Cà Ty. Có rất nhiều câu chuyện xoay quanh cái tên này, nhưng không một ai biết được chính xác cái tên này có bắt nguồn từ đâu. Có một số người cho rằng vì lưu lượng nước chảy qua một con sông là nước ngọt, nhưng nước chảy qua sông Cà Ty là nước lợ, đôi khi là nước mặn, rất lâu từ khi người Việt tới đây sinh sống đã nhận ra điều kỳ lạ này, chính vì vậy mà họ hay nói “kỳ ta, kỳ ta” từ đó lâu dần đọc trại thành “Cà Ty” như bây giờ.

Có giả định khác cho rằng địa danh này bắt nguồn với từ “Cà”, là một từ phổ biến trong tiếng Việt, tiếng Chăm và tiếng của nhiều dân tộc khác nên được người dân nơi đây đặt thành tên dòng sông. Ở Ninh Thuận và Bình Thuận cũng có rất nhiều đại danh có chữ cà như Cà Ná, Cà Đú,… Đất Mũi có hẳn một tỉnh Cà Mau.


Cù Lao Câu
Tên gọi xưa với hòn đảo thơ mộng này là Tân Lang Dữ (dữ là đảo, hòn) do chuyển từ chữ Nôm ra Cù Lao Cau, không phải như nhiều người nghĩ Cù Lao Câu ở đây là nơi thu hút ngư dân làm nghề câu vì tập trung có nhiều cá biển. Thực ra Tân Lang có nghĩa là cây cau (aréquier), tức cùng nghĩa là người mới cưới vợ. Trên bản đồ phủ Ninh Thuận trong “Thông quốc diên cách hải chử” ghi Tân Lang Dữ. Các bản đồ về tuyến đường biển đông Ấn Độ từ năm 1618 hoặc bản đồ Taberd cũng ghi “Cu Lau Cau”. Như vậy, đúng nghĩa phải là Cù Lao Cau (hòn Tân Lang/ Tân Lang Dữ) nhưng do bị lệch âm của người bản địa từ Cau thành Câu.

Theo ý kiến khác, nguồn gốc địa danh này theo người dân trong vùng là do đáy biển ở đây có rất nhiều rau câu chân vịt.


Núi Bà Đặng
Ở xã Tân Thành (huyện Hàm Thuận Nam) có núi Bà Đặng nhưng nhiều người vẫn nhầm lẫn là núi Tà Đặng, một phần vì lân cận có các địa danh Tà Cú, Tà Mon, Tà Dôn nên cho Tà cũng là thành tố của địa danh. Núi Bà Đặng là địa danh huyền thoại. Sách ĐNNTC gọi là núi Thị Đặng, vậy với chữ Tà (Néak Ta - ông thần) phải khác xa với Bà/Thị…


Đồi Cát Bay – Đồi Hồng
Tên gọi bắt nguồn từ việc đồi cát có màu sắc chính là vàng, là mỏ sắt cổ tồn tại hàng trăm năm kiến tạo nên. Gọi là đồi cát bay vì hình dáng của đồi Cát thay đổi theo giờ, theo ngày, theo tháng... và không có hình dáng nhất định. Việc tạo nên hình dáng trăm hình, trăm dáng của cát là do gió bào mòn và thổi bay lớp cát mỏng manh phía trên. Kết hợp với việc xâm thực của cát và hiện tượng rạng của bờ biển khiến cho hiện tượng sa mạc hóa và sạt lở của bờ biển diễn tiến vô cùng nghiêm trọng.

Cái tên Đồi Hồng duyên dáng bắt nguồn từ việc cát ở đây có màu đỏ hồng chứ không màu trắng hay vàng như mọi người vẫn nghĩ.



Thác Bà – Núi Ông
Truyền thuyết Thác Bà đã làm tô điểm thêm cho bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Đó chính là câu chuyện người chồng rất thương yêu vợ. Tuy nhiên, có một tật xấu là khi ngồi vào bàn cờ, thì không ai hay đều gì có thể khiến ông phân tâm. Một ngày kia, ông lên núi đánh cờ với tiên ông. Đều là những tay lão luyện, ván cờ của hai vị kéo dài rất dài. Từ ngày này sang ngày khác, tháng này qua tháng kia, năm này đến năm nọ.

Người vợ ở nhà chờ chồng đến khi tóc bạc như mây vẫn không thấy chồng về. Bà qua đời, tóc xoã trắng bên sườn núi thành một ngọn thác. Sau khi kết thúc ván cờ, Người chồng về nhà, thấy vợ đã mất. Vừa giận mình, vừa hối hận, ông hoá thành ngọn núi ôm thác trong lòng. Đến nay, đền thờ Ông và dinh Cậu vẫn còn trên đỉnh núi.



Lầu Ông Hoàng
Vào năm 1911, Công tước De Montpensier qua Việt Nam du lịch và săn bắn. Nhận thấy phong cảnh tại những ngọn đồi xung quanh Phan Thiết rất hữu tình, nên ông đã mua lại mảnh đất rộng 536m2, cách Tháp PoSahnư 100 m về hướng Nam đê xây dựng biệt thự. Khi xây xong, biệt thự được xem là công trình hiện đại nhất Bình Thuận lúc bấy giờ. Tên gọi Lầu Ông Hoàng xuất phát từ cách gọi dân dã của người dân về sự sang trọng của vị công tước người Pháp cư ngụ ở đây.


Bãi đã Ông Địa
Bãi đá Ông Địa Mũi Né ngày xưa người ta vẫn hay gọi là Đám Ông Địa. Tại sao nó có cái tên này, đó là do người dân địa phương nơi đây đặt ra từ rất lâu. Hai chữ Ông Địa là do ngày trước tại bãi biển này có một mỏm đá hình ông Địa nhô lên giữa biển hướng mặt vào bờ. Với quan niệm á đông, người dân nơi đây lập đền thờ cúng bái với mong muốn được sức khỏe mà may mắn. Thời gian dần trôi đi, hết đợt sóng này đến đợt sóng khác, chúng dần bào mòn mỏm đá. Và đã biến mỏm đá hình ông Địa đã không còn được nguyên vẹn như xưa. Chính vì lẻ đó mà ngư dân ở đây đã cho xây dựng lại bức tượng để am thờ để tỏ lòng thành kính. Từ đó bãi đá này được mọi người truyền miệng và gọi là Bãi đá Ông Địa ngay từ lúc nào cũng không ai biết.


Gành Son
Tên gọi Gành Son Bình Thuận xuất phát từ những đồi đất sét màu đỏ rực vô cùng bắt mắt.

Còn ý kiến khác ch rằng, Gành Son là những dãy núi đá màu đỏ nhô cao như bị đẻo gọt bởi thời gian và hang động cheo leo gập ghềnh. Gành Son thật sự là một đồi đất sét đỏ, cứng, do mưa gió bào mòn từ bao đời nay, để lại một vùng cảnh quan khá đặc biệt.

 
Tổng hợp: SGT Group.

Tài liệu tham khảo:
- Theo kynguyentravel.com
- Theo langchaixua.com
- Theo Phan Chính
- Theo 
vamvo.com
- Theo dulichmuine.info
- Theo vyctravel.com
- Theo 123didulich.com
-Theo diadanhbinhthuan.com
-Theo dulichvietnam.com.vn