343 lượt xem

Tại sao gọi là Hội An?

Xét theo nghĩa rộng, Faifo – Hội An là danh xưng của một vùng đất, có Đô thị – thương cảng/phố cảng quốc tế nổi tiếng ở miền Trung Việt Nam được hình thành vào cuối thế kỷ XVI.  Nơi quy tụ hàng hóa sản phẩm, năm nào cũng mở hội chợ kéo dài gần 4 tháng.

Còn Faifo – Hội An theo nghĩa không gian hẹp với Hoài (phô) phố, Hội (An) phố… theo cách gọi dân gian hay trong các văn bản nhà nước: Faifo phố/“Ville de Faifo” thời thuộc Pháp; hay Phố cổ Hội An, Đô thị cổ Hội An, Khu phố cổ Hội An… theo cách gọi hiện nay của các nhà lịch sử, kiến trúc, bảo tồn di sản văn hóa… thì không gian địa lý của nó là một phần rất nhỏ của Faifo – Hội An với hàm nghĩa là Đô thị – thương cảng hay phố cảng quốc tế. Tức nó chỉ là phần trung tâm phố/thị gắn với chợ, nơi bán buôn, tương ứng với khu phố cổ Hội An hiện nay.

Có thể nói về vai trò lịch sử, danh xưng Hoài Phô đã được tiếp nối bởi danh xưng Hội An với hàm nghĩa sâu sa của nó là nơi Hội Nhân – tụ cư của con người từ nhiều lớp, nhiều nguồn, nhiều dân tộc…; Hội Thủy – nơi hợp lưu của 3 nguồn sông lớn của xứ Quảng: Thu Bồn – Ô Gia/Vu Gia, Chiên Đàn; Hội Văn – đó là sự kế thừa văn hóa Sa Huỳnh – Champa, truyền thống văn hóa Việt và sự hội nhập của văn hóa Nhật Bản, Trung Hoa, Phương Tây, cùng các nước trong khu vực Đông Nam Á.


Theo một thuyết khác, nhánh sông Thu Bồn chảy qua phố cổ Hội An hiện nay có tên là sông Hoài, nên Hội An còn được gọi là Hoài Phố, sau Hoài Phố biến thành Phai Phố, từ đó xuất hiện cái tên Faifo.
Theo Đặng Việt Ngoạn

 
Tổng hợp: SGT Group.