409 lượt xem

Nguồn gốc tên gọi Dinh Thầy Thiếm

Thầy Thím thực chất là tên gọi kép của một vợ chồng đạo sĩ (chồng là Thầy, vợ là Thím) có nhiều công đức đối với địa phương.

Theo truyền thuyết, Thầy sinh vào đầu thời Gia Long. Thuở thiếu thời, Thầy vừa cần mẫn dùi mài kinh sử, vừa tầm sư học đạo, nuôi chí giúp đời. Việc lớn chưa thành thì Thầy gặp đại tang, Cha, Mẹ cùng lúc qua đời. Là người hiếu thảo, Thầy ở lại quê nhà cùng Thím chịu tang Cha, Mẹ, sống kham khổ. Làng quê Thầy Thím nhiều năm liền hạn hán, mất mùa, đời sống của nhân dân cơ cực, cơm không đủ no, nước không đủ uống.

Động lòng trước nổi khốn khổ của dân, Thầy lập đàn khấn nguyện. Trời đang trong xanh bỗng sấm chuyển ầm ầm, mưa như trút nước, cây cỏ hồi sinh. Từ đó, Thầy nổi danh là một đạo sĩ có tài, dùng phép thuật của mình để cứu giúp dân lành. Một lần trong ngày hội đầu năm, dân làng mơ ước có một mái đình khang trang như làng bên. Đêm hôm ấy, gió mưa dữ dội, chớp giật rung chuyển cả đất trời. Khi trời yên, đất lặng, mọi người thấy ngôi đình mới toạ lạc ngay giữa làng thay ngôi đình dột nát cũ. Niềm vui chưa được bao lâu, thì làng bên cấp báo về triều đình tố cáo Thầy dùng phép đánh cắp đình, âm mưu gây bạo loạn... Nhà vua nghiêm trị Thầy ở mức cao nhất. Song, cảm thông trước khí khái quân tử, vua gia ân cho Thầy được chọn trong ba tội hình: xử trảm, uống thuốc độc hoặc tự thắt cổ. Thầy xin một tấm lụa đào và chọn hình thức sau cùng. Kỳ lạ thay, khi tấm lụa đào đến tay Thầy bỗng biến thành rồng nâng Thầy và Thím bay về phương Nam…

Từ đó, Thầy Thím cư ngụ tại làng Tam Tân (nay là xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận). Lúc đầu, Thầy Thím ở trọ nhà ông Hộ Hai, làm các nghề đốn củi, đóng ghe, bốc thuốc chữa bệnh. Lúc nào bên Thầy cũng có quả bầu khô. Một hôm, Thầy quên đem theo chiếc bầu, chủ nhà tò mò lấy ra xem, bỗng lửa phụt ra thiêu trụi cả căn nhà. Sau khi làm lại căn nhà mới cho ông Hộ Hai, Thầy Thím vào ở hẳn trong rừng sâu gần Bàu Cái. Thế nhưng, càng ở xa dân cư, danh tiếng của Thầy càng lan rộng, Thầy nhận đóng ghe cho ngư dân và giao rất đúng hẹn. Quanh khu rừng vang lên tiếng đục đẽo cả ngày, nhưng chưa bao giờ người ta thấy được một người giúp việc. Từ cánh rừng nơi Thầy đóng ghe ra đến biển dài hơn 3km có mạch nước nhỏ đổ ra biển, dân địa phương tương truyền đó là dòng nước Thầy dùng gậy tạo ra để đưa ghe ra biển.

Còn nhiều câu chuyện về lòng nhân ái của Thầy như trừng phạt bọn buôn gạo lợi dụng năm mất mùa bóp chẹt dân nghèo, cứu giúp dân chài trong cơn sóng to gió dữ… Không dừng lại ở đó, Thầy còn cảm hoá cả thú rừng vốn là nỗi nơm nớp lo sợ của nhiều người khi buổi đầu khai phá thiên nhiên hoang dã. Một ngày mùa thu, được tin Thầy Thím qua đời, dân làng loan báo tin buồn, vội vã vào đến nơi, thì thấy hai ngôi mộ bằng cát trắng phau được thú rừng vun đắp thành mộ ở gần nơi Thầy Thím tạ thế.

Hằng năm, cứ đến mùng năm tháng giêng âm lịch, người ta thấy có đôi Bạch – Hắc Hổ thường xuyên về tảo mộ, phủ phục gần đó canh gác cho ngôi mộ. Tỏ lòng nhớ công đức của Thầy – Thím, nhân dân địa phương chung sức lập dinh ở khu rừng Bàu Cái gần nơi hai người tạ thế, lấy ngày 15/9 âm lịch hằng năm là ngày lễ tế thu Thầy – Thím. Nghĩa cử Thầy – Thím được dân gian lưu truyền rộng rãi. Đến đời Vua Thành Thái năm thứ 18, nhà Vua đã xem xét lại án xử trước đây và ban sắc phong cho Thầy – Thím là “Chí Đức Tiên Sinh, Chí Đức Nương Nương Tôn Thần”.