334 lượt xem

Nguồn gốc tên gọi một số địa danh ở Kiên Giang

1. Gò Quao
Gò Quao vốn có nghĩa là “gò có nhiều cây quao”. Quao là “giống cây lá có chất nhuộm màu đen”.

2. U Minh Thượng
Trước kia, vùng rừng U Minh Thượng tên là “Thập Câu” vì có 10 con rạch lớn xếp hàng chảy ra vịnh Thái Lan. Những năm tháng khai hoang, mở đất, chinh phục thiên nhiên khắc nghiệt đã hun đúc nên tính cách người U Minh Thượng: cần cù chịu khó, nghĩa khí can trường, sống hào phóng như thiên nhiên vùng đất cực nam Tổ quốc.

3. Hòn Dừa hay Hòn Dứa
Đại đa số các thông tin đề nhắc đến tên gọi hòn Dứa. Tuy nhiên do Phú Quốc thuộc miền Tây nên cách gọi có chút luyến lái do đó có nhiều người nghe không rõ hoặc nói quá nhanh thì tên gọi Hòn Dừa lại trở thành: Hòn Dưa hay hòn Dứa. Vậy nên nếu các bạn đến Phú Quốc hỏi hòn Dừa hay Hòn Dứa thì người dân nơi đây vẫn chỉ các bạn đến Hòn Dừa nhé.

4. Nam Du
Hiện chưa rõ tên gọi Nam Du xuất phát từ đâu. Có nguồn cho rằng tên gọi này đã có từ thời vua Gia Long, nhưng nguồn khác lại cho rằng tên "Nam Du" là từ tên "Nam Dự" (南嶼, nghĩa là "đảo phía nam") do người Pháp ghi theo cách gọi của các cụ đồ Nho giáo thời xưa.
Trong dân gian lưu truyền các câu sau:
Hòn Mấu đâm thấu Đô Nai
Đô Nai quay sang Bờ Đập
Bờ Đập tấp lại hòn Lò
Hòn Lò mò đến hòn Ngang
Hòn Ngang tạt sang hòn Đụng
Hòn Đụng cụng vào hòn Dầu
Hòn Dầu nằm chầu Bỏ Áo
Bỏ Áo tháo ngược hòn Ông
Hòn Ông dông đến hòn Dâm
Hòn Dâm đâm thẳng hòn Tre
Hòn Tre te đến hòn Mốc
Hòn Mốc xốc lại hòn Nhàn
Hòn Nhàn tràn thẳng hòn Hàn
Hòn Hàn quàng cổ ba hòn Nồm
Hòn Nồm chồm đại lên hòn Khô
Hòn Khô vô bãi Chệt
Bãi Chệt lết lên hòn Lớn...

Năm 1822, đại sứ nước Anh John Crawfurd trên hành trình đi sứ Xiêm và Cochin China [Việt Nam] có lẽ đã ghé thăm và khám phá quần đảo Nam Du. Ngày 12, lúc 6 giờ sáng, ông gặp một quần đảo, trong đó có một đảo lớn, dài khoảng 4 dặm, có khoảng 20 đảo nhỏ bao xung quanh, tên là Hon-co-thron [hòn Củ Tron] hoặc Hon-co-tre [Hòn Cò Tre]. Tên gọi này theo ông là do tiếng An Nam hoặc Cochin China. Ông cũng lên khám phá một số đảo.

5. Quần đảo Bà Lụa
Tên gọi Bà Lụa của quần đảo này được người ta giải nghĩa rất khác nhau. Có nguồn cho rằng Bà Lụa là tên của một vị nữ tướng hậu cần đã lập xưởng dệt lụa trên đảo này để cung cấp cho nghĩa quân Nguyễn Trung Trực (Anh Động, 2010). Nguồn khác giải thích rằng một người Pháp có tầm ảnh hưởng lên chính quyền thuộc địa đã đến khai thác vùng này, và bà vợ người Việt gốc Hoa của ông có tên là Bà Lụa. Giấy tờ, chủ quyền đất đai đều do bà đứng tên, từ đó quần đảo có tên là Bà Lụa. Lại có nguồn cho rằng khoảng năm 1858, một ông quan lớn lấy được một bà vợ có nhan sắc và tính tình hiền hậu. Bà tìm nơi bình yên, lánh xa chốn quan trường và cuối cùng đã dừng chân tại đây. Hàng ngày bà nuôi tằm, dệt lụa và từ đó người ta đặt tên quần đảo theo nghề của bà.

6. Hòn Phụ Tử
Theo truyền thuyết, xưa kia ở vùng biển này có con thuồng luồng rất hung dữ, hay đánh đắm vào thuyền bè để ăn thịt ngư dân. Bên chân ngọn An Hải Sơn, cạnh chùa Hang, có hai cha con làm nghề chài lưới. Quá bất bình trước tình cảnh này, người cha quyết lòng tiêu diệt con ác thú trừ hại cho bà con. Sau khi tính hết kế, cuối cùng ông thấy chỉ còn cách hy sinh thân mình mới mong giết được con thuồng luồng này. Thế là ông liền tẩm thuốc độc vào mình, nằm sát mé biển để dụ con ác thú. Thấy mồi ngon, con thuồng luồng đến cắn đứt đầu ông, trúng độc rồi chết. Người con đi tìm cha, bắt gặp xác cha cụt đầu liền ôm lấy khóc thương thảm thiết. Không ngờ chất độc từ người cha thấm vào khiến người con trúng độc mà chết. Trời nổi giông bão, mưa suốt mấy ngày liền. Và nơi hai cha con nằm mọc lên hai hòn đá lớn và nhỏ. Hòn to là cha và hòn nhỏ là con, người ta gọi là hòn Phụ Tử.

Hai bên hòn Phụ Tử là hai hòn đảo có hình dáng giống như một con thỏ quỳ hai chân sau để giỡn với sóng biển và một con rùa. Thiên nhiên đã tạo nên một cảnh quan thật tuyệt. Chắc chắn rằng ai đã đến hòn Phụ Tử thì không thể quên được cảnh non nước hữu tình.

Núi Đá Dựng nằm ở cực Bắc bán đảo Lộc Trĩ, là một khối đá vôi cao khoảng 100m. Vì các vách đá đứng đứng nên được gọi là núi Đá Dựng. Do tác động của thiên nhiên, núi Đá Dựng bị xâm thực tái tạo như một lâu đài cổ với các lầu canh, lỗ châu mai, tháp vọng gác, đường ngầm…theo địa chất học, Đá dựng là một khối đá vôi nặng khoảng 6 triệu tấn; Nó phản ứng dưới nước mưa tạo thành màu đen với các vân trắng trông rất đẹp mắt.


7. Đảo Hải Tặc
Quần đảo này cách bờ biển Hà Tiên gần 28 km và đảo Phú Quốc 40 km. Hải Tặc có sức hút riêng nhờ tên gọi và vẻ đẹp hoang sơ ít người biết đến. Từ bến tàu Hà Tiên đi khoảng gần 2 tiếng là khách tới được đảo Hải Tặc.
Ông Trần Chí Thành, 45 tuổi, người dân sống trên đảo từ năm 1983 đến nay giải thích: “Tôi cũng nghe các ông, các chú kể lại ngày xưa do băng hải tặc trụ ở đây, đón các ghe tàu qua hòng cướp hàng hóa rồi đem lên đảo hải tặc sinh sống nên mới có tên gọi đảo Hải Tặc”.
Nằm trong khu vực vịnh Hà Tiên – Rạch Giá ra đến vịnh Thái Lan, một tuyến đường thông thương quan trọng từ Trung Quốc sang các nước phương Tây, nên từ nhiều thế kỷ trước, quần đảo này là nơi lý tưởng để cướp biển đồn trú, ẩn nấp, mai phục và tấn công các tàu buôn qua lại. Đến tận những năm đầu thế kỷ 20, ở vùng biển này nạn cướp biển vẫn hoành hành.


Nguồn: Tổng hợp SGT Group.