Tên gọi Pleiku có nguồn gốc từ tên của một làng Jrai (plơi Aku). Trong tiếng Jrai, “aku” có nghĩa là cái đuôi, vì nguyên âm a đứng trước một phụ âm là âm câm, nên khi đọc nó không được thể hiện. Đến nay, mặc dù viết là Pleiku nhưng địa danh này vẫn được hiểu là có nguồn gốc từ plơi Aku tức “làng Đuôi”.
- Truyền thuyết thứ nhất:
Ngày xưa ở làng Brel có 2 gia đình gả con cho nhau. Theo đúng tục lệ của người Jrai, sau khi lấy vợ, người chồng phải về ở rể suốt đời nên khi làm lễ cưới cô dâu phải lo mọi lễ vật.
Cưới được mấy hôm, cô dâu phải làm lễ tạ ơn cha mẹ chồng. Nàng giết một con lợn rất to và một con trâu đực. Hơn một tháng sau, người chồng phải làm lễ tạ ơn cha mẹ vợ tại làng mình. Vì là gia đình giàu có lại rất có uy tín nên anh em họ hàng và lũ làng kéo đến chia vui rất đông. Rượu ghè nhiều không đếm xuể. Già làng phân công những người có kinh nghiệm giết bò, còn việc thui và mổ heo thì giao cho lũ thanh niên. Chúng hí hửng vừa đùa giỡn, vừa xẻ thịt nướng ăn và ăn luôn cả cái đuôi lợn. Khi bày lễ vật ra cúng, không có đuôi lợn, người nhà lật đật xuống dưới gọi lũ thanh niên giết lợn khác. Nhưng cũng như lần trước, lần này vì quá đói chúng lại ăn mất cái đuôi, vì chúng không biết là cái đuôi lợn quan trọng cho lễ cúng. Cứ như thế, rất nhiều con lợn bị giết nhưng vẫn cứ mất cái đuôi lợn. Cuối cùng, gia chủ không giao cho đám thanh niên mổ lợn nữa mà phải giao cho người già, lúc đó cái đuôi lợn không bị mất nữa, lục đục đến tối mới xong buổi lễ.
Để trừng phạt lũ thanh niên đã ăn vụng đuôi lợn, già làng đặt tên làng này là plei Ku nghĩa là “làng Cái đuôi” với dụng ý mỗi khi gọi đến tên làng thì bọn thanh niên phải xấu hổ vì hành động của mình.
Từ làng gốc đó, sau này Plei Ku còn tách ra nhiều làng nhỏ: Plơi Ku Roh, Plơi Ku Tong, Plơi Ku Blang…
- Truyền thuyết thứ hai:
Nhân một ngày hội lớn, người Jrai quần tụ quanh nhà rông để tộc trưởng cúng yang (Giàng - Trời). Giữa lúc dân làng đang vui mừng nhảy múa quanh con trâu cúng yang, thì xảy ra một cuộc xô xát giữa 2 con trai tộc trưởng. Họ tranh nhau cái đuôi trâu, bởi theo phong tục của người Jrai, nếu ai chiếm được đuôi trâu để tế Trời - Đất là một vinh dự lớn.
Cuối cùng, người chiếm được đuôi trâu được lưu lại vùng đất này và đặt tên làng là Aku (cái đuôi) với dụng ý đề cao chiến thắng của mình. Người không chiếm được đuôi trâu phải dạt đi, lập các làng mới.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân. Phân tích cách viết tên “Plei-Kou-Derr”, Tên “Pleiku” ngày nay là được viết từ việc biến đổi cách viết “Plei-Kou”. Còn cái đuôi “Derr”, tra từ điển Pháp – Việt, không có từ “Derr”. Như vậy, “Derr” ở đây chính là một yếu tố của từ tiếng Jrai. Trở lại với cái tên “Plei-Kou-Derr”, có thể đây chính là từ “Plơi Kơdưr” được phiên tự theo cách viết tiếng Pháp.
“Plơi” tiếng Jrai nghĩa là “Làng”. Còn “Kơdưr” có hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là “hướng bắc”, nghĩa thứ hai là “trên cao”. Cả hai nghĩa này đều phù hợp với vị trí của Pleiku. Bởi vì ngày xưa vùng đất sinh sống của người Jrai là phía Nam của Pleiku, từ Phú Thiện trở vào. Với nghĩa thứ hai, Pleiku là làng có độ cao hơn so với các làng khác của người Jrai. Như vậy, “Plơi Kơdưr” nghĩa là “Làng Bắc” hoặc “Làng Thượng” (trên cao).
Về việc phiên tự “Kơ” thành “Kou” có thể là do lúc đó chưa cơ ký tự “ơ” như ngày nay nên người ta dùng hai ký tự “ou” để đọc là “ơ”. Còn “Dưr” được viết thành “Derr” có thể là do lúc đó chưa có ký tự “ư” nên viết thành “e”.
Theo Nghị định Toàn quyền ngày 24-5-1925, đại lý hành chính Pleiku thuộc tỉnh Kon Tum được thành lập. Từ đây, Pleiku với ý nghĩa một địa danh cả về cách đọc và cách viết đã ra đời và tồn tại đến ngày nay.
Từ làng gốc Pleiku, sau này còn tách ra nhiều làng nhỏ: plơi Ku Roh, plơi Ku Ngó, plơi Ku Tong, plơi Ku Blang…