Nguồn gốc tên gọi Cồn Sơn ở Cần Thơ
Cồn sơn là một vùng đất nổi giữa sông Hậu, hay người ta còn gọi là cù lao. Cồn Sơn thuộc Quận Bình Thủy, Thành Phố Cần Thơ. Theo như bản đồ của Pháp năm 1949-1950 lưu lại, thì Cồn Sơn có tên “cù lao Trà Nóc”; lại có tài liệu gọi là Cồn Linh vì thời xa xưa, Bình Thủy bị nạn dịch bệnh hoành hành, nhiều xác chết trôi sông tấp vào, được người dân chôn cất, sau đó xuất hiện nhiều hiện tượng lạ, cho rằng, những người chết trôi linh ứng nên gọi tên là Cồn Linh. Đến đời vua Tự Đức thứ 5 (1852), quan tuần phủ Huỳnh Mẫn Đạt ngồi thuyền đi tuần trên sông Hậu, vừa đến Cồn Linh thì gặp trận cuồng phong. Tuần phủ hỏi các bô lão cần nơi tránh nạn thì được chỉ tìm đến cù lao có “ngọn rạch bình yên, không hề có sóng to gió lớn. Hoa màu thịnh vượng, dân lạc nghiệp an”. Tuần phủ ưng lòng đặt tên vùng này là Bình Thủy, có cù lao Cồn Sơn nằm ngang. Còn theo những người cao niên trên cồn thì từ trước năm 1930, cù lao này, trước đó có tên gọi Cồn Linh; dần về sau mọc rất nhiều cây sơn. Cái tên Cồn Sơn được đặt nên bởi lý do thế. Những cây sơn được khai thác nhựa cây dùng để sơn son thiếp vàng đồ nội thất bằng gỗ. Nghề truyền thống ban đầu chính là khai thác nhựa cây sơn và làm gỗ. Dần về sau nghề này trở nên mai một dần. Người dân bắt đầu chuyển sang trồng cây ăn trái và nuôi bè cá.