Chuyển kể rằng, xưa kia, lúc người Tày mới về đây phá nương làm rẫy, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn nhưng trời lại ban cho các cô gái Tày một vẻ đẹp thuần khiết, nết na, thùy mị. Bởi thế thường được quan trong vùng tìm để tiến cử vào cung dâng lên bậc vương chúa.
Nhưng có một lần, cô gái đẹp nhất của Bản Giốc khi ấy lọt vào mắt xanh của hoàng tử đã liều mình trốn thoát cùng người mình yêu. Hai người dìu nhau chạy về tới Bản Giốc thì trời vừa tối. Họ dừng lại nghỉ chân cạnh khe suối ở bìa rừng, ngồi đó cùng ôn lại kỷ niệm một thời yêu nhau và những đắng cay khi bị chia lìa. Vì quá kiệt sức sau thời gian chạy trốn dài ngày, cả hai đã lịm đi trong những hồi tưởng và hạnh phúc. Ngay sau đó, dân bản chứng kiến trời đổ mưa tầm tã cả tuần liền.
Nước ngập khe suối, không ai dám ra ngoài vì mưa to kèm sấm sét dữ dội. Kỳ lạ thay, khi mưa tạnh, nơi đôi tình nhân ấy say giấc ngủ ngàn thu, người ta không còn tìm thấy xác hay bất cứ dấu tích gì mà chỉ thấy có hai ngọn thác lớn đổ nước trắng xóa phía bên cạnh bản. Dưới chân thác, mặt nước trong xanh hiền hòa như không vướng víu bụi trần. Kể từ đó, người dân gọi nơi đây là thác Bản Giốc để tưởng nhớ về một thời gái bản tiến vua, cũng là niềm tự hào của người Tày với sắc đẹp trời ban.
Người ta đồn rằng ngọn thác ở giữa chia ba tầng, có hai tầng sát nhau như tư thế đôi tình nhân ôm nhau. Đó chính là hình ảnh người con trai đang ôm người yêu vào lòng, cả hai cùng khóc. Giọt nước mắt chảy dài thành dòng thác cuồn cuộn. Còn ngọn thác bên phải từ chân thác nhìn lên đổ ầm ào không ngớt là hình ảnh của vị hoàng tử nọ.
Hoàng tử vì uất ức mà ngồi đó tiếc nuối người con gái mình yêu thương rồi cũng hóa thành thác dữ. Nhưng vì sự cảm phục trước tình yêu của đôi trai gái bản Tày, giọt nước mắt của hoàng tử cũng hòa chung với nước mắt của đôi tình nhân. Câu chuyện tưởng như rất buồn của chuyện tình đẹp nhưng lại là dấu ấn, là biểu tường tình yêu cho đời.