360 lượt xem

Nguồn gốc tên gọi một số địa danh ở Cao Bằng (Phần 1)

Trên phạm vi toàn tỉnh, núi, đồi là các thành tố địa hình tự nhiên được con người dùng để đặt tên làng, bản, như: bản Phja Đeng (núi đất đỏ), Phja Moóc (núi sương mù), Phja Bó (núi có mỏ nước), Pỏ Héc (đồi chảo)...

Bên cạnh đó, thung lũng, đèo, sông, suối cũng mang nhiều tên làng, bản: Lũng Nhùng (lũng muỗi), Lũng Chang (lũng giữa), Lũng Rì (lũng dài), Lũng Phầy (lũng lửa), Lũng Kít (lũng sơn dương), Lũng Ca (lũng chim quạ); Khau Hoa (đèo hoa), Khau Hân (đèo cáo), Kéo Toong (đèo lá), Kéo Tàn (đèo cây mạy tàn); Khuổi Ky (suối nhỏ), Khuổi Goòng (suối Goòng), Tả Gọn (sông có guồng nước)...

Các yếu tố tự nhiên như rừng, cây, mỏ nước, các loại muông thú cũng đều mang tên làng: Đông Niếng (rừng quả niểng), Cốc Lùng (gốc cây đa), Bó Bủn (mỏ nước trào ra), Ca Chắp (quạ đậu)... Rất nhiều địa danh làng, bản mang các yếu tố tự nhiên từ xa xưa đến nay vẫn trường tồn.
Khi con người tác động vào tự nhiên, hình thành sản xuất nông nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi thì tên làng, bản đã phản ánh rõ nét về thời kỳ dài của nền văn minh lúa nước. Lúc này, chúng ta dễ bắt gặp nhiều nơi với những cái tên: bản Nà Pja (ruộng cá), Nà Nu (ruộng có nhiều chuột), Nà Lẹng (ruộng khô hạn), Nà Mò (ruộng bò), Nà Mằn (ruộng khoai), Nà Luông (ruộng to), Phjắc Cát (rau cải), Nà Thin (ruộng có nhiều đá)...

Mặt khác, cũng cần phải hiểu rằng, tên làng, bản không phải cố hữu, bất động mà luôn biến động theo chiều dài phát triển của lịch sử. Sản xuất phát triển dẫn tới giao thương hàng hóa thì xuất hiện các điểm chợ ở nông thôn và thành thị, thủ phủ, thành quách mọc lên, đã hình thành các tên làng, như: Bản Háng (bản chợ), Háng Thoang (chợ đồi trúc), Háng Gà (chợ bãi cỏ tranh), Háng Sléng (chợ thành), Bản  Slẻng (bản thành), Bản Phủ.

Một số làng, bản xưa nay đã đổi tên, như: làng Đoỏng Luông, xã Chí Viễn (Trùng Khánh) thành làng Đông Long; làng Bản Mấư thuộc xã Khâm Thành (Trùng Khánh) nay mang tên Bản Mới, thậm chí có nơi còn đặt tên làng mới theo tiếng phổ thông là làng Đồng Tâm, Đà Tiên, Bình Lang...

Đối với địa danh xã, phạm vi hành chính rộng mở bao gồm nhiều làng, bản thì địa danh cũng khá đa dạng và thay đổi theo dòng thời cuộc lịch sử. Nghiên cứu về địa danh xã, chúng ta thấy, những cái tên mang dấu ấn xưa về vùng, miền hay đặc trưng về tự nhiên còn lại rất ít, như: xã Cốc Pàng (Bảo Lạc); các xã: Lũng Nặm, Nà Sác, Hạ Thôn, Thượng Thôn, Kéo Yên (Hà Quảng).

Một số tên xã mang danh các bậc tiên liệt có công lao bảo vệ đất nước, đó là: Quốc Toản (Trà Lĩnh); Đình Phùng (Bảo Lạc); Thái Học, Lý Bôn (Bảo Lâm); Nguyễn Huệ, Ngũ Lão (Hòa An), Lê Lai (Thạch An)... Đa phần địa danh các xã hiện tại được mang tên các chiến sĩ cộng sản kiên trung của Đảng và dân tộc ta, như: Hồng Việt, Hoàng Tung, Hồng Nam, Bế Triều (Hòa An); Minh Tâm, Triệu Nguyên (Nguyên Bình); Xuân Trường (Bảo Lạc); Kim Đồng (Thạch An); Chí Thảo (Quảng Uyên); Phong Châu, Đình Phong, Chí Viễn (Trùng Khánh)...