437 lượt xem

Nguồn gốc một số tên gọi địa danh ở Gia Lai

Làng An Điền
Dòng họ đầu tiên khai phá vùng đất này là họ Nguyễn. Tên của làng là An Điền được giải thích là nơi có nhiều ruộng và người dân có cuộc sống khá yên ổn.


Làng An Thạch
An Thạch vốn là một làng thuộc xã Cửu An. Vì vị trí ban đầu của làng ở phía Tây núi Hai (hai hòn núi đứng kế nhau), ngọn núi này lại có nhiều đá trắng, từ trong làng nhìn lên, những khối đá đập ngay vào tầm mắt chúng ta. Theo lời thầy bói, đá trắng nhìn vào làng là không tốt, nên dân phải dời làng từ An Thạch 1 sang vị trí mới (An Thạch 2, nay là thôn An Thạch, xã Tú An). Người dân ở đây cũng giải thích tên của làng mình: An là yên bình, Thạch là đá.


Ayun Pa
Địa danh Ayun Pa là tên gọi được ghép từ tên hai con sông là sông Ayun và sông Pa (sông Ba), do vị trí địa lý nằm ở ngã ba sông nơi sông Ayun hợp lưu với sông Ba. Ayun Pa có các tên cũ là Cheo Reo, Phú Bổn, Hậu Bổn.


Chư Prông
Trung tâm huyện lỵ là thị trấn Chư Prông. Tên huyện được đặt theo tên ngọn núi cao nhất vùng “Chư Prông”.


Mang Yang
Mang Yang trong tiếng Gia Rai nghĩa là cổng trời. Tên huyện được đặt theo tên một con đèo nổi tiếng, đèo Mang Yang, trên quốc lộ 19 thuộc địa phận của huyện.


Đak Đoa
Đak Đoa là biến âm từ tên một dòng suối mà người Bahnar gọi là đak Doa (đọc là Toa), chảy qua làng Bahnar cùng tên (đe Doa). Ngôi làng và dòng suối này hiện thuộc xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa. Những người Bahnar ở xã Đak Sơ Mei và Đak Krong hiện nay vẫn phát âm tên làng là Doa, nhưng trong các văn bản, tên của làng đã được viết là Đe Đoa. Những người ở địa phương giải thích, Doa có thể là tên của người lập làng.


Biển Hồ Chè
Năm 1978-1984: Xây dựng Công trình thủy lợi Biển Hồ tạo nên một hồ chứa nhân tạo ở phía đông bắc Biển Hồ, tên thường gọi là Biển Hồ chè.


Thác 9 tầng
Thác 9 tầng, làng Mèo, xã Đak Pling, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai có tên gọi là thác Hđe-Thác của người ta. Sau những lần tham quan, thưởng ngoạn, thấy thác được phân chia tầng bậc rõ ràng, người dân nơi đây thuận miệng gọi luôn là thác 9 tầng.


Chư Đăng Ya
Chư Đăng Ya theo tiếng đồng bào J’rai có nghĩa là củ gừng dai – một ngọn núi lửa đã ngưng hoạt động hàng triệu năm, miệng núi lửa có hình phễu. Núi lửa Chư Đăng Ya nằm ẩn mình giữa rừng xanh đại ngàn hùng vĩ.


Kon Chư Răng
Những người dân ở xã Sơn Lang giải thích, làng Kon Jrăng mang tên này là vì, trong khu vực lập làng ban đầu có rất nhiều cây Jrăng-một loại cây mà đồng bào gọi là chôm chôm rừng hoặc nhãn rừng. Còn kon là một danh từ chung để chỉ làng của người Bahnar ở khu vực này. Như vậy, cái tên có ý nghĩa nhất và phù hợp nhất của địa danh này phải là Kon Jrăng. Còn Kon Cha Răng là biến âm của từ gốc Jrăng.


Thác Lệ Kim
Cái tên Lệ Kim mới chỉ có từ những năm cuối của thập niên 50 thế kỷ trước, khi chính quyền Sài Gòn đưa những người Kinh từ Quảng Ngãi lên lập dinh điền Lệ Kim. Còn với người Jrai ở địa phương thì từ lâu đời, đồng bào vẫn gọi thác nước này là Ia Grai Glong Blang, có nghĩa là thác nước cao trên suối Blang.


Thác Công Chúa
Cái tên "Công chúa" không phải tự nhiên mà có,  bởi theo truyền thuyết của người dân làng Mơn kể lại, từ xa xưa con thác này chính là nơi dành cho các nàng công chúa đến để tắm rửa, chơi đùa với nhau. Do vậy, con thác này mới được lấy tên là thác Công Chúa.

 
Tổng hợp: SGT Group.

Tài liệu tham khảo:
- Theo baogialai.com.vn
- Theo chuprong.gialai.gov.vn
-Theo gialai.gov.vn
- Theo tinhgialai.vn
- Theo tripzone.vn