453 lượt xem

Nguồn gốc tên gọi Cẩm Lệ - Đà Nẵng

Tương truyền, ngày xưa có một người con gái tên Cẩm vì chuyện duyên tình trái ngang đã trầm mình xuống sông tự vẫn; khi được vớt lên, nhiều người đã nhỏ đôi dòng lệ khóc thương cô gái, nên dòng sông từ đó mang tên Cẩm Lệ.
Theo Nguyễn Quang Trung Tiến – Sóng nước Đà Giang


Ở Cẩm Lệ nay còn truyền rằng vào thời nhà Trần dưới triều Trần Dụ Tông có tướng quân họ Phan, tước vị được phong có ghi là Cẩm Ba Hầu, ông cùng đoàn quân của Đại Việt vào nam khai phá đất đai, nhưng bị chết ở đây. Đấy là năm Đinh Mùi 1367.

Từ đó, người Việt ở vùng đất này gọi tên con sông là Cẩm Giang. Mãi đến thời Lê Thánh Tông, năm Canh Thìn (1470) [chính xác phải là Canh Dần – ĐNCT], vùng Cẩm Lệ vẫn có tên và con sông này mang tên là Cẩm giang Lệ thủy. Cẩm Lệ nghĩa là “trái khổ qua da đen”.
Võ Văn Hòe, Hồ Tấn Tuấn, Lưu Anh Rô – Văn hóa xứ Quảng

Ngày xưa gần bến đò Lỗ Giáng (bên con sông lúc đó chưa có tên) có một quần trạm gồm nhiều trạm như quán ăn, trạm cho thuê ngựa, nhà nghỉ... với nhiều khách vãng lai. Phía thượng nguồn gần đó là vùng phù sa bồi lấp sau mỗi mùa lũ lụt nên rất thích hợp với các loại rau củ quả, trong đó nổi tiếng đặc sản là giống khổ qua da đen, gọi là trái cẩm lệ. Người dân thường chèo thuyền đưa trái cẩm lệ xuống bán dưới bến đò, lâu ngày tên trái trở thành tên sông, rồi tên sông thành tên làng.
Theo Ngô Văn Lại


Cẩm Lệ thực ra là trái vải có da màu đỏ sẫm như gấm. Cẩm nghĩa là gấm; Lệ là viết tắt của lệ chi nghĩa là cây vải (lệ tử: quả vải). Ngày trước cả vùng này trồng cây vải thiều có da như gấm, được nhiều nơi biết tiếng, từ tên trái thành tên làng rồi sau đó mới thành tên sông.
Theo Nguyễn Sinh Duy

 
Tổng hợp: SGT Group.