356 lượt xem

Tại sao gọi là Đà Nẵng?

Đà Nẵng có tên gọi được biến dạng của từ Chăm cổ Đaknan. Đak có nghĩa là nước, nan hay nưn, tức Ianưng là rộng. Đaknan hàm ý vùng sông nước rộng mênh mông ở cửa sông Hàn. Có nhà nghiên cứu cho rằng "Đà Nẵng" có thể xuất phát từ nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer, Đakdơng - Đà dơng, có nghĩa là sông nguồn.
Theo Trần Nhật Giáp


Ngoài cách giải thích bằng ngôn ngữ Chăm, còn một cách giải thích khác vô cùng thú vị dựa trên thời tiết của nơi đây. Trong bài hát Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây có câu rằng
“Một dãy núi mà hai màu mây
Nơi nắng nơi mưa, khí trời cũng khác
Như anh với em, như Nam với Bắc
Như Đông với Tây một dải rừng liền.”

Đà Nẵng và Huế được ngăn cách bởi đèo Hải Vân hùng vĩ – thiên hạ đệ nhất hùng quan. Một bên đèo là Huế khi vào mùa thường mưa tầm tã không ngớt, mưa đến thối đất thối cát. Nhưng chỉ cần băng qua đèo thì trời quang mây tạnh, mua không còn, nắng đã lên. Người ta thường hí hửng đã nắng, đã nắng… Người miền Trung thường nói giọng nặng hơn “đã” nghe giống “đà”, “nắng” nghe giống “nẵng”. Lâu dần người ta gọi đà nẵng cho dễ đọc và thành phố xinh đẹp bên dòng sông Hàn đã mang tên gọi Đà Nẵng từ đó.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương cho rằng các danh xưng Hàn, Đà Nẵng đã có từ dưới thời Chămpa. Tiếng Chămpa là bộ phận của ngôn ngữ Mã Lai - Đa đảo, Hàn có nghĩa là Bến, còn từ Đà Nẵng có nghĩa là Sông Già, Sông Lớn (Đà là sông, nước; Nẵng là già, lớn).

Nhà nghiên cứu Lam Giang cho rằng người Chăm gọi tên vùng này là “Hang Đanak” là bờ biển buôn bán. Còn “Đanak” hay “Đarak” có nghĩa là “Sông Lớn”, tức sông Hàn.

Theo nhà nghiên cứu Lê Văn Hảo, Đà Nẵng là địa danh phiên âm từ tiếng Chàm “Hang Danak”, nghĩa là bờ biển buôn bán, chữ Danak hay Darak nghĩa là con sông. Theo Hán tự, chữ đà là con sông, chữ nẵng là xưa kia. Ông cho rằng “Đà Nẵng là tên gọi do người Việt mượn của tiếng Chàm mà Việt hóa theo âm Hán Việt một cách tài tình, giữ cả âm lẫn nghĩa: vùng sông nước xưa kia”.

Theo cụ Bố Thuận, con của quan Pháp Aymonier lấy vợ người Chăm, làm ở Viễn Đông Bác cổ, sống ở Phan Rí vào đầu thế kỷ XX, Đà Nẵng là biến dạng của từ Chăm cổ Daknan. Dak có nghĩa là nước, nan hay nưn là rộng. Địa danh Daknan hàm ý chỉ vùng sông nước rộng mênh mông cửa sông Hàn bây giờ. Người Việt phiên âm ra thành Đà Nẵng. Cũng theo cụ Bố Thuận thì chữ Daknan, người Trung Hoa gốc Hải Nam đọc là Tounan, sau này biến đổi thành Tourane.

Nhà nghiên cứu Sakaya cho rằng, tiếng Chăm và Raglai là như nhau, thuộc ngôn ngữ Malayo - Polynesia, nhưng hiện nay ngôn ngữ cổ của người Chăm đã rơi rụng nhiều, riêng người Raglai còn lưu giữ nhiều yếu tố cổ hơn. Trong ngôn ngữ người Raglai ở Khánh Hòa, Danang nghĩa là nguồn, sông nguồn. Phải chăng Danang là nguồn gốc của địa danh Đà Nẵng?

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy, địa danh Đà Nẵng hình thành không ngoài quy luật giao thoa các ngôn ngữ Ấn, Hoa, trong đó từ nguyên Phạn - Hán không thể không xét đến. Người Ấn Độ đã đi lại và lưu trú trên dải đất này từ thế kỷ thứ III-II trước công nguyên, nền văn minh Ấn với Phạn ngữ du nhập trước tiên, bản địa hóa thành Chăm ngữ. Người Trung Hoa diễn dịch ngôn ngữ Ấn sanskrit bằng âm Hán, sau khi ảnh hưởng của Ấn suy yếu, người Hán đã thay thế bằng cách Trung Hoa hóa, đặc biệt là các danh xưng. Ông cho rằng dải đất bên tả ngạn sông Hàn đối diện với bán đảo Sơn Trà ngày nay, trong thịnh thời của người Chăm ngự trị châu Amaravati, có tên là Hang Danak (chữ minh họa kèm theo). Hang có nghĩa là dải đất do biển rút cạn để lộ ra. Danak có nghĩa là cửa sông tiếp giáp biển.

Danh xưng Đà Nẵng bắt nguồn từ âm Chăm Danak, có nghĩa là cửa sông tiếp giáp biển. Theo từ nguyên Hán ngữ, Đà là nước từ sông chảy ra, sông nhánh; Nẵng là dòng chảy của nước, dòng nước trong núi chảy ra sông người nước Thục. Người Hoa Nam phát âm Đà Nẵng là Tu-rang, người Bồ Đào Nha khi đến Quảng Nam trong thế kỷ XVI, XVII đã ký âm thành Turan, Turam, Turao, Turơn, Turone, v.v… Người Việt đã diễn dịch âm Chăm Nak thành Nãng với tự dạng Hán tự có nghĩa là xưa, trước kia, nhưng vẫn đọc là Nẵng. Ông cũng cho rằng tên gọi Hàn nguyên là âm Hán - Việt của Chăm ngữ Hang và có nghĩa là dải đất do biển rút cạn để lộ ra.
Theo baodanang.vn

 
Tổng hợp: SGT Group.