349 lượt xem

Nguồn gốc tên gọi Ngũ Hành Sơn

Năm Minh Mạng thứ 18 (1837) khi vua Minh Mạng dựa vào cấu tạo, vị trí tự nhiên của núi và thuyết âm dương ngũ hành đã đặt tên lần lượt cho các ngọn núi là: Kim Sơn – Mộc Sơn – Thủy Sơn – Hỏa Sơn – Thổ Sơn (riêng Hỏa Sơn có 2 ngọn núi gần kề nên được gọi là Dương Hỏa Sơn và Âm Hỏa Sơn) và tên gọi chung cho quần thể là Ngũ Hành Sơn.

Tên khác: Người dân địa phương còn gọi cụm núi này với những cái tên như: hòn Non Nước, Ngũ Uẩn Sơn (núi năm chòm), Phổ Đà Sơn, Bạch Hoa Ngũ Chỉ Sơn (năm ngón tay - vì đứng trên nhìn xuống nó giống như một bàn tay khổng lồ có 05 ngón cắm xuống đất).


Theo một số người, tên Ngũ Hành Sơn không những mang tính hoa mỹ hơn, mà người đặt ra nó đã dựa vào thế đất, thế núi và có kết hợp các yếu tố cơ bản của thuyết âm dương-ngũ hành. Tuy nhiên, ở cuối thế kỷ 19, một nhà nghiên cứu người Pháp là Albert Sallet, thì lại dựa vào chất liệu của núi đá để đặt tên cho thắng cảnh là "Les montagnes de marbre" (Những ngọn núi đá cẩm thạch).

Theo truyền thuyết và sử sách ghi lại, Ngũ Hành Sơn là vùng đất linh thiêng, có giá trị văn hóa tâm linh đặc sắc. Tương truyền, trong thời khắc sinh ra của trời và đất, khi mảnh đất nàyvẫn còn hoang sơ, một con rùa biển lớn từ Biển Đông bò vào bờ và chọn vùng đất này làm nơi đẻ trứng.
Khác biệt là con rùa lớn này chỉ đẻ duy nhất 1 quả trứng rồi trở lại biển, vỏ trứng nứt làm 5 mảnh, trở thành 5 trái núi nên gọi là Ngũ Hành Sơn. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lịch sử chỉ ra rằng, các cứ liệu lịch sử cho thấy, vùng đất này có tên gọi là Non Nước từ lâu đời và đã đi vào ca dao như một tổng kết kinh nghiệm về thời tiết của dân chúng: “Chiều chiều mây phủ Sơn Trà, Sấm rền Non Nước trời đà chuyển mưa”.

Trong Giáp Ngọ bình Nam đồ do Đoan quốc công Nguyễn Hoàng lập năm 1594, sau khi được vua Lê cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa, vẽ đường đi từ Chiêm Thành đến biên giới Chân Lạp có ghi địa danh “Non Nước Sơn”.

Cũng như trong Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư do Đỗ Bá Công Đạo, tự Đạo Phủ, quê Nghệ An, soạn vào năm Bính Dần (1686), vẽ đường đi từ Thăng Long đến Chiêm Thành đều có ghi “Non Nước Sơn tam đỉnh” bằng chữ Nôm. Như vậy, địa danh núi Non Nước đã xuất hiện trên văn bản hơn 5 thế kỷ, còn sự ra đời của vùng đất này chắc phải kể từ khi những lưu dân Việt đặt chân đến đây.
Trong khi đó, tên Ngũ Hành Sơn được Lê Quang Định nói đến trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (1806) như sau: “Phía đông bến đò xã Hoàn Ký Đông có núi Ngũ Hành Sơn, năm tòa núi chia làm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ gọi là núi Non Nước”.

Nhưng phải đến năm Minh Mạng thứ mười tám (1837) cũng là lần thứ 3 đến ngự du nơi này (lần thứ nhất vào năm 1825 và lần thứ hai vào năm 1827), nhà vua mới chính thức ghi tên Ngũ Hành Sơn vào bản đồ địa chính của Đại Nam (quốc hiệu nước ta thời bấy giờ) bằng một sắc chỉ - theo sách Đại Nam dư địa chí ước biên, đồng thời tiến hành tu sửa chùa Tam Thai và xây dựng chùa Ứng Chân.
Tổng hợp: SGT Group.